Truy cập hiện tại

Đang có 103 khách và không thành viên đang online

An Giang: Khởi công công trình cải tạo, nâng cấp Công viên văn hóa Võ Văn Kiệt

(TGAG)- Sáng nay, ngày 23/11/2017, tại xã Lạc Qưới huyện Tri Tôn, Tỉnh Đoàn An Giang kết hợp cùng các ngành chức năng của tỉnh và huyện Tri Tôn đã tổ chức lễ động thổ, khởi công công trình “Cải tạo, nâng cấp công viên văn hóa Võ Văn Kiệt” đúng vào dịp kỷ niệm 95 năm ngày sinh cố thủ tướng 23/11/1922.

Đây là công trình dân dụng cấp 4 do Tỉnh Đoàn An Giang làm chủ đầu tư gồm các hạng mục như: cải tạo công viên sắp xếp và bố trí lại các bồn hoa, cây xanh hiện hữu của công viên, lót đá Granite xung quanh và phần mỹ thuật với tượng chân dung cố Thủ tướng Võ Văn Kiệt.



Công trình có tổng vốn đầu tư là trên 4 tỷ đồng từ nguồn vận động xã hội hóa hoàn toàn. Trong đó Tỉnh Đoàn An Giang vận động là gần 3 tỷ đồng phần còn lại từ nguồn vận động đóng góp của Hội Cựu chiến binh tỉnh, Hội Nông dân tỉnh và của Huyện ủy, UBND huyện Tri Tôn.

Công viên văn hóa và nhà bia tưởng niệm cố Thủ tường Võ Văn Kiệt được khánh thành vào năm 2011, ngay đầu kênh T5 nay là kênh Võ Văn Kiệt. Công trình có diện tích 4.628m2, tổng vốn đầu tư 4,72 tỷ đồng, gồm các hạng mục: Sân lễ, vỉa hè, đường đi, cây xanh… Tuy nhiên, sau vài năm đưa vào sử dụng, ngoại trừ tượng đài và bia tri ân vẫn giữ được dấu ấn, các hạng mục còn lại do thiết kế hệ thống thoát nước kém nên mỗi khi mưa lớn, nhiều đoạn trên tuyến đường xẻ ngang công viên bị đọng nước. Giữa năm 2014, chính quyền địa phương sửa hệ thống thoát nước nhưng mưa lớn vẫn ngập, hệ thống kè của công viên cũng không được hoàn chỉnh, nguy cơ sạt lở...

Công trình cải tạo, nâng cấp công viên văn hóa Võ Văn Kiệt theo mô hình công viên hiện đại vừa thu hút người dân đến tham quan, tìm hiểu, du lịch gắn với văn hóa lịch sử và giáo dục truyền thống cho thế hệ trẻ.

Bên dưới tượng đài cố Thủ tướng Võ Văn Kiệt có đặt tấm bia ghi dòng chữ: “Người nhớ đất để sống. Đất nhớ người có tên. Người nhớ người dẫn lối. Uống nước nhớ nguồn là đạo lý của ông cha ta... Ông đã ghi dấu ấn trên đồng đất miền Tây Nam bộ. Người dân gọi đó là dấu ấn Võ Văn Kiệt. Kinh Võ Văn Kiệt nối tiếp kinh Thoại Hà và kinh Vĩnh Tế. Lịch sử 200 năm liên tục một dòng chảy cuộn tràn sức sống trên vùng đất phương Nam. Thế hệ hôm nay nương dòng chảy ấy hiên ngang ra biển lớn với tất cả đức tin, niềm tự hào và lòng biết ơn sâu sắc".

Anh Tuấn (Tri Tôn)
Tiến tới đại hội đảng
Giải phóng miền Nam
Số lần xem các bài viết
36710914