Truy cập hiện tại

Đang có 59 khách và không thành viên đang online

An Giang xây dựng thương hiệu du lịch “A Stone Into The Water – đồng tâm lan tỏa”

(TGAG)- Là tỉnh đầu nguồn ĐBSCL, An Giang sở hữu những đặc trưng khác biệt với các tỉnh khác trong vùng như vừa có đồng bằng lại có rừng núi, có biên giới... làm tiền đề phát triển đa dạng các loại hình du lịch như: du lịch tâm linh, du lịch sinh thái, du lịch thể thao giải trí, du lịch cộng đồng... thu hút sự quan tâm của đông đảo du khách, đặc biệt là du khách quốc tế.

Trong những năm qua, được sự quan tâm, chỉ đạo của lãnh đạo Tỉnh ủy và Ủy ban nhân dân tỉnh, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã phối hợp chặt chẽ với các sở, ban, ngành cấp tỉnh và chính quyền địa phương đẩy mạnh công tác xúc tiến quảng bá du lịch. Qua đó, hoạt động du lịch An Giang đã có những bước chuyển mình cả về chất lượng và số lượng.

Lượng khách du lịch đến An Giang luôn duy trì với tốc độ tăng trưởng ổn định, năm sau cao hơn năm trước. Cụ thể, đến tháng 10/2017, An Giang đã đón 7.1 triệu lượt khách, trong đó có 68.000 khách quốc tế, tổng thu du lịch đạt 3.450 tỷ đồng. Các dịch vụ du lịch phát triển ngày càng đa dạng, có nhiều doanh nghiệp du lịch trong và ngoài tỉnh đến đầu tư nhiều loại hình phục vụ như: hệ thống khách sạn, cáp treo, xe điện vận chuyển ở núi Cấm...

Tuy nhiên, khó khăn mà ngành du lịch tỉnh đang gặp phải chính là doanh thu đạt được chưa tương xứng với lượt khách đến tham quan. Để giải quyết vấn đề này, ngành và các cơ quan liên quan đã chủ động tham mưu với Ủy ban nhân dân tỉnh các giải pháp khắc phục để phát triển du lịch theo hướng bền vững. Một trong số đó có Chương trình khoa học và công nghệ “Nghiên cứu phát triển du lịch tỉnh An Giang giai đoạn 2016 - 2020” theo Quyết định số 381/QĐ-UBND ngày 23/02/2016. Chương trình do Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch và Sở Khoa học Công nghệ chủ trì thực hiện với nhiệm vụ tham mưu, đề xuất các ý kiến, nội dung phát triển du lịch tỉnh.

Trong khuôn khổ chương trình, năm 2017, Ủy ban nhân dân tỉnh đã mời chuyên gia quốc tế thuộc Tổ chức Hỗ trợ Quốc tế Hà Lan (Programma Uitzending Managers) tư vấn phát triển du lịch An Giang trong thời gian tới. Qua quá trình khảo sát và nghiên cứu, chuyên gia đã đề nghị An Giang phát triển du lịch với thương hiệu “A STONE INTO THE WATER”. Như chúng ta biết khi ném một hòn đá vào nước, hòn đá tạo ra tác động lớn nhất tại vị trí tiếp xúc mặt nước, hệ quả là sự xuất hiện của các vòng gợn sóng. Giống như du lịch An Giang hiện tại chỉ nên tập trung vào 3-4 sản phẩm có khả năng thu hút khách du lịch thực sự, và hệ quả là các điểm du lịch vệ tinh sẽ góp phần tạo nên giá trị tăng thêm. Đây chính là hiệu ứng “Đồng tâm lan tỏa”.

