Truy cập hiện tại

Đang có 156 khách và không thành viên đang online

Tư tưởng Hồ Chí Minh với Chủ đề Đại hội lần thứ XII của Đảng

(TGAG)- Đảng ta khẳng định: “Tư tưởng Hồ Chí Minh là một hệ thống quan điểm toàn diện và sâu sắc về những vấn đề cơ bản của cách mạng Việt Nam”. Điều quan trọng nói trên được thể hiện trong nhiều nội dung của Văn kiện Đại hội lần thứ XII của Đảng; thể hiện tập trung nhất ở chủ đề của Báo cáo Chính trị.

Trước nhất là vấn đề “tăng cường xây dựng Đảng trong sạch, vững mạnh”. Đây là yêu cầu mới, lớn hơn và toàn diện hơn so với yêu cầu đặt ra tại Đại hội XI. Nó rất đúng với tư tưởng Hồ Chí Minh là phải luôn luôn đặt nhiệm vụ “Xây dựng Đảng” lên trên hết, trước hết. Bác nói, để tiến hành cách mạng: “Trước hết phải có đảng cách mệnh... Đảng có vững cách mệnh mới thành công, cũng như người cầm lái có vững thuyền mới chạy”. Kết quả sau khi ra đời, Đảng ta liền giương cao ngọn cờ cách mạng lãnh đạo toàn dân giành được những thắng lợi vĩ đại. Nguyên nhân hàng đầu theo Người là: “Nhờ chính sách đúng, lãnh đạo chắc, kỷ luật nghiêm, nhờ tư tưởng thống nhất, mà Đảng ta và dân tộc ta được những thắng lợi vẻ vang”. Trước khi đi xa, Người căn dặn: “Đảng ta là một Đảng cầm quyền. Mỗi đảng viên và cán bộ phải thực sự thấm nhuần đạo đức cách mạng, thật sự cần kiệm liêm chính, chí công vô tư. Phải giữ gìn Đảng ta thật trong sạch, phải xứng đáng là người lãnh đạo, là người đầy tớ thật trung thành của nhân dân”.

Tiếp theo là vấn đề “phát huy sức mạnh toàn dân tộc và dân chủ xã hội chủ nghĩa”. Cần nhấn mạnh, một trong những đỉnh cao của Hồ Chí Minh là việc giải quyết đúng đắn mối quan hệ giữa vấn đề dân tộc và vấn đề giai cấp. Từ rất sớm, Người đã khẳng định ở phương Đông nói chung, Việt Nam  nói riêng: “Cuộc đấu tranh giai cấp không diễn ra giống như ở phương Tây”. Do vậy, không thể áp dụng rập khuôn lý luận đấu tranh giai cấp. Người chỉ rõ: “Chủ nghĩa dân tộc là một động lực lớn của đất nước”. “Giờ đây, người ta sẽ không thể làm được gì cho người An Nam nếu không dựa trên các động lực vĩ đại và duy nhất trong đời sống xã hội của họ”.

Dân chủ là một trong những tinh hoa từ phương Tây mà Hồ Chí Minh đã tiếp thu và vận dụng một cách sáng tạo. Trong quan niệm của mình, Hồ Chí Minh coi dân chủ vừa là mục đích, vừa là động lực của sự phát triển xã hội. Bác viết: “Có phát huy dân chủ đến cao độ thì mới động viên được tất cả lực lượng của nhân dân đưa cách mạng tiến lên” và “Chế độ của chúng ta thực hiện dân chủ đồng thời thực hiện sự đoàn kết toàn dân”. Do đó, Người cho rằng phải “vận động tất cả lực lượng của mỗi một người dân không để sót một người nào, góp thành lực lượng toàn dân, để thực hành những công việc nên làm”. Người còn nói, cán bộ, nhân dân “ít sáng kiến, ít hăng hái là vì nhiều lẽ. Mà trước hết là vì: cách lãnh đạo của ta không được dân chủ”. Vì vậy: “phải thực hành dân chủ, phải làm cho quần chúng hiểu rõ, làm cho quần chúng hăng hái tham gia thì mới chắc chắn thành công”. Người kết luận: “Thực hành dân chủ là chìa khóa vạn năng để giải quyết mọi khó khăn”.

