Truy cập hiện tại

Đang có 307 khách và không thành viên đang online

Tác phẩm "Đạo đức cách mạng" của Chủ tịch Hồ Chí Minh

(TGAG)- Chủ tịch Hồ Chí Minh là nhà tư tưởng vĩ đại, đã để lại một di sản đồ sộ về đạo đức cách mạng, trong đó Người viết tác phẩm “Đạo đức cách mạng”, dưới bút danh Trần Lực. Tác phẩm được in lần đầu  trên Tạp chí Học tập (nay là Tạp chí Cộng sản), sau đó được Nhà xuất bản Sự thật (Nhà xuất bản Chính trị quốc gia ngày nay) in thành sách và phát hành ngay trong tháng 12/1958. Đây là tác phẩm có giá trị to lớn cả về lý luận và thực tiễn.
    
Trong hệ thống trưng bày Bảo tàng Hồ Chí Minh, tác phẩm “Đạo đức cách mạng” là một hiện vật quan trọng, cùng với các tài liệu, hiện vật khác để hình thành một hệ thống thông tin phục vụ việc tuyên truyền, giới thiệu về tư tưởng, tấm gương đạo đức của Chủ tịch Hồ Chí Minh.
    

Có thể nói "Đức là gốc" là quan điểm cơ bản, xuyên suốt và nhất quán trong tư tưởng đạo đức Hồ Chí Minh. Theo Bác, đạo đức không chỉ là "gốc", là nền tảng, là nhân tố chủ chốt của người cách mạng, mà còn là thước đo của lòng cao thượng của con người. Từ bài giảng đầu tiên cho lớp thanh niên Việt Nam yêu nước tại Quảng Châu, Hồ Chí Minh, khi đó là Nguyễn Ái Quốc, lần đầu tiên đã đưa ra 23 điều răn, thể hiện rõ ba mối quan hệ (đối với mình, đối với người và đối với công việc) làm chuẩn mực của đạo đức cách mạng trong mục “Tư cách một người cách mệnh”. Sau đó, nội dung hàm chứa sự tu dưỡng đạo đức cá nhân, nâng cao đạo đức cách mạng, tinh thần cần, kiệm, liêm, chính, chí công vô tư, không ham hư danh, không màng danh lợi, v.v. của những người cách mạng đã được in trong tác phẩm Đường cách mệnh (năm 1927), và tiếp đó được nhắc lại dưới nhiều hình thức trong các bài viết, các tác phẩm như: Thư gửi Ủy ban nhân dân các kỳ, tỉnh, huyện và làng (năm 1945), Thư gửi các đồng chí tỉnh nhà (năm 1947), Thư gửi các đồng chí Trung Bộ (năm 1947), Sửa đổi lối làm việc (năm 1947), Cần kiệm liêm chính (năm 1949); Thực hành tiết kiệm, chống tham ô, lãng phí, chống bệnh quan liêu (năm 1952), Đạo đức cách mạng (năm 1958), Nâng cao đạo đức cách mạng, quét sạch chủ nghĩa cá nhân (năm 1969), v.v..
    
Trong mỗi thời điểm lịch sử, mỗi bước chuyển của sự nghiệp cách mạng, Chủ tịch Hồ Chí Minh đều có những quan tâm đặc biệt đến vấn đề giáo dục đạo đức cách mạng, nâng cao đạo đức cách mạng, quét sạch chủ nghĩa cá nhân trong đội ngũ cán bộ, đảng viên; xây dựng và chỉnh đốn Đảng, xây dựng Đảng ngày càng trong sạch, vững mạnh.
    
Quy luật của chiến tranh và quy luật xây dựng trong thời bình vốn hoàn toàn khác nhau. Trong chiến tranh, những khó khăn thử thách đã nhiều, trong thời bình và đặc biệt là thời kỳ đổi mới, hội nhập quốc tế, thử thách càng khắc nghiệt hơn. Những cạm bẫy đời thường, và đi liền cùng đó là tác động khôn lường của nền kinh tế thị trường càng làm cho những nguy cơ suy thoái, biến chất trong đội ngũ cán bộ, đảng viên của Đảng cận kề và nhân lên. Chủ tịch Hồ Chí Minh nhận thức rất rõ rằng, "thắng đế quốc và phong kiến là tương đối dễ; thắng bần cùng và lạc hậu còn khó hơn nhiều", nên Người không ít lần cảnh báo, chỉ rõ sự nguy hiểm của chủ nghĩa cá nhân - kẻ địch không mang gươm súng nhưng lại có thể đánh gục ta từ bên trong. Và theo Bác, đội ngũ cán bộ, đảng viên của Đảng muốn không tụt hậu, muốn xứng đáng với vị trí tiền phong càng phải phấn đấu mãi, học mãi điều giản dị nhưng ý nghĩa lớn lao, đó là cách mạng là sự nghiệp của quần chúng nhân dân nên làm cách mạng để "suốt đời làm đày tớ trung thành của nhân dân", chứ không phải làm "quan phụ mẫu của dân", không được việc gì cũng nghĩ đến lợi ích của riêng mình trước hết và càng không thể độc đoán, chuyên quyền, mượn danh để trục lợi.
    
Tựu trung lại, để cán bộ, đảng viên xứng đáng là người lãnh đạo, là người đày tớ thật trung thành của nhân dân, để Đảng Cộng sản Việt Nam phát huy được sức mạnh nội lực của trí tuệ và đạo đức, ngày một trưởng thành và vững mạnh, từ những chỉ dẫn của Chủ tịch Hồ Chí Minh trong tác phẩm Đạo đức cách mạng, trong Đảng phải thực hành dân chủ rộng rãi, thường xuyên thực hiện tự phê bình và phê bình một cách chân thành, triệt để. Đảng phải thực sự gần dân, hiểu tâm tư nguyện vọng của dân và củng cố mối liên hệ mật thiết với nhân dân. Hơn bao giờ hết, công tác chính trị, tư tưởng trong Đảng phải luôn được bồi dưỡng thông qua các cuộc vận động, các đợt triển khai học tập. Kỷ luật của Đảng phải nghiêm minh, sinh hoạt chi bộ phải đều đặn với nội dung thiết thực, có kiểm tra chặt chẽ, thưởng phạt rõ ràng. Phải kiên quyết đưa ra khỏi Đảng những kẻ thoái hóa biến chất, ham hư danh, chạy chức, chạy quyền, tham ô, tham nhũng, đặc biệt là những cán bộ, đảng viên được trao trọng trách cao, có ảnh hưởng lớn trong đời sống xã hội. Đó là những công việc trọng yếu của công tác xây dựng Đảng theo tư tưởng Hồ Chí Minh.
    
Sáu mươi năm đã trôi qua, sau khi Chủ tịch Hồ Chí Minh viết tác phẩm Đạo đức cách mạng, song, những điều tâm huyết, nhắc nhở của Bác vẫn còn mãi với thời gian. Ôn lại, học tập và làm theo tấm gương đạo đức, phong cách của Bác, chính là thấm nhuần sâu sắc lời căn dặn: “Đạo đức cách mạng không phải trên trời sa xuống. Nó do đấu tranh, rèn luyện bền bỉ hằng ngày mà phát triển và củng cố. Cũng như ngọc càng mài càng sáng, vàng càng luyện càng trong”./.

Thái Thúy Xuân
Phó trưởng Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy
Tiến tới đại hội đảng
Giải phóng miền Nam
Số lần xem các bài viết
36720773