Truy cập hiện tại

Đang có 98 khách và không thành viên đang online

Trách nhiệm trước cử tri

Chất vấn và trả lời chất vấn luôn là một trong những nội dung của kỳ họp Quốc hội được cử tri cả nước quan tâm nhất. Phiên họp được truyền hình, phát thanh trực tiếp để cử tri có thể “chấm điểm” cả người hỏi và người trả lời. Đó cũng là dịp để các đại biểu Quốc hội thể hiện trách nhiệm trước cử tri, những người đã bầu mình vào cơ quan quyền lực Nhà nước cao nhất.

 
Tại kỳ họp Quốc hội này, hoạt động chất vấn và trả lời chất vấn (từ sáng hôm nay, 16-11 đến hết buổi sáng ngày 18-11) lại được cử tri quan tâm hơn vì đây là lần đầu tiên, Quốc hội sẽ chất vấn về việc thực hiện tất cả các nghị quyết của Quốc hội về chất vấn kể từ đầu nhiệm kỳ đến nay. Làm rõ việc Chính phủ, các thành viên Chính phủ, các trưởng ngành đã thực hiện các nghị quyết ấy thế nào, việc gì đã làm được, việc gì chưa làm được, còn vấn đề gì tồn tại. Trên cơ sở đó, các đại biểu Quốc hội sẽ chất vấn về việc sẽ tiếp tục thực hiện các nội dung chưa hoàn thành như thế nào? Dự kiến, Quốc hội sẽ ra nghị quyết để Quốc hội khóa sau tiếp tục giám sát việc thực hiện các vấn đề chưa hoàn thành, tức là giám sát đến cùng việc thực hiện các nghị quyết của Quốc hội về chất vấn. Như  vậy, các đại biểu sẽ chất vấn tổng thể chứ không chất vấn riêng một lĩnh vực cụ thể, đòi hỏi trách nhiệm của đại biểu trước cử tri nặng nề hơn trước. Đại biểu Quốc hội có điều kiện soát xét lại nội dung chất vấn từ đầu nhiệm kỳ, tổng hợp, tiếp thu ý kiến của cử tri để nêu vấn đề đề nghị Chính phủ và các “tư lệnh ngành” nghiên cứu trả lời.
 
Nhiệm kỳ của Quốc hội khóa XIII đã sắp kết thúc. Nhìn lại quãng thời gian từ đầu nhiệm kỳ Quốc hội khóa XIII đến nay, cử tri đã hài lòng với đại đa số những người mà mình tin tưởng gửi gắm. Niềm tin của cử tri với cơ quan quyền lực Nhà nước cao nhất tăng dần qua từng kỳ họp. Đặc biệt là hoạt động chất vấn và trả lời chất vấn tại các kỳ họp Quốc hội đã liên tục được đổi mới, đáp ứng ngày càng tốt hơn với sự đòi hỏi chính đáng của cử tri.  

Tuy nhiên, cử tri vẫn chưa thật hài lòng trước một số đại biểu đặt câu hỏi chất vấn quá dài, câu hỏi vụn vặt chưa xứng tầm với diễn đàn Quốc hội. Người trả lời cũng chưa đi thẳng vào vấn đề mà diễn đạt dài dòng làm lãng phí thời gian của kỳ họp, lãng phí thời gian theo dõi của cử tri. Thậm chí có “tư lệnh ngành” còn tranh thủ cả việc trả lời chất vấn để “báo cáo thành tích”…

Cử tri mong muốn, tại kỳ họp này, hoạt động chất vấn và trả lời chất vấn sẽ tiếp tục được cải tiến. Các câu hỏi và trả lời cần ngắn gọn hơn, đi thẳng vào vấn đề mà cử tri quan tâm. Để làm được điều này, Văn phòng Quốc hội nên tổ chức những “đường dây nóng”, “hộp thư điện tử nóng” để cử tri có thể hiến kế với các đại biểu Quốc hội, gửi gắm tâm tư, tình cảm của mình và tham gia đặt câu hỏi chất vấn cùng các đại biểu Quốc hội. Các cơ quan, doanh nghiệp, đơn vị lực lượng vũ trang, đơn vị lao động sản xuất, các nhà trường…cũng nên tạo điều kiện thuận lợi để cử tri có thể theo dõi hoạt động chất vấn và trả lời chất vấn tại Quốc hội.

Trách nhiệm trước cử tri đòi hỏi các đại biểu Quốc hội thận trọng, thẳng thắn trong từng câu hỏi chất vấn và giám sát đến cùng việc trả lời chất vấn. Còn trách nhiệm của các cử tri là phải làm tròn bổn phận của người công dân, thượng tôn pháp luật, tạo điều kiện thuận lợi nhất cho người đại diện của mình hoạt động trong các cơ quan quyền lực Nhà nước.

Đỗ Phú Thọ/QĐND
Tiến tới đại hội đảng
Giải phóng miền Nam
Số lần xem các bài viết
36713013