Truy cập hiện tại

Đang có 231 khách và không thành viên đang online

Xây dựng gia đình Việt Nam trong thời kỳ mới

(TGAG)- Qua 10 năm thực hiện Chỉ thị số 49-CT/TW của Ban Bí thư về xây dựng gia đình thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa. Tỉnh ủy, Ủy ban nhân dân tỉnh An Giang đã xác định công tác gia đình là một trong những nhiệm vụ quan trọng, các mục tiêu và giải pháp được cụ thể bằng nhiều quyết định, chỉ thị, chương trình hành động... 

Nhiều hoạt động về gia đình được các cấp, các ngành quan tâm tổ chức, nhất là Ngày Gia đình Việt Nam 28/6 hằng năm như: hội thi, tọa đàm, giao lưu, họp mặt gia đình tiêu biểu... từ tỉnh đến cơ sở nhằm biểu dương, tôn vinh các gia đình tiêu biểu trên các lĩnh vực: làm kinh tế giỏi, gia đình hiếu nghĩa thủy chung, gia đình hiếu học, thực hiện tốt kế hoạch hóa gia đình, nuôi con khỏe, dạy con ngoan đã đi vào nề nếp, thu hút sự quan tâm và đồng tình ủng hộ của cộng đồng dân cư.

Các sở, ban, ngành, đoàn thể đã đưa các nội dung của chỉ thị vào trong hoạt động của từng đơn vị và các phong trào như: Chiến lược phát triển gia đình Việt Nam; Chương trình hành động quốc gia về phòng, chống bạo lực gia đình đến năm 2020 trên địa bàn tỉnh; Cuộc vận động xây dựng gia đình “5 không, 3 sạch”; Phong trào thi đua “Phụ nữ tích cực học tập, lao động sáng tạo, xây dựng gia đình hạnh phúc”; phụ nữ chung sức xây dựng nông thôn mới; Phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa”; thi đua “Xây dựng trường học thân thiện, học sinh tích cực” và các nhiệm vụ chính trị của địa phương... Triển khai tuyên truyền thực hiện các Đề án như: “Giáo dục phẩm chất đạo đức người phụ nữ Việt Nam thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa”; “Hỗ trợ phụ nữ học nghề, tạo việc làm”; “Giáo dục 5 triệu bà mẹ nuôi, dạy con tốt”; Xây dựng các mô hình phòng chống bạo lực, câu lạc bộ gia đình phát triển bền vững... toàn tỉnh đã tổ chức tập huấn 113 cuộc phổ biến giáo dục pháp luật cho 14.704 lượt người tham dự. Biên soạn 100.175 tài liệu các loại có nội dung: Luật Bình đẳng giới, Luật Hôn nhân - gia đình, Luật Bảo vệ và chăm sóc, giáo dục trẻ em... với 65.140 tờ bướm, 3.425 sách nhỏ, 22.110 sổ tay, 1.800 cuốn Luật, 700 đĩa CD...

Tuy nhiên về mặt khách quan do sự phát triển của kinh tế, đưa con người đến sự chạy đua với thời gian, tập trung cho sản xuất kinh doanh mà ít quan tâm đến gia đình, từ đó dẫn đến việc dần dần làm mất đi những vẻ đẹp truyền thống gia đình Việt Nam.

Sau 10 năm tổ chức quán triệt và triển khai thực hiện Chỉ thị số 49-CT/TW của Ban Bí thư làm cho công tác gia đình có nhiều chuyển biến tích cực. Nhiều gia đình có điều kiện tốt hơn để phát triển kinh tế, cải thiện đời sống, xây dựng gia đình khá giả, hạnh phúc. Nhiều hộ đã thoát nghèo, mức sống được nâng lên.

Việc giáo dục truyền thống gia đình, bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em, chăm sóc phụng dưỡng ông bà, cha mẹ được tăng cường; thực hiện nếp sống mới, duy trì nét đẹp gia đình truyền thống.

Công tác gia đình thời gian qua vẫn còn nhiều tồn tại, quản lý Nhà nước về gia đình còn khó khăn, lúng túng. Kinh phí bố trí cho công tác gia đình còn hạn chế, có nơi không đầu tư tới xã; đội ngũ cán bộ làm công tác gia đình các cấp còn thiếu, không ổn định và hầu hết là kiêm nhiệm. Một số địa phương chưa gắn việc thực hiện nhiệm vụ công tác gia đình với chương trình phát triển kinh tế - xã hội. Nhiều giá trị đạo đức truyền thống của gia đình đang có biểu hiện xuống cấp; tình trạng ly hôn, ly thân, không đăng ký kết hôn, tệ nạn xã hội xâm nhập vào gia đình xuất hiện ngày càng nhiều; tình trạng tảo hôn, bạo lực gia đình vẫn còn xảy ra; xâm hại tình dục trẻ em vẫn còn diễn biến phức tạp; kết quả công tác xóa đói, giảm nghèo tại một số nơi chưa vững chắc, nguy cơ tái nghèo.

Để thực hiện công tác xây dựng gia đình thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa có hiệu quả, các cấp ủy Đảng, chính quyền, đoàn thể cần nắm vững Chiến lược công tác gia đình của cả nước, của tỉnh để vận dụng cụ thể, phù hợp với từng địa phương. Có kế hoạch công tác gia đình hằng năm và cho những năm tiếp sau, phải xác định được những mục tiêu, chỉ tiêu cụ thể trong từng giai đoạn. Kiểm tra giám sát, có sơ tổng kết rút kinh nghiệm. Tổ chức các lớp bồi dưỡng, đào tạo và ổn định đội ngũ cán bộ làm công tác gia đình.

Tổ chức các hoạt động hưởng ứng Ngày Quốc tế Hạnh phúc (20/3), Ngày Gia đình Việt Nam (28/6), Ngày Thế giới xóa bỏ bạo lực đối với phụ nữ và trẻ em gái (25/11). Biểu dương, khen thưởng những tập thể, cá nhân tiêu biểu đã có nhiều đóng góp cho công tác xây dựng gia đình ấm no, hạnh phúc để nhân rộng điển hình; lồng ghép nội dung tuyên truyền về xây dựng đạo đức, lối sống trong gia đình Việt Nam vào hoạt động của phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa”; phong trào xây dựng nông thôn mới ở cơ sở, các tổ chức xã hội, các buổi sinh hoạt cộng đồng khác để tạo sức lan tỏa, tạo được sự đồng thuận về trách nhiệm xây dựng, phát triển gia đình Việt Nam trong tình hình mới./.

Nguyễn Phước Hiền
Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch
Tiến tới đại hội đảng
Dua-nghi-quyet-vao-cuoc-song
Giải phóng miền Nam
Số lần xem các bài viết
37024974