Truy cập hiện tại

Đang có 302 khách và không thành viên đang online

Từ ký ức chiến trường đến việc làm đời thường

(TGAG)- Ngày 5 tháng 3 năm 1979, Phủ Chủ tịch công bố sắc lệnh số 29-LCT của Chủ tịch nước Tôn Đức Thắng: “Tổng động viên trong cả nước để bảo vệ Tổ quốc xã hội chủ nghĩa Việt Nam, đánh thắng hoàn toàn cuộc chiến tranh xâm lược của bọn bành trướng và bá quyền Trung Quốc”. Các địa phương, trường học sôi sục khí thế lên đường ra trận. Trường Trung học cấp 3 An Hữu (huyện Cái Bè, Tiền Giang) nhận được nhiều bức thư của những cậu học trò vừa tròn mười tám tuổi, xin tình nguyện nhập ngũ. Trong những bức thư ngày ấy, có một bức thư được viết bằng máu, nét chữ học trò hừng hực nhiệt huyết: “Tôi: Nguyễn Thanh Hòa, học sinh lớp 12A - phó bí thư đoàn trường, xin tình nguyện lên đường nhập ngũ, ra trận bảo vệ Tổ quốc”. Lá thư của Hòa lập tức được chấp thuận. Ngay hôm sau, chàng trai đất Tiền Giang bước lên xe, tay nắm chặt ba lô tự nhủ lòng: “Chiến trường phía trước, dù có gian khổ hy sinh đến mấy cũng nhất định không được để mất đi đất nước”…

***
 
Đã 38 năm qua đi, thời gian đã làm cho mái tóc xanh ngày nào pha thêm màu khói. Nhưng khí thế ngày nhập ngũ như còn nguyên vẹn trong lòng thầy Nguyễn Thanh Hòa. Thầy kể tôi nghe rất nhiều chuyện buồn - vui về thời quân ngũ. Tôi cảm thấy, hình như những câu chuyện, tính cách của người bộ đội cụ Hồ vẫn vẹn nguyên trong thầy, và hiện hữu trong từng hành động.

Lâu nay người dân ta vẫn xem trọng quan niệm sau khi chết được “mồ yên mả đẹp”, việc hiến thi hài vẫn chưa được nhiều người Việt Nam thông hiểu và chấp nhận. Do đó, việc cống hiến thân xác sau khi mất cho khoa học nghiên cứu, không phải là chuyện dễ dàng, đối với người tự nguyện lẫn gia đình của họ. Mỹ Luông là một địa phương đa tôn giáo với phần đông dân số là tín đồ; dân cư làm nông nghiệp là chính. Truyền thống cũ còn ăn sâu trong tiềm thức dân gian. Đa phần người dân địa phương còn quan niệm thể xác sau khi chết phải được vẹn nguyên và thổ tán; tuyệt đối không động phạm vào thi hài, vì sẽ làm người chết bị đau và là hành động không tôn trọng người quá cố. Ngay từ chữ “chết” người ta cũng nói giảm, nói tránh đi. Do vậy, tôi phải nói lời xin lỗi thầy trước, và rất e dè khi hỏi thầy: “Động lực nào để thầy viết đơn tình nguyện hiến thi hài cho khoa học?”. Không như ban đầu tôi nghĩ, thầy Hòa vui vẻ, vô tư trả lời. Hình như việc hiến thi hài không làm thầy sợ rằng sau này sẽ có những điềm không may mắn. Ngược lại, việc ấy còn là niềm vui và niềm tin cuộc sống tươi đẹp nơi thầy. Thầy kể lại, hồi ở chiến trường, chứng kiến những chết chóc đau thương; sau này khi trải qua những buồn vui, sướng khổ thì ký ức ngày đầu tiên giáp mặt chiến trường là một trong những điều đầu tiên hiện ra mỗi lần thầy nhớ về chiến trường, đồng đội.

