Truy cập hiện tại

Đang có 49 khách và không thành viên đang online

Hội Khuyến học với “Tháng hành động vì sự nghiệp giáo dục năm 2016”

(TGAG)- Năm nay, “Tháng hành động vì sự nghiệp giáo dục” (Tháng HĐVSNGD) bắt đầu từ ngày 01/8 đến ngày 01/9/2016. Do vậy, Hội Khuyến học (HKH) các cấp cần xác định vai trò, trách nhiệm đồng hành cùng các trường học trong tỉnh, cùng Ngành giáo dục thực hiện có hiệu quả Tháng HĐVSNGD. Bài viết này giúp cho các cấp HKH định hướng hoạt động trong Tháng HĐVSNGD năm nay và những năm kế tiếp. Cụ thể là những công việc sau đây:

1- Tham gia công tác tuyên truyền, giáo dục, góp phần nâng cao nhận thức của cộng đồng về vị trí, vai trò của giáo dục đối với sự phát triển xã hội, ý nghĩa của việc học đối với cuộc đời của con cái, vận mệnh của gia đình, tương lai của đất nước...

HKH cơ sở (xã, phường, thị trấn), các chi HKH cần viết tin, bài cung cấp cho đài truyền thanh giới thiệu những tấm gương vượt khó hiếu học, gia đình hiếu học, thành đạt trong cuộc sống, dòng họ hiếu học tiêu biểu... đồng thời phê phán hiện tượng lười học, bỏ học, cha mẹ cố tình ngăn cản việc học của con em mình... Tham mưu đảng ủy, UBND, MTTQ cấp xã tổ chức nhiều hình thức cổ động (pano, khẩu hiệu tuyên truyền, vận động...).

HKH cơ sở phối hợp MTTQ và hội cựu giáo chức cấp xã tham mưu cấp ủy, UBND tổ chức họp mặt biểu dương các gia đình hiếu học, học sinh (HS) giỏi, sinh viên, học sinh vượt khó học giỏi đậu hoặc đang học cao đẳng, đại học... Các chi HKH dòng họ tổ chức họp mặt để tổng kết, biểu dương con cháu học giỏi, tặng quà cho con cháu nghèo vượt khó, chăm học, vượt lên học khá... Các chi HKH tôn giáo, doanh nghiệp, các ban KH cơ quan, đơn vị cũng cần tổ chức các hoạt động tương tự.

2- Tham gia vào các đoàn công tác vận động HS đến trường

Hiện tình trạng HS bỏ học, nhất là bậc THCS vẫn còn nhiều. Các chi HKH phối hợp với chi HKH trường học nắm chắc các trường hợp HS bỏ học. Nếu nguyên nhân bỏ học do các yếu tố bên ngoài nhà trường (do nghèo khó, hoàn cảnh neo đơn đặc biệt, tai biến gia đình...), chi HKH khóm ấp và HKH cơ sở báo cáo UBND có biện pháp giúp đỡ thiết thực để gia đình qua hoàn cảnh khó khăn cho con em trở lại trường. Nếu nguyên nhân do học lực kém, do nhà trường chưa thân thiện... chi HKH trường học phải rút kinh nghiệm, chịu trách nhiệm khắc phục, giúp đỡ để HS yên tâm trở lại trường.

Nếu HS có nguy cơ bỏ học là con em trong một chi HKH dòng họ hoặc con em trong một chi HKH tôn giáo, doanh nghiệp có thể giao trách nhiệm cho chi hội đó vận động, hỗ trợ để trở lại trường.

3- HKH các cấp thực hiện vận động toàn xã hội để cấp phát quà “Tiếp bước đến trường” (quà “TBĐT”) cho toàn bộ HS con em hộ nghèo và cận nghèo, góp phần tạo sự bình đẳng trong giáo dục

Đối với HS bậc tiểu học và THCS, Tỉnh Hội đã phân cấp trách nhiệm cho các HKH (theo Đề án 01). Trong thực hiện cần lưu ý:

Quan tâm hình thức giúp đỡ trong đời sống cộng đồng. Hằng năm, HKH cơ sở lựa chọn 5-7 HS từ lớp 2 đến lớp 5, con nhà nghèo nhưng chăm học, học khá giỏi, gởi cho những gia đình khá giả trong xóm đỡ đầu. Mỗi tháng giúp đỡ cho từ 100 ngàn - 200 ngàn đồng/HS làm chi phí học tập (hoặc có hình thức giúp đỡ nào thiết thực). Đây là hình thức dần hình thành tình làng nghĩa xóm.

