Truy cập hiện tại

Đang có 98 khách và không thành viên đang online

Thực tiễn - kinh nghiệm

Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh trong việc xây dựng gia đình theo Nghị quyết Trung ương 9 (khóa XI)

(TGAG)- Gia đình có vai trò rất lớn trong việc hình thành và phát triển của xã hội; là nơi duy trì giống nòi, là môi trường quan trọng hình thành, nuôi dưỡng và giáo dục nhân cách con người, bảo tồn và phát huy văn hóa truyền thống tốt đẹp, chống lại tệ nạn xã hội, tạo nguồn nhân lực phục vụ sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Mỗi quốc gia, mỗi dân tộc muốn tồn tại và phát triển đều phải biết chăm sóc và bảo vệ gia đình.

Lúc sinh thời, Bác Hồ của chúng ta rất coi trọng vai trò của gia đình, Bác đã từng nói: “… gia đình tốt thì  xã hội mới tốt. Hạt nhân của xã hội là gia đình”. Ngày nay, Đảng và Nhà nước ta cũng luôn quan tâm đến công tác gia đình và chú trọng đến việc phát huy những giá trị truyền thống tốt đẹp của gia đình. Nghị quyết số 33-NQ/TW (khóa XI) về “Xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước với mục tiêu xây dựng nền văn hóa và con người Việt Nam phát triển toàn diện” hướng đến chân - thiện - mỹ.
Nhận thức được vai trò, vị trí quan trọng của gia đình trong mỗi con người, Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh đã phát động Cuộc vận động “Xây dựng gia đình 5 không, 3 sạch” trong hệ thống Hội và gia đình Hội viên, phụ nữ trong tỉnh nhằm thúc đẩy thực hiện nhiệm vụ “Hỗ trợ phụ nữ xây dựng gia đình no ấm, bình đẳng, tiến bộ, hạnh phúc”. Cuộc vận động xây dựng gia đình 5 không, 3 sạch được thực hiện với 8 tiêu chí: “không đói nghèo; không có người thân vi phạm pháp luật và tệ nạn xã hội; không có bạo lực gia đình; không sinh con thứ ba; không có trẻ suy dinh dưỡng và bỏ học; sạch nhà, sạch bếp, sạch ngõ” được triển khai thực hiện lồng ghép với phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” và phong trào xây dựng nông thôn mới. Qua quá trình tổ chức thực hiện, từ năm 2009 đến nay, các cấp Hội phụ nữ An Giang đã tuyên truyền cho 100% cán bộ, hội viên nắm được 8 tiêu chí và hằng năm có từ 70% trở lên gia đình cán bộ, hội viên đạt 8 tiêu chí. Cụ thể:


Đối với tiêu chí “Không đói nghèo”, các cấp Hội đã tổ chức thực hiện tốt Nhiệm vụ “Hỗ trợ phụ nữ phát triển kinh tế gia đình”  bằng nhiều giải pháp như : giúp vốn, dạy nghề, giới thiệu việc làm, hướng dẫn kiến thức, xây dựng mái ấm tình thương… Hằng năm, Hội đã giúp thoát nghèo trên 1 ngàn  hộ phụ nữ nghèo (đạt tỷ lệ 11%), góp phần giảm tỷ lệ hộ nghèo của địa phương;


Đối với tiêu chí “Không có người thân vi phạm pháp luật”, các cấp Hội đẩy mạnh công tác tuyên truyền phổ biến, giáo dục pháp luật;  tích cực phối hợp với ngành công an thực hiện tốt Nghị quyết Liên tịch 01 về quản lý và giáo dục con em không để phạm tội và vi phạm pháp luật. Qua đó, hình hành các Tổ tư vấn pháp luật cho phụ nữ, Tổ PN không để người thân vi phạm pháp luật;


