Truy cập hiện tại

Đang có 145 khách và không thành viên đang online

Làm công tác tuyên giáo dễ hay khó?

(TG)- Câu hỏi "Làm công tác tuyên giáo dễ hay khó" không phải bây giờ mới được đặt ra, nhưng để trả lời được, thật không dễ dàng chút nào!  Nhân dịp kỷ niệm 89 năm ngày truyền thống ngành Tuyên giáo của Đảng (1/8/1930 - 1/8/2019), đội ngũ cán bộ làm công tác tuyên giáo đã trải lòng mình với nghề!

Đồng chí Nguyễn Đức Vượng, Trưởng Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Điện Biên: Lực lượng tuyên giáo làm tốt vai trò “cầu nối” giữa Đảng và nhân dân

Đã từng đảm nhiệm các công việc trong công tác xây dựng Đảng (Bí thư Tỉnh Đoàn, Bí thư Huyện ủy, Trưởng ban Nội chính Tỉnh ủy, nay là Trưởng Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy), cá nhân tôi nhận thấy, làm công tác tuyên giáo chưa bao giờ dễ dàng, bởi không có một trường lớp nào đào tạo cụ thể các công việc cán bộ tuyên giáo phải làm. Mỗi cán bộ phải tự rèn giũa qua thực tế công tác. Mặt khác, nếu công tác kiểm tra và tổ chức của Đảng có quy trình, có thể lượng hóa, thì kết quả công tác tuyên giáo lại nằm ở kết quả các lĩnh vực kinh tế- xã hội.

Đồng chí Nguyễn Đức Vượng: Làm công tác tuyên giáo chưa bao giờ dễ dàng.
Đồng chí Nguyễn Đức Vượng: Làm công tác tuyên giáo chưa bao giờ dễ dàng, bởi không có một trường lớp nào đào tạo cụ thể các công việc cán bộ tuyên giáo phải làm.

Trong kháng chiến, nhiệm vụ trọng tâm, chủ yếu của cán bộ tuyên huấn là tiến hành công tác tuyên truyền, giáo dục chủ nghĩa Mác - Lênin, cương lĩnh, đường lối của Đảng cho cán bộ, đảng viên và quần chúng để tạo sự thống nhất về tư tưởng trong nội bộ Đảng; đồng thời, giác ngộ, tập hợp nhân dân dưới ngọn cờ của Đảng, truyền cho họ niềm tin vào lý tưởng cách mạng, cổ vũ phong trào thi đua yêu nước ở cả hai miền, quyết tâm giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước.

Bây giờ, làm công tác tuyên giáo càng khó và phức tạp vì khối lượng công việc lớn, tổ chức bộ máy tinh gọn, biên chế giảm. Trong thời đại cách mạng công nghiệp 4.0, sự phát triển mạnh mẽ của thông tin và tri thức nhân loại phát triển như vũ bão, có tác động mạnh mẽ vào cuộc sống xã hội, đời sống của mỗi người, tác động đến xu hướng vận động của xã hội trên cả mặt tích cực cũng như tiêu cực; phải đối mặt với an ninh phi truyền thống như chủ quyền quốc gia về không gian mạng; trí tuệ nhân tạo, đời sống thực  - đời sống ảo, vấn đề số hóa thông tin, xã hội hóa thông tin, cá nhân hóa trong tiếp cận thông tin... Công tác tuyên giáo phải tham mưu cấp ủy, lãnh đạo chỉ đạo kịp thời cán bộ, đảng viên và đông đảo quần chúng nhân dân, phải bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh, phản bác các quan điểm sai trái không phải chỉ của các thế lực thù địch, mà còn phải dự báo, định hướng tư tưởng, góp phần ngăn ngừa “tự diễn biến, tự chuyển hóa” ở mỗi người. Đây là điều rất khó.

