Truy cập hiện tại

Đang có 134 khách và không thành viên đang online

Thực tiễn - kinh nghiệm

Những mô hình hiệu quả của các cấp Hội Phụ nữ trong thời gian qua

(TGAG)- Những năm qua, các cấp Hội trong tỉnh đã tích cực thực hiện có hiệu quả phong trào thi đua “Phụ nữ tích cực học tập, lao động sáng tạo, xây dựng gia đình hạnh phúc”; các nhiệm vụ trọng tâm của Hội gắn với học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh; Cuộc vận động “Xây dựng gia đình 5 không, 3 sạch”, phong trào “Phụ nữ cả nước chung tay xây dựng nông thôn mới”... Thông qua phong trào và các cuộc vận động của Hội đã được các tầng lớp phụ nữ trong tỉnh hưởng ứng tham gia.

Toàn tỉnh hiện có 124 mô hình, với 111.550 thành viên tham gia, trên 4 nhóm: kinh tế, văn hóa - xã hội, an ninh - quốc phòng, xây dựng tổ chức và tập hợp hội viên, cụ thể với những mô hình hoạt động có hiệu quả sau:

Mô hình “Tổ phụ nữ may công nghiệp” tại xã Thạnh Mỹ Tây, huyện Châu Phú. Năm 2013 “Tổ phụ nữ may công nghiệp” được thành lập với 30 thành viên, được Trung ương Hội hỗ trợ vốn, trang bị gồm: 08 chiếc máy may công nghiệp, kinh phí 100 triệu đồng, Hội Phụ nữ huyện đã hỗ trợ cho vay 10 triệu đồng. Thu nhập bình quân đối với lao động thực hiện công đoạn may từ 2 triệu - 5 triệu đồng/tháng, công đoạn cắt 3 triệu - 5 triệu đồng/ tháng, công đoạn ủi hột từ 1,5 triệu - 3,5 triệu đồng/tháng đã giúp cho chị em phụ nữ có được việc làm ổn định, tăng thu nhập cho gia đình.

Ngoài ra, Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh hỗ trợ thành lập nhiều tổ hợp tác hoạt động có hiệu quả như: “Tổ hợp tác chăn nuôi bò thịt” tại ấp Long Thuận, xã Long Điền A (Chợ Mới), “Tổ hợp tác trồng nấm rơm” tại xã Vĩnh Lộc (An Phú).

Thực hiện “Tạo chuyển biến mới về chất lượng, hiệu quả vận động, hỗ trợ phụ nữ phát triển sản xuất, thực hành tiết kiệm, giảm nghèo bền vững” do Trung ương Hội phát động. Các cấp Hội đã thành lập các mô hình với nhiều hình thức như: Xây dựng các tổ hùn vốn xoay vòng, tiết kiệm tại chi, tổ Hội, tiết kiệm từ nguồn vay tín chấp Ngân hàng Chính sách xã hội, vận động từ nguồn vốn nhàn rỗi của phụ nữ giàu, khá giúp phụ nữ nghèo... Các mô hình trên được hình thành đều khắp ở các huyện, thị, thành phố. Điển hình như: Thoại Sơn với mô hình “Hùn vốn bằng vàng” để mua đất sản xuất, cất nhà, cưới gả con... Chợ Mới mô hình “Hùn vốn xoay vòng”, Tịnh Biên với mô hình “Tiết kiệm mua cổ phần”... giúp các chị em khó khăn vay vốn để sản xuất, mua bán nhỏ; mô hình “Tổ phụ nữ tiết kiệm” từ nguồn vay tín chấp của Ngân hàng Chính sách xã hội, mỗi thành viên của tổ tiết kiệm mỗi tháng 20.000 đồng/tháng/hội viên gửi cho tổ quản lý. Đến hạn trả lãi, vốn ngân hàng nếu hộ nào không có đủ tiền hoặc khó khăn, tổ sẽ xét cho hội viên mượn trả nợ. Hộ được giúp có trách nhiệm hoàn trả lại dần cho tổ để tổ giúp các thành viên khác trong tổ. Từ cách làm này đã góp phần giảm tỷ lệ nợ quá hạn của các huyện trong thời gian qua, nhiều chị em phụ nữ được Hội giúp vốn đã vươn lên có cuộc sống ổn định, tích cực lao động sản xuất để thoát nghèo.

