Truy cập hiện tại

Đang có 198 khách và không thành viên đang online

Tình hình Việt Nam tham gia hợp tác ASEAN

(TGAG)- Với phương châm chủ động, tích cực và có trách nhiệm, Việt Nam tham gia đầy đủ, hoàn thành nghiêm túc các cam kết và đóng góp hiệu quả trên tất cả các lĩnh vực hợp tác của ASEAN. Việt Nam đã chủ động thúc đẩy tăng cường đoàn kết, thống nhất và vai trò trung tâm của ASEAN trong việc xử lý những thách thức lớn nảy sinh ở khu vực, nhất là trong vấn đề Biển Đông trong đó có Tuyên bố riêng về Biển Đông của các Bộ trưởng Ngoại giao ASEAN ngày 10/5/2014 (lần đầu tiên kể từ Tuyên bố năm 1992); thúc đẩy thực hiện DOC và xây dựng COC. Việt Nam là một trong số các thành viên ASEAN đạt tỷ lệ cao hoàn thành các dòng hành động trong Lộ trình xây dựng Cộng đồng ASEAN (2009-2015), trong đó:

Về kinh tế, Việt Nam tích cực đóng góp thúc đẩy liên kết kinh tế, là một trong ba nước đạt tỷ lệ cao nhất thực hiện các biện pháp xây dựng Cộng đồng Kinh tế ASEAN (84,5%). Việt Nam cũng tích cực đóng góp thúc đẩy hợp tác kinh tế sâu rộng hơn với các đối tác, trong đó đảm nhiệm tốt vai trò điều phối hoàn tất đàm phán dịch vụ ASEAN-Nhật Bản, tích cực tham gia đàm phán Hiệp định Đối tác Kinh tế toàn diện khu vực (RCEP) và là chủ tọa Nhóm Đầu tư về phía ASEAN trong đàm phán đầu tư.

Về chính trị - an ninh, Việt Nam tích cực tham gia triển khai 14 lĩnh vực ưu tiên trong Kế hoạch tổng thể xây dựng Cộng đồng Chính trị-an ninh ASEAN, nhận chủ trì 04 dòng hành động của trụ cột Cộng đồng Chính trị-an ninh ASEAN. Ta đã chủ trì tổ chức thành công Diễn đàn Biển ASEAN (AMF) và Diễn đàn Biển ASEAN Mở rộng (EAMF) (Đà Nẵng, 27-28/8/2014 nhằm thúc đẩy hợp tác biển, tăng cường vai trò và đóng góp của diễn đàn đối với hòa bình, ổn định, an ninh, an toàn và tự do hàng hải trong khu vực.

Về văn hóa - xã hội, Việt Nam đã chủ động đề xuất sáng kiến, tích cực thúc đẩy hợp tác trong các lĩnh vực như: an sinh xã hội môi trường và biến đổi khí hậu quản lý thiên tai, thúc đẩy và bảo vệ quyền của lao động di cư... Việt Nam đã chủ trì tổ chức thành công nhiều sự kiện quan trọng như Hội nghị Bộ trưởng phụ trách Văn hóa Nghệ thuật ASEAN lần thứ 6 (4/2014), Hội nghị Bộ trưởng Y tế ASEAN lần thứ 12 và các hội nghị liên quan (9/2014) Hội nghị đánh giá giữa kỳ Chương trình làm việc của các Bộ trưởng Lao động ASEAN (ALM-WP) giai đoạn 2010-2015, Hội thi tay nghề ASEAN (tháng 10/2014).

Bên cạnh đó Việt Nam tích cực tham gia triển khai Kế hoạch Tổng thể về Kết nối (MPAC) và Sáng kiến Liên kết ASEAN (AIA); vận động các nước đối tác tham gia và hỗ trợ thực hiện.

