Truy cập hiện tại

Đang có 132 khách và không thành viên đang online

Tri Tôn tập trung phát triển kinh tế - xã hội

(TGAG)- Năm 2018, tình hình kinh tế - xã hội  huyện Tri Tôn có bước phát triển tích cực; nông nghiệp, du lịch, thương mại, dịch vụ và xây dựng có sự phát triển rõ nét; triển khai thực hiện tốt Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới; toàn dân tích cực tham gia thực hiện tốt các chính sách an sinh xã hội, đời sống nhân dân ngày càng được cải thiện.

Về nông nghiệp tổng diện tích gieo trồng tăng 1,09% so cùng kỳ, với 110,184 ha, năng suất lúa bình quân 5,65 tấn/ha, giá trị sản xuất đạt 120,256 triệu đồng/ha/năm. Thu nhập bình quân đầu người là 36,909 triệu đồng/năm. Đẩy mạnh ứng dụng khoa học công nghệ trong sản xuất, đáp ứng 95% diện tích sản xuất được cơ giới hóa. Phát triển đa dạng các hình thức, tổ chức sản xuất, kinh doanh, dịch vụ, cánh đồng lớn và các mô hình trong lĩnh vực nông nghiệp. Thành lập mới 03 hợp tác xã, nâng tổng số lên 07 hợp tác xã nông nghiệp. Một số doanh nghiệp đầu tư phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao có hiệu quả như trồng chuối cấy mô của 3 Công ty TNHH Vĩnh Phát 140 ha, Công ty SD 51 ha và Công ty TNHH Xanh Việt 43 ha. Đến nay đã có 16 dự án đầu tư trong lĩnh vực nông nghiệp, tổng vốn 1.974,7 tỷ đồng.

Về chăn nuôi, tổng đàn bò có13.076 con, đàn heo 26.550 con, gia cầm các loại 451.830 con. Có 02 công ty chăn nuôi heo là Công ty TNHH dịch vụ thương mại Hoàng Vĩnh Gia và Công ty cổ phần Việt Thắng.

Các xã triển khai thực hiện có hiệu quả Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới. Toàn huyện có 02 xã đạt chuẩn là Vĩnh Gia,Tà Đảnh; 03 xã đạt từ 14 tiêu chí trở lên gồm: Lương Phi, Lương An Trà, Tân Tuyến. Xã Cô Tô đạt đô thị loại V. Với mục tiêu xây dựng nếp sống văn hóa, chỉnh trang, xây dựng đô thị văn minh, cảnh quan nông thôn xanh - sạch - đẹp, đã tiến hành nâng cấp, mở rộng ngã ba đường 3/2 và đường Hùng Vương đảm bảo giao thông; chỉnh trang bộ mặt thị trấn Tri Tôn để trở thành đô thị loại IV; phấn đấu xây dựng thị trấn Ba Chúc đạt chuẩn văn minh đô thị; xã Cô Tô đạt chuẩn lên thị trấn.

Thương mại, dịch vụ, tổng mức bán lẻ hàng hoá và doanh thu dịch vụ đạt 3.578 tỷ đồng. Huyện đã cấp giấy phép kinh doanh cho 345 hộ, tổng vốn đầu tư 36 tỷ đồng. Phối hợp với siêu thị Tứ Sơn tổ chức 02 phiên chợ đưa hàng Việt về nông thôn. Đưa vào khai thác cửa hàng rau sạch thị trấn Tri Tôn.

Tỷ lệ hộ sử dụng điện 90,52%; hộ sử dụng nước hợp vệ sinh đạt 96,87%. Tỷ lệ hộ nghèo giảm 3,13%, hiện còn 12,45%.

Hoạt động du lịch bước đầu đã tạo được sự nhận thức, ý thức trách nhiệm trong hệ thống chính trị, các tầng lớp nhân dân về việc tổ chức khai thác tiềm năng và lợi thế để phát triển du lịch tạo động lực để phát triển kinh tế xã hội. Trong năm, có 562.000 lượt khách đến tham quan du lịch, tăng 6,03% so với năm 2017, chủ yếu ở các điểm sinh hoạt tâm linh tín ngưỡng. Huyện đã tích cực đẩy mạnh, mời gọi các thành phần kinh tế tham gia đầu tư, khai thác vào lĩnh vực này.

Chỉ số công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp tăng 15,77% so với cùng kỳ. Giá trị sản xuất đạt 1.013,108 tỷ đồng, tập trung chủ yếu các ngành công nghiệp khai khoáng, chế biến, phân phối điện, nước, khí đốt. Có 16 doanh nghiệp đầu tư trên địa bàn huyện, tập trung xây dựng nhà kho, chế biến nông sản, chưng cất tinh dầu trầm hương, trồng dược liệu, sản xuất lúa giống chất lượng cao, cung cấp vật tư nông nghiệp, trồng chuối cấy mô, trồng nấm dược liệu, chăn nuôi bò, heo, liên kết sản xuất và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp… ở các xã Vĩnh Gia, Lương An Trà, Vĩnh Phước, Lê Trì, Châu Lăng, Tà Đảnh, Tân Tuyến.

Tổng thu ngân sách Nhà nước735,017 tỷ đồng đạt 144,19% so dự toán, trong đó thu ngân sách địa bàn 109,237 tỷ đồng, đạt 145,20% so với dự toán.Tổng chi ngân sách Nhà nước 667,770 tỷ đồng đạt 131,78% so dự toán. Thu thuế 78,785 tỷ đồng đạt 104,46% so với chỉ tiêu tỉnh giao.

Tuy nhiên, tình hình kinh tế của huyện còn một số khó khăn như:Việc chuyển đổi cơ cấu nông nghiệp và tổ chức lại sản xuất còn chậm; sản xuất nông nghiệp luôn chịu sự tác động của nhiều yếu tố bất thường như lũ lụt, thời tiết xấu, dịch bệnh, giá cả thị trường làm ảnh hưởng đến sản xuất, thu nhập và đời sống của nhân dân; du lịch tuy có quan tâm nhưng chưa huy động mọi nguồn lực để khai thác tiềm năng và lợi thế để phát triển; việc khôi phục và phát triển các ngành, nghề truyền thống của địa phương còn chậm; tiến độ thực hiện xây dựng nông thôn mới ở một số xã không nằm trong lộ trình đến năm 2020 còn chậm.

Năm 2019 Tri Tôn tiếp tục huy động mọi nguồn lực xã hội để đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng kinh tế xã hội, khai thác tốt tiềm năng phát triển du lịch, thương mại, dịch vụ, tạo động lực để phát triển nông nghiệp, công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp và xây dựng; phát triển nông nghiệp từng bước đi vào chiều sâu gắn với tổ chức lại sản xuất, chuyển đổi cơ cấu cây trồng vật nuôi có hiệu quả kinh tế; hình thành các vùng sản xuất lúa chất lượng cao, vùng trồng dược liệu, cây ăn trái, chuối cây mô...; khuyến khích phát triển trang trại chăn nuôi với quy mô lớn; nâng giá trị sản xuất nông nghiệp lên 123,984 triệu đồng/ha. Thu nhập bình quân đầu người 40,8 triệu đồng. Tỷ lệ hộ nghèo giảm 4%/năm./.

Trần Văn Hợp
Trưởng Ban Tuyên giáo huyện ủy Tri Tôn
(TTCTTT-4/2019)
Tiến tới đại hội đảng
Giải phóng miền Nam
Số lần xem các bài viết
36717244