Truy cập hiện tại

Đang có 334 khách và không thành viên đang online

Quy định của Ban Chấp hành Trung ương Đảng về đối tượng, tiêu chuẩn và phân cấp đào tạo lý luận chính trị

(TUAG)- Ngày 8/2/2022, Ban Chấp hành Trung ương ban hành Quy định số 57-QĐ/TW, quy định về đối tượng, tiêu chuẩn và phân cấp đào tạo lý luận chính trị. Tuyên giáo An Giang trân trong giới thiệu văn bản.

Quy định nêu rõ đối tượng, tiêu chuẩn đào tạo sơ cấp lý luận chính trị, trung cấp lý luận chính trị và cao cấp lý luận chính trị. Đồng thời phân cấp nhiệm vụ đào tạo, thẩm quyền, trách nhiệm của các cơ quan đào tạo.

Về đối tượng, tiêu chuẩn đào tạo sơ cấp lý luận chính trị:

1. Đối tượng:

a) Đảng viên; đoàn viên, hội viên của các tổ chức chính trị - xã hội ở cơ sở.

b) Công chức cấp xã (trừ trưởng công an và chỉ huy trưởng quân sự cấp xã).

c) Người hoạt động không chuyên trách cấp xã, ở thôn, tổ dân phố và một số đối tượng khác có nguyện vọng phù hợp với yêu cầu chung.

2. Tiêu chuẩn:

Tốt nghiệp trung học cơ sở trở lên.

Về đối tượng, tiêu chuẩn đào tạo trung cấp lý luận chính trị:

1. Đối tượng:

1.1. Cán bộ, công chức, viên chức:

a) Cấp ủy viên cấp xã; chủ tịch, phó chủ tịch Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân; cấp trưởng, cấp phó Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các tổ chức chính trị - xã hội cấp xã.

b) Phó trưởng phòng và cấp phó các đơn vị tương đương cấp phòng của cấp huyện, cấp tỉnh; phó ban (đơn vị tương đương cấp ban) trực thuộc các tập đoàn kinh tế, tổng công ty nhà nước.

c) Quy hoạch phó trưởng phòng (các đơn vị tương đương cấp phòng) ở Trung ương. Quy hoạch các chức vụ quy định tại Điểm a, b.

1.2. Cán bộ quân đội: Chỉ huy trưởng ban chỉ huy quân sự cấp xã, chỉ huy cấp tiểu đoàn; phó chỉ huy trưởng, phó tham mưu trưởng, chính trị viên, phó ban chỉ huy quân sự cấp huyện; phó tham mưu trưởng, phó chủ nhiệm chính trị trung đoàn; lãnh đạo phòng (ban) cấp lữ đoàn, sư đoàn, bộ chỉ huy quân sự, bộ chỉ huy bộ đội biên phòng cấp tỉnh (tương đương). Cán bộ quy hoạch những chức vụ trên.

1.3. Cán bộ công an: Đội trưởng, trưởng công an cấp xã, tiểu đoàn trưởng, phó đội trưởng, phó trưởng công an cấp xã, phó tiểu đoàn trưởng và tương đương; phó trưởng phòng, phó trưởng công an cấp huyện, phó trung đoàn trưởng và tương đương. Cán bộ quy hoạch những chức vụ trên.

1.4. Cán bộ có đủ 6 năm giữ ngạch, bậc chuyên viên và tương đương; chức danh, vị trí việc làm theo quy định phải có trình độ trung cấp lý luận chính trị và trong dự nguồn ngạch trung cấp (tương đương).

1.5. Giảng viên lý luận chính trị ở trường, trung tâm có nhiệm vụ đào tạo lý luận chính trị.

2. Tiêu chuẩn:

- Đảng viên dự bị hoặc chính thức.

- Tốt nghiệp cao đẳng trở lên (tốt nghiệp trung học phổ thông trở lên đối với cán bộ là người dân tộc thiểu số hoặc công tác tại các xã miền núi, biên giới, hải đảo, vùng sâu, vùng xa, vùng dân tộc thiểu số, vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn).

- Cán bộ học hệ không tập trung: Nữ từ 33 tuổi, nam từ 35 tuổi trở lên.

