Truy cập hiện tại

Đang có 745 khách và không thành viên đang online

Học Bác, Thoại Sơn chăm lo đời sống Nhân dân ngày càng tốt hơn

(TUAG)- Trong Di chúc của mình, Chủ tịch Hồ Chí Minh căn dặn: “Đảng cần phải có kế hoạch thật tốt để phát triển kinh tế và văn hóa, nhằm không ngừng nâng cao đời sống của Nhân dân”. Thực hiện lời Bác dạy, Đảng bộ, chính quyền Thoại Sơn đã có nhiều chủ trương, chính sách về phát triển kinh tế - xã hội để nâng cao đời sống cho Nhân dân.

Trong nhiệm kỳ 2015 – 2020, thực hiện các chủ trương, chính sách, kế hoạch về phát triển kinh tế - xã hội,  Đảng bộ và chính quyền đạt nhiều thành tựu quan trọng trên các lĩnh vực góp phần nâng cao đời sống của người dân rõ rệt. Thành tựu lớn nhất là đã thực hiện hoàn thành huyện Nông thôn mới vào năm 2018.

Để chăm lo đời sống Nhân dân như lời Bác dạy, trước nhất phải lo cho người dân có cuộc sống ấm no, sung túc. Thoại Sơn có nhiều cách làm hay, mô hình sáng tạo để tăng thu nhập người dân.



Trong lĩnh vực nông nghiệp, huyện đã chủ trương vận động chuyển đất lúa kém hiệu quả sang trồng cây ăn trái, thực hiện triển khai 38 mô hình ứng dụng công nghệ cao vào trong sản xuất trồng trọt, chăn nuôi, thủy sản. Tổng sản lượng lúa hàng năm 750.000 ngàn tấn, thực hiện các chính sách hỗ trợ nông dân về vốn, kỹ thuật, thực hiện liên kết giữa các doanh nghiệp với nông dân góp phần nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm tăng thu nhập.

Đơn cử như mô hình trồng cam sành xen quýt đường ở ấp Nam Huề, xã Bình Thành của ông Lê Phước An. Ông đã mạnh dạn tiên phong chuyển đổi cây có múi là cam sành và quýt đường với diện tích 4,6ha. Ông Lê Phước An nói: “Từ khi tham gia trồng vườn, tôi luôn được sự quan tâm hỗ trợ tích cực của ngành cũng như của chính quyền địa phương. Đến nay, vườn cam của tôi đã cho thu hoạch, năng suất bình quân mỗi vụ là 4 tấn/1000 m2, với giá bán khoảng 15.000 – 30.000 đồng/kg, sau khi trừ chi phí, gia đình tôi thu được lợi nhuận từ 25 - 30 triệu/1000 m2/vụ thu hoạch”.
 


Để tạo sự thuận lợi và an toàn trong việc đi lại, giao thương mua bán, vận chuyển hàng hóa, cải thiện bộ mặt nông thôn. Huyện chủ trương xóa cầu ván trên các tuyến đường giao thông nông thôn được Nhân dân đồng tình ủng hộ và đóng góp hơn 20 tỷ đồng, cùng với địa phương xây dựng 122 cây cầu, với tổng số vốn trên 59 tỷ đồng. Cùng với cơ sở hạ tầng giao thông được hoàn thiện, các chính sách khuyến khích thu hút đầu tư của địa phương đã thu hút đầu tư 05 dự án của 03 doanh nghiệp tại thị trấn Phú Hòa, qua đó góp phần phát triển kinh tế xã hội ở địa phương.

Thực hiện Quyết định 1956 của Chính phủ về đào tạo nghề, huyện đã đào tạo cho 5.883 lao động, nâng tỷ lệ lao động qua đào tạo 38,37%, đã giải quyết việc làm 12.579 lao động, tỷ lệ lao động có việc làm thường xuyên là 91%.

