Truy cập hiện tại

Đang có 127 khách và không thành viên đang online

Thực tiễn - kinh nghiệm

Tân Châu: Qua 3 năm thực hiện Nghị quyết 09 của Tỉnh ủy về ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất nông nghiệp

(TGAG)- Thực hiện Nghị quyết 09 của Tỉnh ủy về “Phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao giai đoạn 2012 - 2020 và tầm nhìn đến năm 2030”. Với lợi thế là một vùng đất đầu nguồn sông Tiền, Thị ủy, UBND thị xã Tân Châu đã triển khai sâu rộng từ trong hệ thống chính trị, đến các tầng lớp Nhân dân trên địa bàn về việc ứng dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật vào đồng ruộng theo hướng công nghệ cao.


Đến nay, nhiều nông dân đã mạnh dạn thực hiện mô hình làm ăn có hiệu quả, đầu tư chuyển đổi giống cây trồng - vật nuôi phù hợp với điều kiện, thổ nhưỡng, gắn với định hướng thị trường tiêu thụ, qua đó góp phần vào việc ổn định đời sống người nông dân và phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.

Qua hơn 3 năm triển khai thực hiện Nghị quyết 09 của Tỉnh ủy, thị xã Tân Châu đã thực hiện được nhiều mô hình trên các lĩnh vực trồng trọt, chăn nuôi và thủy sản, bước đầu đã xác định được mô hình cho hiệu quả cao như: mô hình trồng rau trong nhà lưới giá rẻ, trồng nấm rơm trong nhà, mô hình nuôi lươn trong bễ không bùn, mô hình thí điểm chuỗi liên kết sản xuất - tiêu thụ lúa Nhật tại 2 xã Châu Phong và Lê Chánh với diện tích trên 100 hécta. Chỉ tính riêng trong năm 2015, đã có trên 91% nông dân sử dụng giống lúa chất lượng cao, trên 98% thực hiện chương trình “3 giảm, 3 tăng”, 59,8% thực hiện chương trình “1 phải, 5 giảm” và trên 99% diện tích lúa nông dân thu hoạch bằng máy cơ giới gặt đập liên hợp.

Đối với nhóm sản phẩm rau màu, đặc biệt là mô hình nhà lưới, đã được bà con nông dân quan tâm đầu tư thực hiện. Hiện nay, trên địa bàn thị xã có 05 mô hình nhà lưới với tổng diện tích trên 1 hécta, trong đó 02 nhà màng ứng dụng công nghệ cao chuyên ươm cây giống với tổng diện tích gần 1 hécta tại xã Phú Vĩnh và phường Long Châu với tổng sản lượng cây giống xuất bán trong năm 2015 là 8 triệu cây và 02 nhà lưới giá rẻ trồng rau ăn lá với tổng diện tích 0,12 hécta tại xã Châu Phong. Điển hình tại mô hình nhà lưới vườn ươm cây giống của hộ ông Lưu Văn Nhanh, xã Phú Vĩnh, với diện tích 0,7 hécta, ông đã đầu tư nâng cấp thành hệ thống nhà màng kiểu mái hở cố định 1 bên, với hệ thống tưới phun tự động, quạt thông gió, ứng dụng cơ giới hóa trong khâu ươm trồng (máy vô đất, máy gieo hạt). Theo thống kê, sản lượng cây giống trong 11 tháng đầu năm, ước đạt 5 triệu cây (rau ăn lá, rau ăn quả các loại), mang lợi nhuận 60 đồng/cây giống. Còn đối với vườn ươm của hộ ông Cù Văn Ni, phường Long Châu, có diện tích 0,2 hécta, trong đó có 1000m2 nâng cấp thành nhà màng kiểu mái hở cố định 01 bên với hệ thống tưới phun bán tự động, sản lượng cây giống trong 11 tháng đầu năm ước đạt 3 triệu cây, lợi nhuận từ 20 - 30 đồng/cây giống.

Có thể nói, đây là 2 cơ sở vườn ươm đã có thương hiệu trên địa bàn thị xã Tân Châu. Hàng năm 2 cơ sở này đã cung cấp hàng chục triệu cây giống chất lượng cao cho bà con nông dân trong và ngoài thị xã, khi nông dân thực hiện chuyển đổi mô hình từ lúa sang màu. Ngoài ra, trong năm qua, Chi cục bảo vệ thực vật tỉnh còn phối hợp với Trạm BVTV thị xã thực hiện hỗ trợ 02 mô hình nhà lưới giá rẻ trồng rau ăn lá tại hộ ông Lê Hoàng Sang (diện tích 700 m2) và hộ ông Trần Thanh Bình (diện tích 500 m2) xã Châu Phong, bước đầu đã giúp nông dân giảm chi phí đầu tư sản xuất, đem lại hiệu quả kinh tế cao, hiện tại mô hình này đang được Trạm bảo vệ thực vật triển khai nhân rộng.

