Truy cập hiện tại

Đang có 185 khách và không thành viên đang online

Tân Châu: 10 năm vươn mình thành đô thị loại III

(TGAG)- Vùng đất Tân Châu hình thành từ năm 1757 ngay từ những ngày đầu di dân, lập ấp, khai phá đất hoang của các bậc tiền nhân, khi Nguyễn Cư Trinh vâng mệnh chúa Võ Vương Nguyễn Phúc Khoát lập Đạo Tân Châu, xác lập chủ quyền vùng đất An Giang. Đạo Tân Châu lúc mới thành lập dân cư thưa thớt, ngoài quân binh đồn trú, còn có những người dân được mộ hoặc tự đi khai phá đất hoang gồm một bộ phận người Việt, người Hoa, người Chăm...

Sau hàng trăm năm khai phá, bảo vệ, với tinh thần đoàn kết, bằng bàn tay khối óc, mồ hôi và xương máu, ba dân tộc Việt - Hoa - Chăm đã chung tay, góp sức biến miền đất hoang sơ thành đồng ruộng phì nhiêu, phố phường đông đúc, mở mang một vùng đất nơi tận cùng cực Tây Nam của Tổ quốc ngày càng trở nên giàu đẹp như hiện nay.



Truyền thống lao động cần cù đã hòa quyện với truyền thống đoàn kết đấu tranh bảo vệ quê hương, đất nước ở người dân Tân Châu được thể hiện rõ nét từ thuở khai hoang mở đất, bảo vệ bờ cỏi chống quân Xiêm xâm lược đến các cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp, đế quốc Mỹ và chiến tranh bảo vệ biên giới phía Tây Nam của Tổ quốc. Vùng đất này đã từng sản sinh và chứng kiến nhiều hoạt động yêu nước của các nhà trí sĩ như: cụ Phó bảng Nguyễn Sinh Sắc, nhà văn Tiền phong miền Nam Nguyễn Chánh Sắt, nhà chí sĩ Nguyễn Quang Diêu, nhà thơ cách mạng Viễn Phương… rất nhiều địa danh, căn cứ gắn liền với các hoạt động cách mạng còn lưu dấu như: Giồng Trà Dên, Núi Nổi, chùa Bửu Sơn Kỳ Hương, chùa Giồng Thành… đã trở thành niềm tự hào của nhiều thế hệ người dân Tân Châu. Qua các cuộc đấu tranh, kháng chiến, nhiều Mẹ Việt Nam anh hùng đã tiễn đưa chồng, con lên đường mãi mãi không về, nhiều anh hùng liệt sĩ, thương binh đã từng sống, chiến đấu và hy sinh cuộc đời mình cho sự nghiệp  giành lại độc lập tự do cho quê hương, đất nước.

Sau ngày đất nước thống nhất, tuy còn nhiều khó khăn đè nặng, nhưng với tinh thần tự lực cánh sinh, phát huy truyền thống cần cù, sáng tạo; Đảng bộ và nhân dân Tân Châu đã nhanh chóng xây dựng chính quyền cách mạng, giữ vững an ninh trật tự xã hội, bảo vệ biên giới, khôi phục, phát triển kinh tế. Dưới ánh sáng của đường lối đổi mới, Tân Châu đạt được những thành tựu to lớn, xây dựng được những công trình lịch sử, huyết mạch cho phát triển kinh tế, nâng cao đời sống nhân dân như: Trung tâm thương mại diện tích 8.500m2, quy mô 1.000 sạp khang trang, hiện đại. Đây cũng là cửa ngõ giao lưu hàng hóa đường sông xuất nhập khẩu với nước bạn Campuchia qua cửa khẩu Quốc tế Vĩnh Xương, là nơi trung chuyển hàng hóa giữa Tân Châu với các địa phương lân cận đặc biệt là thành phố Hồ Chí Minh. Công trình tuyến dân cư bờ đông kinh Năm Xã (nay là bảy xã) dài 23km, cao trình 6 mét được xem là công trình đổi đời của nhân dân vùng sâu xã Phú Lộc: “chung sống an toàn với lũ”; cùng với 34 cụm tuyến dân cư trong toàn thị xã giúp hơn 2.000 hộ dân vùng biên giới và 5.000 hộ dân vùng nội địa an cư, yên tâm sản xuất, phát triển khinh tế vươn lên khá, giàu ... Công trình “trị thủy” Bờ kè Tân Châu dài gần 1.000 mét dọc theo bờ sông Tiền từ khu vực chợ cũ qua khu vực hành chính đến khu vực chợ mới và Quảng trường tổng diện tích gần 10.000m2 không chỉ chống sạt lỡ mà còn là tạo nên một vẻ đẹp lung linh bên bờ hữu ngạn Sông Tiến.

