Truy cập hiện tại

Đang có 138 khách và không thành viên đang online

Nhà báo chân chính luôn được trân trọng

(TGAG)- “Nghề báo là nghề vô giá, vì vậy, xin đừng để ai ngã giá nghề của mình!”. Tờ báo là hàng hóa, nhưng nhà báo không bao giờ là hàng hóa. Xin đừng mua bán sự khách quan, trung thực của nghề này!

Nghề báo có vinh quang không? Xin trả lời là có. Nghề báo có đáng được được xã hội trân trọng không? Cũng xin trả lời là có, với điều kiện: Chính những người làm báo phải làm cho cái nghề của mình đáng được xã hội trân trọng. Làm bất cứ nghề nghiệp gì thì điều quan trọng đầu tiên mà người ta cần có, đó là đạo đức nghề nghiệp. Đối với người cầm bút, việc cân nhắc trước, sau đối với bất kỳ một thông tin gì là cần thiết, nó thể hiện trách nhiệm với thông tin, là biểu hiện đạo đức của người làm báo và là biểu hiện của sự thành công của người làm báo.



Đẳng cấp của một nhà báo không phải là viết nhiều hay viết ít mà chính ở trách nhiệm với xã hội... Khi một đối tượng nào đó đang đứng bên bờ vực thẳm, nếu nhà báo đưa chân đạp nhẹ thôi thì có thể họ sẽ rơi xuống vực và không còn lối thoát. Nhưng nếu nhìn thấy sự bế tắc của họ mà nhà báo bằng đôi tay bao dung và ngòi bút sắc bén của mình, kéo họ thoát khỏi hố sâu và cứu rỗi được họ thì mới xứng tầm của một nhà báo có tâm…”. “Trách nhiệm xã hội và nghĩa vụ công dân của nhà báo”, đi hết những con chữ ấy không dễ tí nào.

Kết hợp nhuần nhuyễn hai yếu tố “trách nhiệm xã hội”“nghĩa vụ công dân” để thấy nhà báo là người tiên phong nhưng không phải là đứng trên người khác. Báo chí tạo ra cơ hội cho người dân đối thoại với cơ quan quản lý, nhưng nếu tự cho mình quyền lực đối lập với các tổ chức, cá nhân mà mình khai thác thông tin thì chỉ khiến cho mối quan hệ này nảy sinh một “hệ miễn dịch tiêu cực”, tức là định kiến: “Cứ nhà báo là vòi vĩnh và cách giải quyết duy nhất chỉ là tiền”. Thói quen đó, sự dễ dãi và bao gồm cái ác tiềm ẩn khi cố khai thác những điều như vậy, đang tự mình trở thành những phiến đá lớn chồng chất ngày một đe dọa phủ lấp những giá trị của một nền truyền thông tử tế.

Không có vinh quang và hạnh phúc nào bằng khi chúng ta làm được một việc tốt, có ý nghĩa thông qua các bài báo của mình. Nó quan trọng hơn nhiều các giải thưởng báo chí mà ta gặt hái được. Mang đến niềm tin cho một cuộc đời bất hạnh, tìm được công lý cho một người oan khuất, tạo ra một sự thay đổi có ích trong một lĩnh vực nào đó hay đơn thuần chỉ là gợi nên một cảm xúc thẩm mỹ và nhân văn, giúp con người bớt u ám và thêm một chút lạc quan về cuộc sống... đó là sứ mệnh cao cả nhất của các bài báo. Chính xác, công bằng và khách quan, suy cho cùng, cũng từ lương tâm của người làm báo. Tâm sáng thì được độc giả tin yêu và lòng tin cùng sự hợp tác của bạn đọc sẽ gia cường sức mạnh cho báo chí. Thời nào làm báo cũng khó khăn, giữ được 3 chữ “trung”: Trung trinh với sự thật; Trung thực với độc giả và Trung thành với nghề nghiệp mới là điều đáng quý!

Tôi không phải là một nhà báo chuyên nghiệp, họa chăng chỉ là một công chức tập viết báo, nhưng tôi đã từng nghe, hoang mang về những điều nọ, kia trong làng báo và tự hỏi chính mình: Nghề báo - ta có yêu nó không? Để rồi lại tự trả lời: Có những lúc yêu quý và tự hào vô cùng, có những lúc thất vọng, chán nản đến tận cùng,  Nhưng cuối cùng vẫn thấy nghề báo là một nghề xứng đáng được xã hội trân trọng. Một nghề cần rất nhiều đam mê, là một nghề bình thường, không được phép cao quý hơn bất kỳ nghề nghiệp nào khác đồng thời phải thực hiện nó với tất cả sự nghiêm túc và cẩn trọng nhất.

Và tình yêu nghề cũng là một nội hàm của đạo đức. Nhưng không phải cứ yêu nghề là người làm báo sẽ đủ nội lực vượt qua một cách dễ dàng những khó khăn, thử thách. Cũng đã có một vài cây bút xông xáo, thông minh, bản lĩnh… bị “ngã ngựa” trước những cám dỗ, những vấp ngã của đồng nghiệp cho thấy, để giữ được lòng yêu nghề, giữ được đạo đức của nghề báo, chúng ta phải tự đối diện với mình, đấu tranh với chính mình, mà cuộc đấu tranh với chính mình là cuộc đấu tranh thầm lặng nhất, gay go nhất. Yếu kém về chuyên môn cũng là một trong những nguyên nhân làm nhà báo khó giữ được lòng yêu nghề. Phải giữ mình và phải tự nâng mình lên. Giữ được lòng yêu nghề, đó là một vấn đề của đạo đức nghề báo trong thời hiện tại. Và tôi có niềm tin dù trong điều kiện, môi trường xã hội như thế nào thì người làm báo chân chính vẫn có một chỗ đứng nhất định, vẫn luôn được trân trọng.

Hải Lam

Kỷ niệm 94 năm Ngày Báo chí Cách mạng Việt Nam (21/6). TGAG xin gửi đến các nhà báo, phóng viên, biên tập viên, những người làm việc trong ngành truyền thông, báo chí lời chúc sức khỏe, hạnh phúc và thành công trong sự nghiệp. Chúc các đồng chí sẽ luôn luôn giữ vững ngòi bút của mình để trở thành những chiến sĩ tiên phong trên mặt trận văn hóa tư tưởng! - BBT

 
Tiến tới đại hội đảng
Giải phóng miền Nam
Số lần xem các bài viết
37052230