Truy cập hiện tại

Đang có 473 khách và không thành viên đang online

Giữ vững chủ quyền quốc gia trong bối cảnh toàn cầu hóa

“Toàn cầu hóa” và “Chủ quyền quốc gia” là hai trong những thuật ngữ được sử dụng nhiều nhất trên thế giới hiện nay. Không khó để lý giải điều đó bởi hai thuật ngữ này đang diễn tả gam màu chính trong bức tranh đời sống của nhân loại.

Trên ý nghĩa phổ biến nhất, chủ quyền quốc gia là thuật ngữ dùng để chỉ quyền làm chủ thiêng liêng, bất khả xâm phạm của một quốc gia độc lập, được thể hiện trên mọi phương diện: chính trị, kinh tế, văn hoá, xã hội, an ninh, quốc phòng, ngoại giao và được đảm bảo toàn vẹn, đầy đủ về mọi mặt, cả lập pháp, hành pháp lẫn tư pháp của một quốc gia trong phạm vi lãnh thổ của quốc gia đó.
Sự tác động của toàn cầu hóa hiện nay không chừa quốc gia dân tộc nào. Điều này càng thể hiện rõ đối với nước đang phát triển như Việt Nam. Ở vị trí địa chính trị nhạy cảm, trong khu vực đang có bước phát triển năng động như Đông Nam Á, giữ vững chủ quyền quốc gia luôn đứng trước các thách thức và khó khăn to lớn, chủ yếu từ các nhân tố tác động bên ngoài. Đặc biệt, trong những năm gần đây Trung Quốc ngày càng bộc lộ những hành động tinh vi, phức tạp, trắng trợn, bất chấp các nguyên tắc và luật pháp quốc tế về chủ quyền lãnh thổ, đã đặt việc giữ vững chủ quyền quốc gia trước những thách thức nghiêm trọng. Chiến lược và những tính toán của các nước lớn khác, trước hết là Mỹ, trong mối tương quan đa chiều quốc tế tiếp tục khiến cho việc giữ vững chủ quyền quốc gia ngày khó khăn và thách thức hơn.
Trước đặc điểm tình hình mới, việc giữ vững chủ quyền quốc gia phải có những điều chỉnh, thích nghi trên cơ sở vẫn đảm bảo các nguyên tắc bất biến bằng nhiều phương thức linh hoạt, phù hợp.
Một là, điều chỉnh nhận thức về toàn cầu hóa và việc giữ vững chủ quyền quốc gia trong bối cảnh của toàn cầu hóa cho phù hợp và đúng đắn hơn.  Bảo vệ chủ quyền quốc gia ngày nay không có nghĩa khép kín mà là “mở”. Chủ động tham gia vào toàn cầu hóa là cần thiết và cũng chính là sự thực hiện chủ quyền quốc gia chứ không phải mất đi chủ quyền. Cần xóa bỏ quan niệm cho rằng giữ vững chủ quyền quốc gia là “đóng cửa”, thu mình lại. Trái lại, trong bối cảnh toàn cầu hóa, chủ quyền quốc gia chỉ được giữ vững bởi những người luôn biết nhận thức vươn ra và chủ động trong mọi mối quan hệ quốc tế. Với sự chủ động ấy của nhận thức, hành động giữ vững chủ quyền quốc gia sẽ linh hoạt và hữu hiệu hơn.
Hai là, tăng cường xây dựng nền quốc phòng toàn dân. Để can thiệp, xâm phạm chủ quyền của một quốc gia, thế lực xâm lược nhiều lúc chưa đến mức phải sử dụng chính thức các hoạt động chiến  tranh xâm lược kiểu mới, mà trên thực tế chỉ với việc sử dụng môi trường toàn cầu hóa để tạo áp lực và can thiệp, chi phối cũng đã hầu như đạt được mục tiêu đặt ra. Do vậy, để giữ vững chủ quyền quốc gia, chúng ta cần phải tăng cường tiềm lực quốc phòng trên cơ sở xây dựng nền quốc phòng toàn dân và thế trận quốc phòng toàn dân phù hợp với đặc điểm, yêu cầu mới.
Ba là, phát triển đất nước nhanh và bền vững, trước hết và chủ yếu về kinh tế, nhằm tạo sức mạnh nội lực ngang tầm với yêu cầu, nhiệm vụ bảo vệ chủ quyền quốc gia. Toàn cầu hóa diễn ra trước hết và chủ yếu là toàn cầu hóa kinh tế. Điều đáng quan tâm hơn là, trong điều kiện toàn cầu hoá kinh tế hiện nay, chủ quyền quốc gia đang phải đối đầu với nhiều thách thức được che dấu dưới những chiếc áo khoác nhiều màu sắc hấp dẫn của lợi ích kinh tế. Trong tiến trình tham gia vào toàn cầu hoá kinh tế, không thể chỉ có “hội nhập” mà không tính đến chủ quyền quốc gia. Phát huy năng lực cạnh tranh và khả năng “tự miễn dịch”, tìm ra và phát huy mạnh mẽ năng lực nội sinh, tìm ra phương thức “tác chiến” phù hợp, có hiệu quả để không bị các thế lực “cá lớn” nuốt trôi. Nếu chúng ta không tự “lớn lên”, không tự “trưởng thành” thì sớm muộn cũng bị mất chủ quyền quốc gia một cách rất “êm dịu”.
Bốn là, thực hiện chính sách đối ngoại linh hoạt, mềm dẻo nhưng đảm bảo nguyên tắc bất biến. Thực hiện nhất quán đường lối đối ngoại độc lập, tự chủ, hoà bình, hợp tác và phát triển; đa phương hoá, đa dạng hoá quan hệ, chủ động và tích cực hội nhập quốc tế; là bạn, đối tác tin cậy và thành viên có trách nhiệm trong cộng đồng quốc tế; vì lợi ích quốc gia, dân tộc, vì một nước Việt Nam xã hội chủ nghĩa giàu mạnh. Nâng cao hiệu quả các hoạt động đối ngoại, tiếp tục đưa các mối quan hệ quốc tế vào chiều sâu trên cơ sở giữ vững độc lập, tự chủ, phát huy tối đa nội lực, giữ gìn và phát huy bản sắc dân tộc; chủ động ngăn ngừa và giảm thiểu tác động tiêu cực của quá trình hội nhập quốc tế.
Chủ tịch Hồ Chí Minh căn dặn: Các vua Hùng đã có công dựng nước. Bác cháu ta phải cùng nhau giữ lấy nước. Đồng thời, Người cũng khẳng định: “Dân ta có một lòng nồng nàn yêu nước. Đó là một truyền thống quý báu của ta. Từ xưa đến nay, mỗi khi Tổ quốc bị xâm lăng, thì tinh thần ấy lại sôi nổi, nó kết thành một làn sóng vô cùng mạnh mẽ, to lớn, nó lướt qua mọi sự nguy hiểm, khó khăn, nó nhấn chìm tất cả lũ bán nước và lũ cướp nước…”. Đó là những chỉ dẫn thôi thúc, soi đường cho chúng ta giữ vững chủ quyền quốc gia trong bối cảnh hiện nay.


Th.S Nguyễn Phương An

Tiến tới đại hội đảng
Dua-nghi-quyet-vao-cuoc-song
Giải phóng miền Nam
Số lần xem các bài viết
36724934