Năm 2007, biên niên sử Tân Châu ghi đậm dấu ấn sự kiện quan trọng có tính chất lịch sử. Đó là vào ngày 21-6-2007 Ban Thường vụ Tỉnh ủy An Giang đã ban hành Nghị quyết số 08/NQ-TU về “xây dựng và phát triển huyện Tân Châu thành thị xã Tân Châu từ nay đến năm 2010”. Với quyết tâm chính trị cao, sự chung sức, chung lòng của toàn Đảng bộ và Nhân dân Tân Châu, ngày 24-8-2009 Chính phủ ban hành Nghị quyết số 40/NQ-CP chính thức thành lập thị xã Tân Châu, hoàn thành sớm hơn 01 năm so với Nghị quyết 08-NQ/TU của Tỉnh ủy đã đề ra.

Ngày nay, Tân Châu là thị xã trẻ vùng biên, đầu nguồn sông Tiền của tỉnh An Giang, có cửa khẩu quốc tế đường sông Vĩnh Xương và cột mốc đại 241 với đường biên giới dài 6,2 km, giáp xã Omxano - quận Lekdek, tỉnh Kandal, Vương quốc Campuchia. Đơn vị hành chính gồm 05 phường và 09 xã với 70 khóm - ấp. Tổng diện tích tự nhiên 174,44 km2, dân số khoảng 175.000 người, gồm 03 dân tộc chính là Kinh, Hoa, Chăm, với khoảng 80% người dân có đạo và tín ngưỡng dân gian.

Sau gần 10 năm thành lập, trên cơ sở tiếp tục thực hiện những nhiệm vụ, giải pháp đã đề ra, Tân Châu đã từng bước đưa Nghị quyết 08-NQ/TU của Tỉnh ủy vào quá trình xây dựng và phát triển của thị xã nhà. Bằng cả sự nỗ lực của cả hệ thống chính trị, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân thị xã Tân Châu luôn phát huy sức mạnh đoàn kết, vừa làm, vừa học, vừa vận dụng sáng tạo các quan điểm, chủ trương của Đảng, nhanh chóng nắm bắt thời cơ, khai thác tiềm năng, thế mạnh, tích cực hợp tác, kêu gọi đầu tư phát triển và đã đạt được những thành tựu to lớn trên các lĩnh vực kinh tế - xã hội, quốc phòng - an ninh, xây dựng đảng, vận động quần chúng.

Tốc độ tăng trưởng kinh tế của thị xã luôn duy trì ở mức cao, tăng bình quân trên 10%/năm. Thu nhập bình quân đầu người GDP đạt 43 triệu đồng/năm, tăng 230% so với năm 2009. Tổng mức lưu chuyển hàng hóa và doanh thu dịch vụ đạt trên 6.600 tỷ đồng, tăng gấp 3 lần so với năm 2009. Giá trị nhập khẩu qua cửa khẩu Quốc tế Vĩnh Xương đạt 6 triệu USD. Lĩnh vực thương mại - dịch vụ tiếp tục đóng vai trò là ngành mũi nhọn trong cơ cấu kinh tế của thị xã. Nhiều công trình trọng điểm tiếp tục được đầu tư, kết hợp với việc chỉnh trang đô thị hướng đến đô thị loại III như: bến phà Tân Châu - Hồng Ngự, tuyến dân cư Kênh Vĩnh An, cầu Tân An, đường kênh Thần Nông, nâng cấp mở rộng đường Nguyễn Tri Phương, đường Tôn Đức Thắng, đường Nguyễn Công Nhàn, tỉnh lộ 953...

