Truy cập hiện tại

Đang có 42 khách và không thành viên đang online

Làng nghề mộc Chợ Thủ vào mùa

(TGAG)- Chợ Mới hiện có 14 làng nghề được UBND tỉnh An Giang công nhận. Trong đó, làng nghề mộc xã Long Điền A và thị trấn Mỹ Luông đã góp phần cho sự phát triển kinh tế với 346 cơ sở lớn, nhỏ. Doanh thu mỗi năm hơn 200 tỷ đồng, tạo việc làm cho trên 3.000 lao động có thu nhập ổn định, bình quân từ 5-7 triệu đồng/người/tháng. Nghề làm mộc nơi đây chủ yếu là “cha truyền con nối”, với 3 nhóm nghề chính: Tiện, chạm trỗ và trang trí nội thất. Nhiều năm nay, làng nghề mộc bước vào thời “hoàng kim” do nhu cầu thị trường đồ gỗ nội thất, tranh gỗ ngày càng lớn. Từ đó, làng nghề không ngừng cải tiến mẫu mã, đầu tư mua sắm các máy móc hiện đại, như: Máy cưa vòng, máy cưa bào liên hợp và máy chạm 3D, góp phần tăng năng suất lao động, chất lượng sản phẩm, đáp ứng thị hiếu thẩm mỹ ngày càng cao của khách hàng.



Xuôi theo Tỉnh lộ 942 từ thị trấn Mỹ Luông đến Chợ Thủ (xã Long Điền A), huyện Chợ Mới (An Giang). Một đoạn đường dài hơn 4 cây số, hai bên đường, cơ sở mộc san sát nhau chất đầy gỗ và rất nhiều cửa hàng với vô số sản phẩm tủ, bàn, ghế,… trưng bày bắt mắt. Cặp vệ đường, những chiếc xe chở gỗ sẵn sàng tập kết sản phẩm đưa đi tiêu thụ khắp nơi... Tạo nên một bức tranh sôi động của một vùng quê đang háo hức đón mừng năm mới.

Thăm làng nghề mộc Chợ Thủ nằm địa bàn xã Long Điền A, tập trung tại 4 ấp: Long Thuận 1, Long Thuận 2, Long Định và Long Bình. Làng nghề có trên 1.000 hộ tham gia làm nghề với 100 cơ sở lớn, nhỏ, mỗi năm nơi đây cùng địa phương tạo việc làm ổn định cho trên 2.500 lao động. Đại diện làng nghề mộc Chợ Thủ, ông Trần Minh Đoàn cho biết sản phẩm làm ra hiện không đủ cung cấp cho thị trường:

“Mỗi năm, nếu sản xuất thì không dưới 50 ngàn sản phẩm lớn nhỏ. Cứ một năm tính doanh thu thì trên 100 tỷ, năm vừa rồi khoảng 130 tỷ, năm nay ít nhất cũng 140 tỷ. Thị trường hiện nay nó nằm ở khu vực đồng bằng sông Cửu Long là nhiều nhất, một số khác thì ở Thành phố lớn”.

Chỉ còn 2 tháng nữa là đến tết, những ngày này, các sản phẩm mộc tiêu thụ mạnh hơn bao giờ hết. Tết Nguyên đán là thời điểm nhu cầu mua sắm để trong mỗi gia đình có được sản phẩm mới tân trang nhà cửa thêm đẹp hơn. Do đó, đây cũng chính là “thời gian vàng” của làng nghề, nên cơ sở phải chuẩn bị nguyên liệu từ tháng 5, tháng 6 (âm lịch). Và phải hoạt động hết công suất, thậm chí tăng ca vào ban đêm để kịp giao hàng cho khách. Ông Đoàn cho biết thêm, sản phẩm của làng nghề ngày một được thị trường ưa chuộng không chỉ bởi chất lượng gỗ, giá thành hợp lý mà mấu chốt ở đây là không tự mình sáng chế ra sản phẩm theo cách nghĩ chủ quan của một cá nhân nào. Yêu cầu đặt ra, khi một sản phẩm được tạo nên phải dựa trên tiêu chí phù hợp nhu cầu của xã hội, theo vùng, như: vùng nông thôn thì thích mặt hàng có chạm trỗ, nhiều hoa văn, còn khu vực thành thị lại thích đơn giản. Và mỗi một cơ sở phải chọn một cho mình mẫu mã riêng, phù hợp với nơi tiêu thụ. Quá trình sản xuất không còn mang tính đại trà, mà chủ yếu mỗi cơ sở chỉ làm chuyên một hay hai sản phẩm nào đó. Chỗ thì chuyên làm tủ, chỗ đóng bàn, chỗ cung cấp ghế,…

