Truy cập hiện tại

Đang có 199 khách và không thành viên đang online

An Giang dự Hội nghị Báo cáo viên Trung ương tháng 8/2022

(TUAG)- Sáng ngày 10/8, tại Hà Nội, Ban Tuyên giáo Trung ương tổ chức Hội nghị Báo cáo viên Trung ương tháng 8/2022 với hơn 1.900 điểm cầu trên cả nước. Đồng chí Phan Xuân Thủy, Phó Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương dự và phát biểu chỉ đạo hội nghị.
 
Đại biểu dự tại điểm cầu tỉnh An Giang

Điểm cầu tại An Giang với sự chủ trì của đồng chí Nguyễn Hữu Thịnh, Phó Trưởng Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy. Dự tại điểm cầu tỉnh còn có đồng chí Phạm Quang Bản - Phó Vụ trưởng Cơ quan thường trực Ban Tuyên giáo Trung ương tại TP Hồ Chí Minh; đồng chí Nguyễn Thị Thu Lan - UVBTV, Trưởng Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Quảng Nam; đồng chí Võ Nguyên Nam - UVBTV, Trưởng Ban Dân vận Tỉnh ủy An Giang,...


Hội nghị được trực tuyến tới 1.910 điểm cầu trên cả nước.

Tại hội nghị, các đại biểu đã nghe đồng chí Hoàng Minh Sơn, Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo báo cáo chuyên đề “Những vấn đề thuộc lĩnh vực giáo dục và đào tạo được dư luận xã hội quan tâm thời gian gần đây; chủ trương, giải pháp của ngành Giáo dục và Đào tạo trong thời gian tới”. Trong đó, Thứ trưởng Hoàng Minh Sơn tập trung thông tin về kết quả Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2022 - vấn đề đang được dư luận đặc biệt quan tâm.

Đồng chí Hoàng Minh Sơn thông tin về công tác tổ chức tuyển sinh đại học, cao đẳng 2022, những điều chỉnh nội dung chương trình giáo dục phố thông 2018; khung kế hoạch thời gian năm học 2022-2023. Tỷ lệ thí sinh đỗ tốt nghiệp năm 2022 là 98,57%. Để có được kết quả của Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2022 cho tới thời điểm này là nhờ có sự quan tâm chỉ đạo sâu sát của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ; sự phối hợp chặt chẽ của các bộ, ngành, địa phương cùng với nỗ lực của toàn ngành Giáo dục; công tác chỉ đạo, tổ chức Kỳ thi từ Trung ương tới các địa phương đã được triển khai đồng bộ, trách nhiệm, hiệu quả với sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị; đã nhận được sự đồng thuận, ủng hộ của các cán bộ, giáo viên, học sinh, cha mẹ học sinh và nhân dân cả nước…

Năm 2022 là năm đầu tiên Bộ GDĐT tổ chức đăng ký dự thi bằng hình thức trực tuyến cho đối tượng thí sinh đang học lớp 12 năm học 2021-2022. Việc đăng ký dự thi của thí sinh theo hình thức trực tuyến diễn ra thuận lợi, chính xác. Tổng số thí sinh đăng ký dự thi Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2022 là 1.002.432, trong đó, số thí sinh đăng ký trực tuyến là 933.510. Tổng số điểm thi: 2.243 với 42.293 phòng thi. Tổng số thí sinh dự thi: 989.863 đạt tỷ lệ 98,75% so với tổng số thí sinh đăng ký dự thi. Các điểm thi đặt tại địa phương nơi thí sinh theo học đã giúp thí sinh không phải di chuyển xa, không phải lo chỗ ăn ở, tạo tâm thế bình tĩnh, tự tin hơn khi làm bài, đồng thời không gây áp lực về giao thông tại các thành phố lớn.



Đồng chí Nguyễn Minh Tâm, Vụ Trưởng Vụ Lào - Campuchia (Ban Đối ngoại Trung ương) báo cáo về chuyên đề “Tình hình Cộng hòa Dân chủ Nhân dân Lào thời gian gần đây và những thành tựu nổi bật trong quan hệ hữu nghị đặc biệt Việt Nam- Lào 60 năm qua”. Theo đó, cách đây 60 năm, trong bối cảnh cuộc kháng chiến chống chủ nghĩa đế quốc của nhân dân Việt Nam và nhân dân Lào vô cùng ác liệt, nhất là sau khi Hiệp định Giơ-ne-vơ năm 1962 về Lào được ký kết - một thắng lợi có ý nghĩa chiến lược đối với cách mạng hai nước, Việt Nam và Lào chính thức thiết lập quan hệ ngoại giao vào ngày 5/9/1962. Đây là sự kiện trọng đại, mở ra một chương mới trong quan hệ hai nước, khẳng định sự gắn bó vận mệnh của hai dân tộc trong công cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước.