Thoại Sơn đã hoàn thành xây dựng huyện Nông thôn mới từ đó làm cho bộ mặt nông thôn ngày càng thay đổi, khang trang, sạch đẹp. Theo đó, thu nhập bình quân đầu người của huyện tăng từ 31,8 triệu đồng/người/năm, năm 2015 đến năm 2020 54 triệu đồng/người/năm, tỷ lệ hộ nghèo giảm còn 1,34%.

Ông Phan Văn Oanh 81 tuổi xã An Bình chia sẻ: “Tôi thấy khi xây dựng nông thôn mới, địa phương lo cho người dân nhiều hơn, tôi hài lòng nhất là đường quê được mở rộng, trồng đường hoa xanh sạch đẹp, lắp đèn đường nên buổi tối ở đây giảm tai nạn giao thông”

Ngoài chăm lo cho người dân phát triển về kinh tế, tăng thu nhập để người dân thoát nghèo, giảm tỷ lệ hộ nghèo, chính quyền địa phương còn chăm lo phát triển các lĩnh vực văn hóa, xã hội, y tế, giáo dục nhằm không ngừng nâng cao dân trí và đời sống tinh thần cho Nhân dân, chú trọng thực hiện các chính sách an sinh xã hội. Điển hình như mô hình vận động quỹ “Vì người nghèo và an sinh xã hội”, từ năm  2016 – 2020 đã vận động được 102 tỷ 140 triệu đồng (tiền và hiện vật) để xây mới 1.387 căn nhà đại đoàn kết, sửa chữa 823 căn, hỗ trợ 90.689 học sinh khó khăn, tặng 113.180 phần quà Tết cho hộ nghèo, hộ khó khăn, gia đình chính sách và các hoạt động khác.
 
Về chăm lo cho công tác giáo dục, UBND huyện xây dựng Đề án 04 về “xã hội hóa hoạt động xây dựng và phát triển hệ thống Quỹ khuyến học - khuyến tài trên địa bàn huyện Thoại Sơn”. Tính đến ngày 19/5/2020, có 21 quỹ Khuyến học - khuyến tài trên địa bàn huyện tổng nguồn quỹ đã đạt trên 19 tỷ đồng.

Ông Phan Văn Điệp xã Định Thành chia sẻ: “Gia đình tôi đông con, nên lo cho các con ăn học rất vất vả, nhờ Hội Khuyến học đến động viên rồi giúp đỡ các con tôi đi học, đến nay, con tôi có đứa là sinh viên năm 3 trường Đại học An Giang, tất cả nhờ vào quỹ học bổng của địa phương, của trường, tôi rất mừng”.

Bà Phạm Thị Thiếm người dân xã Vĩnh Phú nói: “Tôi thấy địa phương luôn quan tâm chăm lo và chia sẻ với người dân, gia đình nghèo tại địa phương thường xuyên được hỗ trợ quà vào các dịp lễ, tết, tôi rất mừng và vui”.
 


Để chăm lo đời sống Nhân dân ngày một nâng cao, Đại hội khóa  XII, của Đảng bộ huyện đề ra mục tiêu, chỉ tiêu, nhiệm vụ  như: Huy động mọi nguồn lực cho nhiệm vụ phát triển kinh tế toàn diện, hướng đến huyện nông thôn mới nâng cao; tập trung hoàn thiện kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ các tuyến trọng điểm của huyện, đảm bảo kết nối thông suốt hàng hóa, phương tiện, con người phục vụ phát triển kinh tế - xã hội, đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông nghiệp theo hướng sản xuất hàng hóa, nâng cao giá trị, tăng thu nhập cho người nông dân...

Với thành tựu đạt được nhờ Đảng bộ và chính quyền đã có những chủ trương, chính sách chăm lo đời sống Nhân dân từ đó tạo niềm tin trong Nhân dân cùng tham gia xây dựng nên các danh hiệu cao quý: “Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân”, “Anh hùng Lao động” và “Huyện nông thôn mới” đầu tiên của tỉnh An Giang; là huyện đầu tiên của cả nước nhận được 3 danh hiệu cáo quý trên.

Ngô Quyền
Tiến tới đại hội đảng
Giải phóng miền Nam
Số lần xem các bài viết
36707693