Về đối tượng, tiêu chuẩn đào tạo cao cấp lý luận chính trị:

1. Đối tượng:

1.1. Cán bộ, công chức, viên chức:

a) Trưởng phòng (các đơn vị tương đương cấp phòng) cấp huyện, cấp tỉnh.

b) Cấp ủy viên cấp huyện trở lên; cấp ủy viên cấp tỉnh, lãnh đạo cấp ban, sở, ngành, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các tổ chức chính trị - xã hội, đơn vị sự nghiệp cấp tỉnh.

c) Trưởng phòng (các đơn vị tương đương cấp phòng) trở lên của các ban, bộ, ngành, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các tổ chức chính trị - xã hội, đơn vị sự nghiệp, đảng ủy trực thuộc Trung ương; cấp ủy viên, ban giám đốc, hội đồng thành viên (quản trị), trưởng ban (các đơn vị tương đương cấp ban) ở các tập đoàn kinh tế, tổng công ty nhà nước.

d) Phó trưởng phòng (các đơn vị tương đương cấp phòng) ở Trung ương.

đ) Phó trưởng phòng quy hoạch trưởng phòng cấp huyện, cấp tỉnh. Quy hoạch các chức vụ quy định tại điểm b, c.

1.2. Cán bộ quân đội: Chỉ huy trưởng, chính trị viên ban chỉ huy quân sự cấp huyện; trung đoàn trưởng, chính ủy trung đoàn và tương đương; chỉ huy cấp lữ đoàn, sư đoàn, bộ chỉ huy quân sự, bộ chỉ huy bộ đội biên phòng cấp tỉnh và tương đương; chỉ huy các cơ quan cấp chiến dịch, chiến lược; ban giám đốc bệnh viện, viện nghiên cứu, chủ tịch, ban giám đốc công ty (tổng công ty) doanh nghiệp trực thuộc Bộ Quốc phòng. Cán bộ quy hoạch những chức vụ trên.

1.3. Cán bộ công an: Trưởng phòng, trưởng công an cấp huyện, trung đoàn trưởng và tương đương trở lên; cán bộ quy hoạch những chức vụ trên, cấp phó trưởng phòng (tương đương) của cục (tương đương) trực thuộc Bộ Công an.

1.4. Cán bộ có đủ 4 năm giữ ngạch, bậc chuyên viên chính và tương đương; chức danh, vị trí việc làm theo quy định phải có trình độ cao cấp lý luận chính trị và trong dự nguồn ngạch cao cấp (tương đương).

1.5. Giảng viên có đủ 5 năm trực tiếp giảng dạy lý luận chính trị ở các học viện, trường có nhiệm vụ đào tạo lý luận chính trị.

2. Tiêu chuẩn:

- Đảng viên chính thức.

- Tốt nghiệp đại học trở lên.

- Cán bộ học hệ không tập trung: Nữ từ 38 tuổi, nam từ 40 tuổi trở lên.

Về phân cấp nhiệm vụ đào tạo:

1. Trung tâm chính trị cấp huyện đào tạo sơ cấp lý luận chính trị.

2. Trường chính trị cấp tỉnh đào tạo trung cấp lý luận chính trị cho cán bộ của địa phương và của các ban, bộ, ngành, tổ chức chính trị - xã hội ở Trung ương làm việc trên địa bàn. Một số học viện, trường của Bộ Quốc phòng, Bộ Công an đào tạo trung cấp lý luận chính trị cho cán bộ lực lượng vũ trang.

3. Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh đào tạo cao cấp lý luận chính trị.

Về thẩm quyền, trách nhiệm của các cơ quan đào tạo sơ cấp:

1. Cấp ủy cấp huyện lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện đầy đủ, nghiêm túc các quy định của Trung ương và kế hoạch đào tạo của cấp ủy cấp tỉnh; kiểm tra, giám sát việc thực hiện công tác đào tạo lý luận chính trị theo thẩm quyền phân cấp.

2. Ban tổ chức cấp ủy cấp huyện rà soát đội ngũ cán bộ, xác định nhu cầu đào tạo, tham mưu ban thường vụ cấp ủy cấp huyện ban hành kế hoạch đào tạo; thực hiện kiểm tra, giám sát công tác đào tạo; định kỳ sơ kết, tổng kết việc thực hiện và báo cáo ban thường vụ cấp ủy cấp huyện.

3. Ban tuyên giáo cấp ủy cấp huyện theo dõi, hướng dẫn, kiểm tra về định hướng chính trị, tư tưởng trong nội dung đào tạo và báo cáo ban thường vụ cấp ủy cấp huyện.

