Truy cập hiện tại

Đang có 43 khách và không thành viên đang online

Giá trị lý luận và thực tiễn của “Thi đua xây dựng chủ nghĩa xã hội” với công tác thi đua - khen thưởng hiện nay

(TGAG)- Chủ tịch Hồ Chí Minh khẳng định: “Bổn phận của người dân Việt Nam, bất kỳ sĩ, nông, công, thương, binh; bất kỳ làm việc gì, đều cần phải thi đua nhau: Làm cho mau, làm cho tốt, làm cho nhiều”. Lời kêu gọi thi đua ái quốc của Hồ Chí Minh chỉ rõ mục đích của phong trào là để “diệt giặc dốt, diệt giặc đói, diệt giặc ngoại xâm" - giành lại nền độc lập cho đất nước, đem lại cuộc sống ấm no, hạnh phúc cho nhân dân. Thư gửi đồng bào cả nước về thi đua ái quốc (01/8/1949), Chủ tịch Hồ Chí Minh khẳng định: “Hiện nay, kháng chiến đã đến thời đẩy mạnh cuộc cầm cự, chuẩn bị Tổng phản công, thì phong trào thi đua ái quốc cũng phải nhằm vào mục đích ấy. Vì vậy, chương trình thi đua trong giai đoạn này vẫn là diệt giặc đói, diệt giặc dốt, diệt giặc ngoại xâm. Nhưng nó tiến lên một bước mạnh hơn”. Người khẳng định ý nghĩa to lớn của phong tào thi đua ái quốc: thi đua là đoàn kết, là yêu nước, là tinh thần quốc tế, là góp sức giữ gìn hòa bình và dân chủ thế giới; là cải tạo con người; “Thi đua phải lấy tinh thần yêu nước làm gốc”. Thi đua là yêu nước. Yêu nước là phải thi đua. Hễ là người Việt Nam yêu nước là phải thi đua. Thi đua là một cách yêu nước thiết thực nhất. Những người thi đua là những người yêu nước nhất. Đây là cơ sở nền tảng, yếu tố căn bản để xây dựng các tiêu chí, mục tiêu của thi đua yêu nước trong thời kỳ cách mạng dân tộc dân chủ.

Hiện nay, Việt Nam đang bước vào thời kỳ CNH, HĐH đất nước và mở rộng hội nhập quốc tế, phát triển mạnh nền kinh tế thị trường định hướng XHCN, thực hiện mục tiêu “dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh”. Phong trào thi đua yêu nước trong giai đoạn hiện nay cần thể hiện đa dạng và phong phú. Trong đó, quan trọng nhất là việc thi đua học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh trên các lĩnh vực của đời sống xã hội, đặc biệt là trong phát triển kinh tế và trong xây dựng Đảng trong sạch, vững mạnh; thi đua phát triển kinh tế đạt năng suất, chất lượng và hiệu quả cao nhất, bảo đảm tốc độ tăng trưởng hàng năm theo hướng bền vững.

Hưởng ứng lời kêu gọi của Chủ tịch Hồ Chí Minh, qua các giai đoạn lịch sử đều dấy lên các phong trào thi đua sôi nổi, rộng khắp. Các tầng lớp nhân dân ở mọi ngành nghề, mọi lứa tuổi, mọi giai cấp, tầng lớp đều hăng hái, nhiệt tình tham gia phong trào thi đua, “làm cho mau nhất, tốt nhất, nhiều nhất” những công việc hàng ngày. Công nhân, nông dân thi đua sản xuất; bộ đội, du kích thi đua giết giặc, phá tề, trừ gian; cơ quan thi đua công tác, trường học thi đua dạy tốt, học tốt. Tất cả thi đua tăng gia sản xuất, thực hiện đời sống mới vừa đánh giặc vừa xây dựng những yếu tố mới CNXH.