Về “đẩy mạnh toàn diện, đồng bộ công cuộc đổi mới”. Ngay từ Đại hội VI, Đảng đã khẳng định: “Muốn đổi mới tư duy, Đảng ta phải... kế thừa di sản quý báu về tư tưởng và lý luận cách mạng của Chủ tịch Hồ Chí Minh”.

Hồ Chí Minh hình thành tư tưởng đổi mới rất sớm: bắt đầu là quyết định ra đi tìm đường cứu nước theo một hướng mới; đi đến quyết định lựa chọn con đường, xác định mục tiêu, lực lượng, cách thức... tiến hành đấu tranh giải phóng dân tộc. Có thể nói: Từ là người “tìm đường” đến thực hiện vai trò “dẫn đường”, cái nhất quán của Hồ Chí Minh là tinh thần đổi mới. Người nói một cách dễ hiểu: “Cách mệnh là phá cái cũ đổi ra cái mới, phá cái xấu đổi ra cái tốt”. Người nhiều lần nhấn mạnh yêu cầu phải thường xuyên đổi mới với tư duy rất cởi mở. Người nói “Chẳng có việc gì là không thể đổi mới”; “Đừng sợ cái mới quá. Cái gì mới thì lần đầu cũng lạ, nhưng sau rồi quen”. Người một mặt khuyến khích đổi mới, đồng thời phê phán một số người “còn có tư tưởng bảo thủ, không chịu tiếp thu dễ dàng cái hay, cái mới”. Điều căn cốt phải hiểu đúng “Đổi mới” là một cuộc đấu tranh: “là cuộc chiến đấu khổng lồ chống lại những gì đã cũ kỹ, hư hỏng, để tạo ra những cái mới mẻ, tốt tươi”.

Về nội dung “bảo vệ vững chắc Tổ quốc, giữ vững môi trường hòa bình, ổn định”. Đây là điểm mới và là nội dung lần đầu được đưa vào tiêu đề của Báo cáo Chính trị theo quan điểm “Đặt lợi ích quốc gia dân tộc lên trên hết”.

Trong Tuyên ngôn độc lập, Người khẳng định: “Nước Việt Nam có quyền hưởng tự do và độc lập, và sự thật đã thành một nước tự do độc lập. Toàn thể dân tộc Việt Nam quyết đem tất cả tinh thần và lực lượng, tính mạng và của cải để giữ vững quyền tự do, độc lập ấy”; “Độc lập tự do là quyền thiêng liêng bất khả xâm phạm”; “thà hy sinh tất cả chứ nhất định không chịu mất nước, nhất định không chịu làm nô lệ”... Người nêu chân lý: “Không có gì quý hơn độc lập tự do”...

Bài học: “phải đặt lợi ích quốc gia - dân tộc lên trên hết; kiên định độc lập, tự chủ, đồng thời chủ động và tích cực hội nhập quốc tế trên cơ sở bình đẳng, cùng có lợi; kết hợp phát huy sức mạnh dân tộc với sức mạnh thời đại để xây dựng và bảo vệ vững chắc Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa” chính là sự tổng kết thực tiễn có ý nghĩa định hướng cho cả quá trình phát triển trong một bối cảnh quốc tế và khu vực hết sức phức tạp: Thời cơ và nguy cơ đan xen nhau; đối tác và đối tượng có thể chuyển hóa lẫn nhau...

Nắm vững và vận dụng sáng tạo tư tưởng Hồ Chí Minh chúng ta nhất định giành thắng lợi trong thời kỳ mới.

LÊ CHÍ THÀNH
Phó trưởng Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy
Tiến tới đại hội đảng
Giải phóng miền Nam
Số lần xem các bài viết
36705067