Truy cập hiện tại

Đang có 101 khách và không thành viên đang online

Vận dụng tư tưởng Hồ Chí Minh về xây dựng đội ngũ cán bộ trong Nghị quyết Đại hội XII của Đảng

(TGAG)- Chủ tịch Hồ Chí Minh cho rằng: “Cán bộ là cái gốc của mọi công việc”. Quan điểm của Người về công tác cán bộ kế thừa truyền thống coi trọng hiền tài của ông cha ta, mang đậm tính nhân văn, đề cao tính nhân dân; Người yêu cầu: “phải có độ lượng vĩ đại”, không có thành kiến. “Phải có tinh thần rộng rãi”, gần gũi những người mình không ưa. “Phải sáng suốt”, không bị bọn vu vơ bao vây, mà cách xa cán bộ tốt”.

Qua triển khai, tổ chức thực hiện Nghị quyết Hội nghị lần thứ tư (khóa XI) đã góp phần siết lại kỷ luật, kỷ cương trong Đảng, tạo được chuyển biến tích cực bước đầu trong việc ngăn chặn trên một số mặt tình trạng suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống trong Đảng, khắc phục một số hạn chế, khuyết điểm trong công tác cán bộ. Nhiều chủ trương, nguyên tắc, quan điểm, giải pháp lớn về công tác cán bộ được thể chế, cụ thể hóa bằng quy chế, quy định, quy trình bảo đảm dân chủ, chặt chẽ hơn. Công tác đào tạo, bồi dưỡng, luân chuyển, bố trí, sử dụng cán bộ về cơ bản đã thực hiện theo quy hoạch. Việc thực hiện chính sách cán bộ trong hệ thống chính trị tiếp tục được quan tâm.

Tuy nhiên, việc đổi mới công tác cán bộ chưa có đột phá lớn. Đánh giá cán bộ vẫn là khâu yếu nhất qua nhiều nhiệm kỳ... Tình trạng chạy chức, chạy quyền, chạy tuổi, chạy bằng cấp... chưa được ngăn chặn, đẩy lùi. Những hạn chế, khuyết điểm trong công tác cán bộ là một trong những điểm yếu, cản trở sự phát triển.

Trong 5 năm tới đây phải: “Đổi mới mạnh mẽ công tác cán bộ”. Tiếp tục đẩy mạnh thực hiện Chiến lược cán bộ thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước.

Phải: “Thể chế hóa, cụ thể hóa các nguyên tắc về: quan hệ giữa đường lối chính trị và đường lối cán bộ; quan điểm giai cấp và chính sách đại đoàn kết rộng rãi trong công tác cán bộ; quan hệ giữa tiêu chuẩn và cơ cấu; giữa đức và tài...”. Thực hiện tốt yêu cầu: “Đổi mới bầu cử trong Đảng, phương thức tuyển chọn, bổ nhiệm cán bộ... để lựa chọn những người có bản lĩnh chính trị vững vàng, phẩm chất đạo đức tốt, năng động, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm giữ các vị trí lãnh đạo, đặc biệt là người đứng đầu”. Bác Hồ khẳng định cán bộ phải: “Có tài phải có đức. Có tài không có đức, tham ô hủ hóa có hại cho nước. Có đức không có tài như ông bụt ngồi trong chùa, không giúp ích gì được ai”. Trong mối quan hệ đó “Đức là gốc” là phần căn bản; “mọi việc thành hay bại, chủ chốt là do cán bộ có thấm nhuần đạo đức cách mạng hay không”. Về tinh thần trách nhiệm, phải khuyến khích cán bộ: “khiến cho cán bộ cả gan nói, cả gan đề ra ý kiến”, “có gan phụ trách có gan làm việc”.

