Truy cập hiện tại

Đang có 66 khách và không thành viên đang online

Long Xuyên, chủ động ứng phó trước những diễn biến phức tạp của tình trạng sạt lở trên địa bàn

(TGAG)- 87 đoạn sạt lở với tổng chiều dài trên 17.600m là con số đáng báo động về tình hình sạt lở xảy ra trên địa bàn thành phố Long Xuyên thời gian qua. Mặc dù các cấp, các ngành thành phố luôn quan tâm sát sao, chỉ đạo khắc phục kịp thời, nhưng cũng giống như các địa phương khác trên địa bàn tỉnh An Giang, tình trạng sạt lở vẫn diễn biến theo chiều hướng phức tạp, gây ảnh hưởng đến đời sống, sinh hoạt của nhân dân tại địa phương.

Theo kết quả quan trắc và cảnh báo sạt lở đất bờ sông trên địa bàn tỉnh An Giang đợt II năm 2017 của Sở Tài nguyên và Môi trường An Giang. Thành phố Long Xuyên có 06 đoạn cảnh báo sạt lở với tổng chiều dài 12.500m từ mức độ trung bình đến mức độ rất nguy hiểm. Trong đó: có 02 đoạn được cảnh báo ở mức độ đặc biệt nguy hiểm, nguy cơ xảy ra sạt lở rất cao và mức độ ảnh hưởng, thiệt hại lớn là đoạn Sông Hậu từ bến đò Cần Xây đến đuôi cồn Nguyễn Du và đoạn đầu cù lao Mỹ Hòa Hưng ấp Mỹ Thuận; 03 đoạn được cảnh báo ở mức độ nguy hiểm gồm: đoạn cù lao cồn Phó Ba xã Mỹ Hòa Hưng và 02 đoạn rạch Cái Sắn trên địa bàn phường Mỹ Thạnh tính từ Chợ Cái Sắn đến Cầu Đình và Cầu Đình đến ranh Vĩnh Trinh, Cần Thơ. Còn lại chủ yếu là sạt lở nhỏ, đoạn ngắn, nằm cặp theo các tuyến đường giao thông nông thôn, làm ảnh hưởng đến việc đi lại, sinh hoạt, giao thương, mua bán hàng hóa của người dân trong khu vực. Riêng trong năm 2018, trên địa bàn thành phố phát sinh 05 điểm sạt lở mới. Trong đó, có nhiều đoạn sạt lở nghiêm trọng nằm ở các tuyến đường độc đạo của các địa phương như: đoạn sạt lở kênh Lò Men, phường Mỹ Thới; đoạn sạt lở chân cầu 03 Miễu, phường Mỹ Thạnh và đoạn sạt lở tại tổ 5, ấp Bình Khánh, xã Mỹ Khánh.
 

Ông Nguyễn Công Lý, Phó Trưởng phòng Quản lý Đô thị thành phố Long Xuyên cho biết: “Đặc thù trên địa bàn thành phố các tuyến đường giao thông nông thôn nằm ven các tuyến kênh, rạch, nhiều khúc cua nước chảy xiết tác động vào bờ kết hợp phương tiện đường thủy lưu thông nhiều gây nên hiện tượng sụt, lún, sạt lở ngày càng nhiều và mức độ nghiêm trọng. Bên cạnh đó, tình hình mưa bão và lũ lụt năm nay trên địa bàn thành phố Long Xuyên diễn biến phức tạp và khó dự đoán. Đây là nguyên nhân chủ yếu gây nên hiện tượng sạt lở trên địa bàn thành phố nhất là đối với các địa phương xảy ra sạt lở nghiêm trọng trong thời gian qua như: xã Mỹ Khánh; phường Mỹ Thạnh; Mỹ Thới…”.

Ngay sau khi xảy ra sạt lở, Thành ủy, UBND thành phố đã chỉ đạo các ngành chuyên môn phối hợp cùng các địa phương kịp thời hỗ trợ, đề xuất giải pháp khắc phục, xử lý nhằm hạn chế thiệt hại, ổn định cuộc sống, sinh hoạt cho người dân. Tính đến nay, thành phố đã chủ động khắc phục 48 đoạn với tổng chiều dài gần 6.500m, tổng kinh phí thực hiện trên 52,8 tỷ đồng do tỉnh hỗ trợ và trích từ ngân sách của thành phố. Trong đó, các đoạn sạt lở nghiêm trọng ảnh hưởng trực tiếp đến đời sống, sinh hoạt của người dân được ưu tiên thực hiện trước.

Bên cạnh đó, đối với những đoạn có nguy cơ sạt lở hoặc mới xuất hiện dấu hiệu sạt lở: phòng đã phối hợp cùng các ngành và địa phương tiến hành khảo sát. Đồng thời, các địa phương đã tiến hành che chắn, cảnh báo, giới hạn tải trọng, theo dõi và thông báo diễn biến sạt lở; vận động bà con nhân dân tham gia cùng chính quyền địa phương tiến hành gia cố bằng cách (đóng cừ tràm, tấn bao đất…) để tránh sạt lở xảy ra trên diện rộng nhằm đảm bảo an toàn tính mạng, tài sản cho người dân sống xung quanh khu vực sạt lở. Việc khắc phục sạt lở thời gian qua trên địa bàn thành phố Long Xuyên được thực hiện khẩn trương, hiệu quả. Từ đó, tạo được niềm tin, sự đồng thuận cao trong nhân dân. Ông Võ Văn Giác, Tổ 5, ấp Bình Khánh, xã Mỹ Khánh, thành phố Long Xuyên phấn khởi cho biết: “Sạt lở là điều không ai mong muốn. Tuy nhiên, khi xảy ra sạt lở, các cấp, các ngành xã và thành phố đã kịp thời xuống địa bàn thăm hỏi, động viên và giúp đỡ bà con nhân dân. Đặc biệt, khẩn trương thực hiện các giải pháp khắc phục. Từ đó, bà con rất yên tâm và phấn khởi”.
 

Tình hình mưa bão và mực nước dâng cao kéo theo những diễn biến khó lường về tình trạng sạt lở. Do đó, bên cạnh các giải pháp khắc phục khi có sự cố xảy ra, thành phố cũng đã chỉ đạo các ngành, các địa phương thường xuyên theo dõi diễn biến sạt lở. Nhất là tại các điểm, khu vực nằm trong danh mục cảnh báo của Sở Tài Nguyên và Môi trường để chủ động phòng tránh, nhằm hạn chế thấp nhất về thiệt hại, góp phần đảm bảo an toàn về tính mạng, tài sản của người dân./.

Ngọc Diễm – Văn Thêm


Tiến tới đại hội đảng
Dua-nghi-quyet-vao-cuoc-song
Giải phóng miền Nam
Số lần xem các bài viết
37142372