4. Trường chính trị cấp tỉnh hướng dẫn chuyên môn, tổ chức bồi dưỡng, tập huấn giảng viên cho trung tâm chính trị cấp huyện.

5. Trung tâm chính trị cấp huyện thực hiện kế hoạch đào tạo của cấp ủy; tổ chức và quản lý đào tạo; định kỳ báo cáo kết quả đào tạo với ban thường vụ cấp ủy và các cơ quan có thẩm quyền liên quan.

6. Ban thường vụ cấp ủy cơ sở và các cơ quan có thẩm quyền cử cán bộ đi học sơ cấp lý luận chính trị bảo đảm đúng đối tượng, tiêu chuẩn.

Về thẩm quyền, trách nhiệm của các cơ quan đào tạo trung cấp:

1. Cấp ủy cấp tỉnh lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện đầy đủ, nghiêm túc các quy định của Trung ương; xây dựng, ban hành các quy định, quy chế đào tạo cán bộ theo thẩm quyền; xây dựng chương trình toàn khóa về đào tạo cán bộ và kiểm tra, giám sát việc thực hiện công tác đào tạo lý luận chính trị theo thẩm quyền phân cấp.

2. Ban tổ chức cấp ủy cấp tỉnh rà soát đội ngũ cán bộ, xác định nhu cầu đào tạo, tham mưu ban thường vụ cấp ủy cấp tỉnh xây dựng chương trình đào tạo toàn khóa và kế hoạch đào tạo hằng năm; thực hiện việc kiểm tra, giám sát công tác đào tạo của cấp tỉnh; định kỳ sơ kết, tổng kết việc thực hiện và báo cáo ban thường vụ cấp ủy cấp tỉnh.

3. Ban tuyên giáo cấp ủy cấp tỉnh định hướng về chính trị, tư tưởng trong nội dung đào tạo; hướng dẫn, kiểm tra việc thực hiện và báo cáo ban thường vụ cấp ủy cấp tỉnh.

4. Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh đào tạo, bồi dưỡng, tập huấn phương pháp giảng dạy, chuyên môn, nghiệp vụ cho giảng viên trường chính trị cấp tỉnh và một số học viện, trường của Bộ Quốc phòng, Bộ Công an.

5. Trường chính trị cấp tỉnh thực hiện kế hoạch, tổ chức và quản lý đào tạo; định kỳ báo cáo kết quả đào tạo với ban thường vụ cấp ủy cấp tỉnh và các cơ quan có thẩm quyền liên quan.

6. Ban thường vụ cấp ủy cấp trên cơ sở và các cơ quan có thẩm quyền cử cán bộ đi học trung cấp lý luận chính trị bảo đảm đúng đối tượng, tiêu chuẩn.

Về thẩm quyền, trách nhiệm của các cơ quan đào tạo cao cấp:

1. Ban Tổ chức Trung ương xây dựng chiến lược, kế hoạch đào tạo, hướng dẫn thực hiện; kiểm tra, giám sát và định kỳ sơ kết, tổng kết việc thực hiện.

2. Ban Tuyên giáo Trung ương định hướng về chính trị, tư tưởng trong nội dung đào tạo; hướng dẫn và kiểm tra, giám sát việc thực hiện.

3. Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh thực hiện kế hoạch được giao, tổ chức và quản lý đào tạo; bồi dưỡng, tập huấn giảng viên trực tiếp đào tạo cao cấp lý luận chính trị và báo cáo công tác đào tạo về Ban Tổ chức Trung ương.

4. Học viện của Bộ Quốc phòng, Bộ Công an được giao quyền đào tạo cao cấp lý luận chính trị thực hiện kế hoạch, tổ chức và quản lý đào tạo theo quy định; định kỳ báo cáo công tác đào tạo với cơ quan chủ quản và các cơ quan có thẩm quyền liên quan.

5. Ban thường vụ cấp ủy cấp tỉnh, ban đảng, ban cán sự đảng, đảng đoàn, đảng ủy trực thuộc Trung ương, đơn vị sự nghiệp Trung ương cử cán bộ học cao cấp lý luận chính trị bảo đảm đúng đối tượng, tiêu chuẩn.

BBT
Tiến tới đại hội đảng
Giải phóng miền Nam
Số lần xem các bài viết
37042024