Truy cập hiện tại

Đang có 182 khách và không thành viên đang online

Công tác tư tưởng nhìn từ sự thay đổi chế độ chính trị ở Liên Xô và các nước xã hội chủ nghĩa Đông Âu

(TGAG)- Cách mạng Tháng Mười Nga thành công (07-11-1917) dẫn đến sự ra đời của nhà nước công nông đầu tiên trên thế giới, thức tỉnh các dân tộc bị áp bức đứng lên giành độc lập dân tộc, giành quyền được sống, được bình đẳng, dẫn tới sự sụp đổ của hệ thống thuộc địa. Liên bang các nước cộng hòa xã hội chủ nghĩa Xô-viết ra đời, từng là “thành trì của hòa bình thế giới”, là điểm tựa và có những đóng góp lớn lao, đồng thời cứu loài người khỏi thảm họa phát-xít, từ đó hình thành nên hệ thống các nước xã hội chủ nghĩa với mục tiêu biến những lý tưởng cao đẹp của Cách mạng Tháng Mười thành hiện thực.

Hơn 70 năm xây dựng chủ nghĩa xã hội, Liên Xô và hệ thống các nước xã hội chủ nghĩa Đông Âu đã đạt được những thành tựu to lớn không thể phủ nhận trên nhiều lĩnh vực khoa học - công nghệ, kinh tế, xã hội, an ninh quốc phòng, văn học nghệ thuật,… trở thành một đối trọng, một cực của thế giới. Một trăm năm đã trôi qua kể từ khi Cách mạng Tháng Mười Nga thành công, thế giới trải qua nhiều thăng trầm với những biến động của lịch sử. Nếu như cách đây một thế kỷ, Cách mạng Tháng Mười Nga là một sự kiện “long trời, lở đất”, thì hơn 70 năm sau đó, sự đổ vỡ của Liên Xô (năm 1991) và sự tan rã của các nước xã hội chủ nghĩa ở Đông Âu với tư cách là một hệ thống, là một chấn động lịch sử, hay như Tổng thống Nga V. Pu-tin nói, là một “thảm họa địa chính trị”.

Biến động đó đã khiến cho không ít sự kiện lịch sử đã được định hình nay bị đưa ra nhìn nhận, xem xét, thậm chí bị đánh giá lại về tầm vóc, vai trò, ý nghĩa của nó. Cách mạng Tháng Mười Nga với sự ra đời của Liên Xô, là một trong những sự kiện đó.

Đã có rất nhiều công trình nghiên cứu nguyên nhân dẫn tới sự đổ vỡ được cho là “bất ngờ”, “nhanh chóng” của Liên Xô. Các nguyên nhân đó hiện diện trong tất cả các lĩnh vực: nhận thức lý luận, lịch sử, kinh tế, cơ chế quản lý, công tác tổ chức cán bộ, nội bộ đảng, mối quan hệ giữa các nước cộng hòa trong Liên bang Xô-viết; mối quan hệ giữa Liên Xô với các nước trong khối xã hội chủ nghĩa, mối quan hệ giữa hai phe xã hội chủ nghĩa do Liên Xô đứng đầu và phe tư bản chủ nghĩa do Mỹ đứng đầu,… Những nguyên nhân xuất phát từ yếu tố chủ quan, từ những hạn chế không nhỏ trong nội bộ Liên Xô ở nhiều lĩnh vực, dẫn tới sự tan vỡ của quốc gia rộng lớn này. Nếu không có những yếu kém trong nội bộ sẽ không tích tụ những điều kiện vật chất, tư tưởng, tâm lý để làm bùng lên sự kiện ở tầm vóc thay đổi cục diện thế giới trong thời gian ngắn đến không ngờ. Tuy nhiên, sẽ là không đầy đủ nếu không xem xét một cách thấu đáo những tác động từ bên ngoài, từ các thế lực thù địch phản động đã tiến hành chiến lược “diễn biến hòa bình”, cụ thể là từ những cuộc chiến tranh tâm lý, chiến tranh thông tin, đến các hoạt động tác động đến tư tưởng người dân Liên Xô được triển khai một cách có tính toán bài bản, tinh vi, có lộ trình cụ thể,… hướng tới mục tiêu nhất quán là: xóa bỏ Liên Xô - xóa bỏ một cực trong trật tự hai cực của thế giới.

