Truy cập hiện tại

Đang có 259 khách và không thành viên đang online

Quyết tâm xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam thật sự hiệu lực, hiệu quả

(TGAG)- Sau Cách mạng Tháng 8/1945 thành công, Nhà nước Việt Nam dân chủ cộng hoà ra đời. Đó là một nhà nước kiểu mới, nhà nước công nông đầu tiên ở Đông Nam Á. Cách mạng Tháng Tám đã lật đổ nền quân chủ mấy mươi thế kỷ, đánh tan xiềng xích thực dân gần một trăm năm, giành chính quyền về tay Nhân dân, xây dựng nền tảng cho nước Việt Nam dân chủ cộng hoà độc lập, tự do, hạnh phúc. Đó là một cuộc thay đổi cực kỳ to lớn trong lịch sử nước nhà. Dưới sự lãnh đạo của Chủ tịch Hồ Chí Minh, các quan điểm, tư tưởng về nhà nước pháp quyền của dân, do dân và vì dân đã được thể chế hoá ngay trong bản Hiến pháp đầu tiên - Hiến pháp 1946.
   
Kể từ đó cho đến nay, quán triệt sâu sắc tư tưởng Hồ Chí Minh, Đảng ta luôn luôn quan tâm xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa (XHCN) Việt Nam, coi trọng việc xây dựng và hoàn thiện Hiến pháp, pháp luật - phương tiện quan trọng trong quản lý nhà nước.
   
Năm đặc điểm cơ bản của Nhà nước pháp quyền XHCN Việt Nam mà Đảng ta quyết tâm xây dựng đó là: Quyền lực nhà nước là thống nhất, có sự phân công, phối hợp, kiểm soát giữa các cơ quan nhà nước trong việc thực hiện các quyền lập pháp, hành pháp và tư pháp; Thượng tôn Hiến pháp và pháp luật; Sự bình đẳng của mọi cá nhân và tổ chức trong thụ hưởng và phát triển quyền, không có sự phân biệt đối xử; Do Đảng Cộng sản Việt Nam lãnh đạo trong khuôn khổ Hiến pháp và pháp luật; Bảo vệ công lý, quyền con người, quyền công dân.
   
Theo Báo cáo chính trị tại Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII của Đảng đánh giá: thời gian qua, mặc dù việc xây dựng Nhà nước pháp quyền XHCN Việt Nam có nhiều tiến bộ trên cả ba lĩnh vực lập pháp, hành pháp và tư pháp. Sức mạnh khối đại đoàn kết toàn dân tộc đã được phát huy ở mọi cấp, mọi ngành. Dân chủ ngày càng được mở rộng. Quốc hội đã có nhiều đổi mới quan trọng. Cơ cấu và hoạt động của bộ máy hành pháp, tư pháp được phân định ngày càng rõ ràng, cụ thể hơn và có nhiều chuyển biến tích cực… Tuy nhiên, tổ chức bộ máy và cơ chế hoạt động của các thiết chế cơ bản trong bộ máy nhà nước pháp quyền XHCN như Quốc hội, Chủ tịch nước, Chính phủ, hệ thống tư pháp còn những điểm chưa thực sự hợp lý, hiệu lực, hiệu quả. Chưa khắc phục được sự chồng chéo, vướng mắc về chức năng, nhiệm vụ giữa các thiết chế, làm ảnh hưởng tới sự thống nhất quyền lực nhà nước và hiệu quả hoạt động của Nhà nước. Hệ thống pháp luật thiếu đồng bộ, nhiều nội dung chưa đáp ứng yêu cầu xây dựng nhà nước pháp quyền. Kỷ cương, kỷ luật trong quản lý nhà nước, thực thi công vụ còn nhiều yếu kém. Cải cách hành chính còn chậm; thủ tục hành chính còn phức tạp, phiền hà. Tổ chức và hoạt động của chính quyền địa phương chậm đổi mới; hiệu lực, hiệu quả ở nhiều nơi chưa cao. Trách nhiệm giải trình của các cấp chính quyền chưa được quy định rõ ràng. Việc triển khai một số nhiệm vụ cải cách tư pháp còn chậm; vẫn còn tình trạng nhũng nhiễu, tiêu cực, oan, sai, bỏ lọt tội phạm. Công tác phòng, chống tham nhũng, lãng phí chưa đạt yêu cầu đề ra; tham nhũng, lãng phí vẫn còn nghiêm trọng.
 