Sản xuất nông nghiệp vẫn là bệ đỡ của kinh tế thị xã, hơn 90% diện tích gieo trồng sử dụng giống chất lượng cao, xuất khẩu, giá trị sản xuất nông nghiệp đạt 180 triệu đồng/hecta, tăng trên 100 triệu đồng so với năm 2009. Trong 10 năm qua, thị xã đã huy động nguồn lực xã hội hóa để đầu tư nâng cấp, mở rộng lộ giao thông nông thôn trên 81 tỷ đồng, đầu tư cho các công trình thủy lợi trên 40 tỷ đồng. Đến nay, toàn thị xã có 04 xã đạt chuẩn “Xã nông thôn mới”, 03 phường đạt chuẩn “Văn minh đô thị”; có 93% hộ đạt chuẩn gia đình văn hóa, 70/70 khóm, ấp đạt danh hiệu văn hóa, 100% cơ quan, trường học, doanh nghiệp đạt chuẩn văn hóa và 01 ấp đạt chuẩn “Điểm sáng văn hóa biên giới”. Các thiết chế văn hóa ngày càng được củng cố, hoàn thiện, phục vụ nhu cầu vui chơi, giải trí lành mạnh của nhân dân. Hoạt động du lịch tiếp tục phát triển, số lượng khách du lịch trong nước và quốc tế đến Tân Châu tăng hàng năm. Hạ tầng du lịch được đầu tư mạnh mẽ, các điểm, cơ sở phục vụ du lịch như: dệt lụa tơ tằm, dệt chiếu UZU, dệt thổ cẩm của dân tộc Chăm ngày càng thu hút khách du lịch trong và ngoài nước.

Trên lĩnh vực giáo dục, hệ thống cơ sở vật chất, chất lượng giảng dạy và học được nâng cao theo hướng chuẩn hoá. Tính đến nay có 20 trường được UBND Tỉnh công nhận đạt chuẩn quốc gia. Tỷ lệ học sinh hoàn thành chương trình Tiểu học đạt 99,84%, tốt nghiệp THCS 99,91%,  tốt nghiệp THPT đạt 99,93 và đứng hàng thứ nhì toàn tỉnh năm 2018. Công tác huy động học sinh đến trường ở các cấp luôn đạt tỉ lệ cao, trên 98%. Hệ thống y tế từ thị xã đến cơ sở từng bước được củng cố và phát triển; chất lượng khám, chữa bệnh tiếp tục được cải thiện. Công tác phòng chống dịch bệnh, bảo đảm an toàn thực phẩm, kế hoạch hóa gia đình,… được quan tâm chỉ đạo, thực hiện có hiệu quả. Tỷ lệ tham gia BHYT đạt 79,10%. Công tác giải quyết việc làm, xoá đói giảm nghèo, đền ơn đáp nghĩa, an sinh xã hội đạt nhiều kết quả tích cực. Các chế độ, chính sách cho các đối tượng chính sách, hộ nghèo, hộ khó khăn, đối tượng bảo trợ xã hội được thực hiện đầy đủ, kịp thời, đúng đối tượng. Tỷ lệ hộ nghèo đến nay còn 3,34%, giảm 0,81% so năm 2009.

Kinh tế, xã hội phát triển, quốc phòng, an ninh, trật tự an toàn xã hội tiếp tục ổn định, nhân dân luôn tin tưởng vào sự lãnh đạo của Đảng, sự quản lý của Nhà nước; mối quan hệ hữu nghị láng giềng với quận Lekdek, tỉnh Kandal, Vương Quốc Campuchia ngày càng được tăng cường thắt chặt, tạo điều kiện để nhân dân 2 bên qua lại thăm hỏi thân nhân, giao thương hàng hóa. Công tác đối ngoại trong đảng, chính quyền, ngoại giao nhân dân được thực hiện tốt.


Cầu Tân An

Đi đôi với phát triển kinh tế, ổn định an ninh chính trị, Đảng bộ thị xã Tân Châu luôn chú trọng tập trung xây dựng hệ thống chính trị, nâng cao năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của Đảng bộ, phát huy dân chủ và thực hiện tốt đoàn kết trong Đảng, chú trọng rèn luyện đạo đức, lối sống cho cán bộ, đảng viên, nhất là cán bộ lãnh đạo, người đứng đầu; đặc biệt là tiếp tục thực hiện chỉ thị 05 của Bộ Chính trị về “Đẩy mạnh việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh” gắn với thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XII) được chọn là khâu đột phá trong công tác xây dựng đảng, bước đầu đã đạt được những kết quả nhất định và đang có sức lan tỏa sâu rộng trong toàn xã hội. Hiệu quả quản lý, điều hành của các ngành, các cấp, chính quyền địa phương có nhiều tiến bộ. Mặt trận và các đoàn thể tập trung hướng về cơ sở, khối đại đoàn kết toàn dân tộc không ngừng được củng cố, quyền làm chủ của nhân dân được phát huy, nhân dân ngày càng tin tưởng vào sự lãnh đạo của Đảng và Nhà nước tích cực tham gia các phong trào thi đua yêu nước. Đến nay, đảng bộ thị xã có 61 tổ cơ sở đảng, trong đó có 14 đảng bộ xã, phường và 47 đảng bộ, chi bộ cơ quan, ban ngành; tổng số đảng viên toàn thị xã 4.130 đồng chí, chiếm khoảng 2,4% dân số. Nhiều năm liền Đảng bộ thị xã Tân Châu được công nhận “Trong sạch, vững mạnh tiêu biểu”.