Năm 2014, Việt Nam cũng tích cực thúc đẩy công tác tuyên truyền về Cộng đồng ASEAN, như lập cổng làm thủ tục xuất nhập cảnh riêng cho công dân các nước ASEAN tại các sân bay quốc tế của Việt Nam; Tổ chức thường niên cuộc thi Tem bưu chính ASEAN; Tổ chức thi tìm hiểu về ASEAN (ASEAN Quiz); tổ chức “Những Ngày đại đoàn kết ASEAN" diễn ra tại Làng văn hóa - Du lịch các dân tộc Việt Nam.

Việt Nam đóng góp tích cực vào việc thúc đẩy quan hệ sâu rộng hơn với các đối tác đối thoại và duy trì vai trò trung tâm của ASEAN ở khu vực; vận động các đối tác đối thoại đóng góp, hỗ trợ triển khai các trọng tâm, ưu tiên của ASEAN, nhất là tiến trình xây dựng Cộng đồng. Việt Nam đã đề xuất sáng kiến và chủ trì tổ chức thành công cuộc họp SOM đặc biệt về vai trò trung tâm của ASEAN và định hướng chiến lược về cấu trúc khu vực trong tương lai (Hà Nội, tháng 6/2014), được các nước ASEAN đánh giá là kịp thời trong bối cảnh ASEAN đang chịu tác động mạnh mẽ từ những diễn biến khu vực và quốc tế phức tạp và khó lường.

Trong năm 2015, Việt nam sẽ tập trung vào các trọng tâm, ưu tiên sau:

Thứ nhất, tích cực thúc đẩy hình thành Cộng đồng ASEAN 2015, trong đó thực hiện các chương trình/kế hoạch về xây dựng Cộng đồng ASEAN 2015, rà soát để điều chỉnh các quy định trong nước cho phù hợp với cam kết trong ASEAN, tăng cường công tác tuyên truyền về Cộng đồng ASEAN để người dân hiểu về ASEAN cũng như vai trò và vị thế của Việt Nam trong ASEAN.

Thứ hai, chủ động tham gia xây dựng Tầm nhìn Cộng đồng ASEAN sau 2015 và các Kế hoạch Tổng thể triển khai Tầm nhìn trên cả 3 trụ cột: Cộng đồng Chính trị - An Ninh, Cộng đồng Kinh tế và Cộng đồng Văn hóa - Xã hội.

Thứ ba, tăng cường đoàn kết, thống nhất và vai trò trung tâm của ASEAN trong việc duy trì hòa bình ổn định, an ninh và hợp tác ở khu vực.

Thứ tư, góp phần thúc đẩy quan hệ đối ngoại của ASEAN, trong đó sẽ tiếp tục thực hiện tốt vai trò nước điều phối quan hệ đối thoại ASEAN-EU (7/2012-7/2015); chuẩn bị và đảm nhiệm vai trò nước điều phối quan hệ đối thoại ASEAN-Ấn Độ (7/2015-7/2018).

Thứ năm, tăng cường bộ máy và cơ chế phối hợp giữa các bộ ngành của Việt Nam tham gia hợp tác ASEAN, chuẩn bị cho Cộng đồng ra đời và giai đoạn phát triển sau đó.

Thứ sáu, đẩy mạnh quá trình cải cách hành chính, tái cơ cấu nền kinh tế, tăng cường cơ sở hạ tầng, phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao để nâng cao tiềm lực quốc gia cho hội nhập.

Thứ bảy, giữ vững ổn định chính trị, xã hội, tăng cường hợp tác đa phương với các nước, các tổ chức ngoài khối ASEAN để mở rộng môi trường thu hút đầu tư, hợp tác phát triển.

Thứ tám, quan tâm đúng tầm một số lĩnh vực mà Việt Nam có thế mạnh để hội nhập ASEAN, trong đó lưu ý tới nông nghiệp công nghệ cao, khuyến khích phát triển du lịch gắn với bảo tồn phát triển văn hóa dân tộc./.

Phòng TTCTTG (tổng hợp)
Tiến tới đại hội đảng
Dua-nghi-quyet-vao-cuoc-song
Giải phóng miền Nam
Số lần xem các bài viết
37028617