Truy cập hiện tại

Đang có 79 khách và không thành viên đang online

Việt Nam - Điểm đến, cầu nối cho một tiến trình hòa bình lịch sử

Việc được chọn là quốc gia tổ chức hội nghị Mỹ Triều lần 2 không chỉ cho thấy Việt Nam có đủ năng lực, điều kiện để tổ chức các sự kiện quốc tế mà còn thể hiện sự tin cậy cao của các nước.


Cờ Mỹ, cờ Triều Tiên và cờ Việt Nam treo trên các tuyến phố xung quanh hồ Hoàn Kiếm.

Chỉ còn vài ngày nữa, tại Thủ đô Hà Nội sẽ diễn ra Hội nghị Thượng đỉnh Mỹ-Triều Tiên lần thứ hai.

Việc được chọn là quốc gia tổ chức hội nghị này không chỉ cho thấy Việt Nam có đủ năng lực, điều kiện để tổ chức các sự kiện quan trọng mang tầm quốc tế mà còn thể hiện sự tin cậy cao của các nước dành cho Việt Nam.

CƠ DUYÊN VÀ TRÁCH NHIỆM

Trong lịch sử ngoại giao thế giới, việc chọn địa điểm tổ chức các cuộc đàm phán có ý nghĩa hết sức quan trọng. Việc Mỹ và Triều Tiên lựa chọn Việt Nam là địa điểm cho Hội nghị Thượng đỉnh lần thứ hai được các chuyên gia Việt Nam và nước ngoài nhìn nhận vì Việt Nam là biểu tượng cho một tiến trình bước qua chiến tranh, khép lại quá khứ, mở cửa hội nhập và phát triển tiến lên.

Việt Nam từ chỗ là bên liên quan tham gia các hội nghị tại Geneva năm 1954 quyết định chấm dứt chiến sự và lập lại hòa bình ở Đông Dương và sau đó là Hội nghị Paris năm 1973 với việc ký kết Hiệp định Paris buộc Mỹ phải rút khỏi Việt Nam. Nay, Hà Nội - thủ đô nghìn năm văn hiến của Việt Nam - trở thành nơi tổ chức hội nghị hòa bình cho các quốc gia khác, khu vực và thế giới.

Việc lựa chọn Việt Nam không chỉ vì Việt Nam là một địa điểm, mà còn thấy Việt Nam có vai trò đóng góp cho công việc chung của thế giới và khu vực, vì hòa bình, ổn định phát triển.

Việt Nam có quan hệ ngoại giao với 188/193 quốc gia thành viên Liên hợp quốc, là thành viên tích cực của hơn 70 tổ chức quốc tế và khu vực; thiết lập quan hệ Đối tác chiến lược với 16 nước, Đối tác toàn diện với 11 nước… Việt Nam đã chủ động, tích cực chung tay tham gia các công việc lớn của quốc tế; chủ động đóng góp xây dựng tại các diễn đàn quan trọng, thực sự là thành viên tích cực của cộng đồng quốc tế trên cả ba cấp độ song phương, khu vực và toàn cầu, thể hiện sâu sắc tinh thần thành viên có trách nhiệm trong cộng đồng quốc tế.

Nếu trong quá khứ, Việt Nam đã là một hình ảnh truyền cảm hứng về một dân tộc vệ quốc kiên cường, thì nay Việt Nam lần thứ hai mang đến một hình ảnh truyền cảm hứng về một dân tộc tự cường, mở cửa, phát triển và đóng góp thực sự về nhiều mặt vào nỗ lực chung của khu vực và thế giới.

TỔ CHỨC THÀNH CÔNG NHIỀU SỰ KIỆN QUỐC TẾ QUAN TRỌNG

Theo ông Phạm Quang Vinh, nguyên Thứ trưởng Bộ Ngoại giao, việc Việt Nam được Mỹ và Triều Tiên lựa chọn là nơi tổ chức hội nghị đã cho thấy uy tín của chúng ta, là một dấu chứng nhận Việt Nam có đủ điều kiện về cơ sở vật chất, hậu cần và bảo đảm an ninh cho những sự kiện lớn.

Cùng với đó, Việt Nam còn có tính biểu tượng rất cao, khi đã trải qua quá trình khép lại quá khứ sau một cuộc chiến tranh để tiến tới tương lai với sự đổi mới, hội nhập, mở cửa, phát triển... đây là quá trình Việt Nam có rất nhiều bài học kinh nghiệm có thể chia sẻ. Việc được lựa chọn thực sự cho thấy một đất nước Việt Nam đã rất khác, vị thế quốc tế của Việt Nam đã rất khác.

Thực tế cũng chứng minh trong thời gian qua chúng ta đã tổ chức thành công các sự kiện quốc tế lớn, gần đây nhất là Diễn đàn kinh tế thế giới - WEF ASEAN 2018. WEF ASEAN 2018 quy tụ 9 nguyên thủ của các quốc gia ASEAN, lãnh đạo cấp cao của các nước đối tác và khoảng 1.000 đại diện các tập đoàn đa quốc gia, các doanh nghiệp ASEAN và quốc tế, cùng với khoảng 800 doanh nghiệp trong nước tham dự, với 60 phiên họp.

Đánh giá về kết quả Hội nghị WEF ASEAN 2018, Chủ tịch WEF Klaus Schwab cho biết, đây là hội nghị thành công nhất trong 27 năm tổ chức Hội nghị của WEF về khu vực ASEAN và Đông Á. Hội nghị thành công trên nhiều khía cạnh, từ nội dung đến công tác lễ tân, an ninh, y tế, hậu cần, thông tin… Trước đó, Việt Nam cũng đã tổ chức thành công Hội nghị các nhà lãnh đạo Hội nghị APEC tháng 11/2017.

