Truy cập hiện tại

Đang có 141 khách và không thành viên đang online

An toàn thực phẩm thời điểm Tết: Tiềm ẩn nhiều nguy cơ

(TGAG)- Thời điểm Tết nhu cầu tiêu thụ thực phẩm rất lớn, nên sẽ tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn thực phẩm (ATTP). Bên cạnh đó, việc gia tăng sản phẩm động vật, sản phẩm nhập lậu khi giá cả biến động bất thường cũng là nguyên nhân lớn dẫn tới dịch bệnh và mất ATTP.


Tết nhu cầu tăng cao, tuy nhiên, thực phẩm mang lại cho con người nhiều nguy cơ ảnh hưởng không tốt đến sức khỏe, gây nên nhiều bệnh tật nếu chúng ta sử dụng thực phẩm không an toàn. Nhất là thực trạng tình hình ATTP thời gian qua đáng được báo động và đã được các phương tiện thông tin đại chúng phản ánh. Thực phẩm có chứa chất độc hoặc được sử dụng chất bảo quản, phụ gia, phẩm màu công nghiệp có hại cho sức khỏe; nước tương có 3-MCPD, nước mắm có phân U-rê, hải sản tươi được ướp với U-rê để bảo quản, sữa có chứa melamine, da heo được tẩy trắng bằng thuốc tẩy, hạt dưa nhuộm phẩm màu công nghiệp có chứa Rhodamin B, bánh phở có tẩm formol, chả giò chứa hàn the… rất có hại cho sức khỏe. Tiếp đến là việc sản xuất, chế biến thực phẩm mất vệ sinh; một số cơ sở sản xuất, chế biến thực phẩm cạnh cống rãnh hoặc gần ao tù, nước đọng; sử dụng dụng cụ lưu trữ, chế biến dơ, bẩn.

Để đảm bảo ATTP, bảo vệ người tiêu dùng, Đoàn kiểm tra lên ngành tỉnh, các địa phương sẽ tăng cường thanh tra việc chấp hành các quy định của pháp luật về ATTP tại các cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm; tập trung vào các cơ sở sản xuất, kinh doanh các mặt hàng thực phẩm được sử dụng nhiều trong dịp Tết như bánh kẹo, mứt, rượu, bia, nước giải khát, phụ gia thực phẩm… Kịp thời phát hiện những sơ hở, yếu kém trong công tác quản lý Nhà nước về an toàn thực phẩm, xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm theo quy định của pháp luật. Ngành y tế, Chi Cục An toàn vệ sinh thực phẩm tỉnh đẩy mạnh tuyên truyền bằng nhiều hình thức để người dân nâng cao ý thức sản xuất, sử dụng thực phẩm an toàn, chấp hành tốt các quy định của pháp luật trong lĩnh vực ATTP.

Hiện, toàn có trên 13.000 cơ sở thực phẩm. Năm 2017, tỉnh thành lập 248 đoàn thanh, kiểm tra, trong đó có 178 đoàn kiểm tra liên ngành đã tiến hành thanh, kiểm tra 12.968 cơ sở, đạt 9.919 cơ sở. 3.049 cơ sở vi phạm, phạt tiền 345 cơ sở với số tiền gần 621 triệu đồng, hủy sản phẩm 37 cơ sở, đóng cửa 2 cơ sở và nhắc nhở 2.497 cơ sở.