Trên chặng xây dựng và phát triển, với quyết tâm thực hiện thành công mục tiêu Nghị quyết Đại hội lần thứ XI, nhiệm kỳ 2015 - 2020 đã đề ra, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân Tân Châu đã tập trung thực hiện tốt 3 mũi đột phá là tiếp tục chuyển dịch cơ cấu và phát triển kinh tế biên mậu để trở thành ngành kinh tế mũi nhọn. Xây dựng, phát triển ngành nông nghiệp theo hướng ứng dụng công nghệ cao gắn với bảo vệ môi trường, đồng thời thực hiện có hiệu quả chương trình xây dựng nông thôn mới để tạo thế ổn định, vững chắc cho sự phát triển chung của thị xã. Đẩy mạnh đầu tư hệ thống kết cấu hạ tầng, nhất là, khẩn trương xây dựng hoàn thành các công trình trọng điểm quan trọng như: các hạng mục khu kinh tế Cửa khẩu Vĩnh Xương; dự án chỉnh trang đô thị khu vực ô nhiễm môi trường vùng trũng phường Long Hưng; nâng cấp mở rộng tỉnh lộ 953, 952; nâng cấp bến phà Tân Châu - Hồng Ngự, Cảng Tân Châu, cầu Tân Châu - Hồng Ngự; cầu Tân Châu - Châu Đốc, xây dựng tuyến N1 đoạn Tân Châu - Châu Đốc; nâng tầm cửa khẩu đường bộ thành cửa khẩu quốc tế; đường lộ sau sông Tiền; đầu tư xây dựng các cụm - tuyến dân cư; nâng cấp mở rộng đầu tư xây dựng nhà máy xử lý rác thải Vĩnh Hòa,… Song song đó, thị xã tập trung phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao, đẩy mạnh cải cách hành chính, xây dựng môi trường đầu tư hấp dẫn, thông thoáng, nâng cao khả năng hội nhập. Phát triển toàn diện lĩnh vực văn hoá, giải quyết có hiệu quả các vấn đề xã hội, củng cố sự đồng thuận xã hội, tạo động lực tinh thần cho quá trình phát triển của thị xã. Xây dựng hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh, nâng cao năng lực, sức chiến đấu của tổ chức Đảng và đảng viên. Xây dựng, củng cố vững chắc thế trận quốc phòng toàn dân gắn với thế trận an ninh nhân dân và khu vực phòng thủ. Tiếp tục duy trì, phát huy tình đoàn kết hữu nghị với chính quyền và nhân dân huyện Lecdek, tỉnh Kandal, Vương quốc Campuchia.

Quyết tâm xây dựng Tân Châu thành đô thị loại III trước năm 2020, với tiềm năng, thế mạnh của một thị xã trẻ, con đường phía trước có nhiều thuận lợi, đồng thời, xen lẫn không ít gian nan, khó khăn, nhưng với truyền thống đoàn kết, cần cù trong lao động, chiến đấu và quyết tâm chính trị cao, toàn Đảng bộ và nhân dân Tân Châu sẽ đoàn kết một lòng, nhất định Tân Châu sẽ phát triển đi vào lịch sử như một mốc son để trở thành một thị xã năng động, văn minh, hiện đại; là cửa ngõ giao thương đường thủy, đường bộ quan trọng của tỉnh và đồng bằng sông Cửu Long với Campuchia và các nước ASEAN.

Phúc Anh
Tiến tới đại hội đảng
Giải phóng miền Nam
Số lần xem các bài viết
36711744