Truy cập hiện tại

Đang có 72 khách và không thành viên đang online

Hiệu quả của các cơ chế, chính sách Tam nông ở An Giang

(TGAG)- Quán triệt Nghị quyết số 26-NQ/TW, ngày 05/8/2008 của Ban Chấp hành Trung ương (khoá X) về “Nông nghiệp, nông dân, nông thôn”, Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh đã ban hành Kế hoạch số 18-KH/TU, ngày 14/10/2008 về “Nông nghiệp, nông dân, nông thôn” và Nghị quyết số 05-NQ/TU, ngày 15/9/2011 về “Xây dựng nông thôn mới”. Từ các quyết sách trên cùng với sự nỗ lực của các cấp, các ngành, những cơ chế, chính sách về Tam nông ở An Giang đã từng bước đi vào cuộc sống.

Đồng bộ nhiều chính sách:

Trên cơ sở quán triệt Nghị quyết, chủ trương của Trung ương, của Tỉnh ủy, Ủy ban nhân dân tỉnh đã ban hành Kế hoạch số 24/KH-UBND, ngày 24/11/2008 về nông nghiệp, nông dân, nông thôn đến năm 2020; Chương trình phát triển nông nghiệp, nông dân, nông thôn đến năm 2015; Đề án xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2010 - 2020; Kế hoạch số 22/KH-UBND ngày 20/7/2010 phát động phong trào thi đua xây dựng nông thôn mới trong toàn Tỉnh; Quyết định số 1066/QĐ-UBND, ngày 05/4/2017 của Ủy ban nhân dân tỉnh về việc ban hành kế hoạch thực hiện Chương trình hành động của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh về phát triển nông nghiệp giai đoạn 2016 - 2020, định hướng đến năm 2025... Ngoài ra, UBND tỉnh đã ban hành nhiều cơ chế, chính sách để hướng đến mục tiêu cốt lõi là Xây dựng nền nông nghiệp phát triển toàn diện, bền vững; Nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của người dân và Đổi mới toàn diện bộ mặt nông thôn trong thời kỳ mới.

Tùy vào tình hình phát triển sản xuất trong từng giai đoạn, tỉnh tiến hành rà soát, điều chỉnh và xây dựng các quy hoạch phù hợp với tình hình thực tế, đồng thời ban hành và thực hiện nhiều chương trình, đề án, dự án mang tính chiến lược để làm cơ sở cho việc hoạch định chính sách phát triển nông nghiệp bền vững và ổn định. Giai đoạn 2008 - 2013, Tỉnh tập trung phát triển cơ sở hạ tầng thiết yếu, nhiều quy hoạch, chương trình, đề án, dự án đã được phê duyệt và triển khai như: Quy hoạch thủy lợi chi tiết vùng Bảy Núi tỉnh An Giang; Quy hoạch thủy lợi các xã biên giới tỉnh An Giang; Quy hoạch cấp nước và vệ sinh môi trường nông thôn tỉnh An Giang đến năm 2020; Quy hoạch vùng sản xuất vụ Thu đông đến năm 2015; Quy hoạch hệ thống thủy lợi phục vụ sản xuất nông nghiệp tỉnh An Giang đến năm 2020; Quy hoạch sử dụng đất và hạ tầng thiết yếu cho phát triển nông nghiệp hàng hóa, công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp và dịch vụ; Dự án xã hội hóa sản xuất giống cá tra tỉnh An Giang đến năm 2015; Dự án xã hội hóa giống lúa 2011 - 2013; Dự án phát triển chăn nuôi gia cầm an toàn sinh học tỉnh An Giang giai đoạn 2010 - 2012…

Với nhiệm vụ tái cơ cấu ngành Nông nghiệp nhằm nâng cao chất lượng, giá trị và sức cạnh tranh của sản phẩm nông nghiệp của tỉnh trên thị trường. Theo đó, tỉnh đã hoàn chỉnh các quy hoạch tổng thể, vùng sản xuất, sản phẩm chủ lực, cụ thể: Quy hoạch chi tiết phát triển các vùng sản xuất chuyên canh hàng hóa (lúa, rau màu, thủy sản) tỉnh An Giang đến năm 2020; Quy hoạch tổng thể phát triển ngành Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh An Giang đến năm 2020, định hướng đến năm 2030; các quy hoạch về ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất nông nghiệp; Quy hoạch hệ thống nghiên cứu, chuyển giao, sản xuất và cung ứng giống cây nông, lâm nghiệp, giống vật nuôi và giống thủy sản đến năm 2020; Quy hoạch bảo tồn và phát triển bền vững khu bảo vệ cảnh quan rừng tràm Trà Sư kết hợp du lịch sinh thái đến năm 2020; Quy hoạch vùng nuôi các loại thủy sản trên sông; Quy hoạch chi tiết vùng nuôi, chế biến cá tra trên địa bàn tỉnh An Giang đến năm 2020; Quy hoạch, kế hoạch bảo vệ và phát triển rừng cấp tỉnh, tỉnh An Giang giai đoạn 2011 - 2020. Bên cạnh đó, Tỉnh đang xây dựng kế hoạch và triển khai tái cơ cấu các ngành hàng giai đoạn 2016 - 2020 và các đề án vùng chuyên canh về xoài, rau màu, nếp, lúa gạo Jasmine, chuối, cá tra, tôm càng xanh; Đề án chuỗi liên kết sản xuất giống cá tra 3 cấp tỉnh An Giang giai đoạn 2017 - 2021...

