Truy cập hiện tại

Đang có 154 khách và không thành viên đang online

Thực tiễn - kinh nghiệm

Kết quả sau 5 năm thực hiện Chỉ thị 28-CT/TW về công tác đảm bảo an toàn thông tin mạng

(TGAG)- Những năm gần đây, việc ứng dụng công nghệ thông tin (CNTT) trong hoạt động của các cơ quan nhà nước trên địa bàn tỉnh An Giang ngày càng phát triển và mở rộng, qua đó giúp nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động, tăng cường công khai, minh bạch thông tin, giảm phiền hà, tham nhũng, tiết kiệm chi phí, cung cấp dịch vụ công tốt hơn cho người dân và doanh nghiệp. Tuy nhiên, cùng với việc ứng dụng CNTT nhằm cải cách hành chính, xây dựng chính quyền điện tử nhằm nâng cao năng lực cạnh tranh, tạo môi trường thuận lợi phát triển kinh tế - xã hội; một thách thức đặt ra đó là vấn đề đảm bảo an toàn thông tin (ATTT) mạng. Nhìn lại những kết quả đạt được sau 5 năm thực hiện Kế hoạch 64-KH/TU của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về thực hiện Chỉ thị 28-CT/TW, ngày 26/9/2013 của Ban Bí thư về công tác bảo đảm ATTT mạng, An Giang đã đạt được những kết quả đáng khích lệ trong công tác này.

Qua triển khai thực hiện Chỉ thị của Ban Bí thư và Kế hoạch của Tỉnh ủy về công tác bảo đảm an toàn thông tin mạng, nhận thức của các tổ chức đảng, đảng viên về công tác này đã được nâng lên; tình hình ATTT mạng trên địa bàn tỉnh nói chung và trong lực lượng Công an, quân sự, bộ đội biên phòng được đảm bảo, chủ động ngăn chặn các mối nguy cơ, đến thời điểm hiện tại chưa ghi nhận bất kỳ trường hợp mất ATTT. Cơ sở hạ tầng CNTT được đầu tư, trang bị tương đối đồng bộ và hiện đại, các ứng dụng CNTT được triển khai ứng dụng phục vụ có hiệu quả công tác lãnh đạo, chỉ huy, tác chiến, phòng chống tội phạm và nâng cao hiệu quả công tác bảo vệ an ninh quốc gia và bảo đảm trật tự an toàn xã hội trong tình hình hiện nay.

Công tác đảm bảo ATTT mạng trong các hoạt động ứng dụng CNTT của các cơ quan hành chính nhà nước, cơ quan đảng đã được các ngành, các cấp quan tâm chỉ đạo. Hầu hết ban, ngành, huyện, thị xã, thành phố đã thực hiện tốt quy chế ATTT nội bộ, trang bị máy tính dự thảo văn bản có tính bảo mật, phần mềm diệt virus có bản quyền. Cán bộ chuyên trách CNTT đã được đào tạo, tập huấn nâng cao kiến thức, kỹ năng trong công tác bảo đảm ATTT mạng tại các đơn vị. Đội ứng cứu ATTT máy tính gồm các thành viên công tác ở các cơ quan, đơn vị luôn có sự phối hợp chặt chẽ trong hoạt động. Công tác quản lý hạ tầng kỹ thuật CNTT, giám sát mạng ngày càng chặt chẽ, khoa học… Những kết quả đạt được là điều đáng khích lệ, biểu dương cho nỗ lực của các ngành chức năng và toàn hệ thống chính trị trong công tác đảm bảo ATTT mạng của tỉnh.
    