Năm 2017, toàn tỉnh xảy ra 3 vụ ngộ độc tập thể thực phẩm do nhiễm vi sinh: 1 vụ với 24 ca mắc tại Trường Tiểu học “B” thị trấn Ba Chúc (Tri Tôn); 1 vụ với 415 ca mắc tại Công ty TNHH An Giang Samho (KCN Bình Hòa, huyện Châu Thành) và 1 vụ 14 ca mắc tại Công ty TNHH KOVIE VINA (KCN Bình Long, huyện Châu Phú). Kiểm tra, test nhanh, phát hiện sản phẩm của cơ sở sản xuất chả đòn chay ở huyện Phú Tân dương tính với hàn the; xử phạt vi phạm 30 triệu đồng và đình chỉ hoạt động sản xuất 2,5 tháng. Kiểm tra đột xuất, phát hiện 3 cơ sở sản xuất chả cá có quy mô lớn ở  khóm Đông Thạnh B (phường Mỹ Thạnh, TP. Long Xuyên) sử dụng hàn the; tiêu hủy 560 kg chả cá; xử phạt 39 triệu đồng hành vi không giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện ATTP, sử dụng phụ gia thực phẩm ngoài danh mục được phép sử dụng trong sản xuất thực phẩm.

 
Bác sĩ Nguyễn Chí Công, Chi Cục trưởng Chi Cục An toàn vệ sinh thực phẩm tỉnh cảnh báo: "Trong mỗi dịp Tết cổ truyền, chúng ta có nhu cầu sử dụng thực phẩm rất nhiều về số lượng và chủng loại, đặt biệt là các loại thực phẩm truyền thống như bánh tét, mứt, kẹo bia, rượu, nước giải khát, thịt kho trứng, lạp xưởng, chả lụa, các loại dưa chua… Tết năm nay số ngày nghỉ làm việc khá dài ngày nên sẽ có nhiều thời gian để tiệc tùng, ăn uống. Trong dịp Tết, mọi người tập trung vui chơi nên để tiết kiệm thời gian nấu nướng thì mọi người thường mua thực phẩm bao gói, chế biến sẵn để dự trữ hoặc chế biến thức ăn với số lượng nhiều, trữ trong tủ lạnh dài ngày. Việc hâm đi hâm lại thức ăn cũ làm cho thức ăn nhanh bị ôi thiu, chua, hỏng… càng làm tăng nguy cơ ngộ độc thực phẩm".

Để đảm bảo an toàn thực phẩm trong những ngày Tết, bảo vệ sức khỏe cho người tiêu dùng, ông Công nhấn mạnh: "Khi chọn mua thực phẩm tươi, sống nên chọn mua các loại rau quả tươi, giữ nguyên trạng thái tự nhiên, không dập nát, không có mùi lạ; chọn các loại thịt đã qua kiểm dịch thú y (có tem dấu kiểm soát của thú y), chọn thủy sản đang sống hay vừa mới chết còn tươi. Đối với các loại thực phẩm khô, đóng hộp, đóng gói sẵn phải chọn loại có nhãn bằng tiếng Việt và ghi đầy đủ thông tin. Không sử dụng thực phẩm khô đã bị mốc, đặc biệt là ngũ cốc, các loại hạt không rõ nguồn gốc. Chọn mua thực phẩm ở những nơi bán sạch sẽ, ngăn nắp, có uy tín, biết rõ nguồn gốc, xuất xứ".

Ông Công cảnh báo: "Không nên dự trữ quá nhiều thực phẩm trong những ngày Tết. Thức ăn sau khi nấu chín phải che đậy kỹ, ăn ngay sau khi nấu hoặc hâm nóng lại trước khi ăn. Không nên ăn quá nhiều, nhất là những loại thức ăn có dầu mỡ vì dễ tích tụ năng lượng dư thừa gây tăng cân và béo phì. Kết hợp ăn uống hợp lý với vận động, tập luyện thể dục, thể thao thường xuyên, ngay cả trong những ngày Tết. Không nên uống bia, rượu quá nhiều để vừa bảo đảm sức khỏe, vừa bảo đảm an toàn giao thông. Nếu phải đi ăn bên ngoài thì chọn nơi sạch sẽ, chất lượng, uy tín, không gần nơi cống rãnh, bụi bặm, ô nhiễm"./.

HẠNH CHÂU
Tiến tới đại hội đảng
Giải phóng miền Nam
Số lần xem các bài viết
37145754