Về mô hình sản xuất chăn nuôi bò, nuôi heo, nuôi vịt, nuôi gà,... đã được nông dân áp dụng thực hiện trên đệm lót an toàn sinh học, sử dụng túi biogas, giảm thiểu tình trạng ô nhiễm môi trường, hướng đến mô hình chăn nuôi sạch. Tính đến nay, trên địa bàn thị xã đã duy trì 7 mô hình sử dụng chế phẩm Balasa N01 tạo đệm lót lên men trong chăn nuôi heo; 143 công trình thực hiện mô hình Biogas; 4 mô hình chăn nuôi gà, nuôi vịt trên đệm lót sinh học; trên 100 hécta diện tích trồng cỏ kết hợp chăn nuôi bò. Đặc biệt là việc chăn nuôi lươn giống, lươn thương phẩm đang phát triển rất mạnh, tập trung nhiều nhất ở các xã Tân An, Tân Thạnh, Long An,... đây là mô hình đã được duy trì phát triển nhiều năm nay, vừa giải quyết công ăn việc làm, vừa tăng thêm thu nhập cho bà con nông dân. Còn đối với nhóm sản phẩm nấm ăn như: mô hình trồng nấm rơm trong nhà, nấm bào ngư và các loại nấm khác đang được nông dân thực hiện rộng rãi, trong năm đã có 05 mô hình trồng nấm rơm trong nhà, chủ yếu tại xã Long An, Vĩnh Xương, Tân Thạnh và phường Long Châu với tổng diện tích gần 400 m2. Ngành chức năng cũng tổ chức nhiều lớp tập huấn, hội thảo hướng dẫn nâng cao kiến thức, kỹ thuật chăm sóc; tổ chức 16 mô hình trình diễn, 213 cuộc hội thảo, tham quan với gần 18.000 lượt nông dân tham dự, trong đó, mô hình trình diễn so sánh giống lúa triển vọng, mô hình trồng lúa áp dụng “1 Phải, 5 Giảm”, mô hình thực hành IPM, mô hình chăn nuôi gia cầm trên đệm lót sinh học, mô hình so sánh các giống cỏ năng suất cao và mô hình nuôi lươn không bùn thâm canh.

Cùng với việc sản xuất nông nghiệp, thì việc phát triển làng nghề truyền thống ứng dụng công nghệ cao cũng được bà con trên địa bàn thị xã áp dụng, như làng nghề lụa Tân Châu, chiếu uzu Tân Châu Long, thổ cẩm làng Chăm. Hiện tại các làng nghề đã được cải tiến mẫu mã theo hướng công nghệ, từ thực hiện quy trình thủ công đã sang thực hiện máy móc. Đây là làng nghề truyền thống, các sản phẩm của làng nghề thời gian qua cũng đã được đưa vào các hội chợ triển lãm trong và ngoài nước quảng bá hình ảnh, đồng thời kết hợp với du lịch, giúp phát triển các dịch vụ, chủ cơ sở đẩy mạnh quảng bá thương hiệu, tạo thêm công ăn việc làm cho người dân.

Tính đến nay, thị xã Tân Châu đã thực hiện được 6 vùng quy hoạch công nghệ cao gồm: Vùng lúa chất lượng cao của 3 xã Long An, Tân An và Tân Thạnh; vùng rau màu của 2 xã Châu Phong, Long An; vùng trồng hoa kiểng của phường Long Phú và xã Phú Vĩnh; vùng xoài thơm Vĩnh Hòa; vùng chăn nuôi bò của 3 xã Vĩnh Hòa, Tân Thạnh và xã Châu Phong; vùng chăn nuôi thủy sản của xã Vĩnh Hòa, xã Vĩnh Xương. Trong đó, vùng lúa chất lượng cao, xoài thơm Vĩnh Hòa, trồng hoa kiểng được UBND tỉnh An Giang phê duyệt.


Bên cạnh, những thành tựu đạt được về ứng công nghệ cao trong sản xuất nông nghiệp, trên địa bàn thị xã trong những năm qua vẫn còn nhiều hạn chế, khó khăn. Nhất là, diện tích đất sản xuất nông nghiệp của nông dân còn manh mún, nhỏ lẻ, chưa theo hướng bền vững; việc liên kết sản xuất – tiêu thụ sản phẩm giữa nông dân và doanh nghiệp còn thụ động; hệ thống cơ chế, chính sách còn thiếu, chưa phù hợp để khuyến khích phát triển sản xuất và tiêu thụ nông sản chất lượng cao; việc hỗ trợ vốn sản xuất cho nông hộ còn hạn chế.

Với mục tiêu phấn đấu đến năm 2020 có 10% diện tích ứng dụng công nghệ cao và đến năm 2030 đạt 30% diện tích. Trong thời gian tới, thị xã Tân Châu sẽ tiếp tục thực hiện và phát triển vùng quy hoạch sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao như: vùng lúa chất lượng cao, vùng rau màu, thủy sản, chăn nuôi, hoa, cây kiểng và vùng xoài thơm Vĩnh Hòa. Đặc biệt là, chọn những giống cây - con phù hợp điều kiện tự nhiên của địa phương, vừa có giá trị và đáp ứng nhu cầu thị trường; đẩy mạnh nghiên cứu, ứng dụng chuyển giao công nghệ, công tác đào tạo, thu hút nguồn nhân lực; tiếp tục triển khai thực hiện các chính sách từ các Sở, Ngành tỉnh phục vụ phát triển 08 gói sản phẩm nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, đáp ứng yêu cầu phát triển thực tế địa phương.

Những kết quả đạt được trong những năm qua, cùng với những giải pháp, mục tiêu đã đề ra. Tin rằng, việc ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất nông nghiệp theo Nghị quyết 09 của Tỉnh ủy, sẽ là đòn bẩy để đưa nền nông nghiệp của Tân Châu phát triển theo hướng bền vững, quy mô và chất lượng hơn, góp phần phát triển kinh tế - xã hội, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho người nông dân ở vùng đầu nguồn sông Tiền./.

Bài, ảnh: Văn Phô
Tiến tới đại hội đảng
Dua-nghi-quyet-vao-cuoc-song
Giải phóng miền Nam
Số lần xem các bài viết
36723608