Câu chuyện của thầy bắt đầu từ một buổi chiều trên chiến trường K., sau trận “xáp lá cà”, khi điểm danh đồng đội, thầy bàng hoàng khi biết tin người bạn học cùng trường, ở cùng đơn vị vừa hy sinh nằm lại chiến trường ngay trong ngày đầu tiên ra trận. Nỗi kinh hoàng chiến tranh như một cơn bão khổng lồ kéo ngang mắt thầy một quầng tang đen đầy chết chóc. Thầy và các anh em trong đơn vị chôn cất người đồng đội ấy, ghi lại sơ đồ: “Mộ nằm chếch phía tây ba cây thốt nốt,…”. Nhưng nỗi đau lại trớ trêu, khi thầy trở về tìm mộ đồng đội, thì mất tăm, chẳng thể biết đâu mà tìm. Pháo giặc phá tan ba cây thốt nốt. Cánh rừng trống như một bãi hoang, vắng lặng, tiêu điều: “Xác đồng đội nằm trong bãi pháo/ Anh nằm lại đây với đất bạn, quê người/ Với mùa thanh xuân, xanh không bao giờ tắt” (trích những dòng thơ chép tay trong nhật ký ở chiến trường biên giới).

Lúc hòa bình lặp lại, sống trong yên vui, thầy nhận ra. Hồi chiến tranh ác liệt, biết bao đồng đội đã ngã xuống, nằm lại chiến trường; bao người thân xác tan vào đất, cho quê hương hôm nay yên bình, cây lá xanh tươi. Người trở về nguyên vẹn, nhưng còn biết bao đồng chí đồng đội vẫn nằm lại trong lòng đất lạnh chiến trường xưa. Có hài cốt của liệt sĩ tìm được nhưng không thể xác định tên tuổi, đơn vị. Có những liệt sĩ xác định được tên tuổi đơn vị, nơi hy sinh nhưng không thể tìm ra hài cốt. Đau đớn hơn là những bãi chiến trường bị đạn bom cày xới. Các anh nằm lại đó, hay các anh đã tan vào đất trời mây gió. Thân xác các anh hóa những vì sao soi sáng con đường tương lai đất nước.

Bản thân thầy Nguyễn Thanh Hòa lành lặn trở về sau cuộc chiến. Thầy thấy rằng, thân xác này hồi chiến tranh xông pha qua lằn tên mũi đạn, nay vẫn còn sống sót là một may mắn lớn lao. May mắn hơn khi các con của thầy sinh ra và lớn lên lúc đất nước đã yên bình; được đến trường học tập, không phải nơm nớp lo cảnh bom rơi, đạn lạc. Từ may mắn đó mà các con của thầy đều có điều kiện học tập, chăm ngoan, học giỏi và đều thi đỗ vào trường đại học y dược.

Nghe các con đi học về tâm sự, do điều kiện nhà trường không có đủ các xác người thật để phục vụ cho học tập, nghiên cứu nên đến giờ học giải phẫu thực nghiệm trên xác đều phải học “chay” trên máy tính và mô hình người bằng nhựa. Từ đó thầy và gia đình ý thức rất sâu sắc việc hiến thi hài cho khoa học để phục vụ học tập nghiên cứu là một việc làm cần thiết. Xét về giá trị của khoa học và thực tiễn thì có thể thấy rằng, bản thân của vấn đề hiến thi hài cho khoa học là nghĩa cử vô cùng cao đẹp, là việc làm gắn với giá trị đạo đức, giá trị nhân đạo và nhân văn sâu sắc, đồng thời đáp ứng được nguyện vọng, tâm niệm của thầy, như một niềm an ủi những đồng đội đã không tiếc máu xương cho sự bình yên, cho đất nước phát triển như hôm nay. Thầy nói: “Vậy nên đến lúc ra đi, mình vẫn có thể làm được một việc có ích cho xã hội. Như lời Bác dạy: ‘Điều gì phải thì cố làm cho kì được dù là việc nhỏ.’ - đó là động lực của thầy nhẹ lòng với các đồng đội đã hy sinh và cảm thấy có trách nhiệm với xã hội…”.

***

Trong một lần trò chuyện, tôi hỏi thầy:

-    Thưa thầy, em được biết không riêng việc hiến thi hài cho khoa học, thầy và gia đình hàng năm còn tham gia hiến máu nhân đạo…

Thầy ngập ngừng nhìn tôi, im lặng rồi hồi tưởng:

-    À, việc đó thì bắt nguồn từ một lần đơn vị thầy bị pháo kích năm 1980…

Lần đó thầy cứ tưởng mình đã chết tại chiến trường. Khi mở mắt sau mấy giờ liền hôn mê thì thấy nằm ở bệnh xá quân y dã chiến. Lúc nằm điều trị, thầy chứng kiến biết bao cảnh thương tâm. Điều kiện chiến trường rất khó khăn, thương binh bị mất máu, cần cho máu trực tiếp gấp. Lúc bấy giờ, điều kiện lưu trữ máu rất khó khăn; việc thử và tìm nhóm máu thích hợp cần độ chính xác cao và thời gian cho kết quả. Nhưng chính thời gian cũng đã cướp đi biết bao nhiêu thương bệnh binh mỏi mòn gục ngã trong khi đồng đội đứng xếp hàng chờ kết quả kiểm tra nhóm máu. Nhiều lúc phải chịu cảnh “lực bất tòng tâm”, chứng kiến đồng đội hy sinh trên tay của mình khi chưa kịp tiếp máu. Nỗi đau đó kinh khủng hơn cả bom cày, đạn xới trong lòng… Ký ức cứ lặp đi lặp lại trong tiềm thức của thầy. Thầy cảm nhận mình cần làm gì đó để giúp đỡ những người trong hoàn cảnh cần tiếp máu; cũng để an ủi lòng thầy mỗi khi nhớ về đồng đội. “Mỗi giọt máu cho đi – một cuộc đời ở lại”. Vậy là từ năm 1999 thầy và cả nhà quyết định mỗi năm tham gia tình nguyện hiến máu ít nhất một lần. Không chỉ vậy, thầy còn vận động thêm bà con trong dòng họ tham gia hiến máu. Đến nay, cứ vào đợt hiến máu tình nguyện đầu tiên của năm, gia đình thầy và bà con trong thân tộc lại đến địa phương đăng ký tham gia hiến máu tình nguyện. Thầy nói, cuộc sống buộc mình phải bươn chải để lo cho cuộc sống. Thầy không có nhiều thời gian để làm các việc thiện nguyện, do đó thầy có thể làm được gì tốt cho xã hội thì thầy làm ngay. Hiến máu cũng là một trong những việc thầy có thể làm và làm ngay được… Đâu chỉ riêng thầy, mà cả nhà đều vui vẻ và đồng tình tham gia; thầy cùng bà xã và các con xem đó là một việc cần thiết, có thể thì nên làm giúp cho xã hội. Thầy tâm sự:

-    “Phải xuất phát từ tình thương yêu nhân dân tha thiết mà góp phần bảo vệ sức khỏe nhân dân và làm mọi việc có thể làm được để giảm bớt đau thương cho họ”. Lời dạy của Bác cứ luôn hiện hữu trong tâm trí tôi…
 
 ***
   
“Anh ở lại chiến trường có lạnh. Tấm thân trai tươi đất mẹ hào hùng. Tôi vác ba lô trở về cố thổ. Lại đắp đất trồng vườn, cưới vợ sinh con. Anh ở lại, tiếng khóc trẻ thơ bình yên chào ngày mới. Tôi trở về cánh đồng chờ mùa gieo sạ hạt lúa đượm mồ hôi. Một chân trời đất nước ở phía trước sáng tươi. Tôi đứng nhìn anh mỉm cười rất đẹp” (trích những dòng thơ chép tay trong nhật ký ở chiến trường biên giới).

