Truy cập hiện tại

Đang có 93 khách và không thành viên đang online

Thực tiễn - kinh nghiệm

An Giang: 10 năm thực hiện cuộc vận động "Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”

(TGAG)- 10 năm thực hiện cuộc vận động "Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” ở An Giang được triển khai ngày càng sâu rộng, có sức lan tỏa và tác động tích cực đến toàn xã hội. Với sự nỗ lực của Ban Chỉ đạo, cả hệ thống chính trị đã tạo sự chuyển biến về nhận thức của người tiêu dùng ưu tiên mua sắm hàng trong nước sản xuất.

Việc so sánh sản phẩm là hàng nội địa với hàng nước ngoài về chất lượng, giá cả đã xuất hiện nhiều trong tâm lý của người tiêu dùng khi mua sắm. Việc đề cao hàng ngoại đã có bước chuyển biến và giảm hơn trước. Nhận thức về ưu tiên mua sắm hàng trong nước sản xuất đã được đông đảo người tiêu dùng quan tâm. Hầu hết các cơ quan Nhà nước đều quán triệt và thực hiện nghiêm túc việc ưu tiên sử dụng hàng nội địa trong mua sắm, phục vụ hoạt động từ nguồn ngân sách.

Phó Chủ tịch UBMTTQVN tỉnh Nguyễn Thị Minh Nguyệt đúc kết: "Hiệu ứng của cuộc vận động đã tác động đến cộng đồng doanh nghiệp, doanh nhân và các tầng lớp nhân dân, có ý thức và trách nhiệm hơn trong việc sản xuất, tiêu dùng hàng hóa Việt Nam. Người dân và các cơ quan, đơn vị, các tổ chức nhận thức đầy đủ hơn về trách nhiệm, quyền lợi của mình đối với sản phẩm, hàng hóa sản xuất trong nước".


Hỗ trợ kết nối giao thương, cung cầu hàng hóa thúc đẩy tiêu thụ sản phẩm Việt

Ban chỉ đạo cuộc vận động tỉnh đã phát hành “Sổ tay người tiêu dùng” làm cẩm nang tuyên truyền. Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy phối hợp Sở Thông tin và Truyền thông định hướng cho các cơ quan báo chí tuyên truyền nâng cao nhận thức của người sản xuất và tiêu dùng. Liên đoàn Lao động tỉnh, Hội Nông dân, Sở Công thương... hỗ trợ doanh nhân nông thôn, kinh doanh trong lĩnh vực nông nghiệp, công nghiệp của tỉnh tham gia các hội chợ chuyên ngành.

Báo An Giang, Đài Phát thanh-Truyền hình An Giang tuyên truyền quảng bá thương hiệu, giới thiệu sản phẩm trong tỉnh, làm chuyển biến nhận thức của cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức, các tầng lớp nhân dân và các thành phần kinh tế. Đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức từ tỉnh đến cơ sở có ý thức hơn, thể hiện tính gương mẫu trong việc dùng hàng Việt, đồng thời tích cực tuyên truyền trong gia đình và nhân dân cùng thực hiện.

Theo bà Nguyệt, tỉnh ban hành nhiều cơ chế, chính sách khuyến khích doanh nghiệp và định hướng người tiêu dùng, tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp. Hỗ trợ doanh nghiệp phân phối, xúc tiến thương mại, mở rộng thị trường tiêu thụ hàng hóa. Hình thành 11 điểm bán hàng Việt Nam chất lượng cao từ nguồn ngân sách tỉnh tại 11 huyện, thị xã, thành phố. Tăng cường quản lý thị trường, kiểm tra, kiểm soát giá cả. Từ năm 2009 đến nay đã kiểm tra 46.560 vụ, phát hiện 12.998 vụ vi phạm, tổng số tiền thu phạt trên 76,5 tỷ đồng. Đồng thời, tăng cường xúc tiến thương mại, tạo điều kiện để doanh nghiệp tổ chức các hội chợ triển lãm, phiên chợ, kết nối giao thương tìm đầu ra cho sản phẩm, quảng bá thương hiệu, sản phẩm Việt tới người tiêu dùng.

