Truy cập hiện tại

Đang có 210 khách và không thành viên đang online

Tình bạn vĩ đại giữa C.Mác và Ph.Ăngghen

(TGAG)- Nói tới C.Mác, nhiều người sẽ nghĩ ngay tới một nhà bác học vĩ đại, một nhà nghiên cứu không biết mệt mỏi, một nhà chính luận cách mạng nồng nhiệt, một nhà chiến lược và sách lược vô sản sáng suốt, một người đã đi vào lịch sử nhân loại với vị trí nổi bật trong hàng ngũ những vĩ nhân.

Thế nhưng không chỉ có vậy. Nói tới C.Mác, thế giới còn biết đến một con người nổi bật về đức tính cao cả, giản dị, nhiệt tình và yêu đời, có ý chí bất khuất và năng lực lao động khác thường, can đảm và anh dũng; một người chồng chung thủy sắt son; một người cha hiền từ, dịu dàng và rộng lượng; và điều đặc biệt hơn cả, ông còn là một người bạn khiêm nhường mà cao quý, bình dị mà vĩ đại.

Các Mác (trái) và Ph.Ăng-ghen.  Ảnh tư liệu

Trong lịch sử có rất nhiều câu chuyện cảm động về tình bạn, có những câu chuyện đã đi vào văn học nghệ thuật, để lại nhiều bài học nhân văn sâu sắc  song không có tình bạn nào có thể đẹp hơn, sáng chói hơn tình bạn giữa K.Marx và Ăngghen. V.I. Lê Nin đã từng nói:

“Những chuyện cổ tích thường kể lại những tấm gương cảm động về tình bạn. Giai cấp vô sản châu Âu có thể nói rằng khoa học của mình là tác phẩm sáng tạo của hai nhà bác học kiêm chiến sĩ mà tình bạn đã vượt xa tất cả những gì là cảm động nhất trong những truyền thuyết của đời xưa kể về tình bạn của con người”.

Chính nhờ có tình bạn ấy mà giai cấp vô sản nói riêng, nhân loại tiến bộ nói chung có được một tài sản trí tuệ vô giá: Chủ nghĩa Mác. Một nhà nghiên cứu đã từng ví von rằng, nếu không có tình bạn vĩ đại kết nối hai tâm hồn, hai nhân cách, hai bộ óc vĩ đại ấy, có lẽ lịch sử thế giới đã rẽ sang một hướng khác.

Ph.Ăngghen sinh ngày 28/11/1820 tại thành phố Bác-men, nước Đức trong một gia đình tư sản. Tốt nghiệp tú tài, Ph.Ăngghen vâng lời cha thôi học, theo nghề kinh doanh thương mại. Những quan sát xã hội và hoạt động thực tiễn đã làm biến chuyển thế giới quan và tư duy chính trị của ông. Từ con đường tự học, học trong sách báo, trong các câu lạc bộ bác học, trong tổng kết thực tiễn và trong sự phẫn nộ với xã hội đương thời, Ph.Ăngghen đã trở thành một nhà bác học. Trên con đường học tập và nghiên cứu, Ph.Ăngghen đã gặp K.Marx một cách gián tiếp thông qua đọc các tác phẩm của K.Marx. Dần dần từ việc nghiên cứu triết học, kinh tế chính trị học, hai ông đã tìm đến nhau rồi trở thành những người đồng chí - những người đồng sáng lập nên một học thuyết cách mạng dẫn đầu thời đại.

K.Marx sinh ngày 05-5-1818 ở thành Tơ-ri-a nước Đức trong một gia đình trí thức. Ông tốt nghiệp tú tài rồi vào học khoa Luật tại trường Đại học Tổng hợp Bon, sau chuyển sang học trường Đại học Béc-lin, một trung tâm nghiên cứu về triết học. Mác đã bảo vệ xuất sắc luận án Tiến sĩ triết học.

Hai con người xa lạ, từ những hoàn cảnh xuất thân, môi trường giáo dục và quá trình đào tạo rất khác nhau đã trở thành hai người đồng chí, hai người bạn với một tình bạn vĩ đại và cảm động.

