Truy cập hiện tại

Đang có 116 khách và không thành viên đang online

Cụ cao tuổi - luôn lao động để có sức khỏe

(TGAG)- Hướng đến kỷ niệm Ngày Quốc tế Người cao tuổi (1/10): Nét mặt hồng hào, da không chút đồi mồi, giọng nói trong trẻo, lưu loát, sự thoải mái thể hiện rõ trên khuôn mặt. Tất cả yếu tố đó cho thấy, cuộc sống luôn tươi vui không chút lo lắng và hưởng niềm hạnh phúc bên gia đình của cụ bà đã 102 tuổi.

 
Không thể tin vào mắt, cụ bà Lê Thị Kén, 102 tuổi ở ấp Cần Thạnh, xã Cần Đăng vẫn khỏe và minh mẫn đến như vậy. Cụ nhớ từng chi tiết về cuộc đời mình, về những thăng trầm trong cuộc sống, những kỷ niệm vui buồn đã trải qua cùng những bài học về kinh nghiệm sống để truyền dạy cho con cháu. Một nhân chứng sống từ thời cuộc chiến tranh, sống đủ ăn đã khó cho đến nay đời sống quá đầy đủ. Bản thân được chính quyền địa phương hỗ trợ về bảo hiểm y tế, các chính sách dành cho người cao tuổi. Đặc biệt, được gia đình chăm sóc chu đáo là điều mà cụ chưa từng nghĩ sẽ đạt được trong cuộc đời của cụ.

Từ khi lập gia đình rồi sinh con. Cụ chỉ là người phụ nữ biết đến công việc, phụ chồng từ việc đồng áng, cho đến bếp núc rồi phận làm dâu và nuôi dạy đàn con chín đứa bảy trai, hai gái. Cụ kể: “Vợ chồng có với nhau được ba mặt con thì ra ở riêng, không tài sản trong tay. Cụ ông vẫn làm ruộng cho cha mẹ, rồi cất vó kiếm thêm. Tôi thì đội cá ra chợ bán, trồng rau muống cắt bán cùng với cá. Có ngày đội hàng trăm ký lô. Nặng nhọc lắm nhưng cũng phải ráng, làm lâu ngày rồi quen. Những người gần nhà hay trêu đùa rằng: Đứa nhìn nhỏ con vậy mà giỏi gian quá. Nhà ai có dâu như thế là tốt lắm”. Cứ miệt mài lao động vất vả rồi cha mẹ giúp đỡ vốn cùng với tiền tích cóp, vợ chồng mua được ruộng. Như thế quần quật quanh năm tạo nên vật chất nhưng với cụ dạy con cách sống ở đời và tấm lòng hiếu thảo phải đặt lên trên vật chất. Để dạy được con trước tiên bản thân phải là tấm gương. Cụ chia sẻ: “Mẹ chồng nàng dâu là đề tài muôn thuở, nhưng với tôi dù có thế nào mẹ vẫn là mẹ. Tôi phụng dưỡng mẹ chồng thọ 94 tuổi, phận làm dâu phải tròn, làm vợ phải xong thì các con ruột, con dâu thấy đó mà ứng xử cho phải đạo”.

Từ trước tới nay, cụ sống với người con trai út tại ngôi nhà mà vợ chồng cụ xây dựng nên, nơi đó chứa biết bao kỷ niệm, nơi còn lưu giữ di ảnh cụ ông, nơi những con của cụ từng ngày khôn lớn rồi có gia đình riêng tư. Thời trẻ đã quen việc chân tay đến lúc già trở thành thói quen, còn khỏe là còn làm. Cụ kể: “Tôi có tiệm tạp hóa tại nhà, bán cho mấy đứa trẻ trong xóm, tụi nó tới lui vậy mà vui, kiếm lời chút đỉnh. Vậy chứ cũng đâu có xài tiền gì nhiều, buôn bán cho vui, ở không chịu không được. Phía sau nhà tôi nuôi gà, lây lất vậy mà có thu nhập lắm”.

Nói tưởng chừng như không tin, khi cụ 102 tuổi lại có thể khỏe như vậy? nhưng đó là sự thật. “Tôi vẫn sử dụng điện thoại để gọi cho cửa hàng giao hàng tạp hóa. Đồng thời, chiếc điện thoại để gắn kết tôi với các con ở xa, khi thì tôi điện thoại cho chúng, lúc thì chúng gọi hỏi thăm tôi. Không những thế, mắt tôi tỏ lắm, có thể xỏ kim để vá quần áo, tự nấu nồi cơm điện và cùng ăn với con trai kế bên nhà. Nghe ông bà xưa nói, đến một lúc nào đó từ mờ trở nên sáng, chắc có lẻ tuổi tôi mắt sáng lại không chừng”. Cụ cười.

Hơn trăm tuổi mọi sinh hoạt tự túc, ăn uống đều độ, sống vui vẻ, hàng ngày không cần dùng loại thuốc nào. Quả thật, những người sống khỏe như cụ xưa nay hiếm.

Cách đây hơn tháng, chín người con mong muốn được thay phiên nhau chăm sóc cụ, mỗi đứa cụ ở một thời gian ngắn. Đó cũng là đều cụ ước mong, vì như vậy cụ sẽ được ở bên các con đều nhau. Đến khi nào cụ không đủ sức khỏe nữa thì sẽ ở cố định.

Cụ Lê Thị Kén đang sinh sống tại nhà người con gái, khá sung túc. Điều làm cụ vui nhất là chín đứa con cụ cưu mang vất vả đều hiếu thảo và vẫn còn đông đủ để được mẹ yêu thương. Bên cạnh, đàn cháu rồi đến chắt rất đông. Tất cả đều được nuôi dạy, học hành đã có đứa trưởng thành công việc ổn định. Không đòi hỏi gì hơn nữa, cuộc sống này đối với cụ quá hạnh phúc./.

Thanh Thư
Tiến tới đại hội đảng
Giải phóng miền Nam
Số lần xem các bài viết
37016716