Chuyên gia cho biết, du lịch An Giang có những yếu tố xác thực và có những câu chuyện hay để kể. Nhưng hiện tại các điểm du lịch của tỉnh chưa đủ mạnh, khách đến thăm chưa phải là khách du lịch đúng nghĩa vì họ không ở lại lâu hơn, tiêu xài nhiều hơn, quay trở lại và kể cho bạn bè, người thân. Vì vậy chúng ta sẽ không có thêm khách du lịch mới, qua đó tăng thu nhập và tạo nhiều việc làm cho tỉnh.

Nếu chúng ta muốn hướng tới mọi đối tượng thì thực tế sẽ chẳng làm hài lòng bất kỳ đối tượng nào. Điều cần làm hiện tại để phát triển du lịch An Giang là tập trung trọng điểm và có sự liên kết, hợp tác của các doanh nghiệp kinh doanh du lịch địa phương. Bốn sản phẩm trọng điểm đủ khả năng thu hút khách du lịch thực sự của An Giang chính là: Núi Sam - Châu Đốc, Núi Cấm - Bảy Núi, Óc Eo, Du lịch xanh và du lịch theo dòng.n

Núi Sam – Châu Đốc là điểm đến quan trọng nhất dành cho khách du lịch nội địa, lượng khách đến thăm viếng rất đông nhưng họ không ở lại lâu và chỉ tập trung trong mùa lễ hội chính và không tiêu xài nhiều. Vì vậy chuyên gia đề nghị Núi Sam - Châu Đốc nên tập trung vào những nghi thức thờ phụng trong lễ vía Bà, bố trí bãi đỗ xe cách miếu 5-10km, khu vực xung quanh miếu chỉ dành cho người đi bộ, xây dựng rạp chiếu phim 3D-360 độ để khách du lịch trải nghiệm các nghi thức lễ hội ngay trong những ngày thường.

Núi Cấm – Bảy Núi là địa điểm tốt nhất để phục vụ khách du lịch quốc tế nhưng hiện tại chưa tập trung phát triển đúng hướng. Chuyên gia đề nghị Núi Cấm - Bảy Núi nên tập trung phát triển theo tiêu chí: Núi Cấm - trung tâm của an yên – hạnh phúc - khoẻ mạnh. Theo đó, Núi Cấm nên quan tâm đến phương pháp thiền định và các dịch vụ chăm sóc sức khỏe bằng thảo dược.

Óc eo là một sản phẩm mới phù hợp cho du lịch nội địa và quốc tế. Đây là một sản phẩm cho thấy lịch sử phong phú của Việt Nam nói chung và tỉnh An Giang nói riêng. Điều cần làm bây giờ là phục dựng đô thị Óc eo, để du khách có thể trải nghiệm một ngày ngược dòng lịch sử trở về vương quốc Phù Nam.

Du lịch xanh và du lịch theo dòng là loại hình du lịch có thị trường đặc thù và An giang có đầy đủ các điều kiện để phát triển loại hình này. Trong đó, Rừng tràm trà sư là sản phẩm độc đáo thu hút sự quan tâm của khách quốc tế nhưng chưa đủ mạnh để trở thành một trọng điểm riêng lẻ. Chuyên gia đề nghị điểm này nên phát triển theo hướng trả lại sự yên tĩnh và vẻ đẹp tự nhiên: thay xuồng máy bằng xuồng điện hoặc sử dụng năng lượng mặt trời để trong thời gian tham quan du khách có thể nghe được những âm thanh của rừng như: tiếng chim hót, tiếng gió len lỏi,…. xây dựng các lối vào cũng như các dịch vụ ăn uống, lưu trú khang trang hơn.

Với những đề xuất từ chuyên gia, cùng với hiệu ứng Đồng tâm lan tỏa, sắp tới ngành du lịch tỉnh sẽ có những đề án và hành động cụ thể để du lịch An Giang phát triển xứng tầm với tiềm năng hiện có.

HUỲNH THỊ NHƯ LAM
Giám đốc Trung tâm xúc tiến du lịch An Giang

Tiến tới đại hội đảng
Giải phóng miền Nam
Số lần xem các bài viết
37035451