Tổng thống Nga Vladimir Putin đánh giá: "Về công tác tổ chức, Việt Nam đã làm mọi thứ có thể để chúng tôi có thể thoải mái làm việc, tạo ra bầu không khí thuận lợi". Không những thể hiện sự chủ động trong công tác hậu cần, Việt Nam còn chuẩn bị kỹ lưỡng về mặt nội dung; đảm nhận tốt công tác chủ trì, đồng chủ trì các cuộc họp của các ủy ban, nhóm công tác của APEC...

Việt Nam cũng đã phát huy tốt vai trò chủ nhà trong việc khởi xướng, dẫn dắt và điều phối để hợp tác APEC đem lại những kết quả thực chất. Các nguyên thủ quốc gia, trong đó có nhiều nguyên thủ của các cường quốc, đến Việt Nam trong các sự kiện này đều bày tỏ sự hài lòng không chỉ về môi trường an ninh mà công tác tổ chức các sự kiện lớn Việt Nam đều làm rất tốt, tạo thành uy tín quốc tế.

Và Việt Nam cũng đã tổ chức thành công rất nhiều sự kiện đa phương quan trọng khác nữa như APPF-26 (Hội nghị thường niên lần thứ 26 Diễn đàn Nghị viện châu Á-Thái Bình Dương), WEF-Mekong (Hội nghị của Diễn đàn Kinh tế thế giới về Mekong), IPU-132 (Đại hội đồng Liên minh Nghị viện thế giới lần thứ 132)…
 
ĐIỂM ĐẾN AN TOÀN VÀ TIN CẬY

Theo Phó giáo sư Lê Văn Cương, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu chiến lược (Bộ Công an), yêu cầu đầu tiên của việc chọn địa điểm tổ chức Hội nghị Thượng đỉnh Mỹ-Triều Tiên phải là an toàn, và Việt Nam đã chứng minh được điều này bằng thực tiễn.

Hà Nội từng được báo chí quốc tế nhắc đến rất nhiều như một nơi rất an toàn, thậm chí cho cả các chính khách. Nhiều chính khách của các cường quốc cũng phải ấn tượng với sự hiếu khách của người Hà Nội.

Cựu Tổng thống Mỹ Barack Obama đã từng rất ngạc nhiên trước sự chào đón nồng nhiệt ngay khi ông đặt chân xuống sân bay Nội Bài trong chuyến thăm Việt Nam (tháng 5/2016). Cũng với sự chào đón nồng hậu ấy, Tổng thống Cộng hòa Pháp Francois Hollande khi thăm Việt Nam (tháng 9/2016) đã đi bộ tới nhiều điểm đến văn hóa trong khu phố cổ Hà Nội.

Và hình ảnh của Thủ tướng Australia John Howard chạy bộ quanh hồ Hoàn Kiếm (tháng 11/2017), và gần đây nhất trong chuyến thăm Việt Nam (ngày 19 đến 21/2/2019) Thủ tướng Argentina Mauricio Macri đã đi bộ và ngồi thưởng thức cà phê vỉa hè tại Hà Nội đã tạo nên câu chuyện về một Hà Nội an toàn và hiếu khách…

Cùng với an toàn là sự tin cậy. Theo Giáo sư, tiến sỹ khoa học Vũ Minh Giang - Phó Chủ tịch Hội Khoa học Lịch sử Việt Nam, việc Hoa Kỳ và Cộng hòa dân chủ nhân dân Triều Tiên cùng đồng ý chọn Hà Nội-Việt Nam làm nơi gặp thượng đỉnh lần 2 không chỉ bởi đáp ứng được những yêu cầu, đòi hỏi riêng của các quốc gia này mà còn phản ánh mức độ tin cậy rất cao của cộng đồng quốc tế đối với Việt Nam, với Hà Nội về năng lực, bản lĩnh gánh vác trách nhiệm chung. Đó là sự lựa chọn có tính toán, có cân nhắc và rất phù hợp.

Cùng quan điểm trên, chuyên gia Australia Carl Thayer cho rằng, Việt Nam được lựa chọn là địa điểm tổ chức sự kiện này là do được cả Hoa Kỳ, Triều Tiên cùng các nước liên quan tin cậy.

Theo ông Carl Thayer, Hoa Kỳ đánh giá cao Việt Nam trong vai trò là Ủy viên không thường trực Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc nhiệm kỳ 2008-2009 và luôn nhất quán không ủng hộ phổ biến vũ khí hạt nhân. Trong khi đó, Triều Tiên tin tưởng Việt Nam, đặc biệt đã cử các đoàn sang Việt Nam tìm hiểu về quá trình đổi mới và mở cửa của Việt Nam.

Ông Carl Thayer nhấn mạnh, trong tương lai, Việt Nam sẽ đảm nhiệm cương vị Chủ tịch ASEAN năm 2020 và đang là ứng cử viên duy nhất của Nhóm châu Á-Thái Bình Dương cho vị trí Ủy viên không thường trực Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc nhiệm kỳ 2020-2021. Do đó, Việt Nam sẽ đóng vai trò nhất định trong tiến trình hòa bình trên bán đảo Triều Tiên.

Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Phạm Bình Minh trong chuyến thăm Triều Tiên (ngày 12 đến 14/2/2019) cũng tái khẳng định lập trường nhất quán của Việt Nam là ủng hộ đối thoại nhằm duy trì hòa bình, an ninh, ổn định trên bán đảo Triều Tiên và sẵn sàng đóng góp tích cực vào tiến trình này./.

Phương Minh
(Nguồn TTXVN)
Tiến tới đại hội đảng
Giải phóng miền Nam
Số lần xem các bài viết
37135426