Truy cập hiện tại

Đang có 104 khách và không thành viên đang online

Tổng tuyển cử bầu Quốc hội khoá VI - một sự kiện chính trị quan trọng

(TGAG)- Ngày 30 tháng 4 năm 1975, cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước của Nhân dân ta toàn thắng, miền Nam hoàn toàn giải phóng. Từ đây, cách mạng Việt Nam chuyển sang một giai đoạn mới, giai đoạn cả nước độc lập thống nhất, cùng thực hiện một nhiệm vụ chiến lược là xây dựng chủ nghĩa xã hội trên phạm vi toàn quốc. Tuy nhiên, ngay thời điểm đó, ở hai miền Nam - Bắc vẫn tồn tại hai nhà nước với hai chính phủ, đó là Chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hoà và Chính phủ Cách mạng lâm thời Cộng hoà miền Nam Việt Nam. Một yêu cầu cấp bách đặt ra đối với cách mạng nước ta là phải nhanh chóng thống nhất nước nhà về mặt Nhà nước.

Tháng 11/1975, đoàn đại biểu hai miền Nam - Bắc đã tổ chức Hội nghị hiệp thương chính trị tại thành phố Hồ Chí Minh. Hội nghị đã quyết định tổ chức cuộc Tổng tuyển cử trên cả nước Việt Nam để bầu ra Quốc hội chung của nước Việt Nam thống nhất.



Để cuộc bầu cử đạt kết quả tốt, Bộ Chính trị đã ban hành Chỉ thị số 228-CT/TW ngày 03/01/1976 yêu cầu các cấp ủy Đảng phải hết sức coi trọng việc lãnh đạo Tổng tuyển cử, đồng thời xác định cuộc Tổng tuyển cử bầu Quốc hội chung sẽ được tiến hành trong một ngày trên phạm vi cả nước, theo những nguyên tắc thật sự dân chủ: Phổ thông, bình đẳng, trực tiếp và bỏ phiếu kín.

Thực hiện Chỉ thị của Bộ Chính trị, Ủy ban Thường vụ Quốc hội nước Việt Nam Dân chủ Cộng hoà và Hội đồng cố vấn Chính phủ Cách mạng lâm thời Cộng hoà miền Nam Việt Nam cùng thống nhất thành lập Hội đồng bầu cử toàn quốc với số đại biểu ngang nhau của mỗi miền. Theo đó, Hội đồng bầu cử toàn quốc gồm 22 đại biểu (mỗi miền cử 11 đại biểu), trong đó có 1 Chủ tịch và 1 Phó Chủ tịch (Chủ tịch là đồng chí Trường Chinh; Phó Chủ tịch là đồng chí Phạm Hùng). Theo quyết định của Hội đồng bầu cử toàn quốc, cuộc Tổng tuyển cử bầu Quốc hội chung của nước Việt Nam thống nhất được tổ chức vào ngày 25 tháng 04 năm 1976.

Xác định việc tuyên truyền Tổng tuyển cử là một công tác trọng tâm trong thời gian chuẩn bị và thực hiện bầu cử. Do đó, ngay từ tháng 2-1976, công tác tuyên truyền, vận động Nhân dân tham gia Tổng tuyển cử đã được triển khai rầm rộ trong cả nước. Các văn kiện của Đảng và Nhà nước về Tổng tuyển cử được giới thiệu và tổ chức học tập rộng rãi trong Nhân dân.

Đúng theo kế hoạch đã đề ra, ngày 25 tháng 4 năm 1976, trên 23 triệu cử tri của cả nước, với tư thế là người làm chủ đất nước đã nô nức đi bầu những đại biểu xứng đáng vào cơ quan quyền lực nhà nước cao nhất của nước Việt Nam độc lập, thống nhất. 

Cuộc bầu cử được tiến hành nhanh, gọn, đạt kết quả tốt. Tỷ lệ cử tri đi bầu trong cả nước đạt 98,77%, trong đó miền Bắc 99,36%, miền Nam 98,59%. Có nhiều xã, huyện, thị, đơn vị vũ trang và khu vực bỏ phiếu đạt 100% cử tri đi bầu. Cử tri đã lựa chọn và bầu đủ 492 đại biểu trong vòng đầu, không nơi nào phải bầu lại hoặc bầu thêm. Trong tổng số 492 đại biểu trúng cử: Công nhân chiếm 16,26%; nông dân 20,33%; thợ thủ công 1,22%; cán bộ chính trị 28,66%; quân nhân cách mạng 10,97%; tri thức 18,50%; nhân sĩ dân chủ và tôn giáo 4,06%; đại biểu nữ 26,21%; đại biểu các dân tộc thiểu số 14,28%.

Cuộc Tổng tuyển cử đã thành công rực rỡ, cả nước đã bầu đủ số đại biểu theo quy định ở ngay vòng đầu. Điều đó đã khẳng định ý chí sắt đá của toàn dân quyết tâm khắc phục khó khăn, xây dựng thành công nước Việt Nam hoà bình, độc lập, thống nhất và xã hội chủ nghĩa.

Kết quả của cuộc Tổng tuyển cử là một thắng lợi có ý nghĩa quyết định trên con đường tiến tới hoàn thành thống nhất đất nước về mặt Nhà nước. Thành phần của đại biểu Quốc hội được cử tri lựa chọn đã phản ánh đậm nét hình ảnh của khối đại đoàn kết toàn dân tộc trong cơ quan quyền lực nhà nước cao nhất của nước Việt Nam hòa bình, độc lập, thống nhất và xã hội chủ nghĩa.

Tại kỳ họp thứ nhất, Quốc hội đã thông qua Nghị quyết về tên nước, quốc kỳ, quốc huy, quốc ca. Quốc hội quyết định đổi tên nước Việt Nam Dân chủ Cộng hoà thành nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam; quyết định chính thức đặt tên thành phố Sài Gòn-Gia Ðịnh là Thành phố Hồ Chí Minh. Sự ra đời của nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam mở đầu cho bước phát triển mới trong quá trình đi lên của đất nước. Quốc hội khoá VI đã có nhiều đóng góp tích cực vào việc xây dựng hệ thống chính quyền mới ở miền Nam, xây dựng hệ thống pháp luật thống nhất bảo vệ chính quyền trong điều kiện hoà bình, xây dựng chủ nghĩa xã hội trên phạm vi toàn quốc.

Cuộc Tổng tuyển cử bầu Quốc hội chung của cả nước - Quốc hội khóa VI là một sự kiện chính trị quan trọng, đánh dấu bước thắng lợi quyết định của Nhân dân ta trên con đường thống nhất nước nhà về mặt Nhà nước. Đây là thành quả vĩ đại của 45 năm Nhân dân ta đấu tranh cách mạng không ngừng kể từ khi Đảng ta ra đời, là thắng lợi của cách mạng dân tộc dân chủ nhân dân và cách mạng xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam, thắng lợi của 30 năm Đảng ta lãnh đạo chính quyền nhân dân, lãnh đạo hai cuộc kháng chiến lâu dài, gian khổ chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ xâm lược, giải phóng hoàn toàn miền Nam dẫn đến sự thống nhất nước nhà về mặt Nhà nước, chính thức hóa việc thống nhất Việt Nam. Đó còn là thắng lợi của đường lối cách mạng sáng tạo của Đảng dưới ánh sáng tư tưởng Hồ Chí Minh.

Kỷ niệm 43 năm Ngày Tổng tuyển cử thống nhất đất nước (25/4/1976-25/4/2019) là dịp để toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ta ôn lại ngày lịch sử của dân tộc và lịch sử cách mạng Việt Nam. Cuộc Tổng tuyển cử bầu Quốc hội chung của nước Việt Nam thống nhất và sự ra đời của Quốc hội khóa VI là một trong những thành quả cách mạng to lớn của Đảng và Nhân dân ta./.

Lâm Giàu
(TTCTTT-4/2019)
Tiến tới đại hội đảng
Dua-nghi-quyet-vao-cuoc-song
Giải phóng miền Nam
Số lần xem các bài viết
37047166