Truy cập hiện tại

Đang có 126 khách và không thành viên đang online

Nhà giáo với sứ mệnh “trồng người”

(TGAG)- Việc tổ chức Ngày Quốc tế Hiến chương các nhà giáo 20/11 hằng năm đã sớm trở thành ngày hội truyền thống của giáo giới Việt Nam. Điều này hoàn toàn phù hợp với truyền thống tốt đẹp của dân tộc ta, một dân tộc có mấy nghìn năm văn hiến và có truyền thống hiếu học, tôn sư trọng đạo.
    
Lần đầu tiên ngày "Quốc tế Hiến chương các nhà giáo" được tổ chức trên toàn miền Bắc nước ta vào ngày 20/11/1958. Những năm sau đó, ngày lễ 20/11 còn được tổ chức tại các vùng giải phóng ở miền Nam. Theo đề nghị của ngành Giáo dục, ngày 28/9/1982, Hội đồng Bộ trưởng (nay là Chính phủ) đã ban hành Quyết định số 167 - HĐBT về ngày Nhà giáo Việt Nam. Trong đó có điều khoản quy định, lấy ngày 20/11 là ngày Nhà giáo Việt Nam.
    
Dù còn ở tuổi cắp sách tới trường, hay đã trưởng thành rời ghế nhà trường, mỗi người Việt Nam vẫn luôn hướng đến ngày 20/11 với truyền thống tốt đẹp của dân tộc: Tôn sư trọng đạo; Không thầy đố mày làm nên; Ăn quả nhớ kẻ trồng cây; Có danh có vọng nhớ thầy khi xưa. Không phải ngẫu nhiên, trong xã hội, chỉ có hai loại nghề được người ta gọi là thầy: thầy giáo và thầy thuốc.
    
Vinh quang là thế, nhưng từng có thời gian dài, nghề làm thầy vẫn bị xã hội “quay lưng”: “Chuột chạy cùng sào mới vào sư phạm”. Rồi lại có thời kì, học sinh đổ xô vào trường Sư phạm, không hẳn vì say mê, tâm huyết với nghề, mà vì vào đó sẽ không phải đóng học phí, mà ra trường cũng dễ kiếm việc làm. Nói chung đây là một cái nghề thiếu ổn định. Hoặc cũng có thể là khó, không phải ai cũng có thể làm được.

Vậy làm nghề thầy giáo có khó thật không? Có thể có nhiều quan điểm khác nhau nhưng có câu trả lời tạm coi là có thể chấp nhận được: làm nghề thầy giáo với người này có thể là dễ, nhưng với một số người khác thì đúng là khó. Nói dễ bởi nhìn bề ngoài, so với nhiều nghề nghiệp khác, nghề nhà giáo không cần đến “cơ bắp”, công việc có vẻ “nhàn nhã”, “ăn trắng, mặc trơn”: không phải lao động chân tay, không phải đến công sở hàng ngày, được nhiều người trong xã hội trọng vọng”! Trong bậc thang giá trị của người Việt, nhà giáo từng được xếp sau vua và trước cha mẹ: “quân - sư - phụ”. Bởi, dẫu không phải là đấng sinh thành, nhưng thầy giáo là người dìu dắt mỗi thế hệ học sinh lớn lên về trí tuệ, tâm hồn, sự hiểu biết. Với vinh dự và trọng trách lớn lao ấy, Việt Nam đã có nhiều nhà giáo nổi tiếng như: Chu Văn An, Nguyễn Bỉnh Khiêm, Nguyễn Đình Chiểu, Nguyễn Thiếp, Lê Quý Đôn… góp phần làm rạng danh truyền thống quê hương, đất nước.
    
Nhưng làm nghề giáo cũng thật khó. Bởi lẽ, một khi đã chấp nhận công việc này, cũng có nghĩa phải chấp nhận sự hy sinh: người ta không thể giàu có khi làm nghề thầy giáo (trừ một số người giỏi giang, xuất chúng). Trong dân gian từ lâu đã tồn tại câu cửa miệng “phi thương bất phú”.
    
