Truy cập hiện tại

Đang có 331 khách và không thành viên đang online

Xây dựng đề cương nghiên cứu, biên soạn lịch sử đảng bộ

(TGAG)- Xây dựng đề cương là một bước rất quan trọng trong công tác nghiên cứu, biên soạn lịch sử đảng bộ, giúp cho người nghiên cứu nắm vững sự ra đời, phát triển và lãnh đạo của đảng bộ trong tiến trình lịch sử cách mạng cũng như xác định rõ sự phân kỳ lịch sử của công trình và chủ động trong công tác nghiên cứu, biên soạn. Căn cứ  đề cương sắp xếp kế hoạch chi tiết cho hoạt động nghiên cứu, phân công các thành viên biên soạn đảm bảo tiến độ và chất lượng công trình.

Trên cơ sở nguồn tư liệu đã thu thập được, tiến hành phân loại, nghiên cứu, xây dựng đề cương. Tuy nhiên, không phải đợi có đầy đủ tư liệu mới bắt tay vào xây dựng đề cương mà căn cứ vào nguồn tư liệu cần thiết và chính xác của địa phương có thể xây dựng đề cương tổng quát và sau đó là đề cương chi tiết.

Muốn xây dựng đề cương cần phải xác định rõ tiêu đề cuốn sách, từ đó phân chia chương, mục cho phù hợp. Trong thực tế việc đặt tiêu đề cho một công trình lịch sử đảng bộ có nhiều cách khác nhau như: Lịch sử Đảng bộ và nhân dân xã A, Lịch sử Đảng bộ huyện B, Lịch sử Đảng bộ và nhân dân tỉnh C những chặn đường lịch sử, Lịch sử đấu tranh cách mạng của Đảng bộ và nhân dân tỉnh D... Tuy nhiên, để phù hợp với đối tượng nghiên cứu của công trình lịch sử đảng bộ nên thống nhất tiêu đề chung nhất và chính xác nhất là: Lịch sử Đảng bộ xã/huyện/tỉnh từ năm... đến năm...

Chọn mốc thời gian bắt đầu: Nhiều địa phương lấy mốc năm 1930 (Đảng Cộng sản Việt Nam ra đời) làm điểm để bắt đầu nghiên cứu lịch sử đảng bộ, có địa phương lấy mốc là năm có đảng viên đầu tiên đến hoạt động, nhiều nơi căn cứ vào thời điểm chia tách địa giới hành chính, có nơi lấy mốc bắt đầu là thời điểm thành lập chi bộ, đảng bộ đầu tiên... Mặc dù có nhiều phương án khác nhau để xác định mốc bắt đầu nhưng dựa trên quan điểm chung về sự ra đời của Đảng Cộng sản Việt Nam và quá trình lãnh đạo, chỉ đạo của Đảng về phong trào cách mạng từng địa phương, các công trình nên thống nhất phương án lấy mốc thời gian nghiên cứu, biên soạn là từ khi thành lập chi bộ, đảng bộ địa phương.

Chọn mốc thời gian kết thúc: Nhiều địa phương khi nghiên cứu, biên soạn các công trình lịch sử đảng bộ lấy mốc kết thúc cách thời điểm hiện tại 5 năm, một số địa phương chọn mốc kết thúc đến thời điểm hiện tại và đưa ra những định hướng phát triển cho tương lai... Tuy nhiên, nên chọn mốc kết thúc ở đại hội đảng bộ gần nhất để có cơ sở để đánh giá các nhân vật, sự kiện.

Sau khi đã xác định được tên tiêu đề của cuốn sách, chúng ta tiến hành xây dựng đề cương. Đối với đề cương tổng quát cần xác định tên các chương, mục và nội dung cơ bản sẽ được thể hiện trong từng chương.

Đối với đề cương chi tiết phải thể hiện được các nội dung: Mở đầu, thứ tự các chương, mục và nội dung cơ bản của các chương, mục, kết luận và phụ lục. Tùy theo nội dung mỗi công trình để phân chương cho phù hợp, song nếu nghiên cứu, biên soạn toàn bộ lịch sử đảng bộ thường phân chia theo các giai đoạn như: vùng đất, con người và truyền thống lịch sử, văn hóa; xã/huyện/tỉnh... trong đấu tranh giải phóng dân tộc 1930 – 1945; xã/huyện/tỉnh... xây dựng, củng cố chính quyền cách mạng và kháng chiến chống thực dân Pháp 1945 – 1954; xã/huyện/tỉnh... trong kháng chiến chống Mỹ, cứu nước 1954 – 1975; xã/huyện/ tỉnh...cùng cả nước xây dựng và bảo vệ Tổ quốc xã hội chủ nghĩa 1975 – 1985; xã/huyện/tỉnh thực hiện đường lối đổi mới của Đảng 1986 – 1996; xã/huyện/tỉnh bước đầu thực hiện đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa 1996 – 2005; xã/huyện/tỉnh... thực hiện sự nghiệp đổi mới toàn diện, hội nhập và phát triển 2005 – 2015... Tuy nhiên, xây dựng công trình lịch sử đảng bộ địa phương, một mặt cần bám sát vào phân kỳ lịch sử của toàn Đảng; mặt khác, phải căn cứ vào tình hình thực tiễn của địa phương. Đối với các mục, tiểu tiết phải dựa vào đặc điểm tình hình và nhiệm vụ chính trị của địa phương để xây dựng tiêu đề và phân chia thời gian cho sát hợp với tình hình cụ thể.

Phần kết luận, đề cương tập trung vào 3 ý cơ bản sau: Đánh giá chặng đường ra đời, hoạt động và trưởng thành của đảng bộ địa phương trên cả hai phương diện: ưu điểm, hạn chế và nguyên nhân. Một số kinh nghiệm thực tiễn của đảng bộ địa phương trong quá trình lãnh đạo cách mạng. Đây là mục đích quan trọng của việc nghiên cứu, biên soạn lịch sử đảng bộ nhằm rút ra bài học kinh nghiệm của quá khứ cho cuộc đấu tranh cách mạng hiện tại và tương lai. Trong thực tế, một số công trình lịch sử có tư liệu phong phú và đáng tin cậy, bố cục hợp lý, văn phong tốt nhưng việc nêu lên bài học kinh nghiệm còn mờ nhạt hoặc chung chung. Do đó, việc nêu lên bài học kinh nghiệm có thể rút ra theo các cách sau: Bài học kinh nghiệm của cả cuốn lịch sử (có thể tách một mục riêng hoặc đặt chung với kết luận), bài học kinh nghiệm của từng thời kỳ lịch sử, từng chương, bài học kinh nghiệm trong việc thực hiện từng nhiệm vụ chính trị...

Kim Tuyến
Tiến tới đại hội đảng
Giải phóng miền Nam
Số lần xem các bài viết
37037577