Lần đầu tiên, K.Marx gặp Ph.Ăngghen vào cuối tháng Mười Một 1842, khi Ph.Ăngghen trên đường sang Anh và ghé thăm ban biên tập tờ Nhật báo tỉnh Ranh. Mùa hè năm 1844, Ph.Ăngghen đến thăm K.Marx ở Pa-ri. Hai ông đã trở thành những người bạn cùng chung lý tưởng và quan điểm trong tất cả mọi vấn đề lý luận và thực tiễn và đây được xem như là “cuộc gặp mặt lịch sử” của hai vĩ nhân. Hai ông trở thành đôi bạn hiếm có trong lịch sử. Bằng cả cuộc đời, hai ông đã chứng minh rằng: từ mục đích lý tưởng và học thuyết, họ đã sống vì nhau, cho nhau trọn cả cuộc đời. Họ đã dành cho nhau những gì tốt đẹp nhất, tôn trọng và quý mến nhau hơn cả chính bản thân mình.

Ăng ghen không những là người đồng chí kiên trung, luôn sát cánh bên Mác trong sự nghiệp đấu tranh chống lại hệ tư tưởng tư sản, truyền bá tư tưởng vô sản, mà ông còn là người bạn thân thiết của cả gia đình Mác. Ông luôn có mặt bên cạnh gia đình bạn trong lúc khó khăn nhất. Điển hình trong số đó là mặc dù chỉ muốn dành hết thời gian, tâm huyết cho sự nghiệp cao cả và vốn không ưa chuộng việc kinh doanh nhưng ông đã phải nhận lời cha mình đi làm một thời gian để lấy tiền giúp đỡ gia đình Mác. Chính nhờ sự giúp đỡ về vật chất và tinh thần của ông, Mác đã yên tâm hoàn thành bộ “Tư bản” nổi tiếng của mình. Mahatma Gandhi, anh hùng dân tộc của đất nước Ấn Độ đã từng nói: Thử thách của tình bạn là sự trợ giúp lẫn nhau trong nghịch cảnh và hơn thế, trợ giúp vô điều kiện, và soi vào tình bạn vĩ đại của Mác và Ăng ghen quả đúng như vậy.

Ăngghen chăm lo cho bạn về mọi mặt, không những về công việc, mà cả sức khoẻ và cuộc sống gia đình. Ăng ghen luôn được các con của K.Marx xem như người cha thứ hai của mình. Nhưng không chỉ có thế, trên bình diện lý luận, ngoài những tác phẩm riêng của mình, Ăngghen còn giúp đỡ Mác rất nhiều về mặt khoa học.

K.Marx kể rằng: Ăngghen luôn đi trước K.Marx trên nhiều lĩnh vực, mọi điều tiên đoán của Mác bao giờ xảy ra cũng muộn hơn ở Ăngghen và K.Marx bao giờ cũng theo gót Ăngghen. Chính K.Marx trước khi xuất bản bộ Tư bản tập I đã đề nghị Ăngghen cùng đứng tên với tư cách đồng tác giả nhưng Ăngghen đã khiêm nhường từ chối.  Sau khi K.Marx mất, chính sự uyên bác và sự mẫn cảm khoa học cùng với đồng điệu về tư tưởng và tâm hồn, đã cho phép Ăngghen soạn thảo hai tập còn lại của bộ Tư bản đồ sộ, bộ tác phẩm đó vẫn mang tên K.Marx mà liền mạch tư tưởng. Ngay khi Tư bản tập II và III được xuất bản, có người băn khoăn hỏi Ăng ghen sao không lấy tên mình, ông tuyên bố: “…Tư tưởng chủ đạo của các tác phẩm ấy hoàn toàn là của bạn tôi: K.Marx”.

Chính những nghiên cứu phác thảo trong lĩnh vực kinh tế của Ăngghen đã làm cho K.Marx nảy ra ý tưởng phải đi vào nghiên cứu môn kinh tế chính trị. Không ai có thể phủ nhận thiên tài của Mác khi nghiên cứu kinh tế chính trị học thể hiện ở bộ Tư bản vĩ đại nhưng cũng không ai có thể phủ nhận ảnh hưởng to lớn và sự cộng tác của Ăngghen đối với K.Marx khi hoàn thành tác phẩm đó. Và cũng vì thế, có lần K.Marx chỉ vào bộ Tư bản và nói rằng: Chính đây là của Ăng ghen

Sau khi K.Marx qua đời, Ăngghen là người duy nhất có quyền công bố những tác phẩm của K.Marx nhưng cho đến trước khi trút hơi thở cuối cùng ông vẫn nhắc đi nhắc lại nhiều lần rằng công lao sáng lập ra triết học và khoa kinh tế chính trị học mácxit chủ yếu thuộc về K.Marx. Ăngghen đã đề xuất rằng những công trình sáng tạo riêng cũng như công trình hợp tác chung của hai người nên lấy tên là học thuyết Mác. Đối với K.Marx - Ăngghen luôn tự cho mình chỉ là vai phụ.

