Truy cập hiện tại

Đang có 131 khách và không thành viên đang online

Việt Nam với những kết quả nổi bật trong phát triển kinh tế - xã hội năm 2020

(TUAG)- Năm 2020, mặc dù trong bối cảnh gặp nhiều khó khăn, thách thức, đặc biệt là bị ảnh hưởng bởi đại dịch COVID-19, song với phương châm “chống dịch như chống giặc” và quyết tâm thực hiện “mục tiêu kép”: vừa quyết liệt phòng, chống dịch hiệu quả, vừa tập trung phục hồi và phát triển KT-XH, bảo đảm đời sống nhân dân; nhìn chung KT-XH nước ta tiếp tục phát triển ổn định, đạt kết quả tích cực, có nhiều điểm sáng.

Kiểm soát tốt dịch bệnh, tạo điều kiện thuận lợi cho phục hồi và phát triển KT-XH. Nhiều quốc gia, tổ chức quốc tế, trong đó có Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) đánh giá cao, cho rằng Việt Nam nằm trong một số ít quốc gia kiểm soát tốt dịch bệnh, có cách làm đúng, kịp thời, hiệu quả, chi phí thấp. Khẳng định sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc, tính ưu việt của hệ thống chính trị và bản chất tốt đẹp của chế độ ta.

Kinh tế vĩ mô được duy trì ổn định, lạm phát được kiểm soát, cơ bản đạt được mục tiêu tổng quát, trong đó dự kiến đạt và vượt 8/12 chỉ tiêu chủ yếu; mức tăng trưởng 2-3% trong khi hầu hết các nước đều suy giảm nghiêm trọng. Theo đó, quy mô GDP của Việt Nam năm 2020 ước tính đạt 340,6 tỷ USD, vượt Xinh-ga-po 337,5 tỷ USD, Ma-lai-xi-a 336,3 tỷ USD, đứng thứ 4 ở khu vực Đông Nam Á. Việt Nam được nhiều tổ chức quốc tế đánh giá là nước duy nhất tăng trưởng dương trong khu vực Đông Nam Á, là một trong số ít nước tăng trưởng dương ở khu vực châu Á - Thái Bình Dương, và là một trong 16 nền kinh tế mới nổi thành công nhất trong bối cảnh dịch bệnh, được cộng đồng quốc tế đánh giá cao.

Nông nghiệp khẳng định vai trò là trụ đỡ của nền kinh tế trong khó khăn; tăng trưởng cả năm ước đạt 2,6% (2019 tăng 2,01%). Sản xuất công nghiệp gặp nhiều khó khăn nhưng vẫn đạt mức tăng trưởng 2,5%.  Xuất khẩu tăng, xuất siêu đat kỷ lục hơn 18,7 tỷ USD (là mức cao nhất trong nhiều năm qua), đồng thời thúc đẩy mạnh mẽ thị trường trong nước trong bối cảnh thương mại toàn cầu suy giảm. Giải ngân vốn đầu tư công, huy động nguồn lực xã hội cho đầu tư phát triển được đẩy mạnh.  

Công tác cải cách hành chính, xây dựng Chính phủ điện tử; nghiên cứu, ứng dụng khoa học công nghệ được triển khai quyết liệt, hiệu quả. Việt Nam đứng thứ 42/131 quốc gia, vùng lãnh thổ về chỉ số đổi mới sáng tạo toàn cầu. Chú trọng thực hiện tốt phát triển văn hóa, bảo đảm an sinh xã hội, nâng cao đời sống nhân dân; bảo vệ môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu, phòng, chống thiên tai… Chỉ số phát triển bền vững của Việt Nam tăng 5 bậc, xếp thứ 49/166 quốc gia, vùng lãnh thổ.

Công tác thanh tra, giải quyết khiếu nại, tố cáo và phòng, chống tham nhũng tiếp tục được triển khai đồng bộ, quyết liệt, hiệu quả, góp phần củng cố niềm tin của nhân dân. Từ đầu năm đến nay đã thanh tra, kiểm tra gần 77.000 cuộc; phát hiện vi phạm gần 31.000 tỷ đồng, 3.630 ha đất; kiến nghị thu hồi 13.317 tỷ đồng và 680 ha đất; xử lý dứt điểm các vụ án tham nhũng lớn, các vụ trọng án, đặc biệt là vụ án “giết người” và “chống người thi hành công vụ” tại xã Đồng Tâm. Đây là vụ án đặc biệt nghiêm trọng; hành vi của các bị cáo thực hiện vô cùng dã man, tàn bạo và mất hết tính người, đã gây nên sự phẫn nộ, bất bình trong quần chúng nhân dân; bị các thế lực thù địch, cơ hội chính trị lợi dụng chống phá quyết liệt. Vừa qua, tòa đã xử đúng người, đúng tội, đưa ra bản án nghiêm khắc, có tính nhân văn, được dư luận đồng tình, ủng hộ.