Qua một số tài liệu được giải mật sau này, có thể thấy, mục tiêu xóa bỏ Liên Xô được thực hiện một cách bền bỉ, dai dẳng, khéo léo theo kiểu “mưa dầm thấm lâu”, gieo rắc thái độ nghi ngờ, bối rối, thiếu tin tưởng đối với chế độ mới trong giới lãnh đạo, trong dân chúng Liên Xô và ở các nước xã hội chủ nghĩa, cũng như các đảng cộng sản nằm ngoài biên giới Liên Xô. Những rạn nứt, những yếu tố có khả năng gây nên sự chia rẽ trong xã hội được khéo léo lợi dụng, khoét sâu. Để đạt mục tiêu này, phương Tây đã xây dựng nên cả một ngành khoa học có tên là “Kremli học” để nghiên cứu những đặc điểm cá nhân và những khả năng tiềm ẩn của “những thành tố chủ chốt” ở Liên Xô.

Sự hiện diện của “yếu tố bên ngoài” giữ một vai trò đặc biệt trong sự sụp đổ của Liên Xô. Trong chuỗi các hoạt động của “dây chuyền” xóa bỏ Liên Xô đó, mỗi một nhân vật, một tổ chức tham gia một công đoạn nên không thể biết được toàn bộ “dây chuyền” đó, nguồn gốc cũng như mục tiêu cuối cùng. Điều này làm cho ngay cả người can dự và người quan sát cũng khó có thể nhận thấy có một “quá trình” nào đó đang diễn ra. Vì thế sau khi các kế hoạch được thực hiện và những kết quả có được từ việc thực hiện các kế hoạch đó được họ cho rằng là tự nhiên chứ không phải là kết quả một sự tác động, một kế hoạch có chủ ý nào.

Kết quả là, dần dần các khái niệm bị đánh tráo, “sự mềm hóa chế độ” bắt đầu diễn ra từ từ, có vẻ "tự nhiên" và dường như rất “khách quan”!?. Các lĩnh vực văn hóa, văn học, du lịch, truyền hình, phim ảnh bị “tấn công” một cách có chủ đích. Dần dần các “thông tin tác động” chiếm những điểm then chốt trong “không gian thông tin”, làm thay đổi nhận thức, thiết lập phạm vi điều khiển… Thăm dò dư luận, định hướng, bẻ hướng thông tin, dần khiến cho một bộ phân dân chúng thờ ơ, cho rằng mọi diễn biến trong xã hội chỉ xuất phát từ yếu tố địa lý, kinh tế, nhu cầu tiêu dùng,… Cuối cùng, như thực tế đã diễn ra, Liên Xô đã không chống trả được sự thâm nhập đó. Liên Xô tan rã, còn nước Nga - nước kế thừa Liên Xô lâm vào khủng hoảng. Khủng hoảng kinh tế, khủng hoảng chính trị, khủng hoảng xã hội, khủng hoảng niềm tin, khiến vị thế quốc tế mà Liên Xô đã từng giành được trên bản đồ chính trị - kinh tế thế giới đã bị đánh mất. Ngày 17-8-1998 (7 năm sau khi Liên Xô sụp đổ), nước Nga rơi tự do xuống đáy của tình trạng khủng hoảng toàn diện với hệ thống ngân hàng bị tê liệt và Chính phủ Nga khi đó tuyên bố ngừng thanh toán nợ trong 90 ngày, không thể tiếp cận vay vốn nước ngoài. Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) đã từ chối khoản tiền 4,3 tỷ USD mà Thủ tướng Nga khi đó đề nghị được vay để có thể thoát khỏi khủng hoảng với chi phí tối thiểu. Xã hội rối loạn, bất ổn gia tăng, an ninh không bảo đảm, kinh tế trì trệ, nợ lương kéo dài; thậm chí đói rét đã là một thực tế đối với một bộ phận người dân Nga...

Với những diễn biến và “kết quả” đạt được trong 1 thập niên đó, người dân Liên Xô, người dân Nga đã mất gì, được gì, và quan trọng hơn, thế giới có thực sự bình yên, an toàn và trong lành hơn, bình đẳng hơn sau khi Liên Xô không còn trên bản đồ thế giới, sau khi hệ thống các nước xã hội chủ nghĩa ở Đông Âu không còn? Khối quân sự mạnh nhất hình thành trong Chiến tranh lạnh có giải thể khi Khối đối trọng không còn tồn tại? Nguy cơ chạy đua vũ trang có giảm thiểu? Các cuộc chiến và xung đột, các điểm nóng trên thế giới có nguội hơn và thu hẹp phạm vi? Những giá trị nhân văn mà Cách mạng Tháng Mười Nga hướng tới và Liên Xô cùng các nước xã hội chủ nghĩa hiện thực hóa có bị lạc hậu?... Trả lời tất cả những câu hỏi đó đều có sự liên quan chặt chẽ đến công tác tư tưởng.

