Truy cập hiện tại

Đang có 16 khách và không thành viên đang online

Một lần đến thăm "địa ngục trần gian"

(TGAG)- Một lần được du khảo về nguồn tại huyện Côn Đảo (tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu), nơi được mệnh danh là vùng đất linh thiêng của Tổ quốc, tôi đã được tận mắt chứng kiến chứng tích một thời là “địa ngục trần gian”.

Tìm đến với những tấm gương kiên trung của Tổ quốc; được nhìn tận mắt, nghe tận tai, tôi cảm nhận được những sự thật lịch sử quý giá. Từ đó, chiêm nghiệm về lý tưởng sống, nâng cao lòng tự hào dân tộc, tự hào về một thời kỳ đấu tranh gian lao mà anh dũng, ý thức trách nhiệm của bản thân mình đối với quê hương, đất nước.

Nơi tôi đặt chân đến đầu tiên là trại tù Phú Hải, trại giam lớn và cổ nhất Côn Đảo. Đây là một hệ thống nhà tù với nhiều khu vực biệt giam, "chuồng cọp". Trại Bagne 1 (sau đó được đổi thành trại 1, trại Cộng Hòa, trại 2, trại Phú Hải) rộng hơn 12.000 m2, gồm 10 khám lớn (phòng giam lớn), 20 hầm đá biệt giam, 1 khám đặc biệt, hầm xay lúa và khu đập đá. Đây là một trong những địa điểm giam giữ các chiến sĩ cộng sản. Nơi đây, bọn cai ngục dùng các đòn tâm lý để thuyết phục các chiến sĩ cách mạng phục tùng, khi không được bọn chúng quay sang giam cầm, tra tấn tù nhân.



Tham quan di tích "chuồng cọp Pháp" do thực dân Pháp xây dựng để giam giữ những chiến sĩ cộng sản và những người yêu nước.

Nơi đây, từng là một quần đảo có số tù nhân chính trị còn nhiều hơn số cư dân sinh sống với 11 nhà tù. Phú Hải là nhà tù lớn nhất. Trong hơn 100 năm, khoảng 20.000 người Việt Nam đã bị giam cầm và hy sinh ở nơi được mệnh danh là “địa ngục trần gian” này. Theo ghi chép, lúc cao điểm, trong mỗi phòng giam ở các nhà tù có đến hàng trăm tù nhân bị nhốt chung với gông cùm, xiềng xích. Tại đây, cai ngục đã dùng nhiều hình thức tra tấn đau đớn về cả thể xác lẫn tinh thần với các chiến sĩ. Nhiều sĩ phu yêu nước như: Huỳnh Thúc Kháng, Phan Chu Trinh…, cho đến những nhà cách mạng nổi tiếng như: Chủ tịch Tôn Đức Thắng, Tổng Bí thư Lê Duẩn, Lê Đức Thọ, Phạm Hùng, Nguyễn An Ninh… từng bị giam giữ nơi đây.

Xúc động và không thể hình dung nổi khi biết được trong một điều kiện tù đày khắc nghiệt, sự kiểm soát gắt gao của cai ngục và những cuộc đàn áp dã man liên tiếp. Thế nhưng, trong ngục tối chốn lao tù ấy, tù nhân chính trị ở nhà tù Trại 6B Côn Đảo, cho ra đời những tờ tạp chí, nội san, truyền tay rộng khắp trong nội bộ những tù nhân ở nhà tù Côn Đảo-bằng chứng "thép" mãnh liệt tranh đấu thành công và giành được quyền tự quản ngay giữa chốn địa ngục trần gian.

Rời trại tù Phú Hải, cảm xúc dâng trào khi đến trại giam Phú Tường, nơi nổi tiếng với “chuồng cọp”, được xây dựng năm 1940, với diện tích hơn 5.000 m2, gồm 120 phòng giam có chấn song sắt phía trên, 60 phòng “tắm nắng” không mái che. Trại giam Phú Tường được chia làm 2 khu, mỗi khu gồm 60 phòng giam, 30 phòng “tắm nắng” và một bệnh xá. Khu biệt giam này bị giấu kín hoàn toàn và đến năm 1970, khi được phát hiện và phơi bày đã gây chấn động, bàng hoàng với dư luận quốc tế.