Từ thực tiễn công tác tuyên giáo của tỉnh Điện Biên cho thấy, đổi mới công tác tuyên giáo đòi hỏi phải triển khai toàn diện, đồng bộ nhiều nội dung công việc. Trong đó, cần tập trung vào một số nhiệm vụ trọng tâm sau:

Trước hết, mỗi cán bộ tuyên giáo cần bám sát cơ sở, kịp thời phát hiện những vấn đề mới nảy sinh, nắm bắt tư tưởng, tâm lý xã hội, tăng cường sự kết nối với các cấp ủy đảng, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể chính trị - xã hội, nhất là trong cuộc chiến đấu tranh, phản bác các quan điểm sai trái. Bởi một mình lực lượng tuyên giáo chuyên trách không thể “làm hết” và không thể “lo hết”; phải có phương thức tổ chức lực lượng thật sự khoa học, để công tác tuyên giáo có thể thực hiện được ở mọi nơi, mọi tổ chức, đơn vị.

Thứ hai, đổi mới công tác quán triệt, tuyên truyền thực hiện các nghị quyết của Đảng theo tinh thần đúng người, đúng việc, nâng cao tính định hướng đối với hoạt động thực tiễn. Hiện nay, các tỉnh đang tích cực triển khai hội nghị trực tuyến đến tận cấp xã. Để có những nội dung liên hệ thực tiễn phù hợp với địa phương, các hội nghị trực tuyến học tập quán triệt chỉ thị, nghị quyết của Trung ương chỉ nên tiến hành trực tuyến đến cấp tỉnh. Việc phổ biến, tuyên truyền đến cấp huyện, cấp xã là trách nhiệm của các báo cáo viên cấp tỉnh, cấp huyện.

Thứ ba, để thực hiện hiệu quả Quyết định 221-QĐ/TW của Ban Bí thư về “Quy chế phối hợp giữa ban tuyên giáo các cấp với cơ quan quản lý nhà nước cùng cấp trong việc triển khai kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, giải quyết các vấn đề bức xúc của nhân dân”, cần linh hoạt, mềm dẻo, tránh áp đặt, một chiều, chuyển  từ độc thoại sang đối thoại, lắng nghe, tôn trọng ý kiến của cán bộ, đảng viên, nhân dân. Qua giao ban báo chí, lực lượng tuyên giáo phải chủ động vào cuộc, làm tốt vai trò “cầu nối” để người dân hiểu, thông cảm và chia sẻ trách nhiệm với Nhà nước; mặt khác bộ máy công quyền cần thể hiện rõ hơn trách nhiệm với người dân, giải quyết hiệu quả những việc chính đáng mà người dân mong đợi.

Thứ tư, để công tác chỉ đạo, định hướng báo chí được tăng cường, có hiệu quả, đề nghị Ban Tuyên giáo Trung ương tăng cường sự chỉ đạo, định hướng các cơ quan báo chí Trung ương, nâng cao tính trách nhiệm của báo chí, đạo đức của người làm báo trong việc thông tin, viết bài, tránh tình trạng thương mại hóa. Khi thông tin nóng vội, sai sự thật, các cơ quan báo chí cũng cần có trách nhiệm thông tin lại, làm rõ và xin lỗi các bên có liên quan.

Thứ năm, cần quan tâm chăm lo đào tạo, bồi dưỡng nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ công tác tuyên giáo có bản lĩnh và sự nhạy bén chính trị, phẩm chất đạo đức, trình độ chuyên môn, nghiệp vụ và năng lực thực tiễn; bồi dưỡng, tập luyện cho cán bộ có khả năng nói và viết, nắm bắt, phân tích, dự báo, thông tin kịp thời, chính xác để tham mưu, có tinh thần dám nghĩ, dám làm, cầu thị, ham học hỏi.