Đối với tiêu chí “Không có bạo lực gia đình”, các cấp Hội thường xuyên tuyên truyên các Luật, Nghị định và các văn bản pháp luật khác về lĩnh vực hôn nhân gia đình… tổ chức các buổi truyền thông, tư vấn, nói chuyện chuyên đề về tình yêu, hôn nhân, gia đình; xây dựng các địa chỉ tin cậy để giúp đỡ nạn nhân bị bạo lực gia đình và thành lập các mô hình tổ, câu lạc bộ xây dựng “Gia đình hạnh phúc”, “Gia đình phát triển bền vững”, “Ông, bà cháu”, “Ông bà mẫu mực, con cháu thảo hiền”;


Đối với tiêu chí “Không sinh con thứ ba”, Hội cơ sở tham gia phối hợp cùng ngành y tế, rà soát và nắm chắc số cặp vợ chồng trong độ tuổi sinh đẻ trên địa bàn để cung cấp và hướng dẫn các kiến thức về dân số, kế hoạch hóa gia đình thông qua các buổi truyền thông, tư vấn; vận động và hỗ trợ các gia đình áp dụng những biện pháp tránh thai hiện đại, xây dựng các mô hình tổ, câu lạc bộ phụ nữ “không sinh con thứ ba”;


         Đối với  tiêu chí “Không có trẻ suy dinh dưỡng và bỏ học”, các cấp Hội đã chủ động triển khai thực hiện có hiệu quả Đề án Giáo dục 5 triệu bà mẹ nuôi dạy con tốt; phối hợp chặt chẽ với ngành y tế trong công tác tiêm chủng mở rộng; tuyên truyền, vận động học sinh ra lớp, theo sát những gia đình có trẻ em nguy cơ bỏ học để có những giải pháp giúp đỡ không để trẻ nghỉ học giũa chừng; tổ chức vận động nguồn lực để giúp học sinh nghèo, trẻ em gái tiếp bước đến trường;


Đối với tiêu chí “Sạch nhà, sạch bếp, sạch ngõ”, hằng năm Tỉnh Hội tranh thủ từ nguồn kinh phí của Chương trình xây dựng nông thôn mới tăng cường cán bộ của tỉnh hỗ trợ cho Hội cơ sở tổ chức các buổi sinh hoạt chuyên đề xây dựng gia đình 5 không 3 sạch gắn với Cuộc vận động xây dựng nông thôn mới; hỗ trợ sọt rác cho các hộ gia đình hội viên thực hành phân loại rác với tổng kinh phí trên 600 triệu đồng. Qua đó, Hội cơ sở đã xây dựng nhiều mô hình có hiệu quả như: Tổ phụ nữ  “5 không 3 sạch”, Tổ “Phụ nữ  nhà sạch, bếp đẹp”, Tổ “phụ nữ bếp sạch an toàn”, Tổ phụ nữ “Thắp sáng đèn đường”…


Song song đó, việc thực hiện Đề án “Tuyên truyền, giáo dục phẩm chất, đạo đức phụ nữ Việt Nam thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước” được Hội Liên hiệp Phụ nữ các cấp tuyên truyền lồng ghép với phong trào “Phụ nữ tích cực học tập, lao động sáng tạo, xây dựng gia đình hạnh phúc” nhằm giúp cho hội viên, phụ nữ hiểu đúng, đủ các tiêu chuẩn của phong trào thi đua và bốn phẩm chất đạo đức Phụ nữ Việt Nam trong thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa hiện đại hóa đất nước, đó là “Tự tin, tự trọng, trung hậu, đảm đang”. Từ đó giúp phụ nữ thực hiện tốt trách nhiệm của người công dân, đảm đương tốt vai trò người phụ nữ trong gia đình và xã hội, phấn đấu vươn lên khẳng định vai trò của người phụ nữ trong lao động, sản xuất; xây dựng gia đình hạnh phúc, tạo tiền đề thực hiện sự bình đẳng, phát triển, tiến bộ của phụ nữ ngay trong từng gia đình đáp ứng yêu cầu thời kỳ mới.

Huỳnh Thị Ngò

Tiến tới đại hội đảng
Dua-nghi-quyet-vao-cuoc-song
Giải phóng miền Nam
Số lần xem các bài viết
37147292