Truy cập hiện tại

Đang có 109 khách và không thành viên đang online

Phát huy vai trò của lễ hội trong xây dựng đời sống văn hóa.

(TGAG)- Lễ hội, bao đời nay đã trở thành một bộ phận không thể thiếu trong đời sống văn hóa cộng đồng. Là cầu nối của quá khứ với hiện tại, lễ hội giữ vai trò như sợi dây gắn kết, tạo dựng không gian văn hóa, là nơi công chúng đến với lịch sử cha ông, trở về với cội nguồn dân tộc, tưởng nhớ công ơn người đi trước, cầu mong những điều tốt lành. Đồng thời cũng là nơi mọi người được vui chơi, giải tỏa, bồi đắp, làm giàu thêm những giá trị về mặt tinh thần.
Trong quá trình lãnh đạo, quản lý xã hội, đặc biệt trong giai đoạn lãnh đạo đổi mới toàn diện đất nước, Đảng, Nhà nước ta luôn coi trọng vai trò của lễ hội trong xây dựng đời sống văn hóa, được cụ thể hóa trong nhiều nghị quyết chuyên đề về văn hóa của Đảng như: Nghị quyết Trung ương 5 (khóa VIII) về “Xây dựng và phát triển nền văn hóa Việt Nam tiên tiến đậm đà bản sắc dân tộc”; Chỉ thị số 27-CT/TW của Bộ Chính trị (khóa VIII) về “Thực hiện nếp sống văn minh trong việc cưới, việc tang, lễ hội”; và mới đây nhất, Nghị quyết số 33-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa XI) về “Xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước”.
Những năm qua, đời sống lễ hội trên địa bàn tỉnh ta đã có bước phát triển mới cả về tầm vóc, quy mô và hiệu quả xã hội. An Giang là tỉnh đa dân tộc, đa tôn giáo. Chính sự phong phú ấy tạo nên sự đa dạng, nhiều màu sắc của đời sống lễ hội trên địa bàn tỉnh: đó là các lễ hội gắn với 77 di tích lịch sử, văn hóa đã được xếp hạng; là lễ hội Kỳ Yên hằng năm của 103 ngôi đình từ bao đời nay giữ vai trò là thiết chế văn hóa trung tâm của cộng đồng cư dân nơi đây; cùng với đó là hệ thống các lễ hội tôn giáo, tín ngưỡng, lễ hội hiện đại... gắn với các sự kiện lịch sử, chính trị của địa phương.
Nhiều lễ hội của tỉnh đã vươn ra khỏi khu vực, cả nước, thậm chí vượt qua biên giới như: lễ hội vía Bà Chúa Xứ núi Sam; hội Đua bò Bảy Núi An Giang... hay những lễ hội tuy mới gầy dựng, khôi phục nhưng đã tạo được nhiều dấu ấn, thu hút du khách gần xa như: lễ hội Trần Văn Thành; lễ hội mùa nước nổi Búng Bình Thiên... đã góp phần quan trọng trong việc thu hút du khách đến với An Giang. Gần 5 triệu lượt du khách đến với An Giang trong năm 2014 là một con số đầy ấn tượng đã minh chứng cho điều đó. Trong đó, lễ hội vía Bà Chúa Xứ núi Sam năm 2014, đạt tới 4,2 triệu lượt người, tăng gần 18% so với năm 2013. Nguồn thu từ hoạt động của lễ hội đã chiếm tỷ trọng lớn trong cơ cấu nguồn thu của địa phương, góp phần quan trọng tạo nguồn lực đầu tư và phát triển xã hội.
Tuy nhiên thời gian qua, việc quản lý, định hướng tổ chức, hoạt động của lễ hội trên địa bàn tỉnh ta vẫn còn nhiều bất cập kể cả những tồn tại, hạn chế, đó là tính thiêng của phần lễ đã ít nhiều suy giảm trước sự xâm lấn của yếu tố xã hội hóa, thương mại hóa và các hiện tượng tiêu cực khác. Các loại tệ nạn xã hội như: trộm cắp, móc túi, chèo kéo, mê tín dị đoan vẫn diễn biến phức tạp; một số di tích và các giá trị truyền thống của di tích và lễ hội vẫn bị xâm hại; tình trạng tôn giáo hóa lễ hội đình làng có xu hướng phát triển, việc nghiên cứu, vận động tuyên truyền các giá trị truyền thống của di tích cũng như các lễ hội chưa được chú trọng...
Có thể thấy rằng lượng du khách đến với An Giang trong những năm qua, chủ yếu là du lịch tâm linh. Theo đánh giá của Hiệp hội Du lịch Đồng bằng sông Cửu Long, An Giang nằm trong hai thứ hạng đầu thu hút lượng du khách của khu vực. Nhưng nguồn thu từ du lịch của tỉnh lại nằm trong tốp cuối, kém xa so với một số tỉnh thành bạn. Nguyên nhân một phần có thể do công tác thống kê của ta chưa đầy đủ hoặc thiếu chuẩn xác. Tuy nhiên nguyên nhân cơ bản là việc phát triển hệ thống dịch vụ phục vụ cho lễ hội, cho du lịch của ta còn hạn chế, chưa phù hợp, chưa thu hút, chưa đáp ứng được nhu cầu cũng như chưa nắm bắt được xu thế phát triển.
Chúng ta đang nỗ lực thực hiện Nghị quyết Trung ương 9 (khóa XI) về “Xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước” để văn  văn hóa không chỉ là nền tảng tinh thần của xã hội mà còn là động lực để phát triển. Vì lẽ đó, để cho đời sống văn hóa nói chung, đời sống lễ hội trên địa bàn tỉnh ta nói riêng có thể phát huy tốt nhất vai trò và giá trị của mình, thiết nghĩ cần quan tâm nhiều hơn tới quy hoạch, rà soát và tạo điều kiện để tổ chức thật tốt các lễ hội trên địa bàn theo hướng bảo tồn và phát huy các giá trị truyền thống vốn có. Làm tốt công tác xã hội hóa lễ hội, phát huy vai trò của cộng đồng, giảm dần sự tham gia quá sâu trong công tác tổ chức của cơ quan quản lý nhà nước, gắn hệ thống lễ hội với phát triển du lịch. Ngoài ra, quan tâm hỗ trợ, tạo điều kiện, đặt hàng cho các nhà khoa học trong, ngoài tỉnh có nhiều công trình nghiên cứu về văn hóa các dân tộc, nhất là hệ thống lễ hội trên địa bàn, làm cơ sở khoa học cho công tác bảo tồn và phát triển.
Bên cạnh đó, chú trọng đào tạo đội ngũ cán bộ, những người làm công tác quản lý văn hóa, tổ chức các sự kiện văn hóa nói chung, cũng như những người hoạt động trong lĩnh vực quản lý lễ hội nói riêng. Ngoài ra, cần tập trung nhiều thời gian cho việc đẩy mạnh tuyên truyền, giáo dục cộng đồng. Bởi chỉ có kiên trì giáo dục lâu dài trên diện rộng mới có thể làm thay đổi căn bản nhận thức và hành vi của người tổ chức cũng như người tham dự lễ hội. Có thế, lễ hội mới phát huy hết ý nghĩa, vai trò và bản sắc văn hóa vốn có, trở thành hạt nhân, là động lực quan trọng góp phần cho quá trình phát triển, xây dựng quê hương./.

Mạnh Hà

Tiến tới đại hội đảng
Giải phóng miền Nam
Số lần xem các bài viết
36728838