Phải: “Quán triệt và nghiêm túc thực hiện quan điểm Đảng thống nhất lãnh đạo công tác cán bộ và quản lý đội ngũ cán bộ, đi đôi với phát huy quyền và trách nhiệm của các tổ chức và người đứng đầu các tổ chức trong hệ thống chính trị về công tác cán bộ”. “Tiếp tục ban hành và thực hiện các quy định, quy chế, cơ chế trong công tác cán bộ bảo đảm tính thống nhất, đồng bộ và chặt chẽ giữa các khâu, liên thông giữa các cấp; trong đó có quy chế về việc đánh giá đúng đắn, khách quan đối với cán bộ, để có cơ sở sử dụng, bố trí cán bộ, ngăn chặn, đẩy lùi tình trạng chạy chức, chạy tuổi, chạy bằng cấp...”.

Những nội dung nói trên đã thể hiện được yêu cầu đổi mới công tác cán bộ trong tình hình mới, là những quan điểm cơ bản chỉ đạo về công tác cán bộ. Đúng như Bác Hồ chỉ dạy: “Cất nhắc cán bộ, phải vì công tác, vì tài năng, vì cổ động cho đồng chí khác thêm hăng hái... Nếu vì lòng yêu ghét, vì thân thích, vì nể nang, nhất định không ai phục, mà lại gây lên mối lôi thôi trong Đảng. Như thế là có tội với Đảng, có tội với đồng bào”. Người phê bình: “Thường chúng ta không biết tùy tài mà dùng người”; “Dùng cán bộ không đúng tài năng của họ, cũng là một thất bại”. “Phải cân nhắc cán bộ cho đúng và dùng cán bộ cho khéo”; “Nếu cân nhắc không cẩn thận không khỏi đem người chỉ nói mà không làm vào những địa vị lãnh đạo, như thế rất có hại”. Theo Bác: “Lãnh đạo khéo thì tài nhỏ có thể hóa ra tài to. Lãnh đạo không khéo thì tài to hóa ra tài nhỏ”. “Người đời ai cũng có chỗ hay, chỗ dở. Ta phải dùng chỗ hay của người và giúp người chữa chỗ dở”.

Phải tiếp tục đấu tranh mạnh mẽ nhằm loại trừ cho được bệnh “Kéo bè kéo cánh”. Người nói: “Từ bè phái mà đi đến chia rẽ. Ai hợp với mình thì dù người xấu cũng cho là tốt, việc dở cũng cho là hay, rồi che đậy cho nhau, ủng hộ lẫn nhau. Ai không hợp với mình thì người tốt cũng cho là xấu, việc hay cũng cho là dở, rồi tìm cách dèm pha, nói xấu, tìm cách dìm người đó xuống”. “Vì những bệnh đó, kết quả những người kia đã làm bậy, mình cũng cứ bao dung, che chở, bảo hộ, khiến cho chúng càng ngày càng hư hỏng. Đối với những người chính trực thì bới lông tìm vết để trả thù. Như thế, cố nhiên là hỏng cả công việc của Đảng, hỏng cả danh giá của người lãnh đạo”.

Phải: “Có cơ chế, chính sách phát hiện, thu hút, trọng dụng nhân tài”. Bác Hồ chỉ dạy: “... Đảng phải thương yêu cán bộ”, “... phải nuôi dạy cán bộ, như người làm vườn vun trồng những cây cối quý báu. Phải trọng nhân tài, trọng cán bộ”. Nhưng thương yêu không phải là nuông chiều. Thương yêu là luôn chú ý đến chất lượng công tác, hễ thấy khuyết điểm thì giúp sửa chữa ngay, nhưng phải giữ vững tinh thần dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm... Phải bồi đắp chí khí, bản lĩnh “thắng không kiêu, bại không nản”.

Cần chú ý một định hướng vô cùng quan trọng, Bác nói: “Chúng ta không sợ có sai lầm và khuyết điểm, chỉ sợ không chịu cố gắng sửa chữa sai lầm và khuyết điểm. Và càng sợ những người lãnh đạo không biết tìm cách đúng để giúp cán bộ sửa chữa sai lầm và khuyết điểm”.

LÊ CHÍ THÀNH
Phó trưởng Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy
Tiến tới đại hội đảng
Giải phóng miền Nam
Số lần xem các bài viết
37036751