Những ký ức về chiến trường và đồng đội như một nốt lặng buồn trong lòng thầy Hòa: “Sự hy sinh của các liệt sĩ là quá lớn, đổi lấy cho đất nước yên bình. Mình là người còn sống sót sau cuộc chiến, mình tự nhận thấy không thể để sự hy sinh của các anh trở nên vô nghĩa”. Ý nghĩa đó đã thôi thúc thầy trở về địa phương xây dựng tương lai. Sau khi được lệnh xuất ngũ trở về địa phương - lúc bấy giờ ngành chăn nuôi gia súc gia cầm gắn liền với phát triển nông nghiệp gặp nhiều khó khăn, đội ngũ y bác sĩ thú y còn thiếu, dịch bệnh đe dọa đến ngành chăn nuôi, sức kéo trâu bò trong nông nghiệp. Trước hoàn cảnh đó, thầy Hòa quyết tâm học tập, ôn thi vào trường đại học Nông Lâm chuyên ngành bác sĩ thú ý. Sau 5 năm học, thầy ra trường, về lại xã Mỹ Luông (huyện Chợ Mới, An Giang) công tác và lập gia đình. Bằng ý nghĩ, nghề gắn liền với nghiệp; bằng trách nhiệm lương tâm của một cựu binh – thầy thuốc, thầy Nguyễn Thanh Hòa đã tích cực xây dựng và đóng góp cho ngành thú y địa phương; góp phần kịp thời ngăn chặn dịch bệnh, đảm bảo bền vững chăn nuôi và sản xuất. Những năm khó khăn đã qua, khi các con đã dần lớn khôn. Thầy Hòa tham gia Hội Cựu chiến binh, Hội Khuyến học ở địa phương; tích cực giúp đỡ các đồng chí đồng đội, các cựu chiến binh có hoàn cảnh khó khăn học nghề, làm kinh tế. Về công tác khuyến học, thầy tích cực động viên các em học sinh có hoàn cảnh khó khăn, vận động, giúp đỡ về vật chất và tinh thần để các em yên tâm mà trở lại trường lớp, tiếp tục học tập. Thầy tâm sự: “Ngày trước vì hoàn cảnh đất nước chiến tranh, đói nghèo đe dọa nên tôi nghỉ học giữa chừng. Sau học lại thật khó khăn biết mấy. Nên nay thấy mấy em còn đang độ tuổi đi học, thì động viên giúp đỡ các em cố gắn đến trường để có một tương lai tươi sáng”.
   
Có lẽ vậy mà từ một bác sĩ thú y, thầy được đề bạt giữ chức phó giám đốc Trung tâm Giáo dục Nghề nghiệp – Giáo dục Thường xuyên huyện Chợ Mới. Với những trăn trở trong những năm làm công tác khuyến học tại địa phương, thầy liền vui vẻ nhận lời tham gia nghề “trái ngành”: Làm thầy. Có người nói, “Ông Hòa có nỗi niềm của lính, tấm lòng của nghề y và nay lại thêm có tình thương của nghề giáo”… Định bụng hỏi thầy, nhà cửa công việc cửa hàng của thầy ai sẽ quán xuyến khi thầy tham gia các hoạt động địa phương, nay lại thêm đi làm? Nhưng tôi chợt nhớ lời thầy nói, thầy học ở Bác: “Điều gì phải thì cố làm cho kì được dù là việc nhỏ”.

Với đức tính của người bộ đội cụ Hồ, từ lúc còn cầm súng chiến đấu đến khi trở về địa phương, thầy luôn nêu cao tinh thần không ngừng học hỏi, tích cực làm việc. Từ bàn tay trắng, thầy đã xây dựng nên cơ ngơi như hôm nay, nuôi dạy các con ngoan hiền, học giỏi. Đại tá Nguyễn Phước Duyên - Chủ tịch Hội Cựu chiến binh thị trấn Mỹ Luông cho biết: “Đồng chí Nguyễn Thanh Hòa là một trong những tấm gương sáng về cựu chiến binh sau khi giải ngũ xây dựng kinh tế giỏi, tích cực trong công tác xây dựng địa phương…”.

Nghiệm lại cuộc đời thầy, thời trẻ, gặp lúc đất nước bị ngoại xâm, thầy xung phong lên đường ra trận, làm tròn bổn phận của một công dân, bảo vệ Tổ quốc; thời bình, thầy tích cực trong làm kinh tế, tham gia công tác khuyến học, rồi lại tham gia quản lý trường dạy nghề - giáo dục thường xuyên, tiếp bước cho các em có hoàn cảnh khó khăn, tạo công ăn việc làm cho lao động địa phương; thầy tham gia hiến máu nhân đạo và nghĩ đến cả việc sau khi chết: hiến thi hài.

***

Có người hỏi tôi, “Ông đó là bác sĩ, có dạy mầy ngày nào đâu, sao gọi ổng bằng thầy?”  Thực ra, trên đường đời có nhiều người dạy chúng ta qua nhân cách và hành động của họ: Họ cũng là những người thầy. Qua cách sống, học tập và làm việc; qua trách nhiệm và tấm lòng của thầy Nguyễn Thanh Hòa, đã giúp tôi hiểu thêm nhiều hơn về bài học nhân sinh thông qua lời Bác, việc tốt dù nhỏ nên làm…

Bút ký  LÊ QUANG TRẠNG



Tiến tới đại hội đảng
Giải phóng miền Nam
Số lần xem các bài viết
37133424