Truy cập hiện tại

Đang có 116 khách và không thành viên đang online

An Giang hướng tới mục tiêu kết thúc dịch HIV vào năm 2030

(TGAG)- Bệnh do HIV- (human immunodeficiency virus, Vi rút gây suy giảm miễn dịch ở người) được phát hiện từ những năm 80 của thế kỷ XX, sau đó không lâu, bệnh đã lan rộng trên toàn thế giới, gây nhiều tác hại cho sức khỏe con người. Tuy nhiên đến nay, dù sự phát triển của khoa học rất mạnh, hiện đại, nhưng các nhà khoa học vẫn chưa tìm ra thuốc điều trị hiệu quả, hoặc vắc xin phòng ngừa. Điều này cho thấy, muốn đạt được mục tiêu kết thúc dịch HIV vào năm 2030 nhân loại cần thực hiện các biện pháp khác trong khi chờ kết quả điều trị của thuốc hay hiệu quả dự phòng của vắc xin trong tương lai.

Theo Cục Phòng, chống HIV/AIDS của Bộ Y tế Việt Nam, đến nay cả nước đã phát hiện hàng trăm ngàn người nhiễm HIV, trong đó có hàng chục ngàn người đã chuyển sang AIDS và nhiều người trong số họ đã tử vong. Dù hiện nay, chúng ta chưa có thuốc điều trị triệt để tình trạng mang vi rút ở người nhiễm HIV, chưa có vắc xin phòng ngừa, nhưng chúng ta có thể dự phòng sự lây nhiễm HIV nếu tuân thủ đúng theo hướng dẫn của ngành y tế; việc này đã được minh chứng trong những năm gần đây, số lượng nhiễm HIV phát hiện mới hàng năm đều giảm.

Thực hiện tầm nhìn “ba không” (không có trường hợp nhiễm HIV mới, không còn người tử vong do AIDS và không còn kỳ thị, phân biệt đối xử với HIV/AIDS) của Liên Hợp Quốc đến năm 2030, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 608/QĐ-TTg  ngày 25-5-2012 về việc phê duyệt Chiến lược Quốc gia phòng, chống HIV/AIDS đến năm 2020 và tầm nhìn 2030, Chiến lược này đã đề ra nhiều giải pháp thực hiện tổng thể và đồng bộ căn cứ trên diễn biến dịch tễ bệnh, diễn biến dự đoán về kinh tế, xã hội, văn hóa, đời sống, môi trường…

Tại An Giang, theo số liệu thống kê từ Trung tâm Phòng, chống HIV/AIDS, số trường hợp nhiễm HIV được xác định, số bệnh nhân AIDS cũng như số bệnh nhân tử vong do HIV/AIDS ghi nhận được là cao so với số trung bình của các tỉnh. Tuy nhiên, những năm gần đây số người nhiễm HIV phát hiện hàng năm cũng đang có chiều hướng giảm, từ 293 trường hợp (năm 2015) xuống 193 trường hợp (9 tháng đầu năm 2019); số chuyển sang AIDS từ 224 trường hợp (năm 2015) giảm còn 62 trường hợp (9 tháng đầu năm 2019). Kết quả này cho thấy sự nỗ lực rất lớn của cộng đồng; sự phối hợp cùng phòng, chống căn bệnh nguy hiểm này của các ban ngành, đoàn thể dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo của các cấp ủy đảng, chính quyền địa phương đã đem lại hiệu quả rất quan trọng trong công cuộc chăm sóc và bảo vệ sức khỏe nhân dân, mà trong đó  ngành y tế làm nồng cốt.

Dù trong những năm qua, công tác phòng, chống HIV/AIDS trong tỉnh An Giang đạt được nhiều thành công; các số liệu về số trường hợp mắc mới hàng năm, số chuyển sang AIDS, số tử vong đều giảm (trung bình khoảng 9%/năm theo số liệu thống kê từ Trung tâm phòng chống HIV/AIDS tỉnh An Giang.). Tuy nhiên, tình trạng lây nhiễm HIV trong cộng đồng vẫn còn (9 tháng đầu năm 2019 trong toàn tỉnh phát hiện 193 trường hợp mới mắc); sự kỳ thị với căn bệnh này trong cộng đồng và việc tử vong do HIV/AIDS vẫn tiếp tục xảy ra,  tác hại  của căn bệnh này vẫn còn đeo bám đối với xã hội, đối với người dân trong tỉnh.

Để cùng với cả nước thực hiện đạt được mục tiêu kết thúc dịch HIV vào 2030, cần sớm tiến hành nhiều giải pháp một cách đồng bộ, mạnh mẽ với sự quyết tâm của cả cộng đồng.

Những giải pháp thực hiện trong thời gian tới nhằm góp phần đạt được mục tiêu “ba không” vào năm 2030 mà Liên Hợp Quốc đề ra, cũng như những mục tiêu theo Quyết định số 608/QĐ-TTg ngày 25-5-2012 của Thủ tướng Chính phủ, tỉnh An Giang triển khai thực hiện các giải pháp đã đề ra trong “Chiến lược Quốc gia phòng, chống HIV/AIDS đến năm 2020 và tầm nhìn 2030”. Tuy nhiên, muốn có được hiệu quả cao và bền vững, tiếp tục thực hiện và đẩy mạnh nhóm giải pháp về chính trị xã hội là then chốt, trong đó tiếp tục tăng cường sự lãnh đạo của cấp ủy đảng, chính quyền các cấp đối với công tác phòng, chống HIV/AIDS rất quan trọng, là rất cần thiết để đạt mục tiêu “ba không” đã đề ra và từ đó, các giải pháp khác sẽ tiếp tục phát huy trong quá trình thực hiện. Bên cạnh giải pháp trên, nhóm giải pháp về phối hợp liên ngành và huy động cộng đồng cũng mang một ý nghĩa quan trọng trong công cuộc phòng, chống lây nhiễm HIV. Có được sự đồng thuận của cộng đồng, việc dự phòng sẽ mang lại nhiều hiệu quả, có như thế số trường hợp nhiễm HIV sẽ giảm, việc kỳ thị trong sẽ vơi đi với sự chung tay của cộng đồng.

HIV/AIDS là căn bệnh nguy hiểm nhưng đến nay vẫn chưa có thuốc trị hiệu quả, chưa có vắc xin phòng ngừa, nhưng nếu cộng đồng biết về bệnh và có ý thức trong việc phòng tránh, nếu có sự chung tay của cộng đồng trong việc ngăn chặn lây lan thì mục tiêu “ba không” vào năm 2030 là điều sẽ đạt được./.

BS CKII. PHẠM THANH TÂM
Giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh An Giang
________________________________
Bài đăng trên TTCTTT số tháng 12-2019
Tiến tới đại hội đảng
Giải phóng miền Nam
Số lần xem các bài viết
36991805