Truy cập hiện tại

Đang có 146 khách và không thành viên đang online

Chiến lược phát triển bền vững kinh tế biển

(TGAG)- Thế kỷ XXI được coi là thế kỷ của đại dương, việc “vươn ra biển” đã trở thành xu thế lớn, định hướng quan trọng của tất cả các quốc gia có biển và cả các quốc gia không có biển. Đối với nước ta, biển, đảo không chỉ là một bộ phận cấu thành chủ quyền thiêng liêng của Tổ quốc, mà còn là môi trường sinh tồn phát triển đời đời bền vững của dân tộc Việt Nam. Biển nước ta thuộc Biển Đông: Vùng biển giàu tài nguyên, là tuyến đường biển huyết mạch của thế giới, nối liền Thái Bình Dương với Ấn Độ Dương, châu Á với châu Âu và Trung Đông. Hơn 90% lượng vận tải thương mại thế giới thực hiện bằng đường biển thì có 45% trong số đó phải đi qua Biển Đông…


Từ Hội nghị lần thứ tư Ban Chấp hành Trung ương khóa X đã có Nghị quyết về Chiến lược Biển Việt Nam đến năm 2020. Đây là Nghị quyết đặc biệt quan trọng. Nghị quyết đã xác định các quan điểm chỉ đạo, mục tiêu và định hướng Chiến lược biển Việt Nam đến năm 2020, xác định nước ta phải trở thành quốc gia mạnh về biển, làm giàu từ biển trên cơ sở phát huy các tiềm năng từ biển, phát triển các ngành kinh tế biển gắn với bảo vệ môi trường, bảo vệ vững chắc chủ quyền biển, đảo của đất nước.

Triển khai thực hiện Chiến lược Biển, trong 10 năm qua, Trung ương và các địa phương có biển đã cụ thể hóa, thể chế hoá, ban hành nhiều chủ trương, chính sách, giải pháp và tổ chức triển khai thực hiện một cách thiết thực, đạt được những kết quả quan trọng, góp phần vào những thành tựu chung trên các lĩnh vực kinh tế - xã hội, quốc phòng, an ninh, đối ngoại của đất nước.

Bên cạnh những ưu điểm và thành công, nhận thức và thực tiễn việc thực hiện Chiến lược Biển còn những hạn chế, bất cập và đặt ra nhiều vấn đề cần giải quyết. Đáng lưu ý là không ít đảng viên và cán bộ chưa nhận thức sâu sắc, đầy đủ vị trí, vai trò ngày càng quan trọng của biển đối với sự ổn định, phát triển bền vững, lâu dài của đất nước, dân tộc. Chiến lược biển mang tính toàn diện, đa ngành, đa lĩnh vực, nhiều ngành, nhiều lĩnh vực có tính kết nối quốc tế cao, chịu tác động lớn đến tình hình quốc tế nhưng khi xây dựng Chiến lược mới chỉ tập trung nhiều vào những vấn đề trong nước mà không dự báo được các yếu tố quốc tế, dẫn tới các khó khăn trong quá trình thực hiện. Chưa nhận thức đầy đủ khó khăn nhất trong việc thực hiện Chiến lược Biển chính là phải xử lý nhiều mối quan hệ: Quan hệ giữa phát triển kinh tế biển với bảo vệ môi trường sinh thái, đa dạng sinh học biển; giữa kinh tế biển, đảo với kinh tế ven biển và trong đất liền; giữa kinh tế với văn hoá, xã hội vùng biển, đảo và ven biển; giữa giải quyết nhiệm vụ kinh tế trước mắt với phát triển lâu dài, bền vững; giữa phát triển kinh tế, văn hoá, xã hội vùng biển, đảo và ven biển với củng cố quốc phòng, an ninh, bảo vệ chủ quyền biển, đảo trong bối cảnh tình hình Biển Đông diễn biến phức tạp. Chưa nhận thức đầy đủ, đúng đắn vai trò của khoa học- công nghệ, chiến lược nguồn nhân lực; do đó chưa quan tâm phát triển, ứng dụng tiến bộ khoa học-công nghệ, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực trong thực hiện Chiến lược. Chiến lược Biển chưa thật gắn kết với chiến lược phát triển chung về kinh tế - xã hội của đất nước.

Hội nghị Ban Chấp hành Trung ương lần thứ Tám đã thống nhất ban hành Nghị quyết mới về Chiến lược phát triển bền vững kinh tế biển Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 để từng bước đưa nước ta trở thành quốc gia mạnh về biển, giàu lên từ biển, dựa vào biển và hướng ra biển. Phấn đấu đến năm 2030 đạt các mục tiêu cơ bản về phát triển bền vững kinh tế, xã hội và môi trường biển, vùng ven biển và hải đảo. Tăng trưởng kinh tế biển và thu nhập bình quân đầu người của các tỉnh, thành phố ven biển ngày càng cao so với mức tăng trưởng chung của cả nước; đóng góp của các ngành kinh tế thuần biển chiếm khoảng 10% GDP cả nước; đóng góp GRDP của các tỉnh, thành phố ven biển chiếm 65 - 70% GDP cả nước.

Trong quá trình triển khai thực hiện Nghị quyết, cần hết sức chú trọng công tác giáo dục, tuyên truyền, quán triệt, nâng cao nhận thức, thống nhất tư tưởng trong toàn Đảng, toàn dân. Đồng thời, tiếp tục xây dựng, hoàn thiện các thể chế, chính sách, bổ sung, điều chỉnh các quy hoạch, kế hoạch, chương trình, dự án đầu tư sát hợp với thực tế để thực hiện có hiệu quả. Chú trọng các lĩnh vực theo thứ tự ưu tiên: Phát triển du lịch biển, đảo; kinh tế hàng hải; khai thác dầu khí và các tài nguyên khoáng sản khác; nuôi trồng, khai thác thuỷ hải sản và phát triển hạ tầng nghề cá; phát triển công nghiệp đóng tàu; phát triển năng lượng tái tạo và các ngành kinh tế mới. Tập trung đầu tư có hiệu quả các khu kinh tế, khu công nghiệp, đô thị ven biển và hệ thống kết cấu hạ tầng kết nối vùng đồng bộ làm nền tảng đột phá để phát triển vùng biển, ven biển trở thành điểm đến của thế giới đồng thời là cửa ngõ vươn ra thế giới./.

TRUNG THÀNH


Tiến tới đại hội đảng
Dua-nghi-quyet-vao-cuoc-song
Giải phóng miền Nam
Số lần xem các bài viết
36727207