Quỹ tập vở đầu năm là rất phong phú, cần tận dụng nguồn này để phụ nguồn tiền vận động hiện đang rất khó khăn. Ngoài ra, các chi hội trường học cần phát động phong trào tặng sách đã qua sử dụng, tặng quần áo cũ để hỗ trợ cho HS nghèo.

Kết hợp tặng quà “TBĐT” với chống bỏ học. Do vậy, việc cấp phát quà “TBĐT” nên phát theo khóm ấp. Cần xác định cấp phát quà để tiếp bước cho các em được đến trường. Những trường hợp vận động đến trường không hiệu quả, do gia đình bất hợp tác, thì kiên quyết không phát quà “TBĐT” và báo cáo cho UBND xã có biện pháp giáo dục mạnh hơn, khi nào đạt hiệu quả vận động thì tiếp tục cấp quà “TBĐT”.

Từ đầu hè cho đến cuối tháng 8/2016, những nguồn học bổng từ tỉnh hỗ trợ đã được cấp phát, kể cả học bổng XSKT (trừ khối lớp 6 và lớp 10). Các nguồn học bổng còn lại, kể cả học bổng Doãn Tới, Tỉnh Hội sẽ cố gắng cấp phát chậm nhất tháng 10/2016.

Đối với học bổng XSKT và học bổng Doãn Tới, khi đề nghị các HS nghèo có học lực khá trở lên, hạnh kiểm tốt để được cấp học bổng, chi HKH trường học cần quan tâm gặp gỡ, động viên thường xuyên, giúp đỡ, phụ đạo, bồi dưỡng để các em chí ít cũng duy trì được kết quả học tập, học lực từ khá trở lên, để được tái cấp sau mỗi học kỳ, cho đến khi xong cấp học. Nếu không, em nào học sau mỗi học kỳ chỉ xếp loại trung bình trở xuống thì bị cắt học bổng ngay.

Việc xét cấp mới đối với lớp 7, 8, 9 hoặc lớp 11, 12 rất khó (học lực phải đạt loại giỏi) và chỉ được 5% của tổng số học bổng của cấp lớp. Do vậy, một HS học lực khá, hạnh kiểm tốt được cấp học bổng XSKT, Doãn Tới học xuống trung bình hoặc yếu, bị cắt học bổng, năm học sau học lên loại khá, hạnh kiểm tốt không được xét cấp trở lại mà phải lên loại giỏi, hạnh kiểm tốt mới được xét tái cấp.

4- Ở địa phương nào phát động được phong trào “nuôi heo đất khuyến học” trong cộng đồng, dòng họ thì tổ chức khui heo đất đồng loạt cùng một ngày trong tháng 8 (việc chọn ngày nào do HKH huyện, xã quyết định), số tiền thu được cần công khai và họ tự quyết định chi số tiền thu được cho mục đích khuyến học, HKH chỉ tham gia hướng dẫn, tư vấn cho hoạt động này bảo đảm phù hợp mục đích khuyến học.
 
5- Nếu còn nguồn lực hoặc có nhà tài trợ, HKH các cấp còn tham gia vào việc tu bổ, chỉnh trang trường sở. Về lâu dài, đây là công việc trọng tâm của công tác KH với nghĩa đầy đủ là “hỗ trợ và khuyến khích phát triển giáo dục”.

Tháng HĐVSNGD nhằm nâng cao ý thức và hành động trong cộng đồng, huy động mọi nguồn lực và tinh thần để các trường học bước vào năm học mới với khí thế mới, trong đó có vai trò quan trọng của HKH các cấp.

ĐẶNG HOÀI DŨNG
Chủ tịch Hội Khuyến học
Tiến tới đại hội đảng
Giải phóng miền Nam
Số lần xem các bài viết
37024836