Truy cập hiện tại

Đang có 163 khách và không thành viên đang online

Thực tiễn - kinh nghiệm

Huyện Phú Tân nhân rộng mô hình nuôi bò lai theo hướng công nghệ cao

(TGAG)- Trong những năm qua, Mô hình nuôi bò ở Phú Tân là một trong những hướng làm ăn mới có sự lan tỏa nhanh chóng. Trên cơ sở phát triển đàn bò hiện có, huyện còn thực hiện chương trình nuôi bò giảm nghèo và hỗ trợ các hộ nuôi nâng cao chất lượng đàn bò theo hướng nuôi bò lai công nghệ cao.

Để thúc đẩy chương trình phát triển đàn bò lai theo hướng nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, UBND huyện Phú Tân đã hỗ trợ tiền vận chuyển mua bò giống ở Bến Tre về địa phương đối với 200 con bò thịt và 100 con bò giống đầu tiên, với tổng số tiền trên 90 triệu đồng. Ngoài ra, huyện còn hỗ trợ cho vay không lãi suất trong 2 năm đầu tiên (định mức 10 triệu đồng/con bò giống) và hỗ trợ 200 ngàn đồng/con với lần phối giống đầu tiên cho mỗi con bò cái gieo tinh, tổng kinh phí hỗ trợ trên 1 tỷ đồng. Trong chương trình này, huyện đã tổ chức và mua bò về địa phương được 8 đợt, có tổng cộng 159 bò lai cao sản (Red Angus) phục vụ mục đích cải tạo chất lượng đàn bò địa phương, tạo nền phát triển đàn bò lai cao sản trên địa bàn.

Đồng thời, nhằm hỗ trợ kiến thức trong việc nuôi dưỡng đàn bò tại địa phương, nhất là đàn bò lai, Trạm Thú y huyện đã tổ chức nhiều lớp tập huấn cho nông dân về kỹ thuật chăn nuôi bò, phương pháp làm đá khối liếm, rơm ủ urê, cách thức sử dụng thức ăn tinh, đặc biệt là công tác tiêm phòng vaccine để hạn chế dịch bệnh, góp phần nâng cao năng suất và hiệu quả chăn nuôi.

Trạm Thú y huyện Phú Tân cho biết, do có những khó khăn nhất định như chuồng trại, nơi chăn thả, điều kiện địa phương chưa phát huy hết tiềm năng, nên số lượng đàn bò tương đối thấp so với các huyện khác. Tuy nhiên, những năm gần đây, do thấy được hiệu quả kinh tế từ việc chăn nuôi bò vỗ béo ở mức ổn định, hơn nữa bò là loài gia súc dễ nuôi, ít dịch bệnh nên xu hướng người dân chuyển sang nuôi bò ngày càng nhiều. Từ cuối năm 2013 đến nay, đàn bò trong huyện liên tục tăng (từ 3.600 con lên 5.000 con, tỷ lệ tăng 36,18% trong vòng 2 năm), tập trung chủ yếu ở các xã: Tân Trung, Bình Thạnh Đông, Hòa Lạc, Phú Bình… Giống bò chủ yếu được bà con nuôi hiện tại là bò lai Sind, lai Brahman, sau thời gian nuôi từ 4 đến 12 tháng thì bán cho thương lái. Anh Nguyễn Văn Vũ Phương ở xã Tân Trung, khởi nghiệp với 2 con bò, mỗi năm góp vốn tăng lên số lượng 2 con, theo hình thức nuôi bò thịt kết hợp trồng bắp thu trái non, anh thu về lợi nhuận trên 68 triệu đồng. Còn gia đình anh Tường ở xã Phú Hưng, nuôi bò lai hơn 1 năm nay, sau khi xuất bán được một đợt đúc kết: “Nuôi bò xem như nghề phụ mà đem lại thu nhập chính. Mỗi ngày chỉ cắt cỏ và vệ sinh chuồng trại sạch sẽ chứ không mất nhiều thời gian, xem như làm thêm lúc nhàn rỗi. Giống bò lai ít bệnh, đợt nuôi đầu tiên, giá bán 1 con lời 10 triệu đồng. Năm nay, anh em tôi hùn vốn mở rộng đàn lên 12 con”. Tận dụng đất sau nhà 2,5 công để trồng cỏ làm nguồn thức ăn cho bò, anh cho biết vẫn không đủ đáp ứng, phải mua thêm cỏ từ các hộ lân cận. Anh chỉ rõ, so với giống bò thường nuôi phổ biến ở địa phương trước kia, bò lai có dáng khỏe khoắn, ít bệnh, thương lái mua cao hơn.

Theo ông Nguyễn Minh Đức - Chủ tịch Hội Nông dân huyện Phú Tân cho biết, nuôi bò vỗ béo là một trong những mô hình hiệu quả tiêu biểu của huyện, trong đó, xã Tân Trung có nhiều hộ nuôi bò nhiều nhất, chiếm đến 70% số lượng đàn bò toàn huyện. Thời gian qua, Hội đã ghi nhận sự chuyển biến kinh tế rõ rệt từ các hộ chăn nuôi, nhất là nuôi bò thịt. Đặc thù là vùng đất cồn phát triển cây màu và phần nhỏ diện tích trồng lúa nếp, nông dân ở đây tận dụng đất trồng cỏ nuôi bò, kết hợp trồng bắp thu trái non để mở rộng chuồng trại. Giống bò lai được đánh giá tăng trọng nhanh, bê con sinh ra trọng lượng sơ sinh lớn và dễ chăm sóc, nuôi dưỡng nên Hội cũng đã xác định sẽ tham gia hỗ trợ nông dân về kỹ thuật, vốn trong năm 2016 để tiếp tục phát triển vùng nuôi theo hướng công nghệ cao.

Nguyễn Thắng
(Đài TT Phú Tân)
Tiến tới đại hội đảng
Dua-nghi-quyet-vao-cuoc-song
Giải phóng miền Nam
Số lần xem các bài viết
37118193