Chủ động, kiên quyết, kiên trì đấu tranh bảo vệ vững chắc độc lập, chủ quyền biển đảo, giữ vững môi trường hòa bình, ổn định để phát triển đất nước; đẩy mạnh công tác đối ngoại, hợp tác quốc tế đạt nhiều kết quả quan trọng, góp phần nâng cao uy tín, vị thế của Việt Nam trên trường quốc tế.

Mặc dù vẫn còn những hạn chế, yếu kém cần sớm khắc phục, nhưng những kết quả trên đã thể hiện sự nỗ lực rất lớn của toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ta dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo đúng đắn, sát sao, quyết liệt của Đảng, Nhà nước, các cấp, các ngành và sự đồng thuận, đoàn kết, quyết tâm cao của cả hệ thống chính trị và nhân dân cả nước; góp phần củng cố niềm tin và tạo không khí phấn khởi trong toàn xã hội, để đất nước ta có được cơ đồ, tiềm lực, vị thế và uy tín quốc tế như ngày nay, thiết thực lập thành tích chào mừng Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng.


Đại lộ Thăng Long - Thủ đô Hà Nội.

Nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội năm 2021

Dự kiến có 12 chỉ tiêu chủ yếu về các lĩnh vực kinh tế, xã hội, môi trường trong đó: Tổng sản phẩm trong nước (GDP) tăng khoảng 6-6,5%; chi số giá tiêu dùng (CPI) bình quân khoảng 4%; tỷ trọng đóng góp của năng suất các nhân tố tổng hợp (TFP) vào tăng trưởng khoảng 45-47%; năng suất lao động xã hội tăng khoảng 4,8%; tỷ lệ lao động qua đào tạo khoảng 66%, trong đó tỷ lệ lao động qua đào tạo có bằng cấp, chứng chỉ khoảng 25,5%; tỷ lệ bao phủ bảo hiểm y tế khoảng 91%; tỷ lệ hộ nghèo giảm 1-1,5 điểm phần trăm so với năm 2020; tỷ lệ che phủ rừng khoảng 42%... Đồng thời, cần bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế về tích lũy, tiêu dùng; ngân sách nhà nước; xuất, nhập khẩu hàng hóa; điện; lương thực; trong đó: tỷ lệ tiêu dùng cuối cùng so với GDP khoảng 71,3%; bội chi ngân sách nhà nước khoảng 4% GDP; kim ngạch xuất khẩu tăng khoảng 5%; sản lượng lương thực đạt khoảng 43 triệu tấn...

Các nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu:
  1. Tiếp tục thực hiện có hiệu quả các biện pháp phòng, chống và giảm thiệu thiệt hại từ đại dịch COVID-19.
  2. Tiếp tục hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường định hướng XHCN; có cơ chế, chính sách phù hợp thúc đẩy phục hồi và phát triển KT-XH trên cơ sở giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế.
  3. Đẩy mạnh cơ cấu lại nền kinh tế gắn với chuyển đổi mô hình tăng trưởng, nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh, tăng cường sức chống chịu, khả năng thích ứng của nền kinh tế dựa trên nền tảng của khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo.
  4. Tăng cường huy động và sử dụng hiệu quả các nguồn lực; đẩy mạnh triển khai các dự án kết cấu hạ tầng KT-XH trọng điểm; nâng cao hiệu quả liên kết vùng, phát huy vai trò dẫn dắt của các vùng kinh tế trọng điểm, các đô thị lớn.
  5. Nâng cao chất lượng và sử dụng hiệu quả nguồn nhân lực gắn với đẩy mạnh đổi mới sáng tạo, ứng dụng và phát triển mạnh mẽ khoa học, công nghệ, đáp ứng yêu cầu của Cách mạng công nghiệp lần thứ tư và tạo nền tảng thúc đẩy phát triển KT-XH trong trạng thái bình thường mới.
  6. Quan tâm bảo đảm an sinh xã hội, giảm nghèo, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho nhân dân.
  7. Quản lý, khai thác, sử dụng hiệu quả, bền vững tài nguyên, chú trọng bảo vệ môi trường, chủ động ứng phó hiệu quả với biến đổi khí hậu và phòng, chống, khắc phục hậu quả thiên tai.
  8. Nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước và chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức; đẩy mạnh cải cách hành chính, thúc đẩy chuyển đổi số trong các cơ quan Đảng, Nhà nước, Mặt trận Tổ quốc, các tổ chức chính trị, xã hội; tăng cường phòng, chống tham nhũng, thực hành tiết kiệm, chống lãng phí và giải quyết khiếu nại, tố cáo.
  9. Củng cố quốc phòng, an ninh, giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội, nâng cao hiệu quả công tác đối ngoại, hội nhập quốc tế, giữ vững môi trường hòa bình, ổn định và thuận lợi cho phát triển đất nước.
  10. Đẩy mạnh thông tin truyền thông, nâng cao hiệu quả công tác dân vận, tạo đồng thuận xã hội.
P.N
Tiến tới đại hội đảng
Giải phóng miền Nam
Số lần xem các bài viết
37033251