Đồng chí Trần Quang Duy, Trưởng ban Tuyên giáo Đoàn Khối các cơ quan Trung ương: Tăng tính tương tác với cán bộ, đảng viên, nhân dân trong công tác tuyên giáo

Hiện nay, sự nghiệp đổi mới, đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế của nước ta ngày càng đi vào chiều sâu; xu thế toàn cầu hóa diễn ra ngày càng mạnh mẽ, sâu sắc, tạo ra nhiều cơ hội to lớn và cả những thách thức không nhỏ đối với công tác tuyên giáo. Cách thức thu - nhận, trao đổi thông tin, tình cảm, tư tưởng được thực hiện qua nhiều kênh: truyền thống và phi truyền thống, chính thống và phi chính thống; các trào lưu, các khuynh hướng tư tưởng xâm nhập, gây ra tác động ngày càng mạnh mẽ, phức tạp. Điều đó  đặt ra cho ngành Tuyên giáo những khó khăn, thách thức mới, cần phải được nhận thức đầy đủ; đồng thời, phải tích cực đổi mới nội dung, hình thức, phương pháp hoạt động cho phù hợp với sự phát triển của thực tiễn.
Đồng chí Trần Quang Duy: Công tác tuyên giáo cần đổi mới theo hướng khắc phục tình trạng tuyên truyền một chiều, tăng tính tương tác.  
Đồng chí Trần Quang Duy: Công tác tuyên giáo cần đổi mới theo hướng khắc phục tình trạng tuyên truyền một chiều, tăng tính tương tác.  

Trước bối cảnh đó, công tác tuyên giáo cần đổi mới theo hướng khắc phục tình trạng tuyên truyền một chiều, tăng tính tương tác đối với cán bộ, đảng viên, nhân dân. Tích cực tuyên truyền tấm gương người tốt việc tốt, những tập thể, cá nhân điển hình tiên tiến trong các phong trào thi đua yêu nước. Tăng cường bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch. Phát huy vai trò của hệ thống báo chí, các bản tin nội bộ, công tác tuyên truyền miệng, nỗ lực “đi trước một bước” trên mặt trận tư tưởng. Cần có định hướng kịp thời trước những diễn biến phức tạp của tình hình trong nước và thế giới, kịp thời thông tin chính thống đến quần chúng nhân dân, phản bác các thông tin sai trái, bịa đặt của các thế lực thù địch. Tránh tình trạng một số thời điểm, vụ việc “vắng bóng” thông tin chính thống, đáng tin cậy; vô hình chung làm thông tin giả, thông tin thiếu kiểm chứng lan truyền, tạo sự băn khoăn trong dư luận.

Cán bộ làm công tác tuyên giáo cần thông thạo internet, tích cực sử dụng mạng xã hội, các phương tiện truyền thông mới phục vụ công tác tuyên giáo. Việc tuyên truyền trên mạng internet cần ngắn gọn, tập trung vào những điểm chính, sử dụng ngôn ngữ gần gũi, phù hợp với người tham gia mạng xã hội. Song song với đó, biết tận dụng được lợi thế của internet trong việc tiếp cận thông tin, nhanh chóng nắm bắt diễn biến tư tưởng, tình cảm của cán bộ, đảng viên, quần chúng, nhân dân.

Mỗi cán bộ làm công tác tuyên giáo phải có bản lĩnh chính trị, tư tưởng chính trị vững vàng, đạo đức lối sống trong sáng, lành mạnh, có lòng say mê và tâm huyết nghề. Không chỉ cần có kỹ năng công tác tốt, có khả năng truyền đạt đến quần chúng nhân dân các chủ trương, đường lối của Đảng, cán bộ tuyên giáo cần phải học tập, rèn luyện để trở thành những chuyên gia trong các lĩnh vực cụ thể, đủ trí tuệ trong lựa chọn các vấn đề truyền đạt không nhàm chán, có sức thuyết phục.

Đồng chí Tô Nài Não, Giám đốc Trung tâm công tác tuyên giáo, Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Sóc Trăng: Cán bộ tuyên giáo nói được, viết được, tham mưu đúng và trúng

Khi được đảm nhận vị trí trưởng một đơn vị cấp phòng của Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy, tham gia trực tiếp vào công tác tuyên truyền, với tôi, là một người trẻ làm công tác tuyên giáo, đó vừa là niềm tự hào, nhưng cũng có nhiều thử thách đặt ra.

