Truy cập hiện tại

Đang có 89 khách và không thành viên đang online

Thực hiện mục tiêu xóa đói giảm nghèo

(TGAG)- Quyền con người là giá trị chung của nhân loại mang tính đặc thù bởi lịch sử, bản sắc văn hóa và chế độ chính trị. Đối với Việt Nam, bảo đảm quyền được sống, quyền tự do và quyền hạnh phúc của người dân là cơ bản nhất của quyền con người. Ở xã hội ta hiện nay, trước hết là phải bằng chính sách xóa đói giảm nghèo, thực hiện công bằng xã hội.

Đảng ta luôn chăm lo cho nhân dân để ai có cũng việc làm, có cơm ăn, áo mặc, học hành và được chăm sóc về thể chất, tinh thần, coi trọng chăm lo hạnh phúc và sự phát triển toàn diện của con người, bảo vệ và bảo đảm quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của con người... Cụ thể hóa quan điểm, chủ trương của Đảng, Nhà nước ta đã và đang triển khai hàng loạt chương trình xóa đói giảm nghèo, đảm bảo an sinh, công bằng xã hội trên cả nước, nhất là vùng nông thôn, vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số, vùng biên giới, hải đảo; phát triển hạ tầng và dịch vụ thiết yếu, thúc đẩy sản xuất, nâng cao thu nhập cho các huyện nghèo, hộ nghèo và người nghèo.

Công tác xóa đói giảm nghèo ở nước ta thời gian qua đã đạt được thành tựu to lớn: giai đoạn 1993 - 2004, tỷ lệ người nghèo giảm từ 58,1% xuống còn 19,4%; giai đoạn 2011 - 2015, tỷ lệ người nghèo giảm từ 14,2% xuống còn 4,25%. Tính theo chuẩn mới: đến năm 2017, tỷ lệ người nghèo giảm xuống còn 7% (giảm 1,3% so với năm 2016); tỷ lệ bình quân hộ nghèo ở huyện nghèo giảm còn dưới 40%; hộ nghèo ở các xã đặc biệt khó khăn, vùng bãi ngang ven biển và hải đảo, xã an toàn khu thuộc vùng dân tộc thiểu số và miền núi giảm 3% - 4% so với năm 2016. Người dân Việt Nam không chỉ có cơm ăn, áo mặc, được học hành, mà còn ăn no, ăn ngon, đủ chất dinh dưỡng, mặc ấm, mặc đẹp; hạ tầng thiết yếu chăm lo cho con người ngày càng tốt hơn.

Thành tựu xóa đói giảm nghèo đã tạo thêm cơ sở vững chắc bảo đảm các quyền của người dân như: Về nhà ở, đi lại, đến năm 2017, cả nước đã xây dựng, củng cố được hàng vạn ngôi nhà, căn hộ cho người nghèo, xóa bỏ hầu hết nhà tạm; 99% địa bàn đông người dân tộc thiểu số, miền núi đã có đường giao thông từ tỉnh đến huyện, xã. Về chăm sóc sức khỏe, trên 90% người dân đều có thẻ bảo hiểm y tế (trong đó có trên 98% là người nghèo) và được hưởng các dịch vụ chăm sóc sức khỏe với chi phí thấp. Về giáo dục và đào tạo, Việt Nam đã hoàn thành mục tiêu xóa mù chữ và phổ cập giáo dục tiểu học (năm 2000), phổ cập giáo dục trung học cơ sở (năm 2010). Về quyền tự do ngôn luận, báo chí, đến tháng 6-2017, Việt Nam có 982 cơ quan báo, tạp chí được cấp phép hoạt động trên mọi lĩnh vực...

Để xây dựng xã hội dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng và văn minh, Chính phủ đề ra Chương trình mục tiêu Quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2016 - 2020, với số vốn 41.449 tỷ đồng (đã giao cho Chương trình trong 02 năm 2016 - 2017 là 14.584 tỷ đồng). Ngoài ra, Nhà nước còn bố trí 44.214 tỷ đồng để thực hiện chính sách giảm nghèo thường xuyên, hỗ trợ người nghèo về y tế, giáo dục, nhà ở, tín dụng. Các địa phương trong cả nước còn huy động được khoảng hơn 7.303 tỷ đồng, trong đó chi hoạt động an sinh xã hội, giảm nghèo trên 5.560 tỷ đồng trong năm 2016 và 2017.

Có thể khẳng định rằng, nhờ sự đồng tâm của Đảng, Nhà nước và toàn dân, nước ta đã đạt thành tựu to lớn về xóa đói giảm nghèo, một bảo đảm vững chắc cho quyền con người ngày càng tốt hơn./.

Sự thật
-----------------
Tiến tới đại hội đảng
Giải phóng miền Nam
Số lần xem các bài viết
36726128