Nhìn lại chặng đường lịch sử hào hùng 60 năm qua, Việt Nam và Lào luôn tự hào về mối quan hệ đặc biệt, vừa là đồng chí, vừa là anh em giữa hai nước. Đó là mối quan hệ do Chủ tịch Hồ Chí Minh cùng Chủ tịch Cay-xỏn Phôm-vi-hản, Chủ tịch Xu-pha-nu-vông đặt nền móng và được các thế hệ lãnh đạo Đảng, Nhà nước và nhân dân hai nước dày công vun đắp. Đó là mối quan hệ xuất phát từ tình đồng chí thủy chung giữa Đảng Cộng sản Việt Nam và Đảng Nhân dân Cách mạng Lào luôn sát cánh bên nhau trong đấu tranh giành độc lập dân tộc trước đây và sự nghiệp đổi mới, phát triển đất nước ngày nay. Đó cũng là mối quan hệ đáp ứng nguyện vọng chung tha thiết của nhân dân hai nước về tình đoàn kết, tương trợ lẫn nhau trên tinh thần nhân văn “giúp bạn là tự giúp mình”, hợp tác hữu nghị, bình đẳng và cùng có lợi. Mối quan hệ thủy chung, trong sáng giữa hai Đảng và hai nước đã trở thành mối quan hệ mẫu mực, hiếm có trên thế giới như Chủ tịch Cay-xỏn Phôm-vi-hản đã khẳng định, trong lịch sử cách mạng thế giới cũng đã có những tấm gương sáng chói về tinh thần quốc tế vô sản, nhưng chưa ở đâu và chưa bao giờ có sự đoàn kết, liên minh chiến đấu đặc biệt, lâu dài, toàn diện đến như vậy.

Quan hệ Việt Nam - Lào luôn có vị trí ưu tiên hàng đầu trong đường lối, chính sách đối ngoại của Đảng và Nhà nước Việt Nam. Đảng, Nhà nước và nhân dân Việt Nam luôn nhận thức sâu sắc rằng, mỗi thắng lợi trong sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc, thống nhất trước đây cũng như trong công cuộc đổi mới ngày nay của Việt Nam đều gắn liền với sự đoàn kết, ủng hộ và giúp đỡ chí nghĩa, chí tình của Đảng, Nhà nước và nhân dân Lào. Trong trái tim của mỗi cán bộ, đảng viên và người dân Việt Nam mãi mãi khắc sâu lời căn dặn của Chủ tịch Hồ Chí Minh: “Việt - Lào, hai nước chúng ta/Tình sâu hơn nước Hồng Hà, Cửu Long”.


Phó Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương Phan Xuân Thủy kết luận Hội nghị.

Phát biểu kết luận Hội nghị, đồng chí Phan Xuân Thủy, Phó Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương đề nghị Ban Tuyên giáo các tỉnh ủy, thành ủy, đảng ủy trực thuộc Trung ương, đội ngũ báo cáo viên các cấp và tuyên truyền viên cơ sở căn cứ vào nội dung báo cáo của 2 chuyên đề trên tuyên truyền phổ biến rộng rãi để nhân dân nắm được.

Đồng chí Phan Xuân Thủy đề nghị trong thời gian tới Ban Tuyên giáo các tỉnh ủy, thành ủy, đảng ủy trực thuộc Trung ương, đội ngũ báo cáo viên các cấp và tuyên truyền viên cơ sở cần tập trung tuyên truyền về một số nội dung trọng tâm như: Tiếp tục tuyên truyền về công tác đối ngoại của Đảng và Nhà nước ta. Trong đó, khẳng định rõ Việt Nam tiếp tục kiên trì đường lối đối ngoại độc lập, tự chủ vì hòa bình, hữu nghị, hợp tác và phát triển, đa phương hóa, đa dạng hóa và hội nhập quốc tế toàn diện và sâu rộng. Tiếp tục củng cố, thúc đẩy quan hệ với các nước, nhất là các nước láng giềng, nước lớn và các đối tác quan trọng; xử lý hài hòa, cân bằng quan hệ giữa các nước…

Cùng với đó, tiếp tục tuyên truyền đậm nét các Nghị quyết Trung ương 5 khóa XIII; tuyên truyền phòng, chống dịch COVID-19; tuyên truyền kỷ niệm các ngày lễ lớn và sự kiện lịch sử quan trọng: Kỷ niệm 77 năm ngày Cách mạng Tháng Tám thành công (19/8/1945-19/8/2022) và ngày Quốc khánh nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam (2/9/1945 - 2/9/2022); kỷ niệm 120 năm Ngày sinh đồng chí Lê Hồng Phong, Tổng Bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam (1902 - 2022); kỷ niệm 77 năm ngày Truyền thống lực lượng Công an nhân dân Việt Nam (19/8/1945 - 19/8/2022).../.

Trúc Quỳnh
Tiến tới đại hội đảng
Giải phóng miền Nam
Số lần xem các bài viết
37044494