Ngày nay, người trẻ làm công tác tuyên giáo có nhiều thuận lợi hơn trước, trong đó có sự quan tâm đào tạo, bồi dưỡng về chuyên môn, nghiệp vụ; nhiều phương tiện hỗ trợ trong công viêc. Cùng với sự năng động, nhạy bén, sáng tạo, khả năng thích ứng với sự phát triển của khoa học công nghệ, người trẻ đã sử dụng các phương tiện truyền thông, mạng xã hội góp phần nâng cao hiệu quả công tác tuyên giáo.

Thế nhưng, cũng chính trong bối cảnh hiện nay, công tác tuyên giáo với người trẻ lại có vô vàn khó khăn, thách thức đặt ra. Theo đó, người trẻ “non” về kinh nghiệm; “yếu” về bản lĩnh; “thiếu” về kiến thức tổng hợp; chưa đủ “tầm” hay không phải lúc nào cũng nhạy cảm chính trị để có thể vững vàng, đương đầu với những thách thức do yêu cầu của tình hình mới đặt ra.

Đồng chí Tô Nài Não: Cán bộ tuyên giáo hiện nay phải là người: “Nói được - Viết được - Tham mưu đúng, trúng - Làm chủ thông tin”.
Đồng chí Tô Nài Não: Cán bộ tuyên giáo hiện nay phải là người: “Nói được - Viết được - Tham mưu đúng, trúng - Làm chủ thông tin”.

Khó khăn của những người làm công tác tuyên giáo cũng nằm chính ở đặc thù của ngành. Tuyên giáo là một nghề lao động trí óc tổng hợp, liên quan đến con người, đòi hỏi những người làm công tác tuyên giáo phải tinh thông nghiệp vụ, có bản lĩnh, phải nói được, viết được… Nhưng, nói và viết làm sao để người đọc, người nghe ghi nhớ và cùng làm theo những điều tích cực; tránh những điều không nên làm? Điều đó thật không dễ chút nào và đôi khi, đấy là nhãn quan, là bước ngoặt chính trị của người làm công tác tuyên giáo.

Vì vậy, muốn làm công tác tuyên giáo một cách thuyết phục và hiệu quả, cán bộ tuyên giáo không chỉ dừng lại ở việc tự học, tự rèn; cộng đồng trách nhiệm, say mê, tâm huyết với nghề; sống đúng mực, gương mẫu, đoàn kết, trách nhiệm với mình và mọi người; mà cần phải nhạy bén với trong việc tiếp cận và xử lý thông tin, dư luận xã hội,… Từ đó, nâng cao khả năng phán đoán, dự báo về các tình huống có thể xảy ra trong thực tiễn. Với tôi, cán bộ tuyên giáo hiện nay phải là người: “Nói được - Viết được - Tham mưu đúng, trúng - Làm chủ thông tin”.

Để nâng cao năng lực cho đội ngũ cán bộ làm công tác tuyên giáo, cần tập trung vào một số nhiệm vụ trọng tâm như sau:

Thứ nhất, các cấp ủy, chính quyền tiếp tục kiện toàn, chuẩn hóa đội ngũ cán bộ làm công tác tuyên giáo các cấp, đảm bảo vừa đủ số lượng và tinh về chất lượng.

Thứ hai, quan tâm tổ chức thường xuyên các lớp bồi dưỡng nghiệp vụ về các lĩnh vực của công tác tuyên giáo, về công nghệ thông tin, khoa học kỹ thuật.

Thứ ba, tăng cường cho đội ngũ làm công tác tuyên giáo đi cơ sở, tham gia khảo sát, tiếp cận với thực tiễn.

Thứ tư, đảm bảo môi trường, điều kiện, phương tiện làm việc và có chính sách phù hợp để thu hút cán bộ có năng lực, trình độ, phẩm chất đạo đức, có khả năng phát triển “nghề tuyên giáo”; đồng thời, tạo nguồn cho cán bộ của các cấp ủy đảng, chính quyền và cả hệ thống chính trị.

__________________

Bảo Châu (thực hiện)
Nguồn: BTGTW
Tiến tới đại hội đảng
Giải phóng miền Nam
Số lần xem các bài viết
37057998