“Phải nói là trong khoảng thời gian gần đây, để đáp ứng được nhu cầu đó, thì mỗi cơ sở phải tự vận động tìm ra một loại hàng nào mình có thể tự sản xuất phù hợp nhất để chọn. Có cái lợi hiện nay giữa nhà sản xuất, nơi phân phối có sự liên kết với nhau. Do đó, nơi sản xuất ra, thí dụ như tôi chọn 2 loại mặt hàng, hoặc 3 loại mặt hàng thì sẽ liên kết với một cơ sở ở đây thu gom lại để cung ứng cho nơi có nhu cầu. Trước nay thì làm đại trà, có thể một cơ sở làm rất nhiều mặt hàng. Như vậy, thì nó không gọi là chuyên, mà không chuyên thì giá thành nó sẽ cao, nhiều khi sản phẩm chất lượng không đạt theo yêu cầu. Thời gian gần đây đi được theo hướng này tôi nghĩ nó rất là hay!”

Tại cơ sở mộc Thanh Hòa, nơi chuyên đảm nhiệm khâu chạm trỗ. Cơ sở này có hơn 10 lao động chuyên phụ trách việc chạm trỗ các hoa văn cho những bộ bàn, ghế, tủ thờ, hoành phi… Số người làm ở đây đa phần có tuổi nghề từ vài năm đến cả chục năm. Như trường hợp của chị Hồ Thanh Thanh, mặc dù năm nay chỉ ở tuổi 25, nhưng đã có trên 5 năm theo nghề này. Bởi gia đình có hoàn cảnh khá khó khăn, nên học hết lớp 9, chị Thanh đã tạm gác sách vở, theo học nghề và trở thành thợ chạm khắc gỗ. Sau 01 năm vào học, với thu nhập bình quân mỗi tháng hiện trên 6 triệu đồng:


“Bây giờ em cũng cao hơn mấy bạn kia là có thể làm tất cả các món đồ, long, lân, quy, phụng các con này con kia đều có thể làm được. Mấy bạn mới vào thì làm đơn giản hơn, như lá. Cũng tùy theo sản phẩm, nếu đơn giản làm 1, 2 ngày, còn có khi cả nửa tháng, như bao lam, tùy theo sản phẩm vẽ ra.”

Bên cạnh việc làng nghề ngày một phát triển, đời sống người dân nơi đây được tốt hơn. Hằng năm, tạo công ăn, chuyện làm ổn định cho hàng ngàn lao động tại địa phương với thu nhập bình quân từ 5-7 triệu đồng/người/tháng. Góp phần tích cực vào sự thúc đẩy tăng trưởng kinh tế địa phương. Nâng mức thu nhập bình quan đầu người trong năm 2018 của người dân nơi đây là trên 42 triệu đồng. Đóng góp vào các công trình phúc lợi xã hội, như xây cầu, làm đường nông thôn, cất nhà tình thương,… cả vài trăm triệu đồng mỗi năm. Song, vấn đề môi trường bị ảnh hưởng do bụi cưa, mùi nước sơn cao là điều không thể trách khỏi. Nói về vấn đề này, đại diện làng nghề mộc Chợ Thủ, ông Trần Minh Đoàn chia sẻ:

“Cái này là cái nan giải của làng nghề! Bởi loại hình này ngày càng phát triển, sản phẩm khi làm ra toàn bộ là sử dụng hóa chất để sơn. Mà hóa chất sơn ít nhiều vẫn ảnh hưởng. Do đó, tôi nghĩ nếu kết hợp giữa ngành chức năng và cơ sở sản xuất chuyên về sơn làm một mô hình xử lý như thế nào để hạn chế tối đa đến môi trường. Như vậy để từ đó nhân rộng ra, vì hiện nay còn khó là không thể cấm được, nhưng chỉ có thể nhắc nhở, rồi khi có ảnh hưởng nhiều thì đề nghị che chắn thôi! Do đó tôi nghĩ trước sau gì, thì địa phương kết hợp với ngành chức năng làm một mô hình để giúp cơ sở thực hiện đúng theo quy định”.

Tết Nguyên đán Kỷ Hợi 2019 đã cận kề, nhiều ngành nghề đã vào mùa trong đó nghề mộc Long Điền - Chợ Thủ tiếng tăm từ Nam chí Bắc đã và đang tất bật rộn ràng không chỉ mang về lợi nhuận cho từng gia đình, mà còn làm cho tiếng thơm làng nghề ngày một vang xa, bởi những sản phẩm tinh xảo qua đôi tay của từng người thợ nơi đây./.

Kiều Tiên - Bảo Dinh
Tiến tới đại hội đảng
Giải phóng miền Nam
Số lần xem các bài viết
37115508