Phát động các phong trào thi đua yêu nước là biện pháp cổ vũ phong trào tự giác cách mạng; phát huy tài năng, sáng tạo, trí tuệ, sức mạnh của quần chứng; phát huy nhân tố con người để tạo nên sức mạnh tổng hợp xây dựng và phát triển đất nước. Do đó, là người dân yêu nước đều phải có nghĩa vụ tích cực thi đua, biến các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước thành hiện thực. Phong trào thi đua yêu nước khơi dậy, phát huy cao độ chủ nghĩa anh hùng cách mạng, lòng tự hào, tự tôn dân tộc, ý chí tự lực, tự cường trong mỗi người dân trước vận mệnh của đất nước. Là người dân yêu nước, không cam chịu để đất nước đói nghèo, lạc hậu... mà phải coi đó là trở ngại, kiên quyết vượt qua. Mỗi người phải có trách nhiệm tham gia phong trào thi đua yêu nước, phát huy mọi nguồn lực để vượt qua mọi khó khăn, thử thách; đem hết tài năng, trí tuệ, sức lực, góp phần thực hiện thắng lợi mục tiêu dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh. Thi đua là quyền lợi của mỗi người dân yêu nước; là môi trường tốt để mọi người được tôi luyện, trưởng thành. Trong phong trào thi đua, quyền làm chủ, sự năng động và sáng tạo của mỗi người được phát huy, mọi người đều được bình đẳng trong cống hiến và trong hưởng thụ, được tập thể tôn trọng.

Chủ tịch Hồ Chí Minh chỉ rõ: nghệ thuật tổ chức lãnh đạo phong trào thi đua yêu nước biểu hiện ở việc đề ra được tên phong trào vói những khẩu hiệu hành động, tuyên truyền sắc bén; sát với tình hình thực tiễn và nguyện vọng, lợi ích của quần chúng nhân dân; phù hợp với yêu cầu thúc đẩy việc thực hiện các nhiệm vụ cách mạng. Thi đua yêu nước đối với sự nghiệp cách mạng Việt Nam là khơi dậy sức mạnh tiềm tàng trong mỗi con người, mỗi tập thể, trở thành động lực thúc đẩy họ vượt qua khó khăn, thử thách để đi đến thắng lợi trong các cuộc kháng chiến chống giặc ngoại xâm cũng như trong công cuộc đổi mới đất nước, đẩy mạnh CNH, HĐH và hội nhập quốc tế. Thúc đẩy năng lực sáng tạo của mỗi người; góp phần phát triển tư duy, nâng cao nhận thức, tạo nên những động lực mới cho sự nghiệp cách mạng; khơi dậy lòng yêu nước, bồi dưỡng nhân cách; nâng cao tính tích cực xã hội trong mỗi con người. Phổ biến và nhân rộng nhiều tập thể, cá nhân, điển hình tiên tiến trong toàn quốc; tạo nên sức mạnh quần chúng rộng lớn trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, góp phần giúp cấp ủy đảng, chính quyền, đoàn thể triển khai các nhiệm vụ chính trị; rèn luyện năng lực lãnh đạo, tổ chức, quản lý, nâng cao hiệu quả hoạt động của cả hệ thống chính trị; thực hiện các nhiệm vụ chính trị của địa phương, đơn vị; góp phần làm cho chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước nhanh chóng đi vào thực tiễn. Thi đua là một trong những hình thức tốt nhất để tập hợp, giác ngộ cách mạng và nâng cao nhận thức cho quần chúng về tư tưởng, chính trị, trình độ văn hóa, nhận thức xã hội; hướng quần chúng hành động để đạt các mục tiêu cách mạng.

Bài học về thi đua trong xây dựng CNXH đến nay còn nguyên giá trị, nhất là trong tình hình hiện nay, công tác thi đua khen thưởng đang hướng mạnh về cơ sở, bám sát nhiệm vụ chính trị, nhiệm vụ trọng tâm, cấp bách để tổ chức phát động với các hình thức thi đua phong phú, hấp dẫn, có chủ đề, tên gọi dễ nhớ, có tiêu chí cụ thể, nội dung thiết thực, triển khai có hiệu quả, chống hĩnh thức. Thực hiện nghiêm túc việc đôn đốc, kiểm tra, sơ kết, tổng kết các phong trào thi đua, lựa chọn các tập thể, cá nhân có thành tích tiêu biểu để biểu dương, tôn vinh, khen thưởng kịp thời. Việc phát hiện, bồi dưỡng, tổng kết và nhân điển hình tiên tiến phải được coi là nhiệm vụ trọng tâm trong đổi mới phương pháp tổ chức chỉ đạo các phong trào thi đua, bảo đảm thực hiện đồng bộ ở cả bốn khâu: phát hiện, bồi dưỡng, tổng kết và nhân điển hình tiên tiến. Thực hiện nghiêm túc việc kiểm tra, giám sát, phân công nhiệm vụ, tiến độ triển khai, nhất là đối với các phong trào lớn và mới; kịp thời tổng kết, rút kinh nghiệm, chọn điểm trước khi nhân rộng phong trào. Gắn các phong trào thi đua với tiếp tục đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh; chú trọng phát động các phong trào thi đua thực hiện nhiệm vụ chính trị, nhiệm vụ đột xuất, cấp bách...

