Truy cập hiện tại

Đang có 77 khách và không thành viên đang online

Lựa chọn người xứng đáng bầu vào cấp ủy

(TGAG)- Nghiên cứu, quán triệt Nghị quyết Hội nghị lần thứ 11 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa XI), cán bộ, đảng viên và Nhân dân rất quan tâm và đồng tình nội dung chỉ đạo định hướng công tác nhân sự Ban Chấp hành Trung ương (khóa XII). Đồng thời bày tỏ mong muốn được thực hiện tốt ngay tại đại hội cấp huyện và của tỉnh ta tới đây: lựa chọn người xứng đáng bầu vào cấp ủy khóa mới!

Có nhiều ý kiến đặt ra xung quanh ba vấn đề chính được nêu về tiêu chuẩn đối với cấp ủy viên là bản lĩnh chính trị, phẩm chất đạo đức và năng lực hoàn thành nhiệm vụ. Đây cũng chính là nội dung mà Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XI) “Một số vấn đề cấp bách về xây dựng Đảng hiện nay” đặt ra về xây dựng đội ngũ cán bộ lãnh đạo đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong tình hình mới.

Tiêu chuẩn là như thế, nhưng cụ thể xin nêu mấy vấn đề: Trước hết về bản lĩnh chính trị, đây là một vấn đề khó nhận xét, đánh giá; vì mỗi lần kiểm điểm tự phê bình ai cũng nói vững vàng, tuyệt đối trung thành, kiên định mục tiêu, lý tưởng cách mạng... phê bình người khác thường nêu mặt tốt, ít chỉ ra được mặt hạn chế cụ thể? Có thể nói, vấn đề rất trừu tượng, không cân đong, đo đếm được! Tuy nhiên, khi đặt ra đối với một đồng chí cụ thể, với người lãnh đạo qua hành động và việc làm trong mối quan hệ với tổ chức, cấp ủy, với cán bộ và Nhân dân: bản lĩnh chính trị của cán bộ đó được thể hiện qua tinh thần giữ gìn đoàn kết, thống nhất trong Đảng, ý chí chiến đấu bảo vệ cái đúng, đấu tranh với những hành động sai trái, lệch lạc, cơ hội, hữu khuynh; tính gương mẫu đi đầu của người lãnh đạo trong thực hiện các nguyên tắc, kỷ luật của Đảng; dám đương đầu với khó khăn, thử thách, quyết liệt trong hành động, làm việc có hiệu quả; không độc đoán, chuyên quyền; công tâm, khách quan, bố trí cán bộ vì yêu cầu công việc không vì tình cảm, lợi ích riêng tư... đó chính là biểu hiện của lòng trung thành với Đảng, với chế độ, trách nhiệm cao cả với Tổ quốc và Nhân dân. Những vấn đề đó là cụ thể, để đánh giá, nhận xét về bản lĩnh chính trị đối với người mà ta lựa chọn!

Về chọn cán bộ có phẩm chất đạo đức, lối sống: đạo đức của mỗi người thể hiện qua lối sống của bản thân, gia đình trong mối quan hệ xã hội; ở đây là đạo đức cách mạng, trong sáng của người cán bộ: cần, kiệm, liêm, chính, chí công vô tư; chọn người có lối sống gương mẫu, được cán bộ, đảng viên và Nhân dân tín nhiệm; bản thân không tham nhũng, đồng thời kiên quyết chống tham nhũng, lãng phí, quan liêu, cơ hội, vụ lợi, tham vọng quyền lực, chạy chức, chạy quyền, chạy “thành tích”, bè phái, sống xa hoa, hưởng lạc... Không để vợ, chồng, con, người thân lợi dụng chức quyền của mình để trục lợi.

Bầu người có năng lực hoàn thành nhiệm vụ: người đó phải được thể hiện qua quá trình học tập, rèn luyện về chính trị, chuyên môn; phải được kiểm nghiệm qua thực tiễn công tác và đã hoàn thành nhiệm vụ được giao trong thời gian qua. Lấy đó làm thước đo để đánh giá năng lực cán bộ. Chọn người lãnh đạo phải có trí tuệ, tầm nhìn chiến lược, tư duy đổi mới, sáng tạo, có năng lực cụ thể hóa, lãnh đạo và thực hiện thắng lợi đường lối, chính sách, nhiệm vụ của đơn vị, địa phương; có tinh thần đoàn kết, quy tụ, phát huy được đội ngũ cán bộ hoàn thành nhiệm vụ.

Lựa chọn những người có đủ tiêu chuẩn về bản lĩnh chính trị, phẩm chất đạo đức và năng lực hoàn thành nhiệm vụ bầu vào cấp ủy có ý nghĩa quyết định về chất lượng, hiệu quả hoạt động của bộ máy Đảng, Nhà nước và cả hệ thống chính trị để thực hiện thắng lợi mục tiêu nghị quyết đại hội nhiệm kỳ mới, là trách nhiệm của đại biểu tham dự đại hội Đảng. Đó là niềm tin, kỳ vọng của cán bộ, đảng viên và Nhân dân./.

Lê Hồng Khâm
Tiến tới đại hội đảng
Giải phóng miền Nam
Số lần xem các bài viết
36704231