Tuy nhiên tình hình mất ATTT mạng vẫn diễn biến rất phức tạp, âm mưu, thủ đoạn “diễn biến hòa bình” của các thế lực thù địch là không thay đổi, song phương thức hoạt động chống phá có những chuyển biến mau lẹ, phức tạp, khó lường. Hoạt động tấn công mạng của các thế lực thù địch, tội phạm mạng sẽ ngày càng gia tăng, không chỉ dừng lại ở mục đích thu thập thông tin bí mật, mà còn phá hoại cơ sở dữ liệu, hạ tầng CNTT, thậm chí trở thành những loại vũ khí nguy hiểm, có sức tàn phá nặng nề, được sử dụng song hành cùng các loại vũ khí truyền thống một khi xung đột vũ trang xảy ra. Vì vậy để thực hiện tốt công tác đảm bảo ATTT mạng trong thời gian tới cần tiếp tục thực hiện đồng bộ, có hiệu quả các nhiệm vụ, giải pháp nêu trong Kế hoạch 64-KH/TU, Chỉ thị 28-CT/TW, Luật ATTT mạng năm 2015, các nội dung văn bản quy phạm pháp luật liên quan đến công tác bảo đảm ATTT mạng khác, trong đó chú trọng các nhiệm vụ trọng tâm trong công tác này như:

Tuyên truyền, bồi dưỡng kiến thức về ATTT mạng cho cán bộ, đảng viên và nhân dân nhằm tạo được sự chuyển biến sâu sắc trong nhận thức của các cấp ủy đảng, chính quyền, các đoàn thể từ tỉnh đến cơ sở về tầm quan trọng của công tác bảo đảm an toàn thông mạng. Gắn kết chặt chẽ giữa “xây” và “chống” trong công tác bảo đảm ATTT mạng, tạo sức đề kháng trước những luận điệu tuyên truyền, xuyên tạc, kích động, phá hoại của các thế lực thù địch và phần tử xấu. Kịp thời chủ động ứng phó với những nguy cơ tấn công, phá hoại từ không gian mạng. Phối hợp chặt chẽ giữa các sở, ban, ngành, đoàn thể, giữa Trung ương và địa phương, giữa tỉnh, huyện nhằm phát huy sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị và toàn dân trong công tác bảo đảm ATTT mạng.

Đội ngũ cán bộ chuyên viên phụ trách an toàn, an ninh thông tin tại các cơ quan, đơn vị cần được đào tạo, tập huấn chuyên sâu về an toàn, an ninh thông tin để có đủ năng lực, nâng cao chuyên môn đảm bảo hoàn thành tốt nhiệm vụ kiểm tra, rà soát, đánh giá mức độ đảm bảo ATTT cho hệ thống mạng nội bộ (LAN) gồm: Máy chủ, máy trạm, thiết bị mạng, phần cứng, phần mềm hệ thống và các hệ thống thông tin, phần mềm ứng dụng nhằm đánh giá tổng thể mức độ ATTT mạng, kịp thời phát hiện và xử lý sự cố, lỗ hổng, ngăn chặn, bóc gỡ mã độc tấn công vào hệ thống mạng của cơ quan, đơn vị mình phụ trách.

Xây dựng, ban hành quy chế về đảm bảo ATTT trong hoạt động nội bộ của cơ quan, đơn vị. Bố trí kinh phí thường xuyên cho việc đầu tư các giải pháp đảm bảo ATTT cho các hệ thống ứng dụng CNTT trọng yếu. Trong trường hợp xảy ra sự cố hoặc nguy cơ mất ATTT cần nhanh chóng cách ly hệ thống với môi trường mạng, áp dụng mọi biện pháp để khắc phục và hạn chế thiệt hại ở mức thấp nhất.

Tóm lại chủ quyền trên không gian mạng là bộ phận quan trọng không thể tách rời chủ quyền quốc gia dân tộc. Bảo vệ chủ quyền quốc gia trên không gian mạng là nhiệm vụ cấp bách, lâu dài của cả hệ thống chính trị, cần gắn kết chặt chẽ việc ứng dụng, phát triển CNTT với công tác bảo đảm ATTT mạng, sẵn sàng các biện pháp về tổ chức và kỹ thuật đối phó với các cuộc chiến tranh thông tin, chiến tranh mạng nhằm góp phần giữ vững an ninh thông tin, an ninh chính trị địa phương./.

Hải Lam

Tiến tới đại hội đảng
Dua-nghi-quyet-vao-cuoc-song
Giải phóng miền Nam
Số lần xem các bài viết
37151263