Truy cập hiện tại

Đang có 35 khách và không thành viên đang online

Yên lòng trên đất mẹ !

(TGAG)- Những chuyến đi băng rừng lội suối, những đêm dài giữa rừng sâu, núi thẳm nơi đất bạn Cam-pu-chia, mười lăm năm ròng như thế, những chiến sĩ Đội K93 (Bộ Chỉ huy quân sự An Giang) vẫn âm thầm miệt mài tìm kiếm, quy tập hài cốt liệt sĩ, để đưa những người con đất Việt, những chiến sĩ Bộ đội Cụ Hồ về lại nơi đất mẹ, quê cha.

Những chuyến đi thầm lặng

"Mỗi chuyến đi là một niềm hy vọng, dù mong manh, dù gian khó nhất, nhưng anh em cũng quyết tìm được hài cốt của các cụ, các bác, các chú, các anh - những chiến sĩ Bộ đội Cụ Hồ, vẫn còn nằm đâu đó trên đất bạn để đưa về với quê hương" - dưới tán me tây mát rượi ven chân núi Đất (thị trấn Tịnh Biên, huyện Tịnh Biên, An Giang), Đại tá Đinh Văn Cứng (Năm Cứng), Chính trị viên Đội K93 quy tập hài cốt liệt sĩ của Bộ Chỉ huy quân sự An Giang nói. Vâng, đã mười lăm năm qua, các anh đã đưa về Việt Nam 1.546 liệt sĩ hy sinh trên đất bạn Cam-pu-chia. Những liệt sĩ ấy nằm rải rác khắp những cánh rừng, hang núi, bờ cây, ngọn cỏ vùng đất Kom-Pong-Spư và Tà Keo. Những địa danh xa lạ: Treang Tro Yeung, Cáp Konl, núi Ki Ri Rum, Ô Cà Quyết, Brây Ta Cui, Pot Manl, Pot Sa Lanh, núi Sa La, Brây, Khmui, núi An Chao... giờ đã mòn dấu chân những chiến sĩ Đội K93. "Có những mộ chúng tôi tìm được khi các anh hy sinh thời kháng chiến chống Pháp, từng chiếc măng nước, từng cây bút, từng chiếc võng, chiếc nón, ống bi... tất cả những kỷ vật dù nhỏ nhất được anh em cố gắng tìm, lưu giữ lại, đó không chỉ là hành trang mà các anh từng gắn bó, mà còn là tinh thần đoàn kết quốc tế, hào khí của con người Việt Nam trong những năm tháng chiến tranh gian khó, hy sinh vì đất nước, vì dân tộc, vì nghĩa vụ quốc tế giữa hai dân tộc Việt Nam và Cam-pu-chia", dẫn tôi đi thăm chiếc tủ kính đã sờn trong ngôi nhà tạm trước ngày tiến hành cải táng những hài cốt liệt sĩ được quy tập, đại tá Năm Cứng tâm sự.

Toàn Đội K93 có 67 anh em, là quân số cứng từ ngày đầu thành lập, 23-11-2000. Mỗi năm, đội chia làm hai đợt đi Cam-pu-chia, thời gian còn lại tìm kiếm cất bốc liệt sĩ trong nước, anh em họp mặt đông đủ chỉ khoảng đôi chục ngày. "Mỗi chuyến đi ít nhất cũng ba tháng rưỡi, từ đầu tháng 11 đến rằm tháng Chạp mới về nước, chuẩn bị đón Tết Nguyên đán. Anh em chia nhau trực Tết, về quê thay phiên, đến khoảng mùng 10 lại tất tả lên đường. Riết rồi quen! Đời quân ngũ phải nghiêm, mình làm nhiệm vụ cao cả này càng phải nghiêm về thời gian, vì hết mùa khô, vào mùa mưa kéo dài dầm dề, không tài nào tìm kiếm, cất bốc được trên đất bạn Cam-pu-chia", đồng chí Năm Cứng cho biết.

Trên đất bạn, đầu tiên là cắm trại hành quân. Đội thường chia làm hai nhóm, mỗi nhóm nhiều tổ, mỗi tổ khoảng ba đồng chí. "Chia nhỏ để đào được nhiều điểm cùng lúc, chứ tập trung thì chỉ là đào nhanh nhưng không nhiều điểm, xác suất tìm được sẽ thấp hơn", đồng chí Năm Cứng nói. Thời khóa biểu hằng ngày là 5 giờ 30 phút nấu cơm cho vào hộp, lên rừng. Quá trưa thì ngưng việc, ăn uống, nghỉ ngơi với chiếc võng dù chốc lát, rồi tiếp tục làm việc.

"Đi là làm nhiệm vụ. Nhiệm vụ đã giao là phải hoàn thành xuất sắc. Kỷ niệm nhiều, niềm vui nhiều, nỗi buồn cũng nhiều, nhưng khó mà tả được. Ai cũng tâm niệm, điều quan trọng nhất là tìm được nhiều liệt sĩ, để đưa về quê hương", Đại tá Phạm Quang Trung (Năm Trung), Đội trưởng K93, đã 53 năm tuổi đời, 35 năm tuổi quân, 15 năm gắn bó với nhiệm vụ quy tập hài cốt liệt sĩ, người con đất Mỏ Cày, Bến Tre chia sẻ.

Trước mỗi chuyến đi, đồng chí Năm Trung chính là mấu chốt chỉ huy giúp toàn đội hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ. Đồng chí Năm Cứng nói: "Anh Năm Trung thuộc địa hình, địa vật từng cánh rừng, bờ suối hai tỉnh Kom-Pong-Spư và Tà Keo như lòng bàn tay. Anh còn dân vận rất khéo, nên khi nguồn tin cho biết có liệt sĩ được chôn ngay sân hay dưới nền nhà người dân, thì phía bạn vẫn nhiệt tình giúp mình cất bốc".

"Đồng chí Năm Cứng kể: "Có bận, nhận thông tin về mộ liệt sĩ, nhưng cả tháng trời, đào trăm hố vẫn không tìm được. Địa hình, địa vật đã thay đổi nhiều. Như chiến tranh biên giới Tây Nam cũng ngót nghét hơn 30 năm rồi, chưa nói kháng chiến chống Mỹ, chống Pháp. Do vậy, mỗi khi toàn đội tìm được hài cốt là mừng lắm, mừng trào nước mắt". Tiếp lời Đại tá Năm Cứng, Thượng úy Nguyễn Văn Tam, trợ lý chính sách đội nói: "Tụi em mỗi khi đào đúng vị trí là hô vang cả rừng ấy. Mừng, rồi lại xúc động, khi biết những liệt sĩ ấy hy sinh khi còn rất trẻ, chỉ mười tám đôi mươi".


Những chuyến đi băng rừng, lội suối tìm kiếm, quy tập hài cốt liệt sĩ của đội K93.

Đoàn tụ trên đất mẹ

Từng hài cốt tìm thấy, được các anh giữ trang trọng ở vị trí đẹp nhất trong lán trại. Những hài cốt liệt sĩ theo chúng tôi suốt chuyến đi trở về quê hương, họ là những đồng đội luôn sống mãi trong tiềm thức của anh em", đồng chí Năm Cứng tâm sự. "Rồi chuyện tìm được những hố chôn năm bảy hài cốt ở ấp Ko-ma-mia (Tà Mía), xã Ôm-lên, huyện Thơ-bôn, tỉnh Kom-Pong-Spư mùa khô 2014. Anh em sắp từng hộp sọ, từng mảnh xương sao thật khớp từng liệt sĩ, đến cả quên cơm, quên trời tối", Thượng úy Tam nhớ lại.

15 năm ròng rã, những chuyến đi thầm lặng mà thiêng liêng của 67 chiến sĩ Đội K93, những chuyến đi mang theo cả niềm tin, hy vọng của những người mẹ mong con, vợ mong chồng, con mong cha. "Đó là trách nhiệm, là sự tri ân những người đã khuất, đã hy sinh xương máu cho dân tộc, cho hòa bình độc lập hôm nay" - gắn bó 15 năm với đội, Thượng tá Lê Văn Thắng, Đội phó K93 nói. "Mình trước ở Phòng Chính trị Tỉnh đội, xin các anh lãnh đạo cho về K93. Giờ đây, ở đâu đó, người cậu mình hy sinh vẫn chưa thể về với gia đình. Nước mắt của ngoại, của mẹ, của những người thân mình chính là động lực giúp mình quyết tâm hoàn thành nhiệm vụ. Các anh được yên lòng trên đất mẹ nhiều chừng nào, thì anh em hạnh phúc nhiều chừng ấy" - Đại tá Năm Cứng nhìn xa xăm về núi Đất, mắt ngấn ướt tự bao giờ.

Dẫn tôi vào viếng và thắp nén hương tại nhà lưu giữ hài cốt các liệt sĩ quy tập được trong năm nay, Đại tá Năm Cứng bảo anh sĩ quan trợ lý chính sách Nguyễn Văn Tam lấy tấm bia mới đào thấy mà chưa tìm được gia đình, xúc động nói: "Đây là liệt sĩ Vũ Huy Báu, sinh năm 1960, quê Tư Nhiên, Thường Tín, Hà Sơn Bình, hy sinh ngày 19-11-1978. Tên tuổi rõ ràng vậy, mà không tài nào liên lạc được gia đình. Anh em buồn lắm! Về quê hương rồi mà không có người thân đón thì thật xót xa".

Mỗi năm, cứ dịp Ngày Thương binh - Liệt sĩ 27-7, tại Nghĩa trang Dốc Bà Đắc, Quân khu 9, UBND tỉnh, Tỉnh đội An Giang và Đội K93 lại trang trọng làm lễ cải táng những liệt sĩ được đội quy tập trong năm. Những giọt nước mắt của các gia đình nhận được người thân, của những đồng đội từng chung chiến hào, nay đoàn tụ trên đất mẹ, dù ở hai thế giới khác nhau nhưng chan hòa hạnh phúc. Dự những buổi lễ ấy, một người trẻ như tôi mới hiểu được rằng, mỗi tấc đất quê hương, mỗi làng quê yên bình, mỗi mái nhà hạnh phúc đã được đánh đổi bằng máu, nước mắt, sinh mệnh của biết bao những người ông, người cha, người chồng, người con đã, đang còn nằm lại đâu đó trên đất Việt Nam và cả trên những miền quê đất nước bạn xa xôi.

HẢI ANH
Tiến tới đại hội đảng
Dua-nghi-quyet-vao-cuoc-song
Giải phóng miền Nam
Số lần xem các bài viết
37116607