Truy cập hiện tại

Đang có 93 khách và không thành viên đang online

An Giang: 4 năm thực hiện Quy chế công tác dân vận của hệ thống chính trị

(TGAG)- Thực hiện Quyết định số 290-QĐ/TW, ngày 25/02/2010 của Bộ Chính trị về ban hành “Quy chế công tác dân vận của hệ thống chính trị”. Ngày 30/7/2010, Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh đã ban hành Quy chế số 06-QC/TU “Về công tác dân vận trong hệ thống chính trị”. Sau 4 năm tổ chức quán triệt, triển khai thực hiện đã làm chuyển biến tích cực nhận thức của cán bộ, đảng viên về vai trò, vị trí và tầm quan trọng của công tác dân vận trong tình hình mới; nâng cao trách nhiệm của các cấp ủy Đảng, chính quyền, các ban, ngành, đoàn thể trong việc tổ chức thực hiện công tác dân vận.

Sau khi được quán triệt Quy chế số 06-QC/TU của Tỉnh ủy “Về công tác dân vận trong hệ thống chính trị”, các cấp ủy Đảng trong tỉnh đã ban hành Quy chế công tác dân vận trong hệ thống chính trị của địa phương, đơn vị. Cụ thể là 11/11 huyện, thị, thành ủy xây dựng Quy chế công tác dân vận của hệ thống chính trị cấp huyện; 100% cấp ủy xã, phường, thị trấn xây dựng Quy chế công tác dân vận của hệ thống chính trị cơ sở; 42/67 sở, ban, ngành, doanh nghiệp cấp tỉnh báo cáo xây dựng quy chế riêng hoặc lồng ghép nội dung quy chế công tác dân vận vào kế hoạch hoạt động của cấp ủy và nhiệm vụ chính trị hằng năm của cơ quan, đơn vị. 

Xác định công tác dân vận là nhiệm vụ trọng tâm, có ý nghĩa chiến lược trong sự nghiệp cách mạng, cấp ủy từ tỉnh đến cơ sở đã tập trung củng cố tổ chức bộ máy làm công tác dân vận, Mặt trận, các đoàn thể; đẩy mạnh quán triệt các chủ trương, đường lối, chính sách của Đảng và Nhà nước về công tác dân vận giúp cán bộ, đảng viên và cả hệ thống chính trị nắm vững mục tiêu, nhiệm vụ công tác dân vận trong tình hình mới. Để cụ thể hóa quyết định của Bộ Chính trị, quy chế của Tỉnh ủy, Ủy ban nhân dân tỉnh đã ban hành Chỉ thị số 04/2013/CT-UBND, ngày 10/6/2013 “Về việc tăng cường công tác dân vận của chính quyền trên địa bàn tỉnh An Giang”, Chỉ thị số 05/2013/CT-UBND, ngày 10/7/2013 “Về việc chấn chỉnh, tăng cường và nâng cao trách nhiệm của thủ trưởng các cơ quan hành chính nhà nước trong công tác tiếp dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo trên địa bàn tỉnh An Giang” để chỉ đạo thực hiện thường xuyên trong hệ thống cơ quan Nhà nước.

Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể chính trị - xã hội đã cụ thể hóa thành những quy định, quy chế của chi bộ, công đoàn, đoàn thanh niên và xem việc thực hiện Quy chế dân vận là một trong những nhiệm vụ chính trị trọng tâm và triển khai thực hiện thường xuyên tại cơ quan, đơn vị, trong hệ thống tổ chức từ tỉnh đến cơ sở gắn với thực hiện Quy chế dân chủ ở cơ sở, việc học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh, Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XI) “Một số vấn đề cấp bách về xây dựng Đảng hiện nay”...  Qua đó, đã nâng cao nhận thức của cán bộ, đoàn viên, hội viên về công tác dân vận; quan tâm chấn chỉnh phong cách, lề lối làm việc, nêu cao tinh thần trách nhiệm của cán bộ, tăng cường kỷ cương, kỷ luật, xây dựng cơ quan, đơn vị ngày càng vững mạnh.