Thực hiện lời chỉ dẫn của Chủ tịch Hồ Chí Minh: “Lãnh đạo phải cụ thể, phải kịp thời, phải thiết thực, phải có trọng điểm và nắm điển hình”. Phải chống bệnh quan liêu, bàn giấy trong tổ chức phong trào thi đua. Người cũng chỉ ra sự cần thiết phải kết họp chặt chẽ thi đua với khen thưởng. Thi đua là cơ sở của việc khen thưởng. Khen thưởng đúng người, đúng việc, kịp thời lại có tác dụng động viên, giáo dục, nêu gương và thúc đẩy phong trào thi đua phát triển liên tục. “Trong một nước thưởng phạt phải nghiêm minh thì nhân dân mới yên ổn, kháng chiến mới thắng lợi, kiến quốc mới thành công”.

Phát hiện điển hình, nhân rộng, nêu gương điển hình để có thi đua khen thưởng kịp thời. Phổ biến những điển hình, những tấm gương cá nhân và tập thể, những kinh nghiệm trong phong trào thi đua để tiếp tục nhân rộng. Khen thưởng đúng người đúng việc; khen thưởng sai sẽ kìm hãm thi đua thực sự. Bảo đảm chính xác, kịp thời, công khai, minh bạch; coi trọng việc phát hiện, lựa chọn các tập thể và cá nhân có thành tích xuất sắc để khen thưởng. Đề cao vai trò, trách nhiệm của người đứng đầu trong việc phát hiện những điển hình tiên tiến để khen thưởng kịp thời và đề nghị cấp có thẩm quyền khen thưởng. Chú trọng khen thưởng tập thể nhỏ, công nhân, nông dân, người lao động trực tiếp sản xuất, kinh doanh, cán bộ, chiến sĩ các lực lượng vũ trang, dân quân, tự vệ, công an xã, bảo vệ dân phố, dân phòng, bảo vệ cơ quan, doanh nghiệp. Quan tâm khen thưởng cơ sở, vùng sâu, vùng xa, vùng biên giới, hải đảo và vùng dân tộc thiểu số. Tập trung giải quyết dứt điểm việc khen thưởng thành tích trong các cuộc kháng chiến và thực hiện chế độ, chính sách đối với các đối tượng có công lao, thành tích, cống hiến trong các cuộc kháng chiến của dân tộc. Chủ tịch Hồ Chí Minh yêu cầu: “Thi đua phải có phương hướng đúng và vững. Nghĩa là phải nâng cao lòng nồng nàn yêu nước và giác ngộ chính trị của mọi người. Đồng thời, vận động và tổ chức thực hiện các phong trào thi đua yêu nước phải nắm vững quan điểm của Chủ tịch Hồ Chí Minh: “Thi đua ái quốc là ích lợi của mình, ích lợi cho gia đình mình và ích lợi cho làng, cho nước, cho dân tộc”.

Những quan điểm chỉ đạo, định hướng phong trào thi đua yêu nước của Đảng và Nhà nước trong thời gian qua, đặc biệt những phong trào thi đua trong xây dựng CNXH thời kỳ chống Mỹ cứu nước, là cơ sở lý luận và thực tiễn để Đảng, Nhà nước tiếp tục bổ sung, hoàn thiện đường lối, chủ trương, chính sách về thi đua yêu nước và công tác thi đua, khen thưởng, đáp ứng kịp thời yêu cầu, nhiệm vụ trong từng giai đoạn cách mạng tiếp theo. Thi đua yêu nước phải thực sự khơi dậy sức mạnh tiềm tàng trong mỗi con người, mỗi tập thể, trở thành động lực thúc đẩy họ vượt qua khó khăn, thử thách để đi đến thắng lợi. Những kinh nghiệm về thi đua trong lịch sử cần được vận dụng sáng tạo vào công cuộc đổi mới đất nước hiện nay.

Hòa Bình
(Tổng hợp nguồn BTGTW)


Tiến tới đại hội đảng
Giải phóng miền Nam
Số lần xem các bài viết
37130288