Truy cập hiện tại

Đang có 141 khách và không thành viên đang online

Việt Nam-Nhật Bản tăng cường hợp tác nông nghiệp

(TGAG)- Một báo cáo gần đây của Công ty tư vấn đầu tư Seiko Ideas Corp (Nhật Bản) về tác động của TPP đến nền kinh tế Nhật Bản và hợp tác nông nghiệp giữa Nhật Bản và Việt Nam cho biết, Nhật Bản đang đẩy mạnh mở rộng các dự án đầu tư trong lĩnh vực nông - lâm - thủy sản tại Việt Nam, do sức ép của TPP. Cụ thể, khi tham gia TPP, Nhật Bản phải mở cửa hầu như hoàn toàn ngành nông nghiệp cho các nước thành viên TPP, thậm chí đối với cả các mặt hàng nông nghiệp nhạy cảm nhất. Do vậy, các sản phẩm nông nghiệp của Nhật Bản sẽ phải cạnh tranh khốc liệt về giá với các sản phẩm cùng loại nhập khẩu từ các nước TPP khác. Trong khi đó, quy mô sản xuất nông nghiệp của Nhật Bản lại khá hạn chế.

Báo cáo của Seiko Ideas nêu rõ: “Nhật Bản đã quyết định đẩy mạnh các dự án đầu tư vào nông nghiệp Việt Nam, vì Việt Nam cũng là nước thành viên TPP, với tiềm năng sản xuất nông nghiệp rất lớn… Khi sản xuất tại Việt Nam, doanh nghiệp Nhật Bản sẽ xuất khẩu nông sản ngược lại Nhật Bản để hưởng mức thuế nhập khẩu 0%. Đồng thời, các doanh nghiệp Nhật Bản có thể đáp ứng được điều kiện quy định trong TPP là các sản phẩm xuất khẩu phải có 70% hàm lượng nguyên liệu xuất xứ từ nội khối TPP”.

Báo cáo cũng nhận định: Trong khi Nhật Bản cần một đối tác chủ chốt để phát triển hợp tác nông nghiệp, thì Việt Nam cũng đang rất cần có đối tác lớn để hợp tác trong lĩnh vực này, vì Việt Nam có tiềm năng nông nghiệp rất lớn so với các nước thành viên khác của TPP.

Tổ chức Hợp tác quốc tế Nhật Bản (JICA) cho biết, JICA sẽ tăng cường hỗ trợ Việt Nam trong việc phát triển ngành nông nghiệp thông qua nhiều loại hình dự án do các doanh nghiệp Nhật Bản đầu tư. Theo JICA, hiện nay, số lượng doanh nghiệp Nhật Bản muốn thực hiện các dự án nông - thủy sản tại Việt Nam ngày càng tăng. Rất nhiều doanh nghiệp Nhật Bản đang triển khai các dự án khảo sát thị trường tại Việt Nam, trước khi tiến hành đầu tư trực tiếp tại đây.

Cụ thể như: Tập đoàn Kato đang hợp tác với tỉnh Bình Định trong việc thực hiện một dự án trị giá 771.000 USD về đánh bắt cá ngừ, kéo dài từ nay đến năm 2020. Công ty Shudensha cũng đang triển khai một dự án trị giá 820.000 USD nhằm cải thiện chất lượng nước nuôi trồng thủy sản. Dự án này được thực hiện từ năm 2015 và kéo dài đến năm 2020. Nhiều doanh nghiệp khác của Nhật Bản cũng đang thực hiện dự án hỗ trợ các địa phương tại Việt Nam. Cuối năm nay, Công ty OTA Kaki sẽ hoàn thành dự án phát triển thị trường hoa chất lượng cao, với hệ thống phân phối hiệu quả tại tỉnh Lâm Đồng. OTA Kaki phối hợp với UBND tỉnh Lâm Đồng để thực hiện dự án này. Cũng tại Lâm Đồng, Công ty Nikko Foods đang thực hiện dự án trị giá 820.000 USD về phát triển cà chua chất lượng cao.