Từ tìm hiểu lịch sử và qua giọng nói truyền cảm đầy thuyết phục của thuyết minh viên chúng tôi cùng nhau ôn lại những trang sử hào hùng. Khác với ngồi nhà đọc tư liệu lịch sử, đến Côn Đảo, tận mắt chứng kiến, được nghe kể lại những sự kiện đấu tranh của các chiến sĩ trong ngục tù, tôi thật sự cảm nhận được dù ở lao tù nhưng hơn bao giờ hết tình đoàn kết, tình đồng chí, đồng đội càng thắt chặt. Qua lời kể và tư liệu có thể mường tượng hình ảnh các chiến sĩ nhường nhau từng ngụm nước, chỗ nằm… Mắt đỏ hoe khi nghe kề về tấm gương kiên trung, bất khuất của chị Võ Thị Sáu trước kẻ thù, tình cảm của những người bạn tù với đồng chí Lê Hồng Phong; những câu chuyện nữ tù tự mổ bụng đấu tranh hay câu chuyện kể về "ông già chuồng cọp" Cao Văn Ngọc… hồi ức trong tôi một thời bi tráng nhưng rất đỗi hào hùng của dân tộc.


Trung tâm cải huấn trại Phú Hải - nhà tù đã từng giam giữ Chủ tịch nước Tôn Đức Thắng.

Chào mừng kỷ niệm 88 năm Ngày thành lập Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam (20-10-1930-20-10-2018) và 8 năm Ngày Phụ nữ Việt Nam, Hội liên hiệp Phụ nữ tỉnh đã tham mưu Thường trực Tỉnh ủy, Ban Vì sự tiến bộ của phụ nữ và bình đẳng giới tỉnh An Giang tổ chức du khảo về nguồn cho nữ lãnh đạo trưởng, phó ngành, đoàn thể cấp tỉnh năm 2018 tại Côn Đảo. Cùng đi với đoàn có Bí thư Tỉnh ủy Võ Thị Ánh Xuân, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Thanh Bình-Trưởng Ban Vì sự tiến bộ của phụ nữ và bình đẳng giới tỉnh An Giang. Đoàn thăm trại tù Phú Hải, trại giam Phú Tường, chuồng cọp kiểu Pháp và kiểu Mỹ, bảo tàng Côn Đảo…

Phó Bí thư Tỉnh đoàn An Giang Võ Thị Thủy Tiên chia sẻ: “Là một trong nữ trẻ đại diện lãnh đạo nữ của tổ chức Đoàn thanh niên được tham gia chuyến về nguồn Côn Đảo, tôi rất phấn khởi và tự hào. Dù đầy là lần thứ hai đến Côn Đảo nhưng cảm xúc với tôi vẫn trào dâng. Đó là cảm giác thiêng liêng, bồi hồi khi đến viếng mộ chị Võ Thị Sáu-nữ anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân; là sự căm phẫn đến tột cùng khi chứng kiến những cực hình dã man của thực dân Pháp, Mỹ đối với những người tù chính trị kiên cường, bất khuất. Xúc động dâng tràn khi đến nơi đã từng giam cầm người tù chính trị kiên trung, người con ưu tú của quê hương An Giang-Chủ tịch Tôn Đức Thắng... Nhân kỷ niệm 130 năm ngày sinh Bác Tôn vừa qua, BTV Tỉnh Đoàn cũng tổ chức chuyến về nguồn cho 30 cán bộ Đoàn tiêu biểu để tận mắt chứng kiến hệ thống các nhà tù Côn Đảo, một minh chứng rõ ràng nhất cho sự tra tấn dã man, tàn độc nhất giữa con người với con người, giữa chế độ đế quốc với những người Cộng sản yêu nước”.

Lắng đọng tâm tư, chuyến hành trình về nguồn tại Côn Đảo, đoàn đã thành kính dâng hoa, dâng hương tưởng niệm trước phần mộ của nữ anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân Việt Nam Võ Thị Sáu, mộ đồng chí cố Tổng Bí thư Lê Hồng Phong; xúc động thắp hương tưởng nhớ các anh hùng liệt sĩ và đồng bào yêu nước đang yên nghỉ tại Nghĩa trang Hàng Dương; viếng bia tưởng niệm cuộc vượt ngục lớn nhất trong lịch sử Côn Đảo. Tham quan Bảo tàng Côn Đảo-nơi lưu giữ, trưng bày những tài liệu, hiện vật về tội ác của thực dân và đế quốc; về tinh thần đấu tranh kiên cường, bất khuất của các chiến sĩ cách mạng và những người yêu nước Việt Nam trong suốt 113 năm

Theo Ban Quản lý di tích Côn Đảo, trong 113 năm tồn tại của nhà tù Côn Đảo, đã có hơn 20.000 tù nhân bị lưu đày. Tại Nghĩa trang Hàng Dương, hiện có 1.921 phần mộ của các liệt sĩ, chiến sĩ nhưng chỉ có trên 700 ngôi mộ xác định được tên tuổi, quê quán; còn lại rất nhiều ngôi mộ khuyết danh. Đa phần các mộ ở đây không quy tập mà vẫn giữ nguyên vị trí và giữ nguyên trạng mộ đá từ trước, trong đó có cả những phần mộ tập thể lên tới 14 liệt sĩ (bị địch xử tử hình cùng ngày).