Tròn 100 năm Cách mạng Tháng Mười Nga là một dịp không chỉ để chúng ta kỷ niệm, ôn lại sự kiện lịch sử tầm cỡ thế giới này, đánh giá sự cống hiến của Liên Xô và các nước xã hội chủ nghĩa Đông Âu đối với tiến trình phát triển của thế giới mà còn là một dịp để nhìn nhận, rút ra những bài học kinh nghiệm từ sự đổ vỡ của Liên Xô và hệ thống các nước xã hội chủ nghĩa Đông Âu, cũng như từ cả thực tế diễn ra sau sự kiện này. Độ lùi của thời gian so với Cách mạng Tháng Mười Nga, với sự kiện Liên Xô và hệ thống các nước xã hội chủ nghĩa Đông Âu tan rã giúp chúng ta có cách nhìn khách quan hơn, tỉnh táo hơn trong việc nhìn nhận, đánh giá.

Từ góc độ công tác tư tưởng, việc xem xét những yếu tố tác động bên ngoài đối với sự tan rã của Liên Xô giúp rút ra bài học: Một là, cần khẳng định rằng, sự tác động từ bên ngoài là hiện hữu, có chủ đích, bền bỉ, dai dẳng. Hai là, sự tác động đó được thực hiện trên cơ sở khoét sâu những hạn chế, yếu kém, bất cập, những mầm mống, nguy cơ có thể dẫn đến mất đoàn kết, đặc biệt là những yếu kém của cán bộ giữ các vị trí lãnh đạo,… rồi khuyếch trương những yếu tố bất lợi đó theo một kịch bản, lộ trình công phu, phát huy tác tối đa. Ba là, những phương tiện thông tin đại chúng đã bị xâm nhập nhưng không được phát hiện, ngăn chặn kịp thời. Bốn là, chiến lược diễn biến hòa bình, chiến tranh tâm lý, chiến tranh thông tin đã tác động rất lớn đến tư tưởng được thực hiện lâu dài, tinh vi, có lộ trình, có cách tiếp cận, và có biện pháp cụ thể. Năm là, sự sụp đổ của Liên Xô cũng làm nảy sinh sự thiên lệch, thậm chí cực đoan khi đánh giá, nhìn nhận sự kiện này.

Nhìn nhận thực tiễn triển khai chiến lược diễn biến hòa bình kiểu “mưa dầm thấm lâu” của phương Tây đối với Liên Xô và tác động của nó cho thấy sự nguy hiểm của các âm mưu, thủ đoạn mà các thế lực thù địch đã triển khai. Phương Tây đã triển khai thực hiện, và cho đến nay cuộc chiến trong lĩnh vực tư tưởng vẫn đang tiếp diễn. Đó là chiến tranh không có chiến tranh - “chiến tranh thế hệ thứ sáu” với mục tiêu là đánh tan tiềm năng kinh tế - xã hội của bất cứ quốc gia nào, ở bất cứ khoảng cách nào bằng phương thức “không tiếp xúc”. Truyền thông, mạng xã hội có vai trò đặc biệt quan trọng trong cuộc chiến “không tiếp xúc” này. Kênh truyền thông có sức mạnh sẽ chi phối thông tin và dư luận xã hội. Bởi vậy cần có sự nhìn nhận đúng đắn và khách quan cuộc chiến này nếu không sẽ dễ dẫn đến sự hoài nghi rằng có hay không có cuộc chiến thông tin, có hay không có sự tác động từ bên ngoài đối với diễn biến tình hình trong nước…

Ở Việt Nam, công tác tư tưởng đứng trước những khó khăn, thách thức lớn. Đại hội XI của Đảng đã chỉ rõ: Tính chiến đấu, tính thuyết phục, hiệu quả của “công tác tư tưởng còn hạn chế; thiếu sắc bén trong đấu tranh chống âm mưu, thủ đoạn “diễn biến hòa bình”(1). Nghị quyết Hội nghị Trung ương 4 khóa XI đã chỉ rõ: Một bộ phận không nhỏ cán bộ, đảng viên, trong đó có những đảng viên giữ vị trí lãnh đạo, quản lý, kể cả một số cán bộ cao cấp, suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống với những biểu hiện khác nhau về sự phai nhạt lý tưởng, sa vào chủ nghĩa cá nhân ích kỷ, cơ hội, thực dụng, chạy theo danh lợi, tiền tài, kèn cựa địa vị, cục bộ, tham nhũng, lãng phí, tùy tiện, vô nguyên tắc... Trong nhiều nguyên nhân dẫn đến tình trạng trên có nguyên nhân chưa làm tốt công tác tư tưởng, thiếu chủ động và nhạy bén trong đấu tranh chống âm mưu “diễn biến hòa bình” của các thế lực thù địch, chưa phê phán mạnh mẽ, đấu tranh kiên quyết với chủ nghĩa cá nhân, tư tưởng cơ hội, thực dụng, tham nhũng, lãng phí,... Điều đáng nói là nhiều cấp ủy đảng chưa đặt đúng mức việc lãnh đạo, chỉ đạo đối với nội dung, phương pháp công tác tư tưởng trong giai đoạn mới.