Cuộc vận động xây dựng “Gia đình 5 không, 3 sạch” gắn với việc thực hiện các tiêu chí xây dựng nông thôn mới, các cấp Hội đã tăng cường công tác tuyên truyền cho người dân, phụ nữ hiểu rõ về 8 tiêu chí của cuộc vận động 5 không, 3 sạch, mối quan hệ giữa 8 tiêu chí gắn với 19 tiêu chí xây dựng nông thôn mới. Đến nay đã xuất hiện nhiều mô hình như: “Thẳng rào, cờ đẹp, nhà sạch, văn minh” tại xã Kiến Thành, Long Điền B... (Chợ Mới); “Đoạn đường không rác” tại thị xã Tân Châu; Tổ “Phụ nữ không sinh con thứ ba”; Câu lạc bộ “Nuôi con bằng sữa mẹ”; Mô hình “Mẹ và con gái vị thành niên”... là các mô hình hiệu quả thu hút nhiều phụ nữ tham gia.

Các hoạt động liên tịch giữa Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh và Bộ đội Biên phòng trong công tác bảo vệ chủ quyền, an ninh biên giới của tỉnh. Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh đã chỉ đạo các huyện, thị, thành tăng cường giao lưu, kết nghĩa với các Đồn Biên phòng, tổ chức, thăm hỏi, tặng quà cho cán bộ, chiến sỹ ở các đồn biên phòng đang làm nhiệm vụ nhân dịp lễ, tết. Từ hoạt động này, đã xuất hiện nhiều mô hình hiệu quả góp phần giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội ở khu vực biên giới.

Điển hình như mô hình “Tổ phụ nữ tham gia giữ gìn và bảo vệ an ninh biên giới” tại các xã của 05 huyện biên giới Tri Tôn, An Phú, Tân Châu, Châu Đốc, Tịnh Biên từ năm 2012 đến nay, đã thành lập được 24 tổ với 320 thành viên. Hằng tuần, tháng, các thành viên trong tổ phối hợp với cán bộ, chiến sỹ của Đồn biên phòng, Công an tham gia tuần tra đường biên, cột mốc, đồng thời, tổ chức tuyên truyền cho các chị em trong tổ chức Hội cũng như nhân dân trong xã hiểu rõ về ý nghĩa, tầm quan trọng của việc bảo vệ chủ quyền an ninh biên giới quốc gia. Hằng năm vào dịp tết cổ truyền, các chị phối hợp với các Đồn biên phòng tổ chức hoạt động “gói bánh tét mừng xuân” để tặng cho các đồn biên phòng trên địa bàn.

Tổ “Phụ nữ giữ gìn đường biên, cột mốc biên giới” đã có những đóng góp thiết thực quan trọng vào công tác bảo vệ chủ quyền, an ninh biên giới, từ đó huy động sức mạnh toàn dân tham gia vào phong trào quần chúng tự quản đường biên, cột mốc và giữ gìn an ninh trật tự khóm, ấp khu vực biên giới...

Từ những mô hình trên, đã góp phần tạo việc làm, tăng thu nhập giúp phụ nữ nghèo, cận nghèo thoát nghèo bền vững, phát huy tinh thần tương thân tương ái nhằm tương trợ, giúp đỡ lẫn nhau để vươn lên làm giàu chính đáng, xây dựng gia đình hạnh phúc. Cũng qua các mô hình, đã giúp Hội cơ sở tập hợp, thu hút các tầng lớp phụ nữ vào tổ chức, giúp cho công tác tuyên truyền chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước được sâu rộng trong các tầng lớp phụ nữ.

NGUYỄN THỊ HAI
TUV, Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh
Tiến tới đại hội đảng
Dua-nghi-quyet-vao-cuoc-song
Giải phóng miền Nam
Số lần xem các bài viết
37127279