Hơn nữa, ngày nay, cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 đặt ra thách thức ngành giáo dục phải thay đổi cách dạy học cho phù hợp. Giáo dục và đào tạo trong thời kỳ cách mạng công nghiệp 4.0 phải có sứ mệnh dám đương đầu với những mặt trái của xã hội tác động đến thế hệ trẻ. Trên thực tế, xã hội hiện nay việc phân cực giàu nghèo ngày càng lớn, những tác động tiêu cực của xã hội, của văn hóa đời sống ngày một nhiều. Nhiều gia đình, bố mẹ lo kiếm sống, không đủ thời gian và không có phương pháp giáo dục con một cách khoa học; chỉ kỳ vọng vào con cái, áp dụng kiểu giáo dục áp đặt mà thiếu đồng hành, lắng nghe con. Do đó, vai trò giáo dục gia đình, giáo dục của nhà trường hiện nay là rất lớn. Thầy cô giáo không tâm huyết với nghề thì không thể sáng tạo ra những phương pháp giáo dục hiệu quả, phù hợp với từng loại học sinh, nhất là những học sinh gặp khó khăn về hoàn cảnh sống, về điều kiện học tập.
    
Công việc dạy học của các nhà giáo ngày nay khác trước nhiều. Mọi kiến thức, hiểu biết của học sinh không chỉ được hình thành qua sách vở, qua internet mà phải được bổ sung qua các hoạt động trải nghiệm, biết học hỏi lẫn nhau, biết vận dụng kiến thức đã học vào cuộc sống. Thông qua giờ dạy trên lớp và hoạt động giáo dục trong và ngoài nhà trường, nhà giáo giúp học sinh biết tự học một cách sáng tạo. Nếu nhà giáo chỉ cung cấp, truyền dạy thông tin tri thức của các bộ môn khoa học thì ngày nay, người máy và các thiết bị thông minh sẽ làm tốt hơn các nhà giáo. Nhà giáo phải thật sự là nhà giáo dục, nhà sư phạm. Chỉ có thấu hiểu tính cách, hoàn cảnh của từng học sinh, nhà giáo mới đưa ra được những phương pháp giáo dục phù hợp, làm cho học sinh thích học, biết cách học, có thói quen học và học hiệu quả. Chỉ có thầy giáo, cô giáo mới giúp được học sinh phát triển phẩm chất, kỹ năng cơ bản và đảm bảo tương lai thành công của người công dân thế kỷ 21.
    
Cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 chắc chắn sẽ làm tốc độ phát triển xã hội ngày một nhanh hơn, con người sẽ được thỏa mãn nhiều nhu cầu tiện ích trong đời sống. Liệu điều đó có mang lại hạnh phúc cho số đông hay chỉ đáp ứng được nhu cầu của những người có thu nhập cao, những nơi kinh tế phát triển? Chắc chắn xã hội trong bước tiến của mình sẽ tìm được lời giải. Trong các giải pháp đó, không thể thiếu sự đóng góp của giáo dục, đào tạo. Giáo dục là một con đường dẫn mọi người đến thành công, tạo ra sự cân bằng trong xã hội.
    
Với mục tiêu “Đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo” đang đòi hỏi ở mỗi nhà giáo sự nỗ lực to lớn. Nỗ lực vì trách nhiệm. Nhưng hơn cả, nỗ lực vì niềm tự hào. Tự hào với trọng trách, được Đảng đặt niềm tin, gửi gắm sứ mệnh vô cùng cao cả là: “Nâng cao dân trí, đào tạo nhân lực, bồi dưỡng nhân tài” cho đất nước (*).

-----------
(*) Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ XII, Văn phòng Trung ương Đảng, Hà Nội – 2016, trang 114.

Thái Thúy Xuân
Phó Trưởng Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy
Tiến tới đại hội đảng
Giải phóng miền Nam
Số lần xem các bài viết
36704637