Quyết tâm xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền XHCN Việt Nam thật sự hiệu lực, hiệu quả, trong Báo cáo chính trị tại Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII của Đảng đã chỉ rõ một số phương hướng nhiệm vụ cần tập trung thực hiện. Trên cơ sở đó, thời gian tới, cả hệ thống chính trị cần tập trung thực hiện tốt một số nội dung trọng tâm sau đây:

- Đảng ta được Nhân dân tín nhiệm, tin cậy giao trách nhiệm lãnh đạo Nhà nước, do đó cần phải nâng tầm trí tuệ và tư tưởng, nâng cao năng lực lãnh đạo và phong cách lãnh đạo, kiên quyết khắc phục bệnh quan liêu, thành tích, cơ hội, thực dụng trong một bộ phận cán bộ, đảng viên.

- Nhà nước pháp quyền XHCN Việt Nam - dưới sự lãnh đạo của Đảng cần phải được hoàn thiện về bộ máy tổ chức, trong đó chất lượng của con người trong từng tổ chức, từng cơ quan của bộ máy nhà nước cần được nâng lên.

- Các cấp, các ngành đẩy mạnh công tác tuyên truyền pháp luật để Nhân dân hiểu được bản chất dân chủ của Nhà nước pháp quyền XHCN Việt Nam, nắm vững và thực hiện quyền làm chủ và nghĩa vụ công dân của mình.

- Tiếp tục đổi mới tổ chức và phương thức hoạt động của Quốc hội, hội đồng nhân dân các cấp theo hướng: bảo đảm thực hiện đúng, đầy đủ và kịp thời tất cả các quyền hạn, nhiệm vụ do Hiến pháp và pháp luật quy định.

- Coi trọng việc xây dựng và hoàn thiện hệ thống pháp luật, bảo đảm cho luật pháp thể hiện đúng ý chí, nguyện vọng và quyền lực của Nhân dân, thực sự bảo vệ được các quyền của công dân. Nhà nước quản lý, điều hành bằng pháp luật. Do đó, luật pháp phải chiếm vị trí tối thượng trong hoạt động của Nhà nước và trong đời sống xã hội.

- Đẩy mạnh cải cách tư pháp theo hướng: Xây dựng hệ thống cơ quan tư pháp trong sạch, vững mạnh, dân chủ, nghiêm minh, bảo vệ công lý, quyền con người. Đẩy mạnh việc thực hiện Chiến lược cải cách tư pháp đến năm 2020.

- Tiếp tục cải cách mạnh mẽ nền hành chính nhà nước. Nền hành chính nhà nước là hệ thống các cơ quan hành chính nhà nước ở Trung ương và chính quyền địa phương, cơ sở gắn với hệ thống thể chế hành chính, đội ngũ cán bộ, công chức và hệ thống quản lý tài chính công, tài sản công, thực thi quyền hành pháp để quản lý, điều hành các lĩnh vực của đời sống xã hội.

- Xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức đủ năng lực, phẩm chất; đồng thời, đẩy mạnh đấu tranh chống quan liêu, tham nhũng và những tiêu cực khác đáp ứng yêu cầu xây dựng nhà nước pháp quyền XHCN ở nước ta.

Dưới sự nỗ lực phấn đấu và quyết tâm của cả hệ thống chính trị, nhất định chúng ta sẽ xây dựng thành công Nhà nước pháp quyền XHCN Việt Nam thật sự hiệu lực, hiệu quả, đúng theo tư tưởng Hồ Chí Minh – Đó là một Nhà nước pháp quyền của Nhân dân, do Nhân dân và vì Nhân dân./.

Lâm Văn Giàu
Tiến tới đại hội đảng
Dua-nghi-quyet-vao-cuoc-song
Giải phóng miền Nam
Số lần xem các bài viết
37061172