Đánh giá về công lao của Ăngghen, V.I. Lênin viết: “Sau bạn ông là Các Mác, Ăng-ghen là nhà bác học và người thầy lỗi lạc nhất của giai cấp vô sản hiện đại trong toàn thế giới văn minh. Từ ngày mà vận mệnh đã gắn liền Các Mác với Phri-đrích Ăng-ghen thì sự nghiệp suốt đời của hai người bạn ấy trở thành sự nghiệp chung của họ. Cho nên muốn hiểu Ph.Ăng-ghen đã làm gì cho giai cấp vô sản thì phải nhận rõ ý nghĩa của học thuyết và hoạt động của Các Mác đối với sự phát triển của phong trào công nhân hiện đại”.

K.Marx và Ăngghen không những để lại cho nhân loại một khối lượng tri thức khoa học khổng lồ mà các ông còn để lại một tấm gương sáng chói về nhân cách, một tình bạn - tình đồng chí vĩ đại đáng để chúng ta học hỏi.

Liên hệ với thực tiễn hiện nay, đất nước đang trong giai đoạn đổi mới, hội nhập sâu rộng với thế giới. Nhưng dù đổi mới tới đâu, hội nhập sâu rộng ra sao, toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ta vẫn kiên định con đường độc lập dân tộc gắn liền với chủ nghĩa xã hội, vững tin vào chủ nghĩa Mác – Lê nin, tư tưởng Hồ Chí Minh, đoàn kết phấn đấu xây dựng và phát triển đất nước đạt được nhiều thành tựu to lớn trên mọi lĩnh vực của đời sống xã hội.

Tuy nhiên bên cạnh đó, trong quá trình hội nhập và phát triển, xã hội ta cũng còn đó không ít nỗi lo. Trong Đảng, đáng lo nhất là thực trạng một bộ phận cán bộ, đảng viên suy thoái tư tưởng chính trị, đạo đức lối sống, sa vào tham nhũng lãng phí.. thậm chí đâu đó, có những kẻ quay lưng phản bội lại lý tưởng, chỉ vì chút lợi ích riêng tư mà sẵn sàng cổ vũ, a dua cho những quan điểm lệch lạc, phản động, quên đi những hy sinh mất mát, cả máu và nước mắt của bao thế hệ cha ông đi trước, sẵn sàng phản bội lại đồng chí, đồng đội đã từng yêu thương, đùm bọc mình. Trong từng cơ quan đơn vị, không thiếu những trường hợp bè phái, bổ nhiệm người thân, đoàn kết một chiều, dối trên, lừa dưới. Trong đời sống cộng đồng, nhiều tệ nạn xã hội vẫn diễn biến phức tạp. Hiện tượng lừa gạt, tranh giành, đấu đá, ích kỷ, thu vén lợi ích cá nhân vẫn hiện diện trong các mối quan hệ xã hội. Ứng xử với nhau, thay vì thương yêu, sẻ chia, đùm bọc, rất nhiều người lại chọn cách lao vào nhau hơn thua chỉ vì những va chạm nhỏ.

Là những người cộng sản, chúng ta học ở Mác, Ăngghen không chỉ là những nội dung mang bản chất hết sức khoa học trong tư tưởng của các ông về Triết học; Kinh tế chính trị học và Chủ nghĩa xã hội khoa học, mà chúng ta còn học được ở hai ông về lòng vị tha, nhân hậu, yêu thương con người, và trên hết là tình bạn cao quý giữa hai con người vĩ đại. Nên chăng đã tới lúc, cần quan tâm hơn nữa tới công tác tuyên truyền, phát động phong trào xây dựng tình đồng chí, tình bạn trong sáng, cao thượng trong từng cơ quan, đơn vị. Bên cạnh đó, bản thân từng cán bộ, đảng viên cũng phải ý thức trong việc xây dựng mối quan hệ đồng chí, bạn bè tốt đẹp. Coi đó là một giải pháp góp phần nâng cao đạo đức cách mạng, quét sạch chủ nghĩa cá nhân.  

Ôn lại tình bạn vĩ đại của hai bậc vĩ nhân, chúng ta càng thêm thấm thía lời của Bác: “Học chủ nghĩa Mác – Lênin là để sống với nhau có nghĩa, có tình. Nếu sống với nhau không có nghĩa có tình thì làm sao coi là hiểu chủ nghĩa Mác – Lênin được”.

Mạnh Hà
Tiến tới đại hội đảng
Giải phóng miền Nam
Số lần xem các bài viết
37046935