Hiệu quả nhưng vẫn còn nỗi lo:

Trong 10 năm qua, sản xuất nông nghiệp tuy gặp nhiều bất lợi nhưng vẫn có bước tăng trưởng khá và tiếp tục khẳng định vai trò nền tảng thúc đẩy kinh tế phát triển. Giai đoạn 2008 - 2017, tăng trưởng nông nghiệp đạt 2,29%/năm, không đạt được theo mục tiêu của Kế hoạch số 18-KH/TU  (từ 4 - 4,5%/năm), tuy nhiên có những năm tăng trưởng rất cao như năm 2010 là 4,42%; năm 2011 là 6,11%. Giá trị sản xuất nông nghiệp trên 01 ha năm 2017 đạt 173 triệu đồng/ha (tăng gần 90 triệu đồng/ha so năm 2010).


Về trồng trọt,
ổn định diện tích sản xuất lúa, đồng thời chuyển sang hướng tăng diện tích một số loại cây trồng có thế mạnh (rau màu, cây ăn trái). Đến cuối năm 2017, tổng diện tích gieo trồng toàn Tỉnh đạt gần 699,7 ngàn ha (tăng trên 83 ngàn ha so năm 2008). Trong đó, diện tích lúa trên 641.1 ngàn ha (tăng gần 77 ngàn ha), sản lượng lúa đạt khoảng 3,9 triệu tấn (tăng 368 ngàn tấn). Diện tích cây ăn trái đang dần tăng lên do Tỉnh đẩy chuyển dịch cơ cấu sản xuất, năm 2017 đạt gần 13 ngàn ha (tăng 05 ngàn ha, chủ yếu là tăng diện tích trồng xoài); sản lượng đạt 113 ngàn tấn (tăng 95 ngàn tấn).

Về chăn nuôi, so với mốc thời điểm 2008 thì tổng đàn bò và gia cầm là có mức tăng trưởng, sản lượng thịt bò tăng khoảng năm nghìn tấn. Đến nay, có 08 doanh nghiệp thực hiện đầu tư phát triển trang trại chăn nuôi tại Tỉnh, trong đó có 04 trại heo, 02 trại gà và 02 trại bò. Tổng diện tích nuôi trồng thuỷ sản trên 2,7 ngàn ha (giảm 40 ha); tổng sản lượng thu hoạch đạt 379 ngàn tấn (tăng 64 ngàn tấn). Việc triển khai thực hiện Đề án liên kết sản xuất giống cá tra 3 cấp chất lượng cao cho vùng đồng bằng Sông Cửu Long đã thu hút được nhiều doanh nghiệp tham gia (Công ty Cổ phần Xuất Nhập khẩu Thủy sản An Giang, Công ty Cổ phần Thức ăn chăn nuôi Việt Thắng, Công ty Cổ phần Tập đoàn Sao Mai...) bước đầu đã đạt được một số kết quả nhất định, góp phần gắn kết, cung cấp cá giống chất lượng cao cho các doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh. Tỉ lệ che phủ rừng đạt 22,4% (tăng 5,07%).

Để tìm kiếm thị trường đầu ra cho hàng hóa nông, thủy sản, An Giang đã triển khai mạnh mẽ chương trình xúc tiến thương mại trong và ngoài nước, thường xuyên liên hệ, trao đổi với tham tán các nước để kịp thời thông tin thị trường, thị hiếu cho các doanh nghiệp. Đến nay, hàng hóa An Giang đã xuất khẩu sang 147 nước và vùng lãnh thổ (tăng thêm 40 nước so năm 2008). Tổng kim ngạch xuất khẩu hàng hóa tăng 70 triệu USD (năm 2017 đạt 820 triệu USD), chủ yếu là tăng các mặt hàng dệt may và nhóm sản phẩm công nghiệp nhẹ, hàng thủy sản và lúa gạo của Tỉnh giảm hơn 150 triệu USD so với năm 2008, không đạt chỉ tiêu theo Kế hoạch số 18-KH/TU.

Hải Thư
Tiến tới đại hội đảng
Giải phóng miền Nam
Số lần xem các bài viết
37021865