Các cấp ủy Đảng đã quan tâm bồi dưỡng đội ngũ cán bộ làm công tác dân vận, chỉ đạo việc phối hợp thực hiện công tác dân vận, đã định hướng nhân rộng nhiều mô hình dân vận khéo gắn với các cuộc vận động, phong trào thi đua yêu nước, nhất là “dân vận khéo” trong xây dựng nông thôn mới trên địa bàn tỉnh. Công tác dân vận chính quyền, của lực lượng vũ trang có những chuyển biến tích cực. Đã khắc phục dần tình trạng khoán trắng cho Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể. Hoạt động phối hợp giữa các cấp chính quyền và lực lượng vũ trang với Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể chính trị - xã hội ngày càng tổ chức chặt chẽ trong thực hiện các phong trào thi đua yêu nước, xây dựng nông thôn mới, đảm bảo an sinh xã hội, xóa đói giảm nghèo, nâng cao chất lượng đời sống của người dân... nhất là đối với vùng đồng bào dân tộc thiểu số, vùng đồng bào có đạo, góp phần xây dựng sự đồng thuận xã hội và vun đắp tình đoàn kết các dân tộc trên địa bàn tỉnh. Hiệu lực, hiệu quả quản lý Nhà nước, điều hành xã hội ngày càng được nâng lên; công tác tiếp công dân, đối thoại với người dân để giải quyết những kiến nghị, bức xúc của nhân dân được thực hiện nghiêm túc, hiệu quả. Công tác cải cách thủ tục hành chính được tiếp tục đẩy mạnh, công khai các loại thủ tục hành chính theo cơ chế “Một cửa”, “Một cửa liên thông” tại Bộ phận tiếp nhận và trả kết quả đến cơ sở. Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể chính trị - xã hội tiếp tục phát huy vai trò nòng cốt trong công tác dân vận, có nhiều cố gắng đổi mới nội dung, phương thức hoạt động, hướng về cơ sở, kịp thời đưa chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước đi vào cuộc sống, cơ bản đáp ứng yêu cầu của đoàn viên, hội viên và khắc phục dần bệnh thành tích, hành chính hóa. Một bộ phận nhân dân giảm dần bệnh trông chờ, ỷ lại và từng bước có ý thức vươn lên, biết tranh thủ sự hỗ trợ của Nhà nước.

Bên cạnh những kết quả đạt được, còn bộc lộ một số hạn chế đó là: việc tổ chức quán triệt thực hiện quy chế còn chậm, nhất là ở các sở, ban ngành cấp tỉnh, cấp huyện; việc sơ tổng kết rút kinh nghiệm ở một số nơi chưa kịp thời. Công tác dân vận của chính quyền chưa được quan tâm chỉ đạo đúng mức, hiệu quả chưa cao; một số cán bộ, công chức, viên chức chưa thể hiện được tinh thần trách nhiệm, ý thức phục vụ nhân dân chưa cao... Công tác phối hợp giữa chính quyền với một số cơ quan Mặt trận, các đoàn thể chưa chặt chẽ, chưa kịp thời...
Trong thời gian tới, Ban Thường vụ Tỉnh ủy yêu cầu các cấp ủy Đảng cần tiếp tục triển khai chủ trương, chính sách về công tác dân vận, đặc biệt là Chương trình hành động số 25-CTr/TU, ngày 26/8/2013 của Tỉnh ủy thực hiện Nghị quyết số 25-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa XI) “Về tăng cường và đổi mới sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác dân vận trong tình hình mới”; Quy chế số 06-QC/TU thực hiện Quyết định 290 của Bộ Chính trị về công tác dân vận của hệ thống chính trị để nâng cao nhận thức, trách nhiệm của cán bộ, đảng viên, đoàn viên, hội viên và quần chúng nhân dân. Tích cực đổi mới nội dung và phương thức hoạt động của Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể chính trị - xã hội các cấp cho phù hợp với từng địa bàn, từng vùng nông thôn, đồng bào dân tộc, đồng bào tôn giáo... hướng dẫn, đôn đốc kiểm tra, nhân rộng mô hình “dân vận khéo” ở khóm ấp. Tiếp tục phát huy hiệu quả công tác dân vận của chính quyền và lực lượng vũ trang, đẩy mạnh cải cách hành chính, thực hiện Quy chế dân chủ ở cơ sở, làm tốt công tác tiếp dân, đối thoại giải quyết các đơn thư khiếu nại tố cáo của công dân, xây dựng thái độ, phong cách dân vận cho cán bộ, công chức, viên chức gắn với trách nhiệm thực hiện công vụ. Định kỳ tổ chức sơ, tổng kết các chương trình đã ký kết phối hợp về công tác dân vận. Tăng cường thực hiện các phong trào thi đua yêu nước, nhất là thi đua dân vận khéo gắn với xây dựng nông thôn mới, đẩy mạnh việc học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh. Tiếp tục củng cố, kiện toàn tổ chức bộ máy làm công tác dân vận từ tỉnh đến cơ sở./.
Quốc Hùng

Tiến tới đại hội đảng
Giải phóng miền Nam
Số lần xem các bài viết
36731382