Theo tính toán của các chuyên gia Nhật Bản, cà chua do nông dân Việt Nam sản xuất có giá bán tại các chợ là 8.000 - 10.000 đồng/kg và bán tại siêu thị Việt Nam với giá 15.000 - 25.000 đồng/kg. Tuy nhiên, giá cà chua có thể tăng lên 40.000 đồng/kg nếu như sản phẩm này được sản xuất theo công nghệ Nhật Bản. Khi xuất khẩu trở lại Nhật Bản, giá cà chua bán buôn sẽ hơn 3 USD (hơn 66.000 đồng)/kg.

Ông Mori Mutsuya, nguyên Trưởng đại diện JICA Việt Nam cho biết: “Ngành nông nghiệp Việt Nam có rất nhiều tiềm năng phát triển. Chẳng hạn, theo khảo sát của chúng tôi tại Lâm Đồng, nếu như nông dân trồng hoa thay vì trồng cà phê, thì thu nhập của họ có thể tăng gấp 9 lần”.

Theo Công ty Seiko Ideas, Nhật Bản đang hợp tác nông nghiệp với Việt Nam thông qua mô hình “Payroll Outsourcing”, tức là doanh nghiệp Nhật Bản đến Việt Nam với tư cách là các công ty xuyên quốc gia, thuê lao động địa phương và thực hiện dự án đầu tư. Thông qua mô hình này, các công ty Việt Nam được thuê làm dự án sẽ học hỏi được kinh nghiệm, nâng cao trình độ và đặc biệt, họ được chuyển giao các công nghệ cao từ các đối tác Nhật Bản

Trong hai ngày 27-28/6, Đại sứ Việt Nam tại Nhật Bản Nguyễn Quốc Cường đến thăm làng Kawakami. Làng Kawakami được mệnh danh "Làng thần kỳ về phát triển nông nghiệp." Làng là một trong những trung tâm sản xuất nông nghiệp chất lượng cao hàng đầu của Nhật Bản, cung cấp tới 70% sản lượng rau sạch cho thị trường Nhật Bản trong những tháng mùa Hè.

Đại sứ Nguyễn Quốc Cường đã có các cuộc trao đổi với Trưởng Làng Fujihara Tadahiko, Chủ tịch Hội đồng Watanabe Hikaru, Hạ nghị sỹ Ide Yosei và một số hộ nông dân tiêu biểu của làng. Tại buổi trao đổi, Trưởng làng Fujihara nhấn mạnh việc tăng cường hợp tác với Việt Nam là một trong những ưu tiên cao của làng và bày tỏ mong muốn tiếp tục được tiếp nhận nhiều hơn những thực tập sinh và sinh viên nông nghiệp Việt Nam sang làm việc và học tập trong lĩnh vực nông nghiệp chất lượng cao.

Đa số các hộ nông dân tiêu biểu của làng đều đánh giá rất cao chất lượng nguồn nhân lực của Việt Nam, sự tương đồng về văn hóa và những tình cảm tốt đẹp nhân dân hai nước dành cho nhau và mong muốn Chính phủ hai nước tiếp tục tạo điều kiện thuận lợi để ngày càng có nhiều thực tập sinh, sinh viên Việt Nam sang làm việc và học tập tại làng.

Đại sứ Nguyễn Quốc Cường bày tỏ ấn tượng sâu sắc trước những bước phát triển vượt bậc của làng trong suốt mấy chục năm qua, từ một làng nghèo khó đã vươn lên trở thành một làng tiêu biểu hàng đầu của Nhật Bản, với doanh thu hàng năm lên tới 24 tỷ yen, trung bình doanh thu mỗi hộ nông dân của làng là 43 triệu yen/năm (hơn 400.000 USD). Đại sứ khẳng định quyết tâm sát cánh cùng làng tháo gỡ những khó khăn để thúc đẩy hợp tác giữa làng Kawakami với các địa phương, các cơ sở sản xuất và giáo dục ở Việt Nam không chỉ trong lĩnh vực thực tập sinh, trao đổi sinh viên, mà cả lĩnh vực chuyển giao công nghệ, kinh nghiệm sản xuất, bảo quản và tiêu thụ rau chất lượng cao sang Việt Nam. Đại sứ bày tỏ quyết tâm cùng làng đưa mô hình nông nghiệp của Kawakami sang phát triển tại Việt Nam, ở một số địa phương có điều kiện thích hợp./.
 
Trung Kiên




Tiến tới đại hội đảng
Dua-nghi-quyet-vao-cuoc-song
Giải phóng miền Nam
Số lần xem các bài viết
36722553