Đến Đại hội XII, Đảng xác định cần “Đổi mới công tác tuyên truyền, giáo dục chính trị, tư tưởng, đạo đức, lối sống cho cán bộ, đảng viên. Đấu tranh, ngăn chặn, đẩy lùi tình trạng suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống; ngăn chặn, đẩy lùi những biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa”. Tăng cường đấu tranh làm thất bại mọi âm mưu, hoạt động “diễn biến hòa bình” của các thế lực thù địch; chủ động ngăn chặn, phản bác các thông tin, quan điểm xuyên tạc, sai trái, thù địch”(2). Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, trong bài phát biểu bế mạc Hội nghị Trung ương 4, khóa XII, đã chỉ rõ: “Trong đó, nguy hiểm nhất là sự phai nhạt lý tưởng cách mạng, không kiên định con đường xã hội chủ nghĩa, mơ hồ, dao động, thiếu niềm tin, nói trái, làm trái quan điểm của Đảng; thậm chí sa sút ý chí chiến đấu, thấy đúng không bảo vệ, thấy sai không đấu tranh, phụ họa theo những nhận thức, quan điểm sai trái, lệch lạc; không còn ý thức hết lòng vì nước, vì dân, không làm tròn bổn phận, chức trách được giao, không thực hiện đúng các nguyên tắc tổ chức, sinh hoạt đảng. Sự suy thoái về đạo đức, lối sống còn thể hiện ở chỗ: Sống ích kỷ, thực dụng, cơ hội, vụ lợi, hám danh, tham nhũng, tham quyền lực; bè phái cục bộ, mất đoàn kết; quan liêu, xa dân, vô cảm trước khó khăn bức xúc của dân. “Từ suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống dẫn tới “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” chỉ là một bước ngắn, thậm chí rất ngắn, nguy hiểm khôn lường, có thể dẫn tới tiếp tay hoặc cấu kết với các thế lực xấu, thù địch, phản bội lại lý tưởng và sự nghiệp cách mạng của Đảng và dân tộc”(3).

Tình hình quốc tế và trong nước đang đặt ra cho công tác tư tưởng của Đảng ta những yêu cầu mới, trong đó nổi bật là tính thuyết phục của công tác tư tưởng. Để công tác tư tưởng có sức thuyết phục cần nhất hai yếu tố, trước hết là cán bộ, đảng viên là lãnh đạo ở các cấp phải là những người hiểu rõ tình hình, có bản lĩnh; tự giác, nêu gương trong công việc, trong phẩm chất đạo đức và trí tuệ. Đồng thời, do thực tế sẽ quyết định nhận thức của con người nên công tác tư tưởng phải xuất phát từ thực tiễn cuộc sống, bám sát thực tiễn cuộc sống, phản ánh chân thực và luôn song hành cùng mọi hoạt động của đời sống xã hội; công tác tư tưởng sẽ thiếu thuyết phục nếu nó không có thực tế đủ sức minh chứng, hỗ trợ, làm nền tảng.

Nâng cao tính thuyết phục của công tác tư tưởng, xác định rõ các yếu tố tác động đến công tác tư tưởng; cách thức tiến hành công tác tư tưởng cần được thực hiện một cách chủ động, khoa học, đổi mới và sáng tạo, có lộ trình, bước đi phù hợp mới có đủ sức nặng thuyết phục để định hướng dư luận. Và điều quan trọng nhất, đó là phải giải quyết và sớm khắc phục những yếu kém, hạn chế, những bất cập, những bức xúc, đồng thời xử lý, lấp đầy những khoảng còn trống trong nghiên cứu lý luận, trong thực tiễn phát triển của đất nước dễ làm cho nảy sinh và những vấn đề tư tưởng trong nội bộ; không tạo ra những cái cớ, những điều kiện để các thế lực thù địch có thể lợi dụng./.

--------------------------------------------------------------------
(1) Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XI, Nxb. Chính trị quốc gia - Sự thật, Hà Nội 2011, tr.173
(2) Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII, Văn phòng Trung ương Đảng, Hà Nội 2016, tr.200
(3) Văn kiện Hội nghị lần thứ tư Ban Chấp hành Trung ương, Văn phòng Trung ương Đảng, Hà Nội 2016, tr. 144

Phạm Thắng
/Nguồn: TCCS
Tiến tới đại hội đảng
Giải phóng miền Nam
Số lần xem các bài viết
36568896