Truy cập hiện tại

Đang có 168 khách và không thành viên đang online

Các cấp, các ngành cần tăng cường hơn nữa công tác tuyên truyền Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”

(TGAG)- Thực hiện Kế hoạch số 30/KH-MTTQ-BTT của Ban chỉ đạo Cuộc vận động tỉnh về việc thực hiện Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” (gọi tắt là Cuộc vận động), năm qua các ngành, các cấp trong tỉnh tổ chức tuyên truyền sâu rộng đến với cán bộ, đảng viên, đoàn viên, hội viên và các tầng lớp nhân dân về ý nghĩa, mục đích yêu cầu, nội dung của cuộc vận động (CVĐ).

Kết quả trong năm 2016, các cơ quan, đơn vị trong tỉnh đã tổ chức 6.581 cuộc tuyên truyền, tọa đàm với 279.302 lượt người tham dự. Ngoài công tác tuyên truyền chiều sâu, các cơ quan thông tin đại chúng đã mở các chuyên trang, chuyên mục tuyên truyền chiều rộng với rất nhiều tin, bài, phóng sự, câu chuyện truyền thanh viết về CVĐ, về tiêu chuẩn, chất lượng, giá cả các mặt hàng, sản phẩm do doanh nghiệp Việt Nam sản xuất; giới thiệu những điển hình tập thể và cá nhân tích cực trong tiêu dùng hàng Việt… Nhìn chung, việc tổ chức tuyên truyền CVĐ có sự phối hợp khá đồng bộ giữa các lực lượng, binh chủng tuyên truyền với nhiều hình thức hoạt động phong phú, đa dạng, sáng tạo, thiết thực. Qua đó, người tiêu dùng đã nhận thức được tầm quan trọng của việc ưu tiên dùng hàng Việt. Đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức từ tỉnh đến cơ sở có ý thức hơn, thể hiện tính gương mẫu trong việc dùng hàng Việt, đồng thời tích cực tuyên truyền trong các tầng lớp nhân dân cùng thực hiện.

Tuy nhiên, công tác triển khai thực hiện CVĐ vẫn còn có những hạn chế cần khắc phục như: việc tổ chức đưa hàng Việt về nông thôn, nhất là vùng sâu còn nhiều khó khăn do đường giao thông không thuận lợi, nên ít doanh nghiệp tham gia; các điểm bán lẻ hàng Việt ở địa bàn dân cư chưa nhiều; Mặt trận, các đoàn thể thiếu tính chủ động trong việc phối hợp với các đơn vị, doanh nghiệp để tổ chức nhiều chuyến hàng Việt về nông thôn. Một số thương hiệu Việt Nam còn thiếu sự cạnh tranh về mẫu mã, chất lượng sản phẩm, dịch vụ chăm sóc khách hàng còn những mặt hạn chế nên chưa tác động mạnh mẽ đến nhận thức của người tiêu dùng trong nước khi lựa chọn giữa hàng Việt Nam với hàng ngoại nhập. Sự vào cuộc của các cơ quan, chính quyền địa phương đôi khi chưa kịp thời, chưa đủ lực để biến CVĐ thành phong trào thi đua yêu nước thông qua dùng hàng Việt. Một vài đơn vị triển khai thực hiện Cuộc vận động còn mang tính hình thức. Vẫn còn một vài địa phương, chính quyền chưa tạo điều kiện thuận lợi về mặt bằng, cơ sở vật chất hỗ trợ cho doanh nghiệp tổ chức các phiên chợ, chuyến hàng Việt về nông thôn. Từ đó, cũng tác động phần nào đến sự tích cực hưởng ứng của các doanh nghiệp khi tham gia đưa hàng Việt về nông thôn. Công tác tuyên truyền chưa được thực hiện thường xuyên, liên tục.

Để thực hiện có hiệu quả Kết luận số 107-KL/TW ngày 10/4/2015 của Ban Bí thư về việc tiếp tục tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với việc thực hiện Cuộc vận động; Kế hoạch số 66-KH/TU ngày 17/4/2014 của Tỉnh ủy An Giang về việc tổ chức thực hiện Cuộc vận động, các ngành, các cấp trong tỉnh cần tập trung tuyên truyền những nội dung trọng tâm sau:

Tăng cường hơn nữa công tác tuyên truyền về CVĐ. Trong đó, cần tập trung tuyên truyền để cả hệ thống chính trị, các doanh nghiệp và các tầng lớp nhân dân quán triệt sâu sắc Thông báo kết luận số 264-TB/TW; Kết luận số 107-KL/TW của Bộ Chính trị; Kế hoạch số 66-KH/TU của Tỉnh ủy An Giang; Chỉ thị số 24/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ; Kế hoạch số 26/KH-UBND của UBND tỉnh về tiếp tục thực hiện CVĐ “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” để CVĐ thực sự đi vào cuộc sống.

Tuyên truyền làm cho người tiêu dùng trong tỉnh nhận thức đúng khả năng sản xuất, kinh doanh của các doanh nghiệp Việt Nam, về chất lượng sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ của Việt Nam.

Vận động người tiêu dùng trong tỉnh sử dụng hàng Việt Nam, hàng trong tỉnh sản xuất khi tiêu dùng cá nhân, coi đó là thể hiện lòng yêu nước, nét đẹp của văn hóa tiêu dùng của người Việt Nam.

Vận động các tổ chức, đơn vị trong tỉnh sử dụng hàng hóa nội địa khi thực hiện mua sắm công; các doanh nghiệp, người sản xuất, kinh doanh trong nước khi triển khai thực hiện các dự án, công trình sử dụng trang thiết bị, nguyên vật liệu nội địa và dịch vụ có chất lượng tương đương hàng ngoại nhập để sản xuất và kinh doanh.

Tuyên truyền, vận động các doanh nghiệp nhận thức rõ vai trò, trách nhiệm của mình đối với CVĐ; nâng cao chất lượng, sức cạnh tranh của sản phẩm, hàng hóa dịch vụ, thực hiện cam kết bảo vệ quyền lợi của người tiêu dùng; xây dựng được thương hiệu quốc gia cho nhiều sản phẩm, hàng hóa Việt Nam.

Tóm lại, triển khai thực hiện CVĐ nhằm phát huy mạnh mẽ lòng yêu nước, ý chí tự lực, tự cường, tự tôn dân tộc, xây dựng văn hóa tiêu dùng của người Việt Nam và sản xuất ra nhiều hàng hóa Việt Nam có chất lượng, sức cạnh tranh cao, đáp ứng nhu cầu tiêu dùng trong nước và xuất khẩu là trách nhiệm của cả hệ thống chính trị, các doanh nghiệp và mỗi người dân. Nhưng, công tác tuyên truyền, vận động là nhiệm vụ hàng đầu và cần được các cấp, các ngành trong tỉnh quan tâm./.

Lâm Giàu


Tiến tới đại hội đảng
Giải phóng miền Nam
Số lần xem các bài viết
36732095