Đặc biệt, từ năm 2009 đến nay, Sở Công thương, Trung tâm Xúc tiến Thương mại và Đầu tư phối hợp doanh nghiệp tổ chức 25 phiên chợ, 197 chuyến hàng Việt về nông thôn biên giới... thu hút hơn 455.000 lượt người dân đến tham quan mua sắm, doanh số bán hàng trên 43 tỷ đồng. Chương trình đã tạo điều kiện cho người dân nông thôn được tiếp cận và sử dụng ngày càng nhiều sản phẩm hàng Việt Nam chất lượng, giá cả hợp lý, phù hợp với thu nhập của người dân, giúp hàng hóa Việt Nam đứng vững trên thị trường nội địa.

Bà Nguyệt phân tích, tuy nhiên thực tế, cuộc vận động từng lúc, từng nơi thực hiện chưa thường xuyên; biện pháp thực hiện thiếu cụ thể, chưa tạo thành phong trào rộng khắp. Việc tổ chức đưa hàng Việt về nông thôn mỗi năm có nâng lên về số chuyến và doanh số bán hàng. Song, chưa có sự kết nối giữa doanh nghiệp trong tỉnh với các doanh nghiệp, hiệp hội, tập đoàn, tổng công ty nên chưa đa dạng hình thức tổ chức. Một số hàng hóa thương hiệu Việt còn thiếu sự cạnh tranh về mẫu mã, chất lượng sản phẩm... nên chưa tác động mạnh mẽ đến người tiêu dùng khi lựa chọn giữa hàng Việt Nam với hàng ngoại nhập. Công tác quản lý thị trường chưa thực sự chặt chẽ; hàng lậu, hàng không rõ nguồn gốc còn bày bán trên thị trường gây tâm lý e ngại cho người tiêu dùng và làm giảm sức mua đối với hàng Việt



Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lê Văn Nưng khẳng định Bộ Chính trị rất quan tâm cuộc vận động, liên quan đến vận mệnh kinh tế đất nước, an toàn thực phẩm. An Giang với 2,2 triệu dân, sản phẩm hàng hóa đa dạng, phong phú, việc nâng cao ý thức người dân, doanh nghiệp là rất quan trọng. Do đó, cần tập trung đổi mới phương pháp, nội dung tuyên truyền; mở nhiều cửa hàng cung cấp thực phẩm an toàn cho nhân dân; lực lượng bác sĩ tăng cường tuyên truyền về an toàn vệ sinh thực phẩm trên các phương tiện thông tin đại chúng hoặc tuyên truyền trực tiếp ngay lúc khám bệnh, tư vấn sức khỏe. Cần tăng cường tuyên truyền, công bố rộng rãi những sản phẩm của công ty, doanh nghiệp đạt tiêu chuẩn hàng Việt Nam chất lượng cao sản phẩm tiêu biểu của tỉnh để nhân dân biết và sử dụng. Xử lý nghiêm các trường hợp mua bán, hàng gian, hàng giả, hàng nhập lậu làm ảnh hưởng đến môi trường kinh doanh và sức khỏe người tiêu dùng, kịp thời biểu dương, khen thưởng những tập thể, cá nhân có thành tích xuất sắc trong thực hiện cuộc vận động…

Phó Chủ tịch kêu gọi, để người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam bản thân doanh nghiệp phải vươn lên, sản xuất hàng hóa chất lượng, sức cạnh tranh cao, đáp ứng nhu cầu tiêu dùng trong nước và xuất khẩu. Người dân cần tạo thói quen ưu tiên trong mua sắm, sử dụng hàng hóa thương hiệu Việt, xem đó là thể hiện tinh thần yêu nước, lòng tự hào, tự tôn dân tộc của người Việt Nam.

Bài, ảnh: HẠNH CHÂU
Tiến tới đại hội đảng
Dua-nghi-quyet-vao-cuoc-song
Giải phóng miền Nam
Số lần xem các bài viết
36704637