Tái hiện hình ảnh giam cầm tù nhân tại nhà tù Côn Đảo

Trong tiết trời đêm se lạnh lất phất hạt mưa, những nén hương đỏ rực trên tay các đoàn người đến viếng được cắm trang trọng trước các phần mộ bằng tất cả tấm lòng thành kính và biết ơn các anh hùng liệt sĩ. Cuộc hành trình về nguồn này là cơ hội thật sự có ý nghĩa cho chúng tôi tận mắt chứng kiến những phòng giam tập thể với cùm sắt, dây kẽm gai, xà lim đá ngột ngạt; chứng tích nơi giam cầm. Xúc động nghe kể về sự tàn khốc nhục hình, những đòn tra tấn dã man của thực dân Pháp, đế quốc Mỹ giam hãm các chiến sĩ Cộng sản, như: tạt nước để thân thể người tù lở loét, rắc vôi bột, tắm nước lạnh vào mùa đông, ngâm thân thể người tù dưới hầm phân bò… Cảm nhận hết sự tàn bạo của kẻ thù và ý chí quật cường của các chiến sĩ cách mạng. Tất cả thành viên trong đoàn thật sự mở mang thêm hiểu biết về lịch sử cách mạng Việt Nam, nhận thức rõ công lao to lớn, sự hy sinh cao cả của các thế hệ cha anh đã quyết đấu tranh, đã hy sinh anh dũng để giành lại độc lập, tự do cho Tổ quốc. Vinh dự và tự hào khi được sinh ra và lớn lên trên mảnh đất Việt Nam giàu truyền thống cách mạng.
    
Chị Thủy Tiên chia sẻ: “Sau chuyến đi, bản thân tôi càng ý thức hơn về vai trò, trách nhiệm quan trọng thủ lĩnh Đoàn trong giáo dục thanh niên về lý tưởng chính trị, những hy sinh lớn lao của thế hệ đi trước để giành lấy độc lập, tự do cho thế hệ trẻ hôm nay. Từ đó, định hướng cho thế hệ trẻ sống có lý tưởng, hoài bão đẹp; ý thức trách nhiệm đóng góp sức mình trong công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc”.

Tạm biệt Côn Đảo, trở về đất liền vấn vương những cảm xúc bồi hồi, xúc động như vẫn còn vẹn nguyên trong trái tim  tôi và mỗi thành viên sau cuộc hành trình về nguồn đầy ý nghĩa. Chuyến đi thực tế ngắn ngủi nhưng để lại nhiều cảm xúc sâu sắc, nhiều ấn tượng khó phai trong lòng mỗi thành viên của đoàn, xúc động khi tận mắt nhìn thấy nơi giam cầm các chiến sĩ cách mạng bằng một hệ thống các nhà tù hết sức dã man của thực dân Pháp và đế quốc Mỹ.
 

Qua chuyến về nguồn đầy ý nghĩa, các nữ cán bộ càng thấu hiểu rõ hơn về giá trị của độc lập, tự do qua tấm gương đấu tranh bất khuất và anh dũng, hy sinh của các anh hùng, liệt sĩ; để chiêm nghiệm về lý tưởng, về tình yêu cuộc sống và để tự hào, tiếp thêm cảm hứng cách mạng và niềm tin chính trị cho các nữ lãnh đạo ra sức thi đua hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ. Từ đó, tiếp tục duy trì bằng hình thức về nguồn để đoàn viên thanh niên có thể

Côn Đảo sẽ mãi là một trong những “địa chỉ đỏ” ý nghĩa giáo dục lý tưởng cách mạng, lòng yêu nước, truyền thống cách mạng về ý chí đấu tranh bất khuất, kiên cường. Tìm về nơi đây là tìm về cội nguồn, nhớ về truyền thống cách mạng của thế hệ cha anh, mãi mãi biết ơn những hy sinh to lớn và thêm tin tưởng vào sự lãnh đạo của Đảng Nhà nước; từ đó soi rọi lại mình phải đóng góp nhiều hơn cho quê hương, đất nước./.

Bài, ảnh: HẠNH CHÂU


Tiến tới đại hội đảng
Giải phóng miền Nam
Số lần xem các bài viết
37123449