Truy cập hiện tại

Đang có 253 khách và không thành viên đang online

Tuổi trẻ An Giang nhớ lời Di chúc theo chân Bác

(TGAG)- Bác Hồ muôn vàn kính yêu đã để lại cho toàn Đảng, toàn Dân ta một bản Di chúc vô cùng quý báu. Trải qua 50 năm, bản Di chúc đã trở thành nguồn cổ vũ to lớn đối với toàn Đảng, toàn Dân, toàn Quân ta tiến lên giành thắng lợi trong sự nghiệp giải phóng Tổ quốc, thống nhất đất nước và đưa nước nhà vững bước tiến lên chủ nghĩa xã hội. Trong bản Di chúc, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã căn dặn kĩ càng mọi việc đối với Đảng, với Nhân dân trong đó Bác vẫn dành một phần nói về thanh niên và vai trò của thanh niên, điều này đã thể hiện tình cảm, sự quan tâm đặc biệt của Bác Hồ đối với chủ nhân tương lai của đất nước.

Mặc dù bận rất nhiều công việc, nhưng Bác dành khoảng thời gian thư thái nhất, đúng vào giờ đẹp nhất của một ngày lúc 9 giờ sáng ngày 10/5/1965 Bác Hồ bắt đầu viết Di chúc. Bốn ngày tiếp sau đó, Người đã dành mỗi ngày một đến hai tiếng để viết. Sau này, vào mỗi dịp sinh nhật hàng năm Bác lại đem bản Di chúc ra xem lại, bổ sung cho phù hợp với tình hình mới của đất nước. Lần cuối cùng Bác viết và chỉnh sửa vào ngày 10/5/1969. Hiếm có tác phẩm nào Bác dành nhiều thời gian, tâm trí suy ngẫm thận trọng đến từng câu chữ để viết như bản Di chúc này. Với những ngôn từ bình dị mà súc tích Bác viết, chúng ta đều cảm nhận được tình cảm gần gũi, yêu thương của Người và thấy mình phải có trách nhiệm cao hơn, quyết tâm hơn để thực hiện bản Di chúc thiêng liêng.

Cách mạng Tháng Tám năm 1945 thành công, Bác đã chỉ rõ: Nước nhà thịnh hay suy, yếu hay mạnh một phần là do thanh niên, thanh niên là chủ tương lai của đất nước. Nhân dịp mừng Xuân độc lập đầu tiên, tháng 1/1946, Bác đã gửi thư cho nhi đồng toàn quốc, trong thư Bác đã viết: “Một năm khởi đầu từ mùa Xuân. Một đời khởi đầu từ tuổi trẻ. Tuổi trẻ là mùa xuân của xã hội”. Tuổi trẻ của Bác đã chứng kiến các phong trào yêu nước những năm đầu thế kỷ XX phát triển mạnh mẽ như: phong trào Đông Du, phong trào Đông Kinh nghĩa thục, Duy Tân, phong trào chống thuế ở Trung kỳ… qua những phong trào đó, Bác đã nhận thấy rõ sức mạnh to lớn về mọi mặt của thế hệ thanh niên trong quá trình đấu tranh giành độc lập. Đặc biệt, vào những năm 1920 trên diễn đàn Hội nghị Tua (Pháp), Bác đã lên tiếng phản đối chế độ thực dân gây ra những tội ác tày trời đối với nhân dân và thanh niên ta thông qua bức thư Gửi Thanh niên Việt Nam (1925), các tác phẩm Bản án chế độ thực dân Pháp (1925) hay Đường cách mệnh (1927)…, Bác căm phẫn lên án chế độ thực dân đầu độc, nô dịch, bóc lột dân bản xứ trong đó có thanh niên. Người khẳng định, muốn thức tỉnh dân tộc phải thức tỉnh thanh niên, vì thanh niên là một bộ phận quan trọng của dân tộc.

Nhận định thanh niên là một trong những lực lượng nòng cốt, nên ngay từ những năm đầu về nước hoạt động, Nguyễn Ái Quốc đã bí mật thành lập Hội Việt Nam cách mạng Thanh niên (tháng 6/1925), chuẩn bị những hạt giống đỏ, ươm mầm cho sự trưởng thành, lớn mạnh của sự nghiệp cách mạng Việt Nam. Trong 2 cuộc kháng chiến Người luôn theo dõi chặt chẽ và chỉ dẫn thanh niên tham gia phong trào kháng chiến; đặt niềm tin vào sức mạnh của thanh niên, Bác coi thanh niên là người thân trong gia đình mình, sự mất mát của thanh niên cho cuộc kháng chiến giành độc lập dân tộc là nỗi đau trong cơ thể Bác.

Phát biểu tại Đại hội Mặt trận thống nhất thanh niên toàn quốc, Chủ tịch Hồ Chí Minh khẳng định: “Ngày nay thanh niên ta có Đảng, có Đoàn của mình, chứ không phải đi tìm tòi như Bác lúc trước. Thanh niên ta có chính quyền, có mặt trận, có quân đội của mình. Thanh niên ta là người chủ tương lai của nước nhà này. Chính vì là người chủ tương lai của nước nhà cho nên thanh niên phải đoàn kết chặt chẽ, phấn đấu anh dũng, vượt mọi khó khăn; về mọi mặt thì phải thi đua giúp sức vào sự nghiệp xây dựng một nước nhà tốt đẹp”. Bác Hồ coi sự lớn mạnh của tuổi trẻ là thành công của Đảng, là thắng lợi của sự nghiệp cách mạng, là sự trường tồn phát triển của xã hội. Bác luôn dày công chăm lo giáo dục thanh niên trở thành những con người mới của xã hội, chuẩn bị những tiền đề vững vàng để thanh niên sẵn sàng đón nhận sứ mệnh làm chủ nước nhà. Trước lúc ra đi về với thế giới người hiền Bác đã căn dặn: “Đoàn viên và thanh niên ta nói chung là tốt, mọi việc đều hăng hái xung phong, không ngại khó khăn, có chí tiến thủ. Đảng cần phải chăm lo giáo dục đạo đức cách mạng cho họ, đào tạo họ thành những người thừa kế xây dựng chủ nghĩa xã hội vừa “hồng”, vừa “chuyên”…”.


Phát động phong trào thi đua Hành trình Tuổi trẻ An Giang nhớ lời Di chúc theo chân Bác


Tại Lễ Khởi động Năm Thanh niên tình nguyện và Chương trình Tháng 3 biên giới diễn ra tại Đồn Biên phòng Nhơn Hưng, huyện Tịnh Biên vào ngày 19/01/2019, Bí thư Tỉnh đoàn Lâm Thành Sĩ đã phát động thi đua “Tuổi trẻ An Giang nhớ lời Di chúc theo chân Bác”, yêu cầu các cấp bộ Đoàn phải triển khai ngay từ đầu năm các hoạt động kỷ niệm 50 năm thực hiện Di chúc Bác Hồ, qua đó mỗi đoàn viên thanh niên nắm hiểu hơn về những lời dạy của Bác căn dặn thanh niên, cụ thể hóa thành hoạt động thiết thực; tăng cường hơn nữa công tác giáo dục đạo đức, lối sống cho thế hệ trẻ. Đồng thời, để đợt hoạt động kỷ niệm 50 năm thực hiện Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh và Năm Thanh niên tình nguyện đạt mục tiêu đề ra, các cấp bộ Đoàn trong tỉnh cần triển khai với tinh thần chủ động, sáng tạo, thiết thực; tuyên truyền, vận động đông đảo thanh niên tham gia.

Các hoạt động kỷ niệm 50 năm thực hiện Di chúc Bác Hồ phải tạo thành đợt sinh hoạt chính trị rộng lớn trong đoàn viên, thanh thiếu nhi; giúp mỗi đoàn viên, thanh thiếu nhi nhận thức sâu sắc hơn những nội dung cơ bản và giá trị to lớn của Di chúc của Bác Hồ, học  tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh. Đồng thời, thúc đẩy phong trào thi đua yêu nước trong tuổi trẻ An Giang; mỗi đoàn viên, thanh niên bằng tất cả trách nhiệm và sự nhiệt huyết của mình hãy phát huy cao nhất tinh thần tiên phong, tình nguyện qua những hành động cụ thể, việc làm sáng tạo, đóng góp chung vào kết quả phát triển kinh tế - xã hội của quê hương, đất nước. “Chúng ta hãy biến tình cảm của tuổi trẻ với Bác Hồ kính yêu chuyển hóa thành những hành động, việc làm cụ thể, thành sức mạnh của tuổi trẻ trong học tập, lao động, sản xuất, kinh doanh, trong bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa”, như lời Bí thư thứ nhất Trung ương Đoàn Việt Nam, Lê Quốc Phong nhấn mạnh.

Việc học tập và làm theo lời Bác đã trở thành nhu cầu tự thân, là việc làm quan trọng trong hành trình trưởng thành của các thế hệ trẻ, góp phần xây dựng lớp thanh niên thời kỳ mới có lý tưởng cách mạng, bản lĩnh chính trị vững vàng, giàu lòng yêu nước; có đạo đức, lối sống văn hóa, trách nhiệm, tuân thủ pháp luật, chủ động hội nhập, yêu chuộng hòa bình; có tri thức, sức khỏe, hoài bão, khát vọng vươn lên; xung kích, tình nguyện, sáng tạo trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa. Bên cạnh những cố gắng, những thành công bước đầu, thì mỗi đoàn viên thanh niên phải chủ động khắc phục những khuyết điểm, hạn chế còn tồn tại, tự soi mình vào những yêu cầu, kỳ vọng, đòi hỏi, định hướng của Bác Hồ để từ đó thấy mình cần phải cố gắng nhiều hơn, nỗ lực nhiều hơn, thi đua rèn luyện tích cực hơn để hoàn thiện bản thân, để đóng góp nhiều hơn nữa cho quê hương, đất nước.

Kỷ niệm 50 năm thực hiện Di chúc của Bác Hồ là dịp quan trọng để mỗi đoàn viên thanh niên một lần nữa tìm về bên Bác, qua cuộc đời, sự nghiệp của Bác, qua những lời dạy của Bác để tiếp thêm sức mạnh, ý chí, nghị lực, vững vàng trong lao động, học tập, sản xuất, chiến đấu, góp sức trẻ đưa đất nước Việt Nam phát triển nhanh, bền vững, sánh vai cường quốc năm châu./.

Lê Thanh Tiền
Trưởng Ban Tuyên giáo Tỉnh đoàn An Giang
Tiến tới đại hội đảng
Dua-nghi-quyet-vao-cuoc-song
Giải phóng miền Nam
Số lần xem các bài viết
37131926