Truy cập hiện tại

Đang có 122 khách và không thành viên đang online

Tứ đức - vẫn là những chuẩn mực cần thiết cho nhân cách của người phụ nữ hiện đại

(TGAG)- Tứ đức ngày xưa là khuôn vàng thước ngọc, là cái chuẩn để người phụ nữ suốt đời rèn luyện phấn đấu, giữ gìn. Ngày nay, tứ đức vẫn là những chuẩn mực cần thiết cho nhân cách của người phụ nữ hiện đại. Có khác chăng, giờ đây, những chuẩn mực ấy được thay bằng những sắc thái mới, thích nghi với cuộc sống hiện đại hơn. Tuy nhiên, những giá trị cốt lõi của tứ đức về công, dung, ngôn, hạnh vẫn còn nguyên giá trị.
Tứ đức chúng ta đều đã hiểu cái nghĩa nôm na, thông thường nhất của bốn chữ này. Nhưng chúng ta không nên (mà chắc là cũng không thể) quá khắt khe xét về từng mặt. Cũng như không nên cho rằng tứ đức này quá khắc khổ, quá lý tưởng đến nỗi chỉ có một số rất ít những người cực hoàn hảo mới có được, mà nên hiểu nó một cách đơn giản, dung dị hơn.

Nếu như chữ “công” của người phụ nữ ngày xưa chỉ được coi là nữ công gia chánh, là tề gia nội trợ, biết may vá thêu thùa, quán xuyến việc nhà cửa, xây dựng tổ ấm, chăm sóc gia đình thì chữ “công” ngày nay đã mang thêm một sắc màu mới. Nó được hiểu là người phụ nữ có sự nghiệp riêng, có công ăn việc làm ổn định, phải có đầu óc tổ chức sao cho vẹn toàn cả công việc xã hội lẫn cuộc sống gia đình, nghĩa là phải “giỏi việc nước, đảm việc nhà”, tích cực đóng góp tài năng, trí tuệ cho sự phát triển của đất nước. Thực tế cho thấy rằng, ngày nay, phụ nữ Việt Nam tham gia ngày càng nhiều hơn vào đời sống xã hội, bao gồm tất cả các lĩnh vực từ chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội, an ninh, quốc phòng…Những năm gần đây, tỷ lệ phụ nữ ở nước ta tham gia vào hoạt động quản lý nhà nước, nắm giữ các chức vụ chủ chốt trong hệ thống chính trị từ trung ương tới cơ sở ngày một nhiều. Phụ nữ Việt Nam cũng đã xuất hiện nhiều và có tiếng nói quan trọng tại các diễn đàn chính trị, hợp tác kinh tế, văn hóa trong nước, khu vực và quốc tế với vai trò là chính khách, chuyên gia nghiên cứu... Điều này một phần nào khẳng định vị thế và vai trò của nữ giới trong xã hội đã và đang được nâng lên, khoảng cách vai trò của nữ giới so với nam giới đang được rút ngắn. Đây cũng là thước đo quan trọng để đánh giá vấn đề bình đẳng giới ở Việt Nam hiện nay.

Chữ “dung” là dung nhan, diện mạo. Vẻ đẹp lý tưởng của người phụ nữ xưa phải là “liễu yếu đào tơ”, “mắt bồ câu, lông mày lá liễu”, da trắng, tóc đen, yểu điệu thục nữ, khép nép, e lệ. Lý tưởng về vẻ đẹp người phụ nữ ngày nay phong phú, đa dạng hơn. Có cái đẹp khỏe khoắn, cá tính, năng động, mạnh mẽ, cũng có cái đẹp đài các, quý phái, kiêu sa. Nếu như người phụ nữ xưa thường mang dáng dấp của vẻ đẹp “trời cho” thì phụ nữ ngày nay làm chủ hơn về “đức dung” của mình. Họ hiểu rằng “không có người phụ nữ xấu, chỉ có người phụ nữ không biết làm đẹp”, họ biết lựa chọn tinh tế trong cách ăn mặc, trang điểm, biết vận dụng những kiến thức khoa học tiên tiến trong việc giữ gìn vẻ đẹp trẻ trung, tươi tắn của mình; đồng thời, họ còn rất chú trọng làm giàu vốn hiểu biết, trí tuệ để có được một vẻ đẹp toàn vẹn cả về tài và sắc.

Chữ “Ngôn” là lời ăn tiếng nói phải dịu dàng, có duyên, đoan trang, lễ phép. Cha ông ta có câu “người thanh tiếng nói cũng thanh” là hàm ý muốn nói rằng, thông qua lời ăn tiếng nói hàng ngày mà người ta có thể phân biệt được đâu là người thanh lịch, đâu là kẻ phàm phu. Trong thời đại ngày nay, “đức ngôn” của người phụ nữ Việt Nam vẫn còn giữ nguyên giá trị. Tuy nhiên, để có thể ứng xử thông minh, duyên dáng, lịch thiệp trong giao tiếp hàng ngày, họ cũng không ngừng trau dồi cho mình những kiến thức, hiểu biết về các lĩnh vực của đời sống xã hội; rất nhiều người phụ nữ Việt Nam hiện nay còn nghiên cứu, trau dồi thêm về nghệ thuật giao tiếp, văn hóa ứng xử…Họ cho rằng, đó là chìa khóa thành công trong sự nghiệp và cuộc sống.
 Chữ “Hạnh” là phẩm giá, đức hạnh, là cái “nết” của người phụ nữ. Phẩm hạnh của người phụ nữ xưa được cột chặt trong mối quan hệ “tam tòng”. Ngày nay, người phụ nữ Việt Nam không còn bị ràng buộc bởi quan niệm cổ hủ đó nữa. Quan niệm về chữ “hạnh” cũng có ít nhiều thay đổi, tuy nhiên đức hạnh muôn đời của người phụ nữ Việt Nam vẫn là chịu thương, chịu khó, giàu đức hy sinh, nhân ái, vị tha, đức độ, thủy chung son sắc với chồng, yêu thương con cái, hiếu thảo với ông bà cha mẹ. Bên cạnh đó, “cái nết” của người phụ nữ Việt Nam ngày nay còn được thể hiện ở lương tâm đối với nghề nghiệp, là lòng nhân ái biết chia ngọt sẻ bùi với những số phận bất hạnh xung quanh, là tinh thần trách nhiệm đối với cộng đồng, dân tộc…

Bất kỳ người phụ nữ nào có được những chuẩn mực trên sẽ có đủ tự tin sẽ làm được nhiều điều có ích cho xã hội. Khi làm được nhiều việc có ích, đem lại hạnh phúc cho người khác thì bản thân họ cũng sẽ tìm được hạnh phúc, niềm vui cho mình.   

Thước đo giá trị luôn luôn có sự biến chuẩn. Không thể ép một chuẩn mực đã cũ cho một hoàn cảnh hoàn toàn mới. Thế nhưng giá trị làm cho người mãi mãi là những giá trị bất biến nếu mỗi con người chúng ta tiếp cận sâu vào tầng bậc của nhân cách, của giá trị đích thực. Người phụ nữ luôn được tôn vinh vì những giá trị của họ và công, dung, ngôn, hạnh vẫn là những đức tính thực sự không thể thiếu ở người phụ nữ hiện đại./

Ngọc Hân


Tiến tới đại hội đảng
